Lái xe số tự động đi đèo sao cho an toàn | anycar.vn
Xe ô tô số tự động mặc định là dễ dàng điều khiển hơn trong khu vực nội thành, đường quốc lộ hay lúc tắt đường kẹt xe, tuy nhiên, trong trường hợp bạn phải di chuyển trên cung đường đường đèo dốc, khúc khuỷ,.. cần lưu ý hơn để đảm bảo lái xe an toàn
Đầu tiên, các bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất trước khi dùng!
Ký hiệu trên cần số xe tự động
Những xe số tự động (AT) của các hãng, ngoài vị trí của cần số được bố trí gần như giống nhau (P, R, N, D), còn có các số “tay”có thể là (3), (2), (1) hoặc (D3), (D2), (L), hoặc(L2),(L) hoặc (M+/-) tùy vào thiết kế các dòng xe khác nhau. Với xe thiết kế M+/- thì có thể chọn số trong toàn dải số (dành cho người lái xe AT, nhưng vẫn muốn có cảm giác vào số như số sàn), thay vì loại MT chỉ chọn các số thấp (1, 2, 3).
Các số tay này chỉ để dành cho chạy đường đèo dốc hoặc gặp các đoạn đường gập ghềnh, đường xấu. Lời khuyên là, dù vào một ngày thời tiết đẹp và mật độ giao thông thông thoáng, thì cũng không nên chạy quá tốc độ 50 km/h
- P (Park): Chế độ này chỉ sử dụng khi dừng, đỗ, đậu xe thôi nhé
- R (Reverse): Số này dùng để cho xe chạy lùi, lùi đậu xe.
- N (Neutral): Đây là số mo (Số 0) dùng để ngắt hoàn toàn truyền động hộp số. Khi xe bạn cần được xe cứu trợ kéo đi thì nên dùng số này nhé.
- D (Drive): Chế độ này để xe tiến về phía trước.
- M (Manual): Đây là chế độ số tay trực tiếp, dùng để cộng trừ, tăng giảm cấp số khi bạn muốn vượt xe khác hay lên xuống dốc.
- S (Sport): Khi chuyển về chế độ này xe bạn sẽ tự động kích hoạt cơ chế lái thể thao
- +/- hay lẫy số +/- trên vô lăng: dùng để tăng giảm cấp số
- D1, D2, D3 (còn được hiểu là số tiến 1,2,3): bạn có thể tùy chỉnh số tay theo các cấp số 1,2,3
- L, L1, L2 (Low): Tương tự cho số 1 và 2 ở xe số sàn
Khi lên đèo leo dốc
Khi chuẩn bị leo dốc, bạn cứ hãy để nguyên số D như khi chạy trên mặt đường phẳng. Với xe số tự động thì hệ thống sẽ tự sang số phù hợp dựa theo tính toán của ECU (Electronic Central Unit) với vị trí của bướm ga và tốc độ của xe.
Công việc bây giờ của bạn là chuẩn bị cho quá trình xuống dốc. Tuy nhiên đối với những dốc có độ nghiêng quá lớn, bạn có thể về số tay để xe leo dốc khỏe hơn.
Khi đổ đèo xuống dốc
Đối với những chiếc xe sử dụng hộp số tự động hoặc hộp số vô cấp (CVT), việc leo dốc là tương đối dễ dàng với các tài xế vì họ chỉ cần phối hợp giữa chân ga và chân phanh thay. Tuy nhiên mọi chuyện lại rất khác sau khi xe đã leo lên đỉnh và bắt đầu đi xuống.
Tác hại khi lái xe số tự động xuống dốc không đúng
Khi xuống dốc, xe sẽ chuyển động theo quán tính, lực này tỷ lệ thuận với trọng lượng và tốc độ của chiếc xe. Nếu xuống dốc bằng số cao thì quán tính của xe lớn, để kiểm soát tốc độ chúng ta sẽ phải rà phanh, và càng phanh nhiều thì ma sát sẽ làm má phanh bị nóng.
Nhiệt độ cao sẽ làm tăng khả năng má phanh bị mòn hoặc cháy, qua đó khiến hệ thống phanh mất tác dụng tạm thời. Điều này là cực kỳ nguy hiểm và nếu may mắn không xảy ra tai nạn thì cũng làm giảm tuổi thọ của má phanh. Vì vậy khi xuống dốc, bạn nên hạn chế tối đa việc dùng phanh, chỉ phanh khi thật sự cần thiết.
Nhưng làm sao để vừa phanh ít mà lại và kiểm soát được tốc độ khi xuống dốc?
Lái xe số tự động xuống dốc an toàn
Cách lái xe đảm bảo an toàn khi đi đường đèo dốc là : không nên thay đổi tốc độ đột ngột quá lớn, không nên phanh gấp trừ trường hợp khẩn cấp bắt buộc phải dừng xe. Nếu vào cua mà nghe tiếng bánh xe rít trên mặt đường là bạn đã đi quá tốc độ an toàn. Các bạn nhớ bóp còi cảnh báo trước và trong khi ôm cua nếu góc cua làm khuất tầm nhìn.
Khi bắt đầu xuống dốc, bạn tuyệt đối k để cần số ở vị trí D nữa bởi xe sẽ không có độ hãm, theo quán tính sẽ lao xuống dốc, lúc này bạn buộc phải rà phanh liên tục nên dẫn đến tình trạng mòn phanh hoặc cháy phanh. Do đó trước khi đổ đèo hãy kéo cần số về vị trí D3 hoặc L2 hay là M- (giống như xe số sàn).
Khi đi đường đèo xe số tự động để xuống dốc an toàn nhất hãy luôn để chân ở vị trí phanh. Trường hợp khi xuống dốc xe vẫn tăng tốc độ, cảm thấy không an toàn bạn có thể điều chỉnh cần số về D2, L hay là M- tốc độ xe sẽ giảm về mức an toàn mà vẫn không cần sử dụng đến chân ga.
Việc bạn luôn giữ hờ chân phanh sẽ giúp kịp thời xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra hoặc muốn dừng xe. Ngoại trừ ở những đoạn đường dốc ngắn thì khuyên tài xế nên chuyển về chế độ số tay, dễ hiểu hơn là “khi lên dốc số nào, thì xuống dốc số đó” (cụ thể khi lên dốc thì sang số D, thì xuống dốc thì về số D2, D3).
Tốc độ an toàn ở đây không phải là một con số cụ thể mà là tốc độ khi người lái vẫn làm chủ được chiếc xe, mặc dù phanh ít. Trên thực tế, hãy xuống dốc bằng ga và đảm bảo xe không lao theo quán tính.
Chú ý trên các đoạn đường đèo vì tầm nhìn kém, bạn phải tuân thủ an toàn giao thông, tuyệt đối không được vượt ẩu (cho dù phải bò sau xe tải, thì bạn vẫn phải kiên nhẫn theo mà không được liều lĩnh vượt ở các đoạn không cho phép, hay không thể quan sát).
Trên các cung đường gập ghềnh, xấu cũng vậy, được đoạn nọ thì mất đoạn kia, liên tục xen lẫn nhau, thay vì cứ để D thì xe sẽ tự động chuyển số liên tục tùy vào đoạn xấu tốt mà bạn đạp ga, làm cho hộp số nóng hơn, cũng không thể đi nhanh hơn, thì bạn chuyển về số tay D3/D2 hay M-. Lúc này xe chỉ chạy ở một số cố định phù hợp với tốc độ ước lượng của bạn trên đoạn đường đó.
Những lưu ý khi lái xe số tự động đường đèo
Làm chủ tốc độ
Mấu chốt giúp bạn lái xe số tự động đường đèo an toàn là tìm ra một điểm trung hòa giữa 2 thái cực, khi mà bạn phải dùng phanh vừa phải và động cơ cũng không quá gằn. Việc chọn số phù hợp với từng con dốc sẽ giúp chúng ta làm chủ tốc độ, lái xe an toàn và có thể dừng hẳn xe khi cần thiết.
Luôn giữ kiên nhẫn
Thêm một điều quan trọng đó là lòng kiên nhẫn. Việc di chuyển trên các đoạn đường đèo không chỉ ẩn chứa nhiều nguy hiểm vì địa hình lên xuống, mà còn vì tầm nhìn của tài xế bị hạn chế. Tuyệt đối không được vượt ẩu vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến an toàn của bản thân và người khác. Độ dốc của đường đèo sẽ hạn chế sức mạnh của động cơ, vì vậy sẽ cần nhiều thời gian để vượt hơn so với khi đi trên đường bằng.
Tập trung cao độ
Thêm vào đó, việc lái xe số tự động đường đèo cần sự tập trung cao độ, việc thân xe chao đảo liên tục có thể khiến cho bạn bị căng thẳng. Nếu cảm thấy mệt mỏi, đừng ngại tìm chỗ nghỉ chân để thư giãn và phục hồi thể lực.