Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp 14% là rất thấp, chưa tương xứng với những rủi ro

Giai đoạn 2020-2022, trái phiếu công ty bất động sản duy trì mức lãi suất cao nhất trong các nhóm ngành tham gia phát hành. Thị trường xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng nhà đầu tư cá nhân tham lãi suất cao nên mua những trái phiếu rủi ro.

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam tăng mạnh từ 4,93% GDP trong năm 2017 lên 16,6% GDP vào năm 2021, chủ yếu là sân chơi của ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán và công ty bất động sản.

Nhóm bất động sản liên tục huy động nguồn vốn lớn và duy trì lãi suất trái phiếu bình quân cao nhất thị trường. Năm 2021, trong khi lãi suất trái phiếu bình quân năm giảm ở tất cả các nhóm ngành thì lãi suất trái phiếu bất động sản vẫn ở mức cao, thậm chí một số doanh nghiệp chấp nhận mức lãi suất 12-13% mỗi năm.

Theo Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, ở các quốc gia phát triển trên thế giới, tổ chức phát hành là những công ty niêm yết, được xếp hạng tín nhiệm AAA bởi các tổ chức như Standard & Poor’s (S&P), Moody’s, Fitch Ratings,… và lãi suất phát hành dao động giữa  ngưỡng lãi suất huy động và lãi suất cho vay của ngân hàng.

Chuyên gia đánh giá lãi suất TPDN Việt Nam giai đoạn 2019-2020 ở mức hợp lý 8,5%, đảm bảo nằm giữa ngưỡng lãi suất cho vay (9-10%) và lãi suất huy động (6%). Đến giai đoạn 2020-2022, thị trường xuất hiện nhiều công ty phát hành TPDN riêng lẻ có lãi suất cao, vượt qua lãi suất cho vay của ngân hàng, bắt đầu đi vào khung trái phiếu có rủi ro và rủi ro cao.  

 TS. Đinh Thế Hiển. (Nguồn: BTC).

Sau khi một số doanh nghiệp bị khởi tố, điều tra về hoạt động phát hành TPDN trong thời gian gần đây, thị trường có nhiều thông tin cho rằng nhà đầu tư cá nhân (trái chủ) tham lãi suất cao (khoảng 14%) nên mới mua những trái phiếu có rủi ro. 

Tuy nhiên, TS. Đinh Thế Hiển đánh giá 14% là mức lãi suất rất thấp, chưa tương xứng với những rủi ro. Theo chuyên gia, kể từ năm 2019, các công ty tài chính đã cho vay tiêu dùng tín chấp (mua xe, mua điện thoại,…) với lãi suất 24%/năm.

Đối với hình thức vay thế chấp, nhiều doanh nghiệp bất động sản vốn lớn và trung bình đi vay với lãi suất 3%/tháng, tương ứng 18%/6 tháng và 36%/năm. Chuyên gia cũng lưu ý, những trường hợp này không phải tín dụng đen, các bên tham gia thực hiện theo hợp đồng thuận mua, vừa bán.

Hay như cách đây hai tháng, công ty dịch vụ lữ hành du lịch lớn nhất thế giới phát hành trái phiếu với lãi suất 11% bằng USD (tương đương 18-20% bằng VND), tài sản bảo đảm là du thuyền trị giá 8 tỷ USD. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, doanh thu giảm nên công ty này cần nguồn vốn 2 tỷ USD.

“TPDN phát hành giai đoạn 2020-2022 chủ yếu là trái phiếu công ty bất động sản, trong đó chiếm 80% là doanh nghiệp chưa niêm yết. Phần lớn các TPDN này là tín phiếu hoặc nếu có thì chất lượng tài sản đảm bảo không cao (cổ phiếu, quyền phát triển dự án,…). Như vậy, lãi suất TPDN 14%/năm là rất thấp. Lãi suất này phải là 25%/năm mới chấp nhận được cuộc chơi high risk – high return”, TS. Đinh Thế Hiển phân tích. 

Mặt khác, theo chuyên gia, nhà đầu tư cá nhân chấp nhận mua TPDN với lãi suất 14%/năm trong thời gian qua bởi họ không không nghĩ rằng mình mua trái phiếu có rủi ro mà nó là trái phiếu an toàn, có sự bảo đảm của ngân hàng, định chế tài chính.

“Nhà đầu tư cá nhân mua TPDN với mong muốn tìm kiếm mức lãi suất hợp lý hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng. Họ hình dung trái phiếu này giống như một hình thức tiết kiệm và có lãi suất cao hơn”, ông Hiển nói.

Cũng theo TS. Định Thế Hiển, Việt Nam đã mất 5 năm (1996-2000) để thị trường cổ phiếu đi vào hoạt động như hiện nay, trải qua rất nhiều nghiên cứu và có sự tham gia của nhiều tổ chức. Đến thời điểm chính thức hoạt động vào năm 2000, cả một hệ thống hướng dẫn, tư vấn, đào tạo đầu tư cho mọi người và mất vài năm sau đó để thị trường làm quen.

“Thị trường trái phiếu không thua kém thị trường cổ phiếu bởi có nhà đầu tư cá nhân tham gia ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Khôi lượng giao dịch cổ phiếu và trái phiếu trên sàn chứng khoán tương đương nhau và kênh đầu tư nào cũng đòi hỏi lượng kiến thức rất lớn từ nhà đầu tư.

Do đó, để thị trường trái phiếu đi vào cuộc sống, trở thành kênh huy động vốn lành mạnh và phát triển cần rất nhiều nỗ lực trong giai đoạn chuẩn bị chứ không chỉ có những nghị định thành lập pháp lý. Và chúng ta cần thời gian để làm điều này”, chuyên gia kết luận.