Lạc trưng – món gia truyền của ngoại
Chẳng biết từ khi nào món lạc trưng đã ăn sâu vào ký ức tuổi thơ tôi, và cho đến tận bây giờ nó vẫn là món ăn mà chúng tôi khoái nhất. Mẹ thì chỉ giải thích rằng vì đó là món gia truyền của ngoại.
ADVERTISEMENT
Lạc trưng đi vào tuổi thơ tôi – Ảnh P.Thảo
Tôi nhớ ngày nhỏ ở quê, mẹ tự tay trồng một giàn lá mơ sau nhà. Giàn lá lúc nào cũng mơn mởn, tím óng ả. Mỗi lần mẹ làm món lạc trưng là mỗi lần tôi có nhiệm vụ bắc ghế để hái lá mơ. Và một thứ không thể thiếu để ăn kèm với món này là đu đủ xanh, nhưng việc đi hái đu đủ xanh luôn luôn là bố tôi.
Mỗi lần làm món lạc trưng, vì thế dường như cả nhà đều đóng góp một chút công sức. Tuy nhiên để món lạc trưng được thành công thì công sức của mẹ vẫn là quan trọng nhất.
Đã 5 năm trôi qua kể từ khi tôi xa nhà. Mỗi lần về nhà được thưởng thức món lạc trưng giản dị của mẹ một cách ngon lành tôi lại cảm thấy hạnh phúc. Với tôi, món lạc trưng không chỉ thể hiện sự khéo léo của mẹ mà còn là cả một khung trời kỷ niệm.
Mẹ bảo món lạc trưng của gia đình được truyền qua 3 đời và ông ngoại tôi đã truyền món này cho những người con gái của ngoại, trong đó có mẹ. Hồi đó khi ngoại còn sống, nhà đông anh em, nhưng ai cũng đã từng làm cái món lạc trưng này, lần nào mẹ làm cũng được ông khen là khéo và vừa miệng nhất.
Công việc đầu tiên là chọn ra những nhân lạc mẩy và không bị hỏng. Nhà có bốn người nên mẹ chọn ra hai bát con lạc rồi mang rửa sạch để ráo nước. Tiếp theo mẹ đổ lạc vào cối để giã nhuyễn. Mẹ thường nhắc nếu không để ráo nước khi giã lạc sẽ b.ắn vào người. Những tiếng chày của mẹ tạo không khí rộn rã và đầm ấm cho cả nhà trong lúc bố tỉ mỉ ngồi thái những lát đu đủ xanh thật mỏng để ăn kèm lạc trưng.
ADVERTISEMENT
Thỉnh thoảng, sực nhớ ra đã quên, mẹ lại bảo tôi sang nhà hàng xóm xin mấy nắm đinh lăng, một thứ rau gia vị cũng không thể thiếu cho món ăn này.
Lạc giã xong sẽ cho vào nồi thêm chút nước, mắm tôm, mì chính rồi đem ninh nhừ. Lúc ấy mẹ thường dặn tôi ngồi trông, vì lạc hay bị sủi và tràn ra ngoài. Nồi lạc mới sôi thôi mà dậy mùi thơm ngậy của lạc lẫn mắm tôm. Khi lạc đã chín nhừ, lấy đũa đảo thấy lạc quyện vào nhau sóng sánh như tương là món lạc trưng đã hoàn thành.
Các loại rau gia vị cũng đã sẵn sàng. Rổ rau của bố đủ các loại, lá mơ, lá đu đủ xanh, đinh lăng, rau húng và những lát đu đủ được bố thái khéo léo, vừa mỏng vừa nhỏ xinh. Quả là món lạc trưng của mẹ ăn không thể ngon nếu thiếu đi cái rổ rau gia vị kia của bố.
Lá mơ và đu đủ xanh – hai gia vị không thể thiếu của món lạc trưng – Ảnh: P.Thảo
Khi ăn, xúc từng thìa lạc trưng cho vào lá mơ, thêm lát đu đủ và chút ít lá đinh lăng và lá đu đủ gói lại, ăn như gỏi. Bao năm xa nhà nhưng cảm giác ăn món lạc trưng của tôi lần nào cũng như lần đầu. Cái vị ngậy của lạc, đăng đắng của lá đu đủ, hăng hăng của lá đinh lăng, giòn tan của đu đủ xanh ấy lúc nào cũng làm cả nhà tôi mê mẩn.
ADVERTISEMENT
Bố tôi thường vừa ăn vừa tấm tắc khen, kể hồi xưa ông cũng bị mẹ tôi làm cho mê mẩn vì cái món lạc trưng này và cho đến tận bây giờ cũng không thể quên lần đầu được thưởng thức món lạc trưng do chính tay mẹ làm ở nhà ngoại.
Tôi hiểu, đôi khi những thứ tưởng như là bình dị nhất lại trở nên quá đỗi thiêng liêng.
Theo TTO
Món ăn dân dã “lợi cơm” Nếu có dịp về thăm miền Trung “đất cày lên sỏi đá”, bạn sẽ được thưởng thức món dưa mắm, một món ăn rất phổ biến ở xứ này. Dưa mắm có thể làm món mặn để “rước” cơm, cũng có thể coi như một loại rau gia vị, làm gỏi, nấu canh hay xào đều rất ngon và có hương vị đậm…