Kỹ sư tin học mong muốn lan tỏa mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Thứ Năm 31/03/2022 , 15:34 (GMT+7)

QUẢNG NINH Sau 2 năm nuôi tôm bằng công nghệ Biofloc, anh kỹ sư tin học Vũ Đình Quyến (Quảng Ninh) đã gặt hái thành công và hướng đến liên kết nuôi với các hộ xung quanh.

Ngoài nguồn tài nguyên than đá phong phú, Quảng Ninh còn có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản khi sở hữu nhiều diện tích đất, mặt nước, có hệ sinh thái đặc trưng cùng các yếu tố môi trường thuận lợi. 

Nuôi thâm canh đã trở nên phổ biến đối với tôm thẻ chân trắng ở nhiều nước trên thế giới và nhiều mô hình nuôi tôm cũng đã và đang được phát triển từ mô hình đơn giản đến công nghệ cao. Qua đó, người chăn nuôi cần thúc đẩy giao lưu, chia sẻ, giới thiệu một số kết quả công nghệ, giải pháp kỹ thuật, quản lý tốt giúp hệ sinh thái ngành tôm khỏe mạnh, thích ứng tốt hơn với các rủi ro, thách thức đến từ biến đổi khí hậu, thị trường, dịch bệnh, đạt được tiêu chuẩn quy định xuất khẩu.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao rộng 2,5ha của anh Vũ Đình Quyến (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao rộng 2,5ha của anh Vũ Đình Quyến (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành

Anh Vũ Đình Quyến, Giám đốc Công ty điện tử tin học viễn thông Quảng Ninh, kiêm Hội trưởng Chi hội doanh nghiệp phường Mông Dương, là người tiên phong nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn bằng công nghệ Biofloc tại TP Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh). 

“Với vai trò là hội trưởng chi hội doanh nghiệp muốn làm một việc gì đó cho anh em học theo, qua tìm hiểu, tôi đã biết được nghề nuôi tôm là nghề đem lại kinh tế cao và có thể làm giàu được. Tôi đã mạnh dạn đầu tư vào nghề này và sẵn sàng làm “chuột bạch” cho anh em. Nếu thành công thì tôi sẽ nhân rộng và hướng dẫn cho mọi người cùng làm”, anh Quyến chia sẻ. 

“Trang trại nuôi tôm của tôi đã được các nhà khoa học và anh em kỹ sư về thủy sản đánh giá rất cao. Tôi cũng tin tưởng vào sự sáng tạo dám nghĩ, dám làm của mình sẽ thành công”, anh Quyến vui vẻ nói.

Mô hình đi vào hoạt động năm 2020, đến nay, sau 2 năm thực hiện, anh Quyến đã nhận thấy những điểm ưu việt của công nghệ Biofloc. Thứ nhất là ít phải thay nước, thức ăn cho tôm được xử lý triệt để, tôm phát triển nhanh hơn khi nuôi theo phương thức truyền thống. Thứ hai là việc không dùng hóa chất giúp tôm không có dư lượng thuốc kháng sinh, chất lượng tôm nâng cao.

Anh Quyến cho biết, tất cả ao nuôi trong trang trại được anh sử dụng là ao tròn, có căng bạt che mưa nắng. Ưu điểm của ao tròn là tạo được dòng chảy đều, ít phải bật quạt và chỉ cần lắp 1 quạt là đủ. 

Hệ thống ao nuôi là loại ao tròn, được căng bạt che mưa nắng. Ảnh: Nguyễn Thành

Hệ thống ao nuôi là loại ao tròn, được căng bạt che mưa nắng. Ảnh: Nguyễn Thành

Ngoài ra, ao tròn giúp người nuôi tiết kiệm được điện năng, gom phân và chất thải về rốn xi-phông hiệu quả. Thành ao đứng nên không có vùng nước nông tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, làm giảm tỉ lệ xuất hiện tảo trong môi trường nước. Hiện tại, diện tích nuôi tôm ở trang trại của anh Quyến là 2,5ha, bao gồm 8 ao nuôi và 2 ao trữ nước đã được xử lý, làm sạch. 

Anh Quyến chia sẻ, vụ đông vừa rồi tôm được giá. Đầm nuôi tôm của anh là một trong những địa điểm hiếm hoi có tôm bán. Các thương lái vào tận nơi thu mua tôm loại 60 con/kg với giá 185.000 đồng/kg, loại 40-50 con/kg có giá hơn 200.000 đồng/kg. 

“Tôi mong muốn sẽ kết nối được với chuỗi hệ thống nhà hàng, khách sạn, siêu thị lớn để có thể đảm bảo đầu ra và nâng cao giá trị tôm. Với công nghệ Biofloc, tôm không còn dư lượng kháng sinh, đảm bảo chất lượng, an toàn với người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu nước ngoài”, anh Quyến cho biết.

Ông Nguyễn Bá Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Từ tư duy công nghệ, anh Quyến đã cải tiến từ sục khí đến lưu tốc dòng chảy rất sáng tạo và phù hợp, giúp tiết kiệm thức ăn và tiền điện khoảng 30% so với các mô hình khác, mang lại hiệu quả cao, mô hình của anh Quyến sẽ giúp bà con nuôi tôm có thể học tập theo để phát triển và mang lại thu nhập cao, tránh rủi ro khi nuôi theo phương pháp cũ”.

“Công nghệ Biofloc có đặc điểm là dùng men vi sinh kết hợp với các vi sinh vật dị dường, vi sinh vật có lợi trong nước tạo thành thức ăn cho tôm, giúp bà con giảm chi phí thức ăn. Trước đây, khi không áp dụng công nghệ cao, 1kg tôm cần 1,3kg thức ăn, nhưng có công nghệ Biofloc, 1kg tôm chỉ tốn 1kg thức ăn. Đồng thời, công nghệ Biofloc giúp môi trường nước được sạch hơn, tôm ít bị dịch bệnh hơn”, ông Lâm nhấn mạnh.

Được biết, Quảng Ninh đã tận dụng, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản với đa dạng các đối tượng nuôi và đa dạng hình thức nuôi. Một trong số đó là tập trung vào các đối tượng nuôi đặc thù là tôm nước lợ, bao gồm tôm thẻ chân trắng và tôm sú, tập trung chủ yếu tại các địa phương như Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Hoành Bồ. 

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh cũng cho biết, nuôi tôm công nghệ Biofloc đã phát triển mạnh ở miền Trung, đặc biệt là ở Khánh Hòa và ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ khoảng 3 năm trở lại đây. Việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất như nuôi tôm chân trắng hai giai đoạn là mô hình đầu tư khép kín đã sớm được ngành nông nghiệp địa phương định hướng, áp dụng. Từ đó, nâng cao tỷ lệ tôm sống, tạo điều kiện tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi.

Thời gian tới, anh Quyến cho biết sẽ liên kết với các hộ nuôi tôm quảng canh ở xung quanh, kết nối thành lập HTX nuôi tôm công nghệ cao, cho giá trị kinh tế cũng như đảm bảo môi trường xung quanh. “Tôi luôn mong muốn được lan tỏa mô hình nuôi tôm của mình đến với mọi người. Dựa trên những kinh nghiệm mà tôi có được trong 2 năm qua, tôi tin nếu được lan tỏa, mô hình sẽ cho mang lại thu nhập tốt cho bà con”, anh Quyến chia sẻ. 

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của anh Quyến cho năng suất trung bình cho đạt từ 10-12 tấn/ha/vụ, thậm chí có thể đạt tới 15-20 tấn/ha/vụ. Đặc biệt, anh đã thành công với tôm vụ đông, khắc phục được khoảng thời gian “trống”, giúp tăng thêm thu nhập.