Kỹ năng viết CV xin việc ấn tượng | TRUNG TÂM HỖ TRỢ SINH VIÊN
I. KỸ NĂNG PHỎNG VẤN XIN VIỆC
1. Mục tiêu:
– Hiểu được những yêu cầu cơ bản của nhà tuyển dụng đối với ứng viên;
– Biết cách phát huy những ưu thế của bản thân trong cuộc phỏng vấn;
– Rèn luyện khả năng thuyết phục nhà tuyển dụng;
– Rèn luyện kĩ năng viết cv hiệu quả
2. Tạo ấn tượng trước nhà tuyển dụng.
Thông thường một cuộc phỏng vấn mà nhà tuyển dụng tiến hành để tuyển chọn nhân viên kéo dài 20-30 phút. Đây là thời gian để nhà tuyển dụng tiếp xúc trực tiếp, quan sát hình dáng, tướng mạo, phong cách của ứng viên. Nhà tuyển dụng cũng sẽ đặt ra những câu hỏi để tìm hiểu năng lực chuyên môn, khả năng giao tiếp cũng như tính cách của ứng viên để tìm ra người phù hợp có thể đáp ứng những yêu cầu của họ. Vì vậy, để tạo ấn tượng tốt đẹp với nhà tuyển dụng, mỗi ứng viên cần chuẩn bị thật kĩ lưỡng để được chọn vào vị trí mà mình mong muốn.
Để tạo ấn tượng đối với nhà tuyển dụng, các ứng viên cần chú ý đến khâu chuẩn bị như sau:
– Tìm hiểu thông tin về công ty
+ Đọc kỹ thông tin tuyển dụng;
+ Tìm hiểu lịch sử, quy mô, lĩnh vực hoạt động của công ty;
+ Đọc kĩ yêu cầu mà nhà tuyển dụng đặt ra cho vị trí tuyển dụng.
– Xác định năng lực của bản thân
+ Xác định mức độ phù hợp của bản thân (trình độ/chuyên môn) với vị trí tuyển dụng;
+ Xác định mức độ tâm huyết với công việc;
+ Xác định khả năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm, khả năng làm việc độc lập, tính năng động sáng tạo, khả năng lãnh đạo.
– Nhận diện những thành tích và kinh nghiệm của bản thân
+ Quá trình và kết quả học tập/các bằng cấp, chứng chỉ đã có;
+ Những thành tích nổi bật trong học tập;
+ Những thành tích trong công tác xã hội, công tác sinh viên;
+ Kinh nghiệm làm việc (kể cả công việc bán thời gian và thực tập)
II. KỸ NĂNG VIẾT CV: CURRICULUM VITAE
Bản lý lịch là một căn cứ quan trọng để nhà tuyển dụng quyết định có phỏng vấn bạn hay không. Nhìn vào một bản lý lịch, người ta có thể đánh giá được năng lực, trình độ thậm chí tính cách của ứng viên. Bởi vì người cẩn thận, nghiêm túc hay cẩu thả, dễ dãi cũng có thể nhận biết được qua cách mà họ trình bày bản lí lịch của mình.
Do vậy để tạo được ấn tượng tốt đẹp ngay từ phút ban đầu với nhà tuyển dụng, bạn cần phải đầu tư công sức để viết bản lí lịch một cách chỉn chu. Có nhiều bí quyết viết lí lịch mà bạn có thể tham khảo để đạt được mục đích của mình.
1. Những điều cần lưu ý khi viết CV
– Đừng bao giờ viết một bản lí lịch một cách vội vã. Bạn cần phải tĩnh tâm suy nghĩ cẩn thận và nghiêm túc trước khi đặt bút viết CV của mình.
Nên giữ thái độ trung thực khi viết CV. Bạn hãy chỉ khai vào CV những bằng cấp, chứng chỉ, kinh nghiệm mà mình thực sự có. Vì hãy nhớ rằng trong thời đại thông tin hiện nay, nhà tuyển dụng có thể dễ dàng tìm kiếm ra mọi thông tin về bạn.
– Bạn nên xác định trước mục tiêu nghề nghiệp của mình (mục đích mà mình muốn đạt tới trong sự nghiệp), và nếu có thể, hãy viết chúng ra một cách thật cụ thể. Nhà tuyển dụng cũng rất thích các ứng viên có tư duy mạch lạc và mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng.
– Khi nói về kinh nghiệm làm việc trước đây, bạn chỉ nên trình bày thật vắn tắt. Tuyệt đối tránh chỉ trích những cơ quan cũ trong bản lí lịch của bạn,
– Trong trường hợp bạn là người đã trải qua nhiều công việc vụn vặt, khi viết CV, bạn có thể lược bớt những kinh nghiệm không liên quan đến công việc mà bạn đang tìm kiếm.
– Trong trường hợp bạn mới ra trường, chưa thực sự trải qua công việc chính thức nào, bạn đừng băn khoăn, e ngại. Hãy tự tin vì các nhà tuyển dụng cũng rất cần sự trung thực, nhiệt tình, ham học hỏi.
– Bạn nên chú ý đến hình thức của bản lí lịch bởi nó là cơ sở để tạo dựng ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng. Một bản lí lịch mắc nhiều lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật là điều khó có thể chấp nhận vì nó cho thấy chủ nhân của bản CV này không phải là người cẩn thận, nghiêm túc hoặc không thực sự chú tâm đến tìm kiếm việc làm. Vì vậy khi viết CV, bạn nên sử dụng phông chữ đơn giản, cỡ chữ chuẩn, lề thẳng và cân đối, tránh lỗi chính tả, lỗi kỹ thuật… để tạo thiện cảm ban đầu với nhà tuyển dụng.
– Khi gửi CV đến cơ quan tuyển dụng qua bưu điện hoặc thư điện tử, bạn phải tìm hiểu kỹ để có chính xác tên và địa chỉ người nhận hồ sơ, cũng như vị trí, chức danh của họ. Nên liên lạc qua điện thoại để khẳng định chắc chắn hồ sơ của bạn đã đến đúng địa chỉ cần gửi.
– Bạn cần đảm bảo mọi chi tiết được lưu ý trong bản lý lịch có thể được xác nhận chính xác. Bản lý lịch của bạn nên được suy tính kĩ, chính xác, chuyên nghiệp và có thể được coi trọng. Đó không phải là cái mà bạn muốn gây ấn tượng đầu tiên sao?
2. Hướng dẫn trình bày CV
Khi viết CV cần có những thông tin như:
– Thông tin cá nhân:
+ Điền đầy đủ thông tin
+ Email: sử dụng địa chỉ email trung tính
+ Ảnh đính kèm (bắt buộc)
– Quá trình đào tạo và thành tích cá nhân:
+ Chỉ cần cung cấp thông tin về quá trình học đại học, trên đại học và những lĩnh vực liên quan nếu có
+ Thành tích cá nhân: nêu những thành tích nổi bật đáng chú ý nhất và ghi rõ đã đạt được những thành tích nào ở đâu và thời gian nào?
– Kinh nghiệm làm việc:
+ Nêu kinh nghiệm làm việc theo trình tự thời gian ngược:
Ví dụ: 2007-2009; 2009-nay
+ Ghi rõ vị trí công tác và đơn vị công tác
+ Mô tả những công việc cụ thể tại vị trí đã làm
+ Kinh nghiệm làm việc bao gồm cả quá trình làm bán thời gian nếu có
+ Có thể kết hợp phần hoạt động xã hội, đoàn thể vào phần này. Chú ý: ghi rõ thời gian sinh hoạt ngắn gọn, súc tích. Nên lựa chọn những hoạt động có tính chất tiêu biểu, tránh đi sâu vào hoạt động ngoại khóa đặc biệt là đối với sinh viên khi kinh nghiệm làm việc thực tế không nhiều.
+Chỉ nên nêu những kinh nghiệm phù hợp với vị trí ứng tuyển, yêu cầu công việc.
– Kỹ năng
+ Nêu những kỹ năng mình có và liên quan đến yêu cầu tuyển dụng
+ Nếu có những chuẩn mực đánh giá (chứng chỉ, chứng nhận… ) sẽ được đánh giá cao hơn.
– Sở thích và xu hướng cá nhân
+ Nêu một vài sở thích của bản thân có lợi với vị trí ứng tuyển
+ Xu hướng bản thân: nêu định hướng trong nghề nghiệp
– Thông tin tham khảo
+ Là thông tin về người có thể xác nhận những thông tin trong CV
+ Nên nêu rõ nguồn thông tin liên quan đến kinh nghiệm làm việc và hoạt động ngoại khóa (không nhất thiết phải nêu)
3. Mẫu tham khảo CV cơ bản nhất
Các bạn có thể tham khảo các mẫu cv theo ngành nghề qua trang https://www.topcv.vn/mau-cv