Kỹ năng tranh biện là gì và các kỹ năng tranh biện cần có
Kỹ năng tranh biện (debate skills) là một kỹ trong những kỹ năng quan trọng trong đời sống và trong học tập, làm việc. Người có kỹ năng tranh biện tốt có thể cải thiện các kỹ năng khác cùng một lúc như tư duy logic và phản biện, kỹ năng thuyết trình và đàm phán, kỹ năng làm việc nhóm, hay kỹ năng giải quyết vấn đề,… Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tổng quan về kỹ năng tranh biện và cách đưa ra lập luận căn bản dành cho người mới bắt đầu.
Nội Dung Chính
Kỹ năng tranh biện là gì? (What is debating?)
Định nghĩa
Theo như American Debate League, kỹ năng tranh biện là một hệ thống lập luận hoặc một cuộc đua ý tưởng giữa những người tham dự về một chủ đề, vấn đề hoặc chính sách bất kỳ. Người tham dự được chia thành 2 phía đối lập: ủng hộ và phản đối (hay tán thành và không tán thành) vấn đề.
Hình thức và nội dung
Kỹ năng tranh biện gần như có thể diễn ra trong mọi hoàn cảnh trong đời sống từ những sự kiện chính quy (như các cuộc tranh luận chính trị hay các cuộc thi tranh luận mang tính giáo dục cho học sinh) đến những sự kiện đời thường (như các cuộc bàn luận cùng gia đình và bạn bè về một vấn đề đời sống). Vì vậy, nội dung tranh biện có thể là bất cứ vấn đề hay chính sách nào đang cần giải quyết hoặc cần sự quan tâm của dư luận.
Mục đích của kỹ năng tranh biện
Cũng theo như American Debate League, mục đích chính của tranh biện là thuyết phục phía đối lập rằng ý tưởng của mình đúng. Cuộc tranh biện sẽ kết thúc khi và chỉ khi cả 2 phía cùng đồng ý với một phương án và đi đến kết luận cho một vấn đề hay khi lập luận của một phía thuyết thục hơn phía còn lại. Bên cạnh đó, kỹ năng tranh biện cũng giúp người tham gia khám phá sâu những khía cạnh kiến thức liên quan đến chủ đề tranh luận và tìm ra giải pháp cho một số vấn đề.
Vì sao cần có có kỹ năng tranh biện tốt?
Đối với học sinh, sinh viên, người nghiên cứu hay những người đang đi làm nói chung, có kỹ năng tranh biện tốt đồng nghĩa với phát triển tốt tư duy logic và tư duy phản biện (logical and critical thinking). Bởi lẽ, để có thể phản bác ý kiến đối phương một cách thuyết phục, người tranh biện cần nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh khách quan và tự sắp xếp lập luận của mình sao cho logic.
Bên cạnh đó, kỹ năng tranh biện cũng giúp cho người học rèn luyện sự tự tin khi phát biểu trước đám đông (public speaking), sự sáng tạo trong lập luận (creativity), kỹ năng giao tiếp (communication skills), kỹ năng làm việc nhóm (teamwork) và cả kỹ năng lãnh đạo (leadership). Những kỹ năng này đặc biệt quan trọng trong việc phát triển bản thân (personal development) một cách toàn diện.
Đối với cuộc sống nói chung, nếu người học có kỹ năng tranh biện tốt hay nói cách khác là biết cách thuyết phục người đối diện, họ có thể dễ dàng đàm phán và thương lượng (negotiation skills) để đạt được điều mình mong đợi trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thêm vào đó, việc tranh biện đòi hỏi người học cần có hiểu biết rộng về nhiều vấn đề xã hội và xa hơn là nhận thức được trách nhiệm cá nhân đối với việc tìm ra giải pháp cho những vấn đề đó (problem solving skills).
Cấu trúc một cuộc tranh biện (Debate structure)
Luật tranh biện (debate rules)
Chủ đề được chọn để tranh luận có thể là một chính sách, một tuyên bố hoặc một ý tưởng bất kỳ.
Thông thường có 2 đội tham gia tranh luận, mỗi đội gồm 3 thành viên: đội tán thành ý kiến (the Affirmative team) và đội không tán thành (the Negative team). Trong trường hợp các cuộc tranh luận chính trị (như presidential debate), sẽ chỉ có 2 ứng viên tham gia tranh biện.
Các thành viên trong từng đội có một khoảng thời gian nhất định để chứng minh luận điểm của mình. Hai đội thay phiên nhau đưa ra luận điểm và thuyết phục khán giả, đồng thời phản bác lại ý kiến của nhau. Khán giả được theo dõi nhưng không được tham gia vào cuộc tranh biện.
Vai trò của người tranh biện (roles of speakers)
Dưới đây là trình tự của một cuộc tranh luận với một đội gồm 3 thành viên: (affirmative: tán thành, ủng hộ; negative: không tán thành, phản đối)
Vai trò của người tranh biện
Cấu trúc lập luận cơ bản (basic argument structure)
Cấu trúc lập luận cơ bản cho một ý tưởng bao gồm 3 thành phần:
Claim: trình bày rõ ràng một lý do hay luận điểm chính vì sao ủng hộ hoặc phản đối vấn đề được đặt ra (present your argument in a clear statement why you’re in favour of/against the motion).
Evidence: đưa ra luận cứ chứng minh và hỗ trợ luận điểm (claim) trước đó, bao gồm số liệu thống kê, trích dẫn, tài liệu tham khảo, các phép suy luận, v.v (statistics, quotes, references, analogies, v.v)
Impact: giải thích tầm quan trọng của các luận cứ (evidence) trong việc chứng minh luận điểm (claim). (how does the evidence support the claim?)
Cấu trúc lập luận cơ bản
Ví dụ chủ đề tranh biện là: Social media sites are good for the society. Bảng dưới đây sẽ minh hoạ cách một vài ý tưởng được lập luận và phản bác:
Supporting/ Affirmative
Opposing/ Negative
Luận điểm đầu tiên: (Ủng hộ)
Mạng xã hội cập nhật thông tin mới nhanh hơn tất cả các kênh truyền thông khác.
Bằng chứng
Số liệu: 78.5 % nhà báo sử dụng mạng xã hội để kiểm tra tin tức nóng hổi. 59% người dùng Twitter và 31% người dùng Facebook thăm dò tin tức mới trên những kênh mạng xã hội.
Ảnh hưởng:
Phần lớn mọi người trông cậy vào mạng xã hội để biết những tin tức mới cập nhật, điều này khiến mạng xã hội trở thành nguồn thông tin phổ biến nhất.
Luận điểm đầu tiên: (Phản bác)
Mạng xã hội truyền tải nhiều thông tin không đáng tin cậy và sai sự thật.
Bằng chứng
Tham chiếu: Một nghiên cứu đăng trên báo Khoa học tìm ra rằng những lời nói dối lan truyền nhanh gấp 6 lần so với những sự thật trên Twitter, và tin giả thường được đăng lại thường xuyên hơn so với tin thật.
Ảnh hưởng:
Mọi người không chắc đâu là thông tin đáng tin cậy bởi họ liên tục bị ngợp trong tin tức sai sự thật trên mạng xã hội.
Luận điểm thứ hai: (Ủng hộ)
Mạng xã hội cho phép mọi người củng cố các mối quan hệ và kết bạn mới một cách dễ dàng.
Bằng chứng:
Số liệu: 72% thiếu niên kết nối với bạn bè qua mạng xã hội. 81% thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi nói rằng mạng xã hội giúp họ cảm thấy có sự liên kết hơn với mọi người, và 68% cho rằng sử dụng mạng xã hội làm họ thấy được ủng hộ trong những lúc khó khăn.
Ảnh hưởng:
Người trẻ tuổi đặc biệt nhận thức được tầm quan trọng của mạng xã hội trong việc xây dựng và duy các mối quan hệ.
Luận điểm thứ hai: (Phản bác)
Mạng xã hội dẫn đến căng thẳng và những vấn đề trong mối quan hệ ở cuộc sống ngoài đời.
Bằng chứng:
Tham chiếu: Một nghiên cứu cho thấy người có càng nhiều bạn bè trên Facebook thì người đó càng cảm thấy căng thẳng khi sử dụng mạng xã hội này. Bên cạnh đó, những nhà nghiên cứu tìm ra rằng việc sử dụng Twitter thường xuyên dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong các các mối quan hệ tình cảm như sự không chung thuỷ, chia tay, và ly hôn.
Impact:
Về việc hình thành các mối quan hệ qua mạng xã hội, những mặt hạn chế dường như lớn hơn những mặt tích cực.
Tổng kết
Như vậy, kỹ năng tranh biện là một kỹ năng cần thiết và quan trọng đối với tất cả mọi người. Trong bài viết này, tác giả đã giới thiệu cấu trúc một bài tranh biện, vai trò của người tranh biện trong từng phần tranh biện và cấu trúc lập luận cơ bản. Ở bài viết tiếp theo tác giả sẽ đề cập đến các kỹ năng tranh biện và phương pháp để ứng dụng các kỹ năng này hiệu quả.
Đọc thêm: Kỹ năng phản biện – Giải pháp cải thiện hiệu quả teamwork cho sinh viên – Phần 1
Nguyễn Phương Thanh