Kỹ năng thực hành dược lâm sàng – Bộ y tế 2019

1. Kỹ năng thực hành dược lâm sàng

  • Hoạt động của DSLS bao gồm sử dụng thuốc trong điều trị cho cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú đã được chẩn đoán bệnh và có liệu pháp điều trị. Hoạt động này không chỉ bắt đầu từ khi phân phối thuốc đến người bệnh mà phải ngay từ khâu lựa chọn thuốc cho kê đơn; hướng dẫn nhân viên y tế, người bệnh những vấn đề liên quan đến thuốc, theo dõi hiệu quả, độ an toàn, phát hiện nguyên nhân thất bại điều trị liên quan đến sử dụng thuốc (nếu có như: không tuân thủ điều trị, tương tác thuốc, sai thuốc, sai liều…).
  • Thực hành DLS được thực hiện trong từng giai đoạn của quá trình sử dụng thuốc từ những xem xét, đánh giá ban đầu đến thực hiện kế hoạch chăm sóc dược và đánh giá, theo dõi trị liệu.
  • Thực hành DLS cần được sự hỗ trợ của các cấp quản lý và được thực hiện bởi các dược sĩ được đào tạo chuyên sâu và đủ điều kiện theo quy định hiện hành, có thể được hỗ trợ bởi các nhân viên y tế khác có chuyên môn về dược (dược sĩ cao đẳng, điều dưỡng) được giám sát thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng thuốc hiệu quả và tiết kiệm nhất nhằm mục đích tối ưu hóa chăm sóc bệnh nhân, các hoạt động như sau:

1.1. Đánh giá sự phù hợp giữa chẩn đoán và thuốc

  • Thuốc được kê đơn không phù hợp về chỉ định, phác đồ, thuốc được sử dụng mà không có chỉ định, có y lệnh nhưng không có thuốc;
  • Kê đơn thuốc trên bệnh nhân có tiền sử dị ứng trước đó;

1.2. Đánh giá tính hợp lý trong sử dụng thuốc

  •  Liều dùng, dạng bào chế, đường dùng, thời gian dùng, cách dùng, thời điểm dùng;
  •  Kê đơn thuốc trên bệnh nhân có chống chỉ định;
  •  Sử dụng thuốc trên đối tượng đặc biệt: PNCT, PNCCB, trẻ em, người cao tuổi, người bệnh suy giảm chức năng thận, người bệnh suy giảm chức năng gan, người bệnh béo phì;
  •  Có tương tác thuốc thực tế hoặc tiềm ẩn: thuốc – thuốc, thuốc – bệnh, thuốc – thực phẩm, thuốc – khác.

1.3. Đánh giá người bệnh

  •  ADR thực tế và tiềm ẩn;
  •  Sự tuân thủ điều trị của người bệnh;
  •  Sự hiểu biết của người bệnh về việc điều trị bằng thuốc;
  •  Các sai sót, vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc;
  •  Quá trình điều trị (sự thay đổi về cận lâm sàng, thuốc sử dụng,…).

1.4. Đánh giá chi phí – hiệu quả điều trị

  •  Lựa chọn thuốc tối ưu: các chi phí liên quan đến sử dụng thuốc hoặc liệu pháp điều trị với hiệu quả điều trị;
  •  Các vấn đề phát sinh liên quan đến chi phí điều trị bằng thuốc cho bệnh nhân, bao gồm những chi phí khác (chi phí trong dịch vụ chăm sóc, chi phí gián tiếp).

2. Các bước trong thực hành chăm sóc dược

Là những hoạt động lâm sàng cụ thể nhằm mục đích hỗ trợ và đánh giá các vấn đề liên quan về thuốc. Các bước cơ bản của cách tiếp cận và thực hành DLS cho từng người bệnh cụ thể như sau:

2.1. Thu thập, đánh giá và biện giải các dữ liệu liên quan đến người bệnh

– Đánh giá các thông tin liên quan đến người bệnh cụ thể để hỗ trợ dược sĩ trong việc thiết lập các mục tiêu của kế hoạch điều trị và chăm sóc.

  •  Xác định những vấn đề về thuốc của người bệnh;
  •  Tìm hiểu về tiền sử dùng thuốc của người bệnh để đưa ra góp ý về quyết định điều trị;
  •  Khai thác những thông tin liên quan đến việc dùng thuốc;
  •  Đánh giá việc dùng thuốc của người bệnh thông qua bốn nội dung: tính phù hợp của thuốc với chỉ định; hiệu quả của thuốc cho chỉ định này; độ an toàn của thuốc; xem xét mức độ tuân thủ của người bệnh.

 

Bảng 1.2. Các thông tin DSLS cần thu thập

 

Thông tin
Diễn giải hoạt động

Thông tin liên quan đến người bệnh

– Nhân khẩu học: tuổi, giới tính, chủng tộc, chiều cao, cân nặng

– Đặc điểm xã hội: nghề nghiệp, nhu cầu đặc biệt

– Tiền sử gia đình: tiền sử bệnh của cha mẹ, anh chị em trong gia đình

– Tiền sử điều trị

Thông tin liên quan đến bệnh lý

– Tiền sử bệnh

– Lý do nhập viện

– Bệnh lý hiện tại, chẩn đoán quá trình tiến triển bệnh

– Thông tin tổng quan về hiện trạng của người bệnh

– Chẩn đoán bệnh chính, bệnh kèm, biến chứng, chẩn đoán phân biệt

– Xét nghiệm cận lâm sàng

– Kết quả chẩn đoán hình ảnh

Thông tin liên quan đến thuốc/Tiền sử dùng thuốc

– Dị ứng và tác dụng không mong muốn của thuốc

– Thuốc người bệnh hiện tại đang dùng

– Lý do chỉ định

– Người bệnh dùng thuốc này như thế nào

– Hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc đang điều trị

– Thắc mắc của người bệnh liên quan đến dùng thuốc

– Thuốc dùng đồng thời bao gồm: thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, thuốc đông y, thuốc dùng ngoài…

– Thuốc đã dùng trong vòng 3-6 tháng gần đây

 

2.2. Xác định các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc

Thông qua đánh giá việc dùng thuốc của người bệnh, bao gồm các hoạt động sau:

  •  Đánh giá sự phù hợp của từng thuốc với chỉ định
  •  Tối ưu hóa điều trị: lựa chọn thuốc, chế độ liều
  •  Cá thể hóa trị cho từng người bệnh, giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ
  •  Đánh giá các vấn đề khác bao gồm: chi phí, mức độ tuân thủ, thuận tiện cho người bệnh.
  •  Lựa chọn thuốc phù hợp (chỉ định, chống chỉ định)
  •  Tương tác thuốc-thuốc, thuốc-thức ăn, đồ uống
  •  Liều dùng
  •  Đường dùng và thời gian dùng
  •  Lựa chọn dạng dùng, nồng độ, tốc độ truyền, tương kỵ
  •  Đặc điểm của người bệnh (phụ nữ có thai, đang cho con bú, suy gan, suy thận, trẻ em, người cao tuổi…)
  •  Giám sát điều trị thông qua định lượng nồng độ thuốc trong máu nếu điều kiện cho phép.

 

Bảng 1.3. Các vấn đề cơ bản liên quan đến dùng thuốc

 

 

 

2.3. Lập kế hoạch chăm sóc dược

  • Xác định các mục tiêu điều trị: xác định mục đích chung của kế hoạch điều trị người bệnh (ví dụ như điều trị, kiểm soát triệu chứng, dự phòng) để có thể xây dựng kế hoạch chăm sóc dược phù hợp. Mục tiêu này cần được sự thống nhất của đội ngũ chăm sóc sức khoẻ và người bệnh.
  • Đánh giá và chọn phương án điều trị: dựa vào tính hiệu quả, an toàn, khả năng sẵn có, chi phí, đặc điểm của từng người bệnh, lợi ích và nguy cơ, sự đồng thuận của người bệnh… để đạt được mục tiêu điều trị theo phương án phù hợp nhất. Trong một sốtrường hợp, lựa chọn phù hợp nhất có thể không bao gồm điều trị bằng thuốc (nói cách  khác là biện pháp không dùng thuốc).

2.4. Theo dõi trị liệu

– So sánh thực trạng của người bệnh với mục tiêu điều trị ban đầu, nhận xét khách quan tác động tích cực hoặc tiêu cực của kế hoạch chăm sóc dược lên tình trạng của người bệnh. Xác định:

  •  Vấn đề mới liên quan đến thuốc và có tác động phù hợp lên những vấn đề mới hoặc điều chỉnh, thay đổi hướng điều trị cũ nếu cần.
  •  Tương tự như mục tiêu điều trị, kế hoạch theo dõi trị liệu cần cụ thể (tình trạng lâm sàng và cận lâm sàng) tần suất theo dõi, nhu cầu của người bệnh.

 

Tình trạng
Định nghĩa

Khỏi bệnh
Đã đạt được mục tiêu điều trị cho tình trạng cấp tính, ngừng điều trị

Ổn định
Đã đạt được mục tiêu điều trị, tiếp tục điều trị tương tự để kiểm soát bệnh mạn tính

Cải thiện
Tình trạng bệnh đang được cải thiện và hướng đến mục tiêu, tiếp tục điều trị vì cần nhiều thời gian để đạt được hiệu quả điều trị mong muốn

Cải thiện một phần
Tình trạng bệnh đang được cải thiện, tuy nhiên cần điều chỉnh một ít để đạt hiệu quả điều trị mong muốn

Không cải thiện
Tình trạng bệnh cải thiện một ít hoặc không cải thiện, cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả điều trị

Tình trạng nặng hơn
Tình trạng bệnh trở nên xấu hơn mặc dù đã dùng thuốc đủ thời gian, nên tăng liều, bổ sung thêm thuốc có tác dụng hiệp đồng

Thất bại

Mục tiêu điều trị không đạt mặc dù đã dùng đủ liều và thời gian

Cân nhắc thay đổi thuốc điều trị

Tử vong
Người bệnh tử vong khi đang điều trị bằng thuốc, ghi lại những yếu tố liên quan và phân tích, đặc biệt nếu có liên quan đến thuốc

 

3. Kỹ năng của dược sĩ lâm sàng

DSLS trong quá trình thực hành chăm sóc dược không những cần có những kiến thức chuyên môn về điều trị (điều trị bằng thuốc và điều trị không dùng thuốc); Hiểu biết tốt về sinh lý bệnh; kiến thức dược lý về thuốc; mà cần có kỹ năng giao tiếp; giám sát sử dụng thuốc, thông tin thuốc và kỹ năng lập kế hoạch điều trị; kỹ năng đánh giá và giải thích các kết quả liên quan (Hình 1.1). Trong chương này, chỉ tập trung vào một số kỹ năng cần thiết cho dược sĩ trong quá trình thực hành DLS.

 

 

 

3.1. Kỹ năng giao tiếp

– Khả năng giao tiếp rõ ràng và hiệu quả với người bệnh, người nhà của người bệnh, bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác là một kỹ năng quan trọng. Giao tiếp kém giữa dược sĩ và người bệnh có thể dẫn đến tiền sử dùng thuốc cho người bệnh không chính xác và các quyết định điều trị không phù hợp; hoặc có thể làm cho người bệnh nhầm lẫn. Giao tiếp kém giữa dược sĩ – bác sĩ, dược sĩ – điều dưỡng, dược sĩ – dược sĩ có thể gây hại cho người bệnh nếu thông tin quan trọng không được trao đổi một cách thích hợp và kịp thời và kỹ năng giao tiếp có thể được học.

– Kỹ năng giao tiếp gồm một số hình thức như sau:

  •  Kỹ năng giao tiếp bằng lời nói: bao gồm khả năng nghe, hiểu và trả lời câu hỏi của mọi người (lắng nghe tích cực); Khả năng diễn giải phi ngôn ngữ và phản hồi theo cách khuyến khích tiếp tục tương tác (đánh giá).
  •  Kỹ năng lắng nghe tích cực: Tập trung vào người bệnh, người nhà của người bệnh hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Làm cho người nghe cảm thấy là trung tâm của sự chú ý. Truyền đạt với một thái độ cởi mở, thoải mái và không vội vã. Hạn chế các yếu tố gây gián đoạn (ví dụ: tiếng bíp, điện thoại di động, tham vấn).
  •  Kỹ năng quan sát và đánh giá: ngôn ngữ cơ thể và cử chỉ khi giao tiếp cũng cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho dược sĩ và các nhân viên y tế khi giao tiếp với người bệnh.
  •  Kỹ năng giao tiếp bằng văn bản: Dược sĩ phải có khả năng ghi lại chính xác và hiệu quả những thông tin người bệnh trong hồ sơ bệnh án điều trị nội trú, trong hồ sơ sử dụng thuốc ngoại trú của nhà thuốc.

3.2. Kỹ năng khai thác tiền sử dùng thuốc

  • Tiền sử dùng thuốc là nền tảng để lập kế hoạch cho chế độ dùng thuốc đặc hiệu trên người bệnh. Tiền sử dùng thuốc là điểm khởi đầu để đưa ra các giả thuyết liên quan đến sự hiểu biết của bệnh nhân về vai trò của thuốc trong điều trị, tuân thủ dùng thuốc; hiệu quả của thuốc và liên quan tác dụng phụ, dị ứng và phản ứng có hại của thuốc.
  • Dược sĩ cần có sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm liên quan đến thuốc; người bệnh tin tưởng và tôn trọng dược sĩ. Mặc dù các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác phỏng vấn người bệnh về việc sử dụng thuốc nhưng không có chuyên gia chăm sóc sức khỏe nào khác như dược sĩ có kiến thức chuyên sâu về thuốc. Do đó, điều quan trọng là dược sĩ khai thác được, ghi lại tiền sử thuốc của người bệnh và truyền đạt thông tin này cho nhân viên y tế khi cần thiết.

3.3. Kỹ năng lập kế hoạch điều trị

  • Lập kế hoạch điều trị hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho việc lựa chọn các biện pháp điều trị (cả dùng thuốc và không dùng thuốc, bao gồm giáo dục bệnh nhân). Lập kế hoạch điều trị cần kết hợp các chế độ điều trị thay thế. Lập kế hoạch thành công đòi hỏi kiến thức chuyên môn về dược lý học, bệnh học, đánh giá thông số lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán.
  • Lập kế hoạch kết hợp xem xét các yếu tố khác liên quan đến người bệnh có ảnh hưởng đến chế độ điều trị (tiền sử, không tuân thủ dùng thuốc, kinh nghiệm trước đó với thuốc kê đơn và không kê đơn, liệu pháp đồng thời, chế độ dùng thuốc khác), cũng như xem xét cách thức thuốc ảnh hưởng đến bệnh nhân (tác dụng phụ như buồn ngủ hoặc chóng mặt, chi phí điều trị).

2.3.4. Kỹ năng giám sát, theo dõi điều trị bằng thuốc

  • Chăm sóc tập trung vào người bệnh là một quá trình liên tục thu thập và đánh giá dữ liệu, xác định và ưu tiên vấn đề, lập kế hoạch điều trị và theo dõi bệnh nhân. Trong đó, giám sát, theo dõi điều trị bằng thuốc là một thành phần quan trọng của quy trình lập kế hoạch điều trị từ việc thu thập các thông tin chủ quan, thông tin khách quan; từ đó, đưa ra các đánh giá và xây dựng kế hoạch điều trị bao gồm xác định, đo lường và đánh giá các thông số kết quả cụ thể của người bệnh. Theo dõi kết quả người bệnh kịp thời, cung cấp cho bác sĩ lâm sàng thông tin cần thiết để xác định liệu các biện pháp can thiệp không dùng thuốc và dùng thuốc có đạt được mục tiêu điều trị hay liệu các biện pháp can thiệp có cần phải được thay đổi.
  • Giám sát trong sử dụng thuốc giúp cung cấp thông tin để chứng minh và giải thích lý do tại sao cần phải thay đổi điều trị (ví dụ: đáp ứng không đầy đủ, diễn tiến bệnh, than phiền của người bệnh, dị ứng thuốc, tương tác thuốc, phản ứng bất lợi không mong muốn hoặc có khả năng gây nguy hiểm).