Kỹ năng đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng liệu bạn đã biết?

Một số câu hỏi mẫu để ứng viên hỏi nhà tuyển dụng

Việc ứng viên đặt câu hỏi sẽ cho người phỏng vấn thấy rằng bạn đang lắng nghe khi họ nói chuyện, thể hiện sự quan tâm của bạn đến vị trí ứng tuyển và công ty. Về phần mình, thông qua đáp án mà nhà tuyển dụng đưa ra, bạn cũng sẽ có thêm thông tin để quyết định xem đó có phải là nơi bạn muốn làm việc hay không. Vì vậy, đi phỏng vấn, đừng chỉ ngồi nghe và trả lời câu hỏi của người phỏng vấn mà bạn cần đưa ra câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng. Kỹ năng đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng sẽ được làm rõ qua bài viết dưới đây.

Vì sao ứng viên cần đặt câu hỏi trong phỏng vấn? hỏi mấy câu là đủ?

Xét cho cùng, các cuộc phỏng vấn là một con đường hai chiều, nhà tuyển dụng đánh giá xem bạn có phải ứng viên phù hợp với vị trí họ cần tuyển không, trong khi bạn muốn xác định xem bản thân có muốn dành thời gian và sức lực để cống hiến cho doanh nghiệp đó không.

Cơ hội của bạn để đặt câu hỏi thường đến vào cuối cuộc phỏng vấn. Các chuyên gia tuyển dụng khuyên rằng bạn nên chuẩn bị ít nhất 2 câu hỏi để thể hiện sự quan tâm đối với vị trí ứng tuyển. Vậy, bạn nên đặt câu hỏi gì trong cuộc phỏng vấn xin việc?

Hãy nhớ rằng những câu hỏi phù hợp nhất để hỏi là câu hỏi mở. Bạn cũng cần tránh đặt câu hỏi với đáp án “có” hoặc “không” và không đề cập đến những nội dung chung chung, quá rộng tới mức khó trả lời. Rõ ràng, bạn sẽ không muốn người phỏng vấn khó chịu khi bạn đang cố gắng tạo ấn tượng tốt và phát triển mối quan hệ với họ.

Cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Một ứng viên khéo léo và thông minh sẽ hiểu rằng việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng là một cơ hội chứ không phải khó khăn. Cơ hội để tìm hiểu thêm về công việc, công ty, về môi trường và triển vọng nghề nghiệp của bạn nếu làm ở đó, đồng thời chứng minh với nhà tuyển dụng rằng bạn đã tìm hiểu về doanh nghiệp, bạn là người có mục tiêu, tham vọng và định hướng rõ ràng, biết mình muốn gì và có điều kiện gì để đạt được. Tuy nhiên, để đưa ra được các câu hỏi phù hợp, trước hết bạn sẽ phải có phương pháp.

Một số lưu ý mà bạn cần ghi nhớ và áp dụng là:

  • Đặt câu hỏi đúng thời điểm: Trong hầu hết các cuộc phỏng vấn thì nhà tuyển dụng vẫn thường nắm thế chủ động và đặt ra các câu hỏi cho ứng viên. Suốt quá trình, ứng viên sẽ chỉ hỏi lại nếu chưa rõ câu hỏi và đến khi buổi gặp gỡ, trao đổi sắp kết thúc thì nhà tuyển dụng sẽ trao cơ hội đặt câu hỏi lại cho bạn. Bạn nên biết khi nào là thời gian cho mình thắc mắc, đừng bất ngờ đặt câu hỏi giữa cuộc phỏng vấn, nhất là với những nội dung không thực sự liên quan.
  • Thái độ lịch sự và chân thành: Bên cạnh đó, khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, ứng viên cần hỏi với thái độ lịch sự, thể hiện rằng bạn thực sự quan tâm đến vấn đề đó vì nó ảnh hưởng tới công việc và sự nghiệp của bạn, đặc biệt tránh nói năng thô lỗ hay tự phụ.
  • Câu hỏi rõ ràng, không vòng vo: Tốt nhất là bạn chuẩn bị sẵn một số câu hỏi từ trước phỏng vấn để lúc hỏi không ngấp ngứng hay quên mất định hỏi gì. Bạn cần trình bày rõ ràng vào trọng tâm, không dẫn dắt lan man vì sẽ gây khó hiểu cho người nghe, tệ hơn là bị nhà tuyển dụng đánh giá tiêu cực về khả năng ngôn ngữ hay tư duy logic.
  • Chỉ đề cập tới nội dung phỏng vấn và công việc, không hỏi vấn đề cá nhân: Dù bạn có ấn tượng với nhà tuyển dụng hay thấy tò mò về nhiều vấn đề thì khi đặt câu hỏi cho họ cũng chỉ nên tập trung vào công việc, không nên nói quá nhiều đến mong muốn cá nhân, thao thao bất tuyệt về bản thân hay hỏi những câu “tọc mạch” khiến đối phương mất thiện cảm ở bạn.
  • Cảm ơn sau khi nhận được đáp án: Tưởng chửng đây là một điều cơ bản nhưng có lẽ là do quá lo lắng nên nhiều ứng viên thậm chí còn không nhớ mỉm cười và cảm ơn nhà tuyển dụng. Cho dù đáp án họ đưa ra có khiến bạn hài lòng hay không thì cũng hãy lịch sự và chuyên nghiệp nhé.

Một số câu hỏi mẫu để ứng viên hỏi nhà tuyển dụng

1. Anh/chị có thể cho tôi biết thêm về nhiệm vụ hàng ngày của vị trí này hay không?

Đây là cơ hội để bạn tìm hiểu càng nhiều càng tốt về công việc mà bạn ứng tuyển, từ đó quyết định xem đó có phải vị trí bạn thực sự mong muốn không. Bằng cách tìm hiểu thêm về các nhiệm vụ hàng ngày, bạn cũng sẽ tự đánh giá được những kỹ năng và thế mạnh cụ thể cần thiết, sau đó so sánh với những gì bạn đã trình bày trong cuộc phỏng vấn.

2. Đối với anh/chị, phẩm chất nào của ứng viên là quan trọng nhất với vị trí công việc này?

Câu hỏi này thường nhằm tìm kiếm thông tin giá trị không được đề cập trong bản mô tả công việc. Nó có thể giúp bạn tìm hiểu về văn hóa công ty và kỳ vọng của nhà tuyển dụng.

3. Các bước tiếp theo trong quá trình phỏng vấn là gì?

Câu hỏi này cho thấy rằng bạn rất mong muốn được nhận vào vị trí ứng tuyển và biết rõ về quá trình tuyển dụng. Nó cũng sẽ giúp bạn có được thông tin quan trọng về dòng thời gian tuyển dụng để bạn có thể theo dõi một cách thích hợp, từ đó quyết định chờ đợi hay tìm kiếm cơ hội việc làm khác.

4. Anh/chị có thể mô tả ngắn gọn về văn hóa công ty không?

Văn hoá công ty sẽ giúp bạn nhìn nhận xem mình có phù hợp hay không? Hãy chắc chắn rằng bạn cảm thấy thoải mái với văn hóa và sự năng động của công ty.

5. Anh/chị đánh giá rằng công ty mình sẽ lớn mạnh như thế nào trong vòng 5 năm tới?

Nếu bạn có kế hoạch làm việc trong công ty đó vài năm, hãy chắc chắn rằng công ty đang phát triển nhanh và ổn định, để đảm bảo rằng bạn có thể học hỏi và tiến bộ cùng với công ty.

6. Công ty coi doanh nghiệp nào là đối thủ cạnh tranh hàng đầu, và tại sao?

Trước khi tham dự phỏng vấn, có thể bạn đã tìm hiểu về công ty, các “ông lớn” trong ngành nghề đó, nhưng hỏi trực tiếp người phỏng vấn vẫn là ý tưởng hữu ích để đánh giá chính xác hơn.

7. Những cơ hội lớn nhất đối với công ty/bộ phận là gì?

Câu hỏi này cho thấy nỗ lực của bạn để nắm bắt cơ hội công việc, biết đặt nỗ lực vào đúng chỗ và tìm hiểu thêm về lĩnh vực mà công ty sẽ tập trung trong vài tháng tới.

8. Hiện nay, đâu là những thách thức lớn nhất đối với công ty/bộ phận?

Bên cạnh cơ hội, bạn có thể muốn hỏi về những thách thức. Câu hỏi này có thể giúp bạn khám phá các xu hướng và vấn đề trong ngành.

9. Anh/chị thích điều gì nhất khi làm việc cho công ty?

Đây là câu hỏi cá nhân, vì vậy bạn chỉ nên đề cập tới khi không khí của buổi phỏng vấn tương đối cởi mở, thân thiện. Đáp án họ đưa ra sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa công ty.

10. Thông thường, lộ trình thăng tiến cho vị trí này như thế nào?

Câu hỏi này có thể giúp bạn tìm hiểu xem công ty có thúc đẩy nhân viên phát triển hay không thông qua các chương trình đào tạo và lộ trình thăng tiến cụ thể. Ngoài ra, bằng cách đặt câu hỏi, bạn còn thể hiện được sự quan tâm của mình đối với việc phát triển của tổ chức.

Để có những câu hỏi thông minh cho nhà tuyển dụng khi gần kết thúc buổi phỏng vấn thì bạn cần phải tìm hiểu thông tin về công ty. Ngoài tra cứu thông tin trên Google thì vẫn còn nhiều cách khác tiện lợi cho ứng viên tìm hiểu thông tin về công ty chi tiết.

Xem thêm: