Kỳ bí lễ tạ ơn trâu
Mâm lễ được bày ngay bên chuồng trâu – Ảnh: Đ.Q.T.H.
Mặt trời vừa ló ngọn núi, gia đình ông Lường Văn Lả, người Thái trắng (ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đã tất bật chuẩn bị lễ cúng tạ ơn trâu. Trong khi ông làm thịt con gà trống to nhất đàn thì bà Lường Thị Sứn, vợ ông, đồ xôi và chuẩn bị mâm lễ.
8h, mọi việc hoàn tất. Ông Lả gọi tôi và Mạnh, cháu nội của ông, đi lên lán cúng trâu. Nhà ông nuôi ba con trâu cái.
Bài thơ cúng trâu giữa núi rừng
Đi chừng mười phút thì đến lán. Ông trải tấm chiếu trước cửa chuồng trâu và nhanh chóng bày lễ. Lễ vật gồm một con gà trống luộc, một bát xôi trắng, một bát xôi màu, một bát thóc nếp, một bát gạo nếp, một bát nước luộc gà, sáu chén rượu, sáu đôi đũa, một đĩa trầu cau, một đĩa tiền. Đặc biệt người Thái chỉ cắm hai nén hương chứ không theo số lẻ như người Kinh. Đũa, chén cũng đều là số chẵn.
Xong xuôi, ông Lả thắp hương, rót rượu, hướng về ba con trâu cái đang nhẩn nha ăn cỏ voi rồi thành tâm khấn bằng tiếng Thái. Khấn xong, ông Lả cùng cháu nội thái bó cỏ voi mang đổ vào máng cho trâu ăn.
Tiếp đến ông lấy những chén rượu ở mâm cúng mang tưới vào đầu từng con trâu, đút vào mồm mỗi con một miếng xôi và một miếng gan gà. Nếu gia đình nuôi cả trâu đực và trâu cái thì phải mời trâu cái thụ hưởng lễ vật trước rồi mới đến trâu đực.
Đưa lễ vật xong, ông lấy tay vỗ và vuốt ve thân trâu, chúc chúng hay ăn chóng lớn và mạnh khỏe.
Bài thơ cúng trâu bằng tiếng Thái mà ông Lường Văn Lả tạm dịch tạm sang tiếng Việt cho tôi như sau:
Hôm nay lúa cấy xong
Mới tìm được lợn to về giết
Tìm được gà béo về mổ
Mang mâm cúng xuống tận dưới sàn
Mời đến chủ ma rừng khéo trông
Chủ ma núi khéo nuôi, khéo giữ
Mời đến ma gầm sàn khéo buộc
Ma bàn thờ khéo canh, khéo giữ
Mời đến hồn trâu đực sừng dài
Hồn trâu nái sừng nhọn
Rủ nhau về ăn mâm gà to như chim công
Về ăn mâm lợn to bằng cái máng
Miếng cơm ruộng ngon dẻo
Gạo giã cối trắng trong
Rượu thơm ngon chủ nhà vừa nấu
Ăn vào cổ cho no
Ăn xong mới lên núi ăn cỏ
Ở púng rộng cùng với hươu, nai
Nhai cỏ lau lá dày
Nhai cỏ gianh lá non
Đừng cho con vắt chui vào mũi
Thấy vực sâu đừng nhảy
Thấy khe rộng đừng bước qua
Thấy con mặt hoa thì lẩn
Thấy con mặt vằn thì tránh
Chân sau đừng mắc rễ cây si chết hoang
Chân trước đừng mắc rễ cây đa chết phí
Có chửa đừng sảy thai
Đẻ con đừng chết yểu
Tạo liệng hãy đi trông
Ma nhà hãy đi canh đi giữ
Cho nó béo nó tốt
Cho nó khỏe về nhà
Về buộc đầy trong chuồng
Về buộc chật dưới sân
Có ba mươi con cái sừng dài
Có năm mươi con đực sừng nhọn
Sừng nhọn như cựa gà
Có nhiều con kéo cày năm tới
Có nhiều con làm ruộng năm sau
Cho vụ mùa xanh tốt
Cho lúa trổ bông vàng.
Vì sao trâu được cúng?
Lễ cúng vía trâu thường được tổ chức vào tháng năm âm lịch, sau khi cấy xong – Ảnh: Đ.Q.T.H.
Lễ cúng vía trâu (tám khuôn quai) là một trong những nghi lễ nông nghiệp đặc trưng của người Thái. Con trâu là đầu cơ nghiệp, cả năm trâu đã vất vả giúp sức cho người nông dân cày ruộng làm ra thóc gạo nuôi sống con người.
Nhưng có những lúc do sức ép của mùa vụ, của cuộc sống mà người đối xử với trâu không được tốt như đánh, mắng trâu. Vì sợ hồn vía của trâu giận, bỏ đi mất nên khi xong mùa cấy thì gia đình sắm mâm lễ để cúng vía, cầu cho trâu khỏe mạnh và phục vụ cày cấy tốt.
Ông Tòng Văn Ón, thầy mo ở bản Bâu (xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La), cho biết trước đây do phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên người Thái chỉ làm một vụ mùa, thường cấy vào tháng năm âm lịch, thu hoạch vào tháng mười âm lịch để tránh giá rét và một số chân ruộng phải chờ nước mưa. Vì vậy, lễ cúng vía trâu thường được tổ chức vào tháng năm âm lịch, sau khi cấy xong.
Hiện nay ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La vẫn tổ chức lễ cúng vào ngày 14 tháng năm âm lịch, còn lại các vùng cấy lúa hai vụ thì tổ chức sau khi cấy xong vụ mùa vào ngày 14 tháng bảy âm lịch.
Khi kết thúc vụ cấy, cả bản họp mặt bàn bạc thống nhất việc tổ chức lễ. Thầy mo có nhiệm vụ xem ngày lành tháng tốt để chuẩn bị làm lễ. Lễ cúng thường diễn ra trong một ngày rưỡi. Trước đây khi dân bản còn nhiều trâu, họ lên rừng tìm một khoảng đất rộng có nhiều cỏ để làm nơi chăn thả trâu, gọi là púng. Ngày nay số lượng trâu không còn nhiều nên các gia đình nuôi trâu tại nhà, người ta tổ chức cúng tại chuồng trâu của gia đình.
Sáng sớm trẻ em dắt trâu ra suối tắm sạch sẽ, gia đình chuẩn bị mâm lễ vật rồi mời thầy mo (một nhính) đến tổ chức lễ cúng. Lễ vật gồm có một con gà trống luộc, hai bát nước luộc gà, một đĩa trầu và vỏ chay, tám chén rượu, tám đôi đũa, hai ép xôi, có nơi thêm hai bát gạo nếp, hai bát thóc nếp, một chai rượu.
Đặt mâm lễ trước bàn thờ tổ tiên của gia đình, thầy mo thứ nhất khấn mời ông bà tổ tiên về thụ lễ của gia đình và xin phép được làm lễ cúng vía cho trâu, phù hộ cho trâu không bị bệnh tật hay hổ, sói ăn thịt…
Cúng xong mâm lễ thứ nhất, gia đình chuẩn bị mâm lễ thứ hai đặt tại chuồng trâu. Lễ vật giống như mâm cúng thứ nhất và thêm một cây lau, một rọ đựng lông gà. Thầy mo thứ hai khấn xin thổ địa về thụ lễ; báo cáo mùa vụ đã làm xong, lúa cấy đã bắt đầu bén rễ lên xanh, xin phép được cúng vía cho trâu để trâu được khỏe mạnh và không bị hổ, sói ăn thịt, thấy vực đừng đi, thấy hang đừng vào, không bị con vắt chui vào mũi, lúc đi lành lặn, lúc về lành lặn.
Sau đó thầy mo cúng vía cho trâu. Thầy treo lên sừng mỗi con trâu một cái giỏ đựng lông gà và khấn cúng vía cho trâu.
Ông Lả thắp hương, rót rượu, hướng về ba con trâu cái đang nhẩn nha ăn cỏ voi rồi thành tâm khấn bằng tiếng Thái – Ảnh: Đ.Q.T.H.
Mỗi nơi mỗi khác
Lò Văn Tuyên, người Thái đen ở bản Búa Bon (xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La), cho biết trong mâm cỗ cúng trâu ở quê anh, xôi lại được gói bằng lá chuối chứ không đựng bằng bát, bằng ép.
Đặc biệt, “người Thái nơi chúng tôi sống quan niệm nếu con trâu ăn đồ cúng càng nhiều thì vía trâu càng phù hộ, trâu càng mạnh khỏe. Cho nên người ta sẽ gói xôi bằng lá chuối để trâu ăn. Người ta cũng cúng cá chứ không cúng gà. Cá biểu trưng cho tập quán làm nông nghiệp lúa nước của người Thái”.
Tuy hiện nay trâu đã được nuôi nhốt trong chuồng ở nhà, thậm chí nhiều nơi người Thái đã sử dụng máy cày, máy bừa để canh tác ruộng nước nhưng họ vẫn tổ chức lễ cúng vía trâu hằng năm, lễ cúng được tổ chức gọn nhẹ trong buổi sáng. Nhiều nhà không mời thầy mo mà gia chủ tự cúng luôn. Nhiều người cũng không đọc hết cả bài mà chỉ khấn vài câu, thế nên lễ chỉ diễn ra chừng mười phút là xong.
Tết xíp xí đánh dấu kết thúc mùa cấy, người và vật đều được nghỉ ngơi cho lại sức. Thế nên cúng tạ ơn trâu xong, người ta tổ chức ăn uống vui vẻ đến hết cả ngày. Con rể, con gái và các cháu mang con vịt đến nhà lễ tết bố mẹ vợ.
Tết Xíp xí (tiếng Thái nghĩa là “mười bốn”) là một trong những Tết lớn nhất của người Thái. Nguồn gốc Tết này có từ rất lâu đời, theo lịch Thái cổ thì Tết Xíp xí là ngày 14 tháng giêng, là một trong những Tết chính thức và to nhất của người Thái.
Trải qua thời gian người Thái giao thoa tiếp biến văn hóa với người Kinh nên ăn Tết Nguyên đán và Tết Xíp xí lùi xuống thứ hai mà có nơi người Thái ăn Tết Xíp xí vào ngày 14 tháng năm âm lịch.
90 làng Cơ Tu bỏ tục đâm trâu