Kỳ Duyên Và Nguyễn Ngọc Ngạn – Một Phần Tư Thế Kỷ
Bài viết của MC Nguyễn Ngọc Ngạn, hồi tưởng lại quá trình 25 năm đứng chung sân khấu của đôi MC được yêu thích nhất trong lịch sử đại nhạc hội Việt Nam: Nguyễn Ngọc Ngạn & Kỳ Duyên.
—
Hồi tưởng lại chuyến bay đêm của hãng Air France đưa tôi từ Toronto sang Pháp giữa tháng 8 năm 1992, tôi chẳng bao giờ hình dung trước là mình sẽ có mặt trên Paris By Night đến nay đã 26 năm. Từ nhỏ tới giờ, chưa có công việc nào tôi làm lâu như thế! Nói đúng ra, trước đó, trong làng văn nghệ Việt Nam, MC chưa hề là một cái job được người ta chú ý kể cả quốc nội lẫn hải ngoại.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là tôi đứng liên tục được bên cạnh Kỳ Duyên 25 năm. Chuyện này mới thật là lạ bởi vì một cặp tuổi tác chênh lệch quá lớn, khác nhau về cách suy nghĩ, về lối sống và về ảnh hưởng văn hóa, làm việc với nhau thường khó tránh khỏi xích mích, có thể cãi nhau, thậm chí đánh nhau, rồi chia tay! Tôi nghĩ: Có lẽ chúng tôi bền chặt được là vì đôi bên cùng chịu đựng lẫn nhau! Tính tôi thì trách nhiệm quá, Kỳ Duyên thì vô tư quá. Tôi lúc nào cũng bận tâm, làm cho cô ấy bực mình. Trái lại, Kỳ Duyên lúc nào cũng thản nhiên, làm tôi không khỏi sốt ruột! Nhưng lâu dần, hiểu tính nhau, nhường nhịn nhau nên cũng thành quen. Tôi hay gay gắt mỗi khi ngồi soạn chương trình Paris By Night. Kỳ Duyên tất nhiên lắm lúc cũng giận tôi. Nhưng chuyện gì cô cũng mau quên, không để bụng. Cái “văn hóa thù dai” không có ở cô! Và tuy là dân Bắc Kỳ nhưng cô không bao giờ hờn dỗi! Tôi nhớ năm 1995, khi chuẩn bị thu hình chương trình “Hai Mươi Năm Nhìn Lại” ở đại hí viện Shrine Auditorium tại Hollywood, có thêm Mai Phương bên cạnh Kỳ Duyên. Mai Phương lần đầu tiên làm MC chương trình lớn, cứ tò mò đặt ra nhiều câu hỏi về ca sĩ, không chú tâm vào nhiệm vụ của mình. Tôi nổi nóng nạt mấy câu làm cô ngồi khóc hu hu bên cạnh sân khấu. Kỳ Duyên bảo Mai Phương:
– Anh Ngạn nói gì kệ anh ấy. Đừng có quan tâm! Nếu Duyên mau nước mắt như Mai Phương thì lần nào làm chương trình cũng sẽ phải khóc vì tính Anh Ngạn nóng nảy lắm!
Kỳ Duyên nói đúng. Nhưng tôi chỉ nóng lúc làm việc thôi vì tôi không muốn vấp váp khi thu hình Paris By Night. Tôi nhớ anh La Thoại Tân, một nghệ sĩ kỳ cựu dày dạn sân khấu mấy chục năm mà hôm làm MC cho Paris By Night ở bên Pháp, nói sai nhiều quá đến nỗi khi ráp nối (editing) cô Thủy phải xóa bỏ toàn bộ phần MC của anh, rồi mời anh qua Paris một lần nữa để giới thiệu lại tất cả mọi tiết mục trong một phòng thu không có khán giả. Tôi rất sợ chuyện đó xảy ra với mình. Mai Phương là diễn viên xinh đẹp nổi tiếng trong nước từ lúc còn trẻ, là con gái của đạo diễn Đoàn Bá, được chiều chuộng quen rồi nên không ngờ tôi dám lớn tiếng mắng cô trước mặt Kỳ Duyên. Nhưng rồi cô cũng hiểu cái thái độ nghiêm khắc của tôi chẳng qua chỉ vì tinh thần trách nhiệm mà thôi.
Cũng từ show ấy tôi mới thấy thêm được cái đáng quý hơn nữa ở Kỳ Duyên là hòa đồng với mọi người, lúc nào cũng vui đùa, không kiêu căng, không ganh ghét và nhất là bao giờ cũng thành thật. Nói đúng ra thì thế hệ con cháu chúng ta sinh ra hoặc lớn lên ở hải ngoại, không bị ô nhiễm bởi cái xã hội nhiễu nhương quốc nội, thì chẳng những thật thà mà còn khinh bỉ sự dối trá. Những năm sau này vì nhu cầu của Facebook, Kỳ Duyên mới chú ý đến trang phục để chụp hình, chứ hơn 10 năm đầu đi show cô chỉ khoác cái áo lạnh cũ rích, đi đường chẳng mấy ai nhận ra! Nhiều khán giả chạy lại nói chuyện với tôi, một lúc sau nhìn quanh mới kêu lên: “Ơ! chị Kỳ Duyên đây à!”.
Nhắc lại buổi đầu đặt chân vào thế giới văn nghệ, một điều mà cho đến nay tôi vẫn tự hào cho rằng mình “sáng suốt”, là kéo Kỳ Duyên về với Paris By Night. Lúc ấy, năm 1992, tôi chưa lần nào gặp Kỳ Duyên ở ngoài đời, chỉ thấy cô một lần trên băng Hollywood Night đứng với anh Nam Lộc, tôi đã đề nghị Thúy Nga mời cô ngay. Ông Tô Văn Lai chần chừ mãi, một năm sau mới đồng ý. Trong thời gian đó, Kỳ Duyên tiếp tục làm MC chung với Công Thành, Trần Quang, Hoàng Thi Thơ, Đức Huy, Quốc Bảo. Ai nữa tôi không nhớ, chỉ biết thời gian ấy, MC nữ chỉ có mình cô cho nên trung tâm nào cũng mời.
Một điều may mắn cho Kỳ Duyên là cả thế giới chả ai thấy cô quan trọng! Cho nên khi Thúy Nga kêu, cô vẫn còn available, nghĩa là chưa có trung tâm nào mời cô ký độc quyền! Hóa ra chỉ có mình tôi nhìn ra tiềm năng của cô ngay từ phút ban đầu. Dĩ nhiên lúc ấy ai cũng chê tiếng Việt cô chưa rành, nhưng tôi nói với ông Tô Văn Lai:
– Không giỏi tiếng Việt thì có thể làm cho giỏi được. Nhưng không có duyên thì không cách nào làm cho có duyên được! Anh cứ kêu cô ấy giùm tôi!
Tôi nói thế vì tôi quan niệm rằng: muốn làm ca sĩ thì phải có giọng hát. Muốn làm MC thì phải có giọng nói. Đó là điều căn bản! Kỳ Duyên có giọng nói rất hay lại được thêm yếu tố quan trọng nữa là có duyên sân khấu. Ông Tô Văn Lai là dân trường Tây, văn chương Pháp rành hơn văn chương Việt, nên khi vớ được tôi, nghe tôi nói chuyện văn hóa Việt Nam, ông mừng lắm và ông thấy chỉ mình tôi là đủ rồi. Nhưng tôi hiểu khán giả hơn ông: Một người đàn ông lớn tuổi như tôi – khi vào Thúy Nga tôi đã 47 – dù nói hay tới đâu, người ta cũng dễ chán, nên tôi cần một người đẹp đứng bên cạnh. Vì vậy tôi mới yêu cầu ông mời Kỳ Duyên. Như vậy, không phải tôi mời cho tôi mà mời cho khán giả!
Năm sau, mùa Hè 1993, nhân kỷ niệm 10 năm Paris By Night, Thúy Nga sang Mỹ thu hình lần đầu tiên, đem theo toàn bộ ê-kip chuyên viên của Pháp: Đó là Paris By Night 24 và đó cũng là lần đầu Kỳ Duyên lên sân khấu với tôi ở Cerritos, Nam Cali. Ngày ấy Kỳ Duyên vừa tốt nghiệp trường luật, đang chuẩn bị thi Bar để lấy bằng hành nghề. Thi Bar ở 3 tiểu bang California, New York và Texas là khó nhất nước Mỹ vì những nơi này quá dư luật sư. Nhưng Kỳ Duyên vốn thông minh lại có số khoa bảng nên thi cái gì cũng chỉ một lần là xong. Cô học luật theo lời hối thúc của mẹ, chứ thực ra cô không say mê ngành này. Cô rất hợp với nghề phóng viên truyền hình, nhưng đối với cộng đồng Việt Nam thì bác sĩ, luật sư, bao giờ cũng danh giá hơn những nghề khác, nên cô chiều ý mẹ. Những người quen thân với cô, như tôi, không ngạc nhiên chút nào khi thấy cô chỉ mở văn phòng luật sư một thời gian ngắn rồi đóng cửa vì “đi show vui hơn”! Tôi an ủi:
– Cô bỏ nghề là đúng! Tất cả các thăm dò ở Mỹ đều cho thấy, khi liệt kê những nghề được dân chúng kính trọng thì luật sư luôn luôn đứng gần chót!
Rồi tôi nhắc lại hai câu chuyện vui:
1- Một chiếc tàu bị đắm ở vùng biển toàn cá mập. Khi trực thăng đến cứu thì tất cả hành khách đều bị cá mập ăn thịt hết, chỉ có ông luật sư sống sót. Người ta hỏi bí quyết thì ông nói:
– Chả có bí quyết gì cả. Chỉ vì cá mập không ăn thịt đồng loại!
2- Có cặp vợ chồng vừa cưới nhau, trên đường đi honeymoon thì bị tai nạn chết cả hai. Lên Thiên Đàng thánh Phêrô thấy tội nghiệp, cho chung sống với nhau. Mấy năm sau hai người đến gặp thánh Phêrô và hỏi:
– Thưa ngài! Trên này có ly dị được không?
Thánh Phêrô đáp:
– Được chứ con! Nhưng thiên đàng làm gì có luật sư mà làm thủ tục cho các con ly dị!
Dĩ nhiên đó chỉ là những chuyện jokes của Mỹ mà thôi. Luật sư Việt Nam thường chỉ phục vụ khách Việt Nam, rất ít khi có những vụ án hình sự lớn lao như O.J. Simpson để tính tiền không nương tay.
Trở lại năm 1993, trước ngày thu hình Paris By Night 24, ông Tô Văn Lai đưa tôi và bà xã tôi đến nhà Kỳ Duyên để soạn chương trình. Đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp gặp cô, đang sống chung với mẹ và bà ngoại trong căn nhà khang trang. Cả nhà đã coi tôi trên Paris By Night và ông cậu Đặng Trần Hiếu bảo Kỳ Duyên ngay sau khi nhìn thấy tôi lần đầu trong PBN 17:
– Cháu muốn làm MC thì nên làm với ông này!
Rất may là Kỳ Duyên viết được tiếng Việt, tuy còn nhiều lỗi chính tả hoặc đánh vần sai. Điều đó cũng dễ thông cảm bởi tiếng Anh coi như tiếng mẹ đẻ của cô. Từ mẫu giáo và tiểu học ở Sài Gòn, cô đã học chương trình Mỹ và học thêm mấy năm tiếng Pháp. Sang đây lại học luôn một lèo ra luật sư, làm sao đòi hỏi cô giỏi tiếng Việt được. Cô viết được là đã đáng khen lắm rồi! Khi soạn kịch bản, tôi đọc cho cô đánh máy từng câu để cô dễ học thuộc lòng. Tất nhiên tôi cũng yêu cầu cô phải sửa câu văn của tôi theo lối nói đơn giản của cô, bởi người chưa rành tiếng Việt mà nói văn chương lưu loát quá thì khán giả sẽ thấy giả tạo lắm. Trước khi gặp tôi, mỗi lần sắp đi show, mẹ cô cũng chỉ cho cô từng lời giới thiệu hoặc từng câu chuyện vui.
Quả nhiên ngay lần đầu đứng với tôi trên Paris By Night 24, cô đã thành công vững vàng nhờ những đối đáp rất tự nhiên và thoải mái.
Phải nói là từ khi qua sân khấu Paris By Night, Kỳ Duyên nổi đình nổi đám rất nhanh. Năm ngoái, khi Nguyễn Đạt, giám đốc Thời Báo, phỏng vấn tôi trong chương trình “Nhìn Lại Một Chặng Đường”, tôi có kể lại với khán giả là mấy năm đầu, có những ông bầu show ở nhiều địa phương chỉ mời Kỳ Duyên mà không mời tôi. Họ mời Kỳ Duyên để họ đứng làm MC chung với Kỳ Duyên vì họ tưởng hễ cứ đứng bên Kỳ Duyên thì họ sẽ nổi tiếng. Ý tôi muốn nói đến cái “duyên sân khấu” của Kỳ Duyên đã tạo sức hút mãnh liệt khiến nhiều ông mong được đứng làm MC bên cạnh. Chỉ có điều họ không nhìn ra một thực tế quan trọng là, họ phải vượt được Kỳ Duyên về một mặt nào đó, thì khán giả mới chú ý tới họ. Nếu không họ sẽ bị chìm vì cái hình ảnh Kỳ Duyên vốn đã quá lớn trong ấn tượng mọi người rồi. Kỳ Duyên bảo tôi:
– Khi em đứng chung với anh, anh là người lead chương trình, em chỉ phụ họa thôi, thì mới ăn khớp được. Còn khi em làm MC với mấy ông khác. Em bất đắc dĩ trở thành người lead, mấy ông kia đóng vai phụ thì không thể nào hay được! Nói chung, người đàn ông vẫn phải là chính!
Những năm sau này cô cũng cho tôi xem Facebook của cô, trong đó hàng loạt fan viết cho cô:
– Chị Kỳ Duyên ơi! Thà chị đứng một mình. Chị đứng với ông nào cũng chỉ làm khán giả nhớ tới chú Ngạn!
Có một kỷ niệm khá vui là năm 1995, thu hình tại Las Vegas. Lúc ấy Kỳ Duyên còn độc thân và còn đang hành nghề luật sư. Trên sân khấu tôi hỏi Kỳ Duyên:
– Đối với cô, người đàn ông lý tưởng mà cô lựa chọn phải có những điều kiện gì?
Kỳ Duyên đáp:
– Kỳ Duyên không cần người giàu, đẹp trai hay học giỏi. Chỉ cần khi đứng bên cạnh, người đó phải… cao hơn Kỳ Duyên!
Khi cuốn băng phát hành, có bà phone đến văn phòng luật sư, gay gắt chửi Kỳ Duyên. Bà nói:
– Bộ cô tưởng cô đẹp lắm hay sao mà cô cứ chê ông Ngạn hoài vậy!
Thật là oan cho Kỳ Duyên! Đó chỉ là một cái joke do chính tôi chế ra để Kỳ Duyên nói cho vui. Nhiều lần khác, cô nói bóng gió chê tôi già hay thấp, tất cả đều do tôi nghĩ ra để làm vui sân khấu. Những câu thơ có chọc ghẹo tôi cũng thế! Đều do tôi làm hoặc tôi góp ý. Nhiều bà khán giả không hiểu, cứ tội nghiệp tôi rồi trách Kỳ Duyên. Cô lớn lên trong môi trường văn hóa Mỹ, tất nhiên cô thừa biết người Mỹ không bao giờ nhắc đến mấy chữ “già, lùn, mập” khi nói về người khác. Bà vợ xấu hoắc, vẫn giới thiệu là “my beautiful wife”, vì đó là nét lịch sự truyền thống ở xứ này! Chê một người thấp, mập hoặc già, xã hội Mỹ coi là những ngôn từ độc ác!
Trên sân khấu, chỉ có những câu hỏi về văn hóa, chẳng hạn ca dao tục ngữ, phong tục tập quán, điển tích văn chương hay lịch sử, là do Kỳ Duyên tự đặt ra cho tôi bởi vì chính cô muốn tìm hiểu. Cô nói: Em học trong sách cũng được. Nhưng nghe anh trả lời thì dễ hiểu và dễ nhớ hơn.
Cũng có nhiều câu do khán giả gửi tới và cô hỏi thay cho họ. Cụ thể nhất là cuốn Xuân Tha Hương, cô đã hỏi tôi biết bao nhiêu câu về phong tục ngày Tết, chẳng hạn tại sao Táo Quân lại cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng. Những sự tích về đốt pháo, cây nêu, cành đào, bánh chưng, tịch điền, múa lân… xuất phát từ đâu? Những câu hỏi của cô chính là những thắc mắc chung của lớp khán giả ở lứa tuổi cô mà các bậc phụ huynh không có thì giờ giải đáp nên nhờ tôi nói giùm.
Làm văn nghệ một thời gian, gặp gỡ, chung đụng với nghệ sĩ, tôi học được nhiều điều ở thế hệ trẻ. Điều đầu tiên là họ thẳng thắn. Họ suy nghĩ thế nào thì họ nói ra điều đó và xong thì thôi, không để bụng. Đó là một nét văn hóa Mỹ rất đáng trân trọng. Tôi nhớ một lần lưu diễn Âu Châu. Hôm ấy đi show ở Tiệp Khắc (tên mới bây giờ gọi là Cộng hòa Séc) vào mùa Noel. Lúc bấy giờ, người Việt ở Tiệp đa số sống bằng chợ trời, bán sỉ những mặt hàng bình dân cho người địa phương. Khu chợ trời rộng lớn ngày ấy còn nghèo, mấy trăm cửa hàng san sát chỉ toàn là vách ván mái tôn, mùa Đông rét căm căm mà đồng bào mình thì ai cũng sẵn sàng chịu thương chịu khó để gây dựng vốn liếng, nuôi con cái đi học hoặc gửi về giúp đỡ quê nhà. Năm ấy bỗng chợ trời bị cháy. Ngọn lửa lan đi rất nhanh bởi các gian hàng đều sát vách với nhau mà lại cháy giữa đêm khuya. Khi đội cứu hỏa đến nơi thì chỉ còn thấy cả một khoảng trời mênh mông chìm trong biển lửa. Bao nhiêu người thất nghiệp, đứng nhìn tài sản bị thiêu rụi, gào khóc mà không xông vào được vì cảnh sát và lính cứu hỏa triệt để canh giữ, sợ nguy hiểm đến tính mạng. Họ đồn nhau có người đốt chứ không phải vô tình. Mất hết hàng hóa đã đành mà đa số chủ nhân lại để tiền mặt hoặc vàng ở ngay tại tiệm, vì họ ra bán hàng từ 3 giờ sáng, tiền bạc để ở nhà không an toàn. Hàng loạt người trắng tay, thậm chí nhiều người toan tự tử!
Trong hoàn cảnh như thế, còn tâm trí đâu mà đi coi văn nghệ! Cho nên show hôm ấy chỉ có chưa đầy nửa rạp. Bầu show gặp tôi xin bớt tiền cát-xê. Tôi đồng ý ngay. Một lúc sau Kỳ Duyên gặp tôi, gay gắt mắng:
– Tại sao anh bớt tiền mà không hỏi ý tụi em?
Tôi ngơ ngác không hiểu tại sao mình bớt tiền mà lại phải xin phép người khác! Kỳ Duyên giải thích:
– You make me look bad!
Bấy giờ tôi mới hiểu. Tôi chưa gặp trường hợp này lần nào. Tôi bớt tiền, bầu show đem tôi ra “làm gương” để xin mấy người kia cùng bớt. Họ không bớt thì cảm thấy áy náy vì tôi đã bớt rồi! Tôi nhận cái lỗi đó! Từ nay không bớt tiền nữa. Bớt tiền đã tiếc lắm rồi lại còn bị cằn nhằn!
Thật ra thì Kỳ Duyên và mấy nghệ sĩ kia đúng chứ không sai! Họ cứng rắn áp dụng nguyên tắc công bằng. Tổ chức show ca nhạc tức là làm business, mà business thì phải có khi lỗ, có khi lời. Khi vé sold out, bầu show có lời lớn, họ đâu có trả thêm bonus cho ca sĩ. Như vậy thì khi bị lỗ tại sao ca sĩ phải bớt tiền!
Đó là những kinh nghiệm mà khi mới đi show tôi không rành. Điều tôi muốn nói ở đây là giới trẻ như Kỳ Duyên không ấm ức để bụng rồi thù vặt. Cần là nói ra ngay. Nói xong rồi quên, như vậy mới làm việc với nhau lâu dài được. Thế hệ của tôi thường bị căn bệnh cả nể, nhiều điều bực bội nhưng cứ giấu trong lòng và nuôi mãi sự giận hờn ngấm ngầm. Đó là “nền văn hóa thù dai” nên xóa bỏ!
Có một dạo Huỳnh Thi định đem truyện của tôi thực hiện thành phim, cả phim ngắn lẫn phim bộ. Đó là lý do Thúy Nga sang tận Hàn Quốc thu Paris By Night, vì muốn cộng tác với đài truyền hình Hàn Quốc vốn nổi tiếng là sản xuất phim bộ đẹp nhất Á Châu. Kỳ Duyên với Lưu Bích hăm hở muốn đóng phim. Tôi lắc đầu bảo Kỳ Duyên:
– Cô chỉ đóng được những vai cà chớn thôi!
Điều này thì tôi nói thật, dù có thể sai, nhưng tôi nghĩ như vậy. Tôi xem phim Mỹ rất nhiều và để ý thấy rằng: Những tài tử chuyên đóng các vai nghiêm trang như Marlon Brando, Clint Eastwood hoặc thậm chí Robert De Niro, lâu lâu vẫn có thể chuyển sang phim hài và thành công nhờ kịch bản. Nhưng những diễn viên chuyên về hài như Jim Carrey, Adam Sandler, Eddied Murphy… khi chuyển sang đóng phim đứng đắn thì rất khó thành công. Không phải họ diễn xuất dở mà vì cái hình ảnh hài hước của họ đã nằm sâu trong ký ức khán giả mất rồi. Kỳ Duyên đóng những tiểu phẩm hài trên Paris By Night rất hay, như Tiểu Long Nữ hoặc Hoa Hậu Cà Chớn, vô tình tạo cho khán giả thấy đó mới là lãnh vực sở trường của cô. Bởi vậy khi cô muốn chuyển sang chính kịch, đóng vai nghiêm chỉnh, thì rất khó thay đổi được thành kiến của khán giả. Cô quả quyết với tôi:
– Em đóng được! Đóng vai bi được! Anh không tin, em khóc cho anh coi!
Tôi bảo:
– Cô khóc thì khán giả sẽ cười!
Thấy tôi tỏ ý nghi ngờ khả năng đóng phim, Kỳ Duyên và Lưu Bích liền rủ nhau đi Hollywood, ghi danh học khóa diễn xuất ngay. Ngày ấy Kỳ Duyên và Lưu Bích rất thân nhau. Lưu Bích tốt nghiệp cử nhân thương mại, làm cho ngân hàng mấy năm rồi mới nghỉ để đi hát full time. Có đến hơn 10 năm, show nào hễ có Kỳ Duyên là có Lưu Bích.
Thế hệ của họ khác hẳn thế hệ của tôi: Họ quyết định nhanh và chịu học hỏi. Thấy tôi không sốt sắng mời họ đóng phim, họ đi học ngay, không phân trần mất thì giờ.
Rất tiếc là ý định làm phim của Thúy Nga phải bỏ cuộc vì nạn sang băng lậu lúc ấy bắt đầu lan tràn khắp nơi, sản xuất ra sẽ mất nghiệp! Các đài truyền hình hải ngoại đều còn nghèo, làm phim bộ dù hay đến đâu, họ cũng không đủ khả năng mua.
Tôi hay đọc tạp chí văn nghệ của Mỹ nói về hậu trường sân khấu phim ảnh và các show truyền hình. Ở đó tôi khám phá ra là có những show mà các diễn viên Mỹ kèn cựa nhau từng chút, người viết kịch bản hoặc đạo diễn phải phân chia thật đều từng lời thoại, không thể để người này lấn lướt người kia, diễn viên này nói nhiều hơn diễn viên khác. Tôi và Kỳ Duyên thì hoàn toàn ngược lại. Khi thu hình Paris By Night, không ai muốn nói nhiều, không ai muốn xuất hiện nhiều. Tôi muốn chia đều, nhưng dứt khoát Kỳ Duyên không chịu, thành ra gần như mục nào tôi cũng phải ra sân khấu, hoặc một mình tôi hoặc với Kỳ Duyên. Tuổi càng lớn, tôi cần muốn nghỉ bớt, mà Kỳ Duyên thì ngại phải ra đứng một mình vì sân khấu đổi cảnh lắm khi kéo dài lâu quá. Nói về Mỹ thì có thể nói cả ngày. Nhưng nói về văn hóa Việt thì tất nhiên kiến thức cô có giới hạn. Như tôi thường nói: Làm MC cho Paris By Night có thể nói là khó nhất thế giới, bởi mỗi bài hát là một cảnh khác nhau. MC phải nói cho đến khi nào sân khấu đổi xong thì mới giới thiệu mục kế tiếp. Nhưng cũng nhờ khó như vậy Paris By Night mới tạo được một dấu ấn nổi bật về nghệ thuật và về phổ biến văn hóa mà quốc nội không theo kịp, dù nhân lực và tài chính dồi dào gấp bội hải ngoại. Và vì khó khăn như vậy nên khi soạn chương trình tôi hay gắt gỏng với Kỳ Duyên, chẳng qua là vì muốn toàn hảo.
Kỳ Duyên cũng có cái hay nữa là bao nhiêu truyện cười cô sưu tầm được trên net hoặc các fan hâm mộ gửi về, cô đều đưa cho tôi mặc dầu tôi luôn luôn khuyến khích cô kể. Nhưng cô cứ đẩy cho tôi và bảo:
– Anh kể đi! Anh kể hay hơn em nhiều!
Cô nhận ra như vậy là đã giỏi rồi bởi ngôn ngữ tiếng Việt làm sao cô rành hơn tôi được. Kể chuyện cười căn bản là phải chọn chữ cho đúng và câu văn chỉ vừa đủ, dài quá sẽ bị nhạt, không thể cười được!
Điểm nổi bật nhất của Kỳ Duyên trên sân khấu có lẽ là sự thản nhiên, sự điềm tĩnh. Ca sĩ hát sai một câu, MC nói sai một lời, thường dễ mất tinh thần, đâm ra lúng túng. Cô thì không. Giới thiệu sai, cô cười cười nói lại. Thí dụ bài Tàn Tro cô giới thiệu là Tro Tàn. Bài Hành Trang Giã Từ cô giới thiệu là Giã Từ Hành Trang. Cái hay của cô là không chút bận tâm, mục kế tiếp sẽ ra đính chính lại. Rất khó có ai tập được cái tính tỉnh bơ như cô!
Năm rồi, 2017, bầu show khắp nơi, từ Hoa Kỳ, Âu Châu sang tới Úc, đã liên tục tổ chức cho tôi chương trình “Nguyễn Ngọc Ngạn 25 năm sân khấu”. Rất may là chỗ nào cũng thành công. Dĩ nhiên tôi phải cảm ơn các bầu show vì đó là một niềm hãnh diện lớn cho tôi: Đem tên một cụ già 73 tuổi ra làm chủ đề mà khán giả vẫn còn nồng nhiệt chiếu cố thì lịch sử văn nghệ Việt Nam ít khi thấy!
Nguyễn Ngọc Ngạn, 2018
Nguồn: thoibao.com