Kinh tế phục hồi tốt, vì sao doanh nghiệp đóng cửa nhiều?

Dù nền kinh tế phục hồi tốt nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao. Sự trái ngược này khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn.

Cho đến quý 3 vừa qua, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi tốt. Nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại tăng cao. Phải chăng còn quá nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng không nhận được hỗ trợ, hoặc giá trị hỗ trợ quá hạn chế (về mức độ, tính kịp thời…)?

Đó là những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận tình hình kinh tế xã hội ngày 22/10

Vẫn kiểu có tiền mà khó hỗ trợ

Cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 đã và đang phục hồi tốt với tốc độ tăng trưởng GDP tăng 8,83%, các đại biểu Quốc hội đánh giá là mức tăng trưởng rất đáng khích lệ trong 9 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, khi vào thực tiễn “sức khỏe” của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM) đặt câu hỏi: Vì sao tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt mức rất cao, nhưng vẫn có tới gần 112,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021 (bình quân hơn 400 doanh nghiệp ra khỏi thị trường mỗi ngày)? Phải chăng còn quá nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ, dẫn đến thực trạng là phải đóng cửa?

“Dù tăng trưởng kinh tế tốt lên, song tốc độ giải ngân của các chương trình phục hồi kinh tế còn chậm, dẫn đến hậu quả số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng cao gần 25%. Điều này cho thấy vấn đề hỗ trợ chưa sát. Chính sách thì có, nhưng chuyển biến chậm, còn doanh nghiệp không cứu được là ngưng hoạt động ngay”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói.

Còn theo đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương), Việt Nam vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua, đến nay, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt mức rất cao. Cho thấy, gói kích cầu theo Nghị quyết số 43 đã có tác dụng. Tuy nhiên, một số phần việc trong Nghị quyết số 43 vẫn chưa thực hiện thành công, đặc biệt là phần gói hỗ trợ lãi suất 2%.

“Chúng ta chỉ giải ngân được 13,5 tỷ đồng trên tổng số 16.035 tỷ đồng (hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp, xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân trong năm 2022), tức là chưa được 1%, chỉ có được 0,08%. Điều mà các doanh nghiệp đang mong chờ, nếu giải ngân được thì chắc là nền kinh tế không phải chỉ phát triển hơn 8%, mà có thể phát triển cao hơn nữa”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.

“Một vòng luẩn quẩn, các nguồn lực không thể khai thông”

Về nguyên nhân, đại biểu Hoàng Hữu Chiến (đoàn An Giang) cho rằng, điểm yếu này ở đây là khâu tổ chức thực hiện. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần làm rõ lý do của việc chậm giải ngân, tìm cách tháo gỡ phần giải ngân gói hỗ trợ này trong 2023, để giữ được nhịp tăng trưởng cao trong những năm qua, tạo đà cho những năm tới

“Nếu chúng ta giải quyết được điểm nghẽn này thì tôi nghĩ rằng sẽ tạo động lực rất lớn cho quý 4 và trong năm 2023”, đại biểu Nguyễn Hoàng Chiến nhấn mạnh.

Trước những lo lắng của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, doanh nghiệp đang rất khó khăn, không chỉ khó tiếp cận vốn, khó tiếp cận đất đai, mà còn khó khăn từ môi trường đầu tư kinh doanh.

“Gần đây, nhiều địa phương e ngại, sợ sai, nên dừng lại, đình trệ nhiều. Nhiều dự án đã cấp phép, đang triển khai cũng vướng mắc nhiều, chậm được tháo gỡ. Khi chậm tháo gỡ thì lại tạo nên các điểm nghẽn và khi đó là một vòng luẩn quẩn, các nguồn lực không thể khai thông…”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhìn nhận.

Ngay cả những chậm trễ trong giải ngân đầu tư công của năm nay, bên cạnh những khó khăn thường được nhắc tới, còn có câu chuyện của giá nguyên vật liệu, xăng dầu lên cao…, nên doanh nghiệp càng làm càng lỗ… Điều này cho thấy, khó khăn của doanh nghiệp vì vậy còn rất lớn.

“Chiều 23/10, Thủ tướng Chính phủ lại triệu tập cuộc họp nữa, để lắng nghe các chuyên gia có ý kiến về tình hình hiện tại, đánh giá những khó khăn về dòng tiền, những giải pháp để vừa kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, điều hành lãi suất phù hợp nhưng phải thúc đẩy và bảo đảm sản xuất”, Bộ trưởng thông tin.

Theo Bộ trưởng, nếu không tháo gỡ cho từng ngành, từng doanh nghiệp, từng dự án đang đang hoạt dộng tốt, đang có nhu cầu vay vốn, mà cào bằng thì rất nguy hiểm, rất khó khăn. Việc điều hành chính sách sẽ theo sát hơn và linh hoạt hơn.

“Bộ KH&ĐT sẽ tham mưu cho Chính phủ trên cơ sở phân tích sâu hơn các nguyên nhân, để có giải pháp đúng và trúng. Trước mắt, phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã và đang hoạt động, sẽ khai thông ngay nguồn lực cho phát triển. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong các tháng còn lại của năm 2022 và trong năm 2023”, Bộ trưởng Dũng cam kết.