Kinh nghiệm mua rượu ngoại 2014,rượu ngoại
Bày tỏ kinh nghiệm để mua được rượu ngoại “xịn”, chủ một cửa hàng rượu có kinh nghiệm chia sẻ: Nên chú ý đến nhãn mác, nếu là rượu giả thường nhãn mác nhăn nheo, bẩn, bằng mắt thường để ý kỹ cũng có thể thấy. Bên cạnh đó, cần chú ý đến nắp chai rượu. Nếu rượu chính hãng nắp sẽ không bị trầy xước, đường nét sáng đẹp.
TP.HCM: Thận trọng khi mua rượu Tết
Khảo sát tại một số khu vực bán rượu ngoại tại TP.HCM như đường Lê Văn Sỹ (vòng xoay Lăng Cha Cả, Q.3), Nguyễn Thông (Q.3), các chuỗi siêu thị Big C, Maximmart hay Coopmart, đường Châu Văn Liêm (Q.5)…dễ thấy, hầu hết các dòng rượu ngoại nổi tiếng trên thế giới như Chivas, Brandy, Johnnie Walker Black Label, Henessy, Remy Martin… được bày bán tại đây, giá cả tương ứng với từng năm tuổi của rượu.
Chị Khánh Sang – chủ một cửa hàng bán rượu trên đường Nguyễn Thông (Q.3) – cho biết: Năm nay, bán chạy nhất là những loại rượu có giá từ vài trăm ngàn đến 2 triệu đồng/chai. Các loại rượu giá trên 2 triệu đồng khá ít người hỏi tới.
Tối 291, khu vực trưng bày rượu thuộc siêu thị Big C Miền Đông (đường Tô Hiến Thành Q.10) đông kín người đứng xem, săm soi giá cả. Tuy nhiên, mặt hàng hút khách nhất vẫn là các loại rượu có giá từ 250.000 đến trên dưới 1 triệu đồng/chai trong khi những chai rượu giá vài triệu được người xem “ngắm là chính”.
Càng gần đến Tết, thị trường rượu tại TP.HCM càng “nóng” hơn bao giờ hết. Đây cũng chính là thời điểm khách hàng thiếu kinh nghiệm dễ mua phải rượu giả nhất. Theo chị Khánh Sang, hiện rất nhiều cửa hàng ở TP.HCM sẵn sàng nhập các loại rượu trôi nổi, bán lại cho người mua với giá rẻ. Vi vậy, khả năng rượu giả là rất cao.
Một chủ cửa hàng rượu khác trên đường Lê Văn Sỹ cũng cho rằng, hiện rất nhiều nơi để lẫn lộn rượu giả và rượu thật chung. Nếu khách mua có tâm lý ham rẻ sẽ dễ mắc bẫy.
Bày tỏ kinh nghiệm mua rượu ngoại đúng hàng xịn, chị Khánh Sang chia sẻ: Nên chú ý đến nhãn mác, nếu là rượu giả thường nhãn mác nhăn nheo, bẩn, bằng mắt thường để ý kỹ cũng có thể thấy. Bên cạnh đó, cần chú ý đến nắp chai rượu. Nếu rượu chính hãng thì nắp không trầy xước, đường nét sáng đẹp. Tem chống giả của chai rượu cần còn nguyên, dùng bút dạ quang, ánh đèn huỳnh quang có thể làm nổi hình in chìm.
“Tốt nhất khách hàng nên mua tại những địa điểm phân phối lớn, có uy tín, đầy đủ các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu các loại rượu…”, chị Sang kết luận.
Đà Nẵng: Rượu mạnh và rượu khai vị hút hàng
Khảo sát tại một số đại lý bia, rượu trên địa bàn Đà Nẵng, giá cả các mặt hàng bia rượu trong những ngày sát Tết không nhiều biến động, chỉ tăng nhẹ từ 10-15% so với tuần trước.
Theo đó, tại các cửa hàng kinh doanh rượu trên đường Nguyễn Văn Thoại (Kim Sương);Trần Phú (Đông Thu, Hải Anh, Văn Chương), Lê Duẩn (TP.Đà Nẵng), giá rượu vang nhập ngoại dao động từ 90.000 – 250.000 đồng/chai tùy loại; Vang Đà Lạt xanh có giá 45.000 – 50.000 đồng/chai, Đà Lạt đỏ xuất khẩu giá 50.000 – 60.000/chai; Nước trái cây có gas nhập khẩu và đóng chai trong nước có giá dao động từ 80.000 – 120.000 đồng/chai.
Trong đó, mặt hàng rượu mạnh và rượu vang các loại khá đắt hàng do thời tiết lạnh. Tuy nhiên, do đa dạng và phong phú về chủng loại nên giá bán các loại rượu này không tăng nhiều so với năm ngoái. Cụ thể: Remy Martin (Pháp) loại 650mml giá 650.000 – 700.000 đồng/chai; Jonny Walker Black Label giá 200.000 – 350.000 đồng/chai, Gold Label có giá 400.000 – 450.000 đồng/chai…tăng từ 10-15% so với giá bán năm ngoái.
Chị Thu, chủ cửa hàng rượu Đông Thu, số 126 Trần Phú (đối diện chợ Hàn) cho biết: “Giá rượu năm nay không cao do nguồn hàng phong phú. Một số loại rượu mạnh có thương hiệu như Remy Martin, Jonny Walker, XO… được người tiêu dùng chọn nhiều nên giá có nhích lên chút ít do chi phí vận chuyển ngày Tết. Bên cạnh đó, do thời tiết lạnh nên rượu vang được người tiêu dùng chọn nhiều thay cho bia”.
Giá bia các loại cũng tăng nhẹ nhưng không đáng kể, bia Heneiken có giá 340.000 – 350.000 đồng/thùng, Bia 333 giá 190.000 – 200.000 đồng/thùng, Bia Larue xuất khẩu giá 220.0000-230.000 đồng/thùng… tăng 5-10% so với ngày thường.
Hà Nội: Càng đi càng khó mua được rượu “xịn”
Khi thị trường bia, rượu ngày càng phong phú, đa dạng thì người tiêu dùng càng băn khoăn trước “ma trận” hàng giả, hàng nhái. Dù đã bỏ cả buổi chiều, lang thang khắp các quầy hàng tạp hóa lớn nhỏ quanh khu vực mình đang sống nhưng chị Hoài Thương (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa tìm được chai rượu ưng ý để đi chúc Tết sếp.
Chị than thở: “Tôi rất muốn mua rượu ngoại “xịn”, dù giá có đắt cũng không thành vấn đề. Nhưng càng đi càng… khó tìm. Mỗi lần đến một cửa hàng, chủ quán lại giới thiệu các sản phẩm uy tín, chất lượng khác nhau, đặc biệt là ai cũng nhấn mạnh rượu mà họ bán là rượu “xịn” 100%. Chị cứ đắn đo vì “giá mỗi nơi mỗi khác, chênh nhau tới vài trăm nghìn” nên tôi không biết thế nào mà lần?”. Cuối cùng, chị trở về tay không.
Còn chị Hải Hà, rút kinh nghiệm từ những lần mua phải rượu dởm ngoài thị trường dù số tiền chi ra lên đến gần chục triệu đồng, năm nay, trước Tết gần một tháng, chị đã nhờ người quen bên Pháp đặt mua và gửi qua đường hải quan 10 chai rượu vang chính hãng, sản xuất từ năm 2002. “Tuy tốn kém và mất công sức, thời gian nhưng quan trọng là hàng chuẩn, hàng chất lượng, chứ không trôi nổi như trên thị trường ở Việt Nam nên khi đi biếu hay đem ra uống, mình rất yên tâm” – Chị Hà nói.
Để giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng giả, hàng nhái, ông Nguyễn Hồng Tiến – Phó phòng maketing Công ty CP Cồn Rượu Hà Nội (Halico – 94 Lò Đúc, Hai Bà Trưng, HN) cho biết: Để tránh tình trạng mua phải rượu kém chất lượng, trước khi mua, khách hàng nên chú ý tới nắp chai của các loại rượu. Vodka thật luôn ghi ngày sản xuất (NSX) rất sắc nét, nắp chai được nhập từ Pháp về, khi mở ra, vỏ chai sẽ đứt và phát ra tiếng “tách” nhẹ. Còn hàng nhái, khi mở ra, không có tiếng đứt của nhôm, NSX in mờ nhòe.
Thêm nữa, ông Tiến lưu ý người tiêu dùng cách nhanh chóng để phân biệt hàng giả – hàng nhái bằng một động tác giản đơn là đưa tay bóc nhẹ tờ nhãn mác dán trên thân chai. “Một chai rượu gia công thông thường sẽ dán bằng hồ, còn rượu Vodka chính hãng được dán bằng máy, có gân rất rõ nét nên chỉ có thể xé giấy lem nhem, chứ không thể bóc tung, trơn tuột cả miếng giấy ra giống như rượu nhái được”, ông Tiến so sánh. Ngoài ra, trước khi uống, để cẩn thận, NTD nên thử cạo nhẹ nắp chai. Đại diện của Công ty CP Cồn Rượu Hà Nội khẳng định: “Ở chai rượu giả sẽ phai ra màu sơn, bóc lớp từng mảng còn chai rượu thật sẽ không có hiện tượng như vậy”.
Đối với rượu Anh Đào, ông Vũ Trung Hiếu, Trưởng phòng Maketing của Công ty Rượu và Nước giải khát Anh Đào, khuyến cáo: Trước đây, rượu Anh Đào cũng đã từng bị làm giả, vì vậy, khi mua, khách hàng nên đến những đại lý chính hãng phân phối sản phẩm này để tìm mua. Ngoài ra, người tiêu dùng trước chi rút “hầu bao” chi tiền nên xem những thông tin đầy đủ được ghi trên nhãn mác dán ở thân chai, trong đó, ghi rõ: Khu Công nghiệp Phú Diễn – Từ Liêm – Hà Nội. Ngoài ra, khách hàng có thể nhìn vào màu sắc của rượu để đánh giá, rượu Anh Đào thật luôn luôn có màu đỏ đậm hơn và mang một mùi vị riêng mà những người quen uống Anh Đào sẽ dễ dàng cảm nhận được.
Trong rất nhiều những lần thanh tra, kiểm tra về chất lượng hàng hóa bày bán trên thị trường, đại diện của các cơ quan quản lý, các cán bộ phụ trách chuyên môn luôn luôn nhắc nhở người tiêu dùng: Nên thận trọng và tìm mua những sản phẩm có uy tín, có địa chỉ, thông tin rõ ràng ghi trên mác sản phẩm. Đối với những loại rượu ngoại, bắt buộc phải có phụ đề tiếng Việt kèm theo dán chồng bên nhãn mác của mỗi sản phẩm.
“Hiện nay, việc làm nhãn mác giả diễn ra khá công khai và dễ dàng. Vì vậy, nếu các cơ quan quản lý thị trường không “vào cuộc” bảo vệ doanh nghiệp, nới lỏng kiểm tra thì doanh nghiệp chỉ còn cách tự bảo vệ mình, tự quảng bá, lưu ý với khách hàng với mong muốn tự giữ vững thương hiệu” – ông Hiếu nói.