Kinh nghiệm kinh doanh mỹ phẩm cho người mới bắt đầu










23/09/2022

KINH DOANH

Khi mới bắt tay khởi nghiệp kinh doanh mỹ phẩm, ắt hẳn sẽ có không ít người bỡ ngỡ vì có quá nhiều thứ phải chuẩn bị. Một số thứ rất thiếu yếu thì bị bỏ qua trong khi những thứ không cần thiết thì được thêm vào. Chính vì thế mà kinh nghiệm kinh doanh mỹ phẩm từ người khác là rất cần thiết. Họ là những người đã từng, đang và vẫn kinh doanh mỹ phẩm, những gì mà họ đã trải qua sẽ giúp cho bạn hạn chế được những bước đi thừa thãi và sai lầm, xây dựng cho bạn một cái nhìn thấu đáo hơn về ngành nghề mà bạn theo đuổi, thị trường mà bạn đang nhắm tới và tính khả thi của mô hình kinh doanh mỹ phẩm mà bạn đang áp dụng cũng như chiến lược kinh doanh mỹ phẩm mà bạn đang thực thi có đang đi đúng hướng hay không? Và trong bài viết này, Skin Beau sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm kinh doanh mỹ phẩm mà bản thân chúng tôi đã trải qua cũng như sưu tầm và tổng hợp từ những người khác, hy vọng nội dung mà chúng tôi cung cấp góp một phần nào đó vào sự thành công của các bạn.

Kinh nghiệm kinh doanh mỹ phẩm cho người khởi nghiệp

Kinh nghiệm kinh doanh mỹ phẩm: Những việc đầu tiên phải làm

Vì bài viết này là trình bày những kinh nghiệm kinh doanh mỹ phẩmSkin Beau tổng hợp được nên mình sẽ không bàn kỹ càng về những kế hoạch trên giấy mà liệt kê về những việc cần làm trong quá trình khởi động dự án kinh doanh của mình. Để hiểu chi tiết hơn nữa về chiến lược, mô hình,… các bạn nhấp vào các đường links màu xanh lam mà mình đặt trong bài viết này nhé. Còn bây giờ chúng ta vào việc chính: Những việc đầu tiên phải làm khi tham gia khởi nghiệp kinh doanh mỹ phẩm.

1. Trang bị hiểu biết về mỹ phẩm 

Điều đầu tiên bạn cần biết chính là Sự hiểu biết, thiếu đi sự hiểu biết giống như bạn bị lạc vào một khu rừng mà không biết cách hái quả dại để ăn, không biết tìm nước để uống, không biết tránh rắn rết và thú dữ,….

Khi đã xác định rằng mình sẽ mở shop bán mỹ phẩm thì trước đó bạn nên dành thời gian để tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này như xu hướng tiêu dùng mỹ phẩm sắp tới là gì, tâm lý khách hàng khi chọn mua mỹ phẩm ra sao, có bao nhiêu loại mỹ phẩm và thông tin về các loại như thành phần, tác dụng, nguồn gốc, giá bán,… Nếu bạn kinh doanh mỹ phẩm handmade thì bạn còn phải nắm vững công thức chế biến vằ đặc tính của từng nguyên liệu khi kết hợp với nhau sẽ tạo ra đặc tính mới nào.

Sự tìm hiểu này phải diễn ra trước khi bạn chính thức mở cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm. Trong mọi khâu chuẩn bị, sự chuẩn bị về kiến thức là bước đầu tiên và quan trọng nhất. Không có hiểu biết về sản phẩm mình sẽ bán và thị trường của nó bạn sẽ chẳng khác gì người mù vừa đi vừa chống gậy dò đường nhưng vẫn không tránh khỏi bị vấp ngã đau đớn. 

Francis Bacon từng nói “Tri thức là sức mạnh”. Đây có thể coi là định lý toàn vẹn nhất mọi thời đại. Sự hiểu biết chính là nền tảng vững chắc để bạn gây dựng một sự nghiệp huy hoàng sau này. Việc trang bị hiểu biết về mỹ phẩm không chỉ là một giai đoạn thực hiện xong là chấm hết mà điều đó sẽ theo bạn đến hết đời. Kinh nghiệm trong kinh doanh mỹ phẩm cho thấy việc này là một lý thuyết mà là thực tế trên cả thực tế. 

2. Khảo sát thị trường kinh doanh mỹ phẩm

Thị trường chính là nơi mà cung gặp cầu, người muốn bán gặp người muốn mua với mục đích cuối cùng là thỏa mãn nhu cầu của nhau. Và để biết được nhu cầu khách hàng là gì bạn cần phải tiến hành khảo sát thị trường mỹ phẩm. Bản thân con người là một sinh vật biết suy nghĩ và sở thích riêng nhưng một đám đông tập hợp lại thì sẽ bộc lộ một xu hướng chung nào đó. Mục đích của việc khảo sát thị trường chính là phát hiện ra những nhu cầu chung của một tập hợp khách hàng, đánh giá các thuộc tính của tập khách hàng này như độ tuổi, địa lý, giới tính, thu nhập, mức độ chi tiêu cho việc làm đẹp,…

Bạn càng mô tả được nhiều thuộc tính và độ chi tiết của thuộc tính thì chân dung khách hàng của bạn càng rõ nét. Mức độ chính xác trong phân tích thị trường của bạn phụ thuộc vào sự khách quan trong đánh giá và sự hiểu biết của bạn đối với lĩnh vực mỹ phẩm. Ở bước khảo sát thị trường này bạn có 3 nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện chi tiết là:

  • Xác định nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của thị trường để lên ý tưởng sản phẩm.
  • Xác định nhóm khách hàng mục tiêu và phân khúc bán hàng.
  • Xác định và phân tích các đối thủ cạnh tranh.

3. Nghiên cứu về các đối thủ cạnh tranh

Trong quá trình nghiên cứu và phân tích thị trường buôn bán mỹ phẩm có 2 trường hợp bạn phải phác thảo một cách sâu sắc và càng chi tiết càng tốt là chân dung khách hàng và chân dung đối thủ cạnh tranh. Đối thủ cạnh tranh chính là những vật cản mà sản phẩm của bạn phải vượt qua để đến tay khách hàng. 

Khi nghiên cứu đối thủ cạnh tranh bạn cần phân tích hai trường hợp là những đối thủ đang hiện diện và những đối thủ tiềm năng. 

– Đối thủ hiện diện là những doanh nghiệp đã có thị phần và chỗ đứng trên thị trường, đó là những kẻ mạnh hơn bạn. Khi phân tích những đối thủ này bạn cần chú trọng vào những nhược điểm, thiếu sót và kẽ hở của họ. Việc nghiên cứu những đối thủ đang có này không có gì khó khăn lắm vì họ ở ngoài sang còn bạn ở trong tối.

Ngoài ra, đối thủ hiện diện còn chính là những doanh nghiệp cùng đẳng cấp với bạn, có thị phần và sức mạnh kinh tế tương đương với bạn. Với những đối thủ cùng đẳng cấp này, bạn dễ chiến thắng hơn so với những ông lớn đã có chỗ đứng nhưng phân tích họ khó hơn vì họ cũng đang dòm ngó và phân tích về bạn. Đối với những đối thủ này bạn không những phải nhìn ra nhược điểm và kẻ hở của họ mà còn phải rất cẩn thận để không lộ ra nhược điểm của chính mình. Nếu đối thủ nhìn ra được điều đó, bạn sẽ đánh bại và tụt lại phía sau. 

– Đối thủ tiềm năng là những doanh nghiệp đang nhỏ và yếu hơn bạn nhưng lại có sức tăng trưởng nhanh hơn và khả năng sẽ trở thành địch thủ xứng tầm của bạn trong tương lai. Thông thường, các doanh nghiệp lớn hay chủ quan và không mấy để ý tới những người chỉ buôn bán nhỏ lẻ nhưng lại ít khi để ý rằng mình đàng là đối tượng đang được những kẻ yếu hơn nghiên cứu và tìm cách đánh bại.

Một ví dụ điển hình cho câu chuyện này chính là Nokia, sau một thời gian rất dài ngồi trên ngai vàng của lĩnh vực điện thoại di động, ngày nay Nokia đã phá sản và bị mua lại. Thị trường giờ thuộc về Apple và Sam Sung nhưng thị trường của 2 ông lớn này cũng đang bị thu hẹp bởi sự trỗi dậy của một số hãng điện thoại Trung Quốc. 

Đối với những người mới khởi nghiệp công việc kinh doanh mỹ phẩm nên việc nghiên cứu các đối thủ tiềm năng không mấy quan trọng. Tâm điểm chính là những đối thủ hiện diện.

Ngoài kiểu chia nhóm đối thủ này thì còn có một kiểu chia nữa là đối thủ trực tiếp và đối thủ gián tiếp. Về các phương pháp phân tích đối thủ cạnh tranh mình sẽ có một bài viết khác chuyên sâu dành cho nó. Ở đây các bạn chỉ cần biết xác định đối thủ là tốt rồi.

4. Xác định đối tượng khách hàng mục tiêu

Khách hàng là cái đích mà bạn nhắm tới. Trong quá trình nghiên cứu về thị trường mỹ phẩm, việc xác định đối tượng khách hàng sẽ diễn ra sau khi xác định được nhu cầu của thị trường và trước việc xác định và phân tích đối thủ cạnh tranh. Bởi vì, bạn phải khảo sát thị trường trước xem nhu cầu và xu hướng thế nào, sau đó là lên ý tưởng về sản phẩm, bước tiếp theo là tìm nhóm khách hàng có khả năng tiêu thụ sản phẩm của mình và kế tiếp là xác định xem những yếu tố nào là vật cản giữa bạn và khách hàng. Có nhiều vật cản khác nhau và đối thủ cạnh tranh là một trong số các vật cản đó. 

Bản chất của việc xác định khách hàng mục tiêu chính là khả năng tiêu thụ sản phẩm mà bạn cung cấp, những nhóm khách hàng có khả năng tiêu thụ càng mạnh thì càng là những nhóm khách hàng giá trị. Tuy nhiên, việc đánh giá nhóm khách hàng nào là tiềm năng không đơn điệu như thế. Kinh nghiệm kinh doanh mỹ phẩm của nhiều người cho thấy nhiều khi những phân tích nghe có vẻ hợp lý trên giấy lại tỏ ra không đúng lắm trong thực tế. 

Ví dụ:

Bạn khảo sát thị trường và thấy rằng nhu cầu làm đẹp của nam giới ngày một tăng, theo logic, điều này khiến bạn nghĩ ngay đến việc sẽ mở shop kinh doanh mỹ phẩm dành cho nam giới. Sau khi tiến hành nghiên cứu sâu hơn về thị trường để xác định khách hàng mục tiêu thì bạn phác họa được tập khách hàng của mình là nhóm đối tượng nam giới từ 16 – 27 tuổi, thu nhập không cao hoặc chưa có thu nhập, khả năng tiêu thụ mạnh, nơi sinh sống chủ yếu là Hà Nội và Tp HCM (giả sử bạn chỉ nhắm thị trường Hà Nội), sản phẩm yếu là kem dưỡng trắng và kem chống nắng,…

Sau khi xác định được những đặc điểm khách hàng này bạn tiếp tục nghiên cứu đối thủ cạnh tranh và xác định 3 shop tại Hà Nội có khả năng cạnh tranh với mình, Shop A có ưu điểm là giá rẻ; Shop B có ưu điểm là nhiều khuyến mãi,combo, tặng kèm; Shop C có ưu điểm là tư vấn và phục vụ tốt. Những ưu điểm của 3 shop này rất hợp lý đối với nhóm khách hàng vừa nêu, nhưng họ có một nhược điểm là các phản hồi của khách hàng về công dụng sản phẩm không tốt lắm. Nắm được yếu điểm đó, bạn tung ra sản phẩm chất lượng hơn với giá chênh lên không nhiều và đã có phản hồi chất lượng tích cực hơn thật. Tuy nhiên, họ vẫn không hề mất khách và hàng của bạn bán vẫn chậm hơn họ. Nguyên nhân của việc này chính là những shop này đã đáp ứng đúng các kỳ vọng của nhóm khách hàng mà họ phục vụ.

Về mặt lý luận, ai cũng nói chất lượng đánh bật tất cả nhưng chất lượng trong mắt mỗi người là khác nhau, có người chỉ cần rẻ, có người thích khuyến mãi và có người chỉ thích nghe những lời ngọt ngào và cung cách phục vụ hoàng đế của các nhân viên sales. Một giải thích thực tế cho chuyện này chính là việc hàng hóa Trung Quốc xâm lăng Việt Nam chỉ vì giá rẻ (rẻ mới quyết định còn đẹp là bổ sung thêm để tạo cú hích hiệu quả hơn thôi) trong khi chất lượng thì tệ khỏi phải nói. Vấn đề là người tiêu dùng họ chỉ cần vậy.

Vì vậy, hãy xác định cẩn thận kỳ vọng thực sự của khách hàng vì nhiều khi nhu cầu thực sự của họ không nằm ở những gì họ nói. Cái đó gọi là Insight khách hàng (những mong muốn thực sự bên trong). Việc xác định đúng nhóm khách hàng mục tiêu có ý nghĩa quan trọng vì nhóm khách hàng đó thường rất trung thành và đây là nguồn khách tạo ra lợi nhuận kinh doanh mỹ phẩm lâu bền cho bạn.

5. Xác định vốn kinh doanh

Nếu làm một cách bài bản thì phải gọi là xác định nguồn lực vì vốn chỉ là một bộ phận cấu thành nguồn lực thôi, bên cạnh còn thời gian và sức lực để triển khai nữa. Nhưng như đã nói ở trên, bài viết này chủ yếu chia sẻ những kinh nghiệm kinh doanh mỹ phẩm được đúc kết nên chỉ đề cập những vấn đề chính một cách dễ hiểu nhất.

Về mặt vốn thì trong ngữ cảnh này ta gọi đó là tiền. Để kinh doanh bạn phải có tiền. Trong cấu tạo vốn của bạn có hai phần là vốn tự có (chuyên môn gọi là vốn chủ sở hữu) và vốn đi vay (chuyên môn gọi là đòn bẩy tài chính). Vốn kinh doanh = Vốn tự có + Vốn vay và Hệ số K =(Vốn vay / Vốn tự có) gọi là hệ số đòn bẩy. Mặc dù trông có vẻ lý thuyết nhưng kinh nghiệm trong kinh doanh mỹ phẩm cho thấy cái lý thuyết này đủ thực tế để áp dụng. Bạn chỉ cần thực hiện như việc tính toán số học thông thường.

Để mở một shop bán mỹ phẩm bạn sẽ liệt kê ra các khoản phải chi tiêu càng chi tiết càng tốt bao gồm các chi phí cố định như: tiền thuê mặt bằng trong 6 tháng, tiền xây dựng và trang trí cửa hàng, tiền mau dụng củ, đồ đạc, tiền nhập một lô hàng, tiền trả lương nhân viên, tiền dự phòng… và các chi phí biến đổi như: tiền điện nước duy trì hoạt động, tiền xăng xe đi lại, tiền ship hàng, tiền điện thoại, tiền thưởng, tiền chi cho các hoạt động liên hoan, thăm người ốm,…(chi phí biến đổi rất khó xác định và không thể xác định ngay từ đâu, chỉ sau một thời gian kinh doanh bạn sẽ ước tính được dựa trên thống kê hàng tháng). Sau khi liệt kê được các chi phí bạn đưa vào Vốn kinh doanh và đếm trong túi xem mình có bao nhiêu Vốn tự có, một phép trừ đơn giản sẽ cho bạn biết bạn phải vay thêm bao nhiêu tiền.

Biết được 3 toán hạng này bạn cũng sẽ tính ra hệ số đòn bẩy là bao nhiêu, hệ số đòn bẩy nằm trong phạm vi 0 ≤ K ≤ 1, K càng lớn thì rủi ro càng cao nhưng chỉ số sinh lợi nhuận càng cao vì sử dụng vốn của người khác để kiếm tiền cho mình và ngược lại. Kinh nghiệm khi kinh doanh mỹ phẩm của nhiều người cho thấy khi mới bắt đầu, bạn chỉ nên kinh doanh nhỏ với vốn tự có là chủ yếu, hạn chế đi vay và nếu có vay thì cố gắng tìm nhưng khoản vay không phải trả lại như từ bạn bè hoặc người thân. Với việc kinh doanh nhỏ, bạn vay tiền với lãi suất 0% cũng dễ hơn. 

Một phép toán đảo ngược nữa mà mình cũng nên giới thiệu một chút  là H = Vốn tự có / Vốn vay được gọi là hệ số an toàn vốn (thực tế công thức này phức tạp hơn thế, ở đây mình chỉ minh họa cho dễ hiểu thôi). Hệ số H càng cao thì bạn càng an toàn.

Nói đến đây thôi chắc các bạn cũng đã nắm được một vài ý cơn bản. Vốn và sử dụng vốn hiệu quả rất quan trọng, đặc biệt là đối với một ngành đầy sự phiêu lưu như mỹ phẩm, việc tối ưu và phân bố vốn đúng cách có vai trò quyết định rất lớn đến cơ đồ của bạn sau này. Mình sẽ trình bày chi tiết hơn về Vốn và các quy tắc sử dụng vốn kinh doanh ở một bài viết khác. Còn bây giờ chúng ta đến phần tiếp theo!

6. Hoàn thiện hồ sơ pháp lý đầy đủ

Các mặt hàng có tác động trực tiếp hay gián tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất,… thường bị Cục Quản lý thị trường giám sát rất chặt chẽ. Những ai kinh doanh những mặt hàng này cũng đều phải cận thận từ việc tìm nguồn hàng uy tín chất lượng, kiểm tra kỹ càng các lô hàng cho đến đăng ký kinh doanh và hoàn tất đầy đủ một bộ hồ sơ pháp lý về doanh nghiệp và ngành hàng mà mình đang kinh doanh. Rủi ro về pháp lý là một trong những loại rủi ro khi kinh doanh mỹ phẩm thường hay xảy ra, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực cho hoạt động vận hành cũng như tiếng tăm thương hiệu của bạn. Hãy ghi nhớ kỹ điều này.

Bạn thử nghĩ xem sẽ tệ thế nào khi vài thanh tra Bộ Công thương đến kho hàng của bạn và tiến hành kiểm tra, kể cả hàng của bạn có chất lượng thật thì họ cũng yêu cầu các giấy tờ chứng nhận và hồ sơ doanh nghiệp của bạn. Lúc này nếu bạn không có hoặc có mà “còn bà mất ông” thì bạn sẽ gặp rắc rối lớn.

Hay một ví dụ khác là các đối tác mua hàng muốn đặt niềm tin ở bạn bằng việc yêu cầu bạn cũng cấp một bản sao Hồ sơ pháp lý doanh nghiệp của bạn, nếu bạn không có thì cho dù có uy tín thật cũng chẳng ai tin. Bạn sẽ mất nhiều cơ hội hợp tác và phát triển kinh doanh. 

Một ví dụ nữa là nhỡ may bạn có một ý tưởng tuyệt vời và ý tưởng đó đem lại cho bạn cơ hội kiếm rất nhiều tiền nhưng khi người khác biết, họ sẽ ăn cắp ý tưởng của bạn và làm giàu cho chính mình, thậm chí là công khai. Bạn không thể làm gì họ vì pháp luật chưa bảo vệ việc “sở hữu trí tuệ” cho bạn.

Được lên báo là một chuyện đáng mừng đối với một người khởi nghiệp kinh doanh nhưng nếu lên báo vì những điều mình vừa nói trên thì đúng là tai họa. Hãy dành thời gian hoàn thiện chỉn chu một hồ sơ pháp lý đầy đủ cho thương hiệu và sản phẩm của bạn. Sự bảo trợ từ pháp luật có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển sự nghiệp của bạn sau này.

7. Mở shop bán mỹ phẩm 

Sau khi hoàn thành 6 bước trên, bạn đã hoàn toàn yên tâm để tìm một địa điểm đẹp nào đó, dựng lên một cửa hàng mỹ phẩm và trưng bày những gì mình sẽ bán. Trong thời buổi hiện đại như hiện nay, khái niệm shop hay cửa hàng không còn chỉ là những thực thể vật lý tồn tại trong thế giới thực mà còn là những gian hàng ảo trên internet nữa. Người ta bắt đầu định nghĩa mọi thứ dựa trên chức năng mà chúng cung cấp chứ không phải là cấu tạo của chúng ra sao.

Khi mở shop mỹ phẩm sẽ có hai kiểu là Shop kinh doanh mỹ phẩm online và Shop kinh doanh mỹ phẩm offline. Nói về sự so sánh giữa hai loại này thì chắc chắn mọi người cũng đều biết và liệt kê ra được. Mình cũng không cần bàn nhiều làm chi cho thêm thừa. Mình chỉ xin lưu ý đến các bạn một số điểm như sau:

– Về việc mở shop bán mỹ phẩm offline:

Không giống như ngày xưa, việc lựa chọn địa điểm mở cửa hàng mỹ phẩm chỉ dựa trên các tiêu chí như mặt đường rộng, có nhiều người qua lại,… tuy vẫn mang lại nhiều lợi thế nhưng đã không còn quá quan trọng, bởi vì hình thức kinh doanh mỹ phẩm chính bây giờ là các kênh bán hàng online. Mặc dù thế, nếu bạn có thể mở một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm offline đặt ở một điểm khá đẹp nào đó, trang trí thật bắt mắt và ra dáng chuyên nghiệp thì điều này sẽ gia tăng mức độ uy tín của shop bạn và khẳng định tính thực thể của doanh nghiệp.

– Về việc mở shop bán mỹ phẩm online:

Với sự lợi hại và vô tận của không gian mạng, bạn có thể tạo ra rất nhiều những shop mỹ phẩm online trên nhiều nền tảng trực tuyến khác nhau. Thị trường trên internet cũng chính là thị trường chính mà bạn phải cạnh tranh với người khác để giành lấy những đơn hàng béo bở về tay mình.

Mạng xã hội như Facebook, TikTok, Pinterest; Ứng dụng liên lạc như Zalo, WhatsApp, Telegram; Sàn thương mại điện tử như  Shopee. Tiki, Sendo và nền tảng truyền thống như Website, Blogspot, Youtube chính là những kênh bán hàng mỹ phẩm online đang được sử dụng phổ biến nhất. 

Trong các kênh bán online này sẽ có một hoặc hai kênh mang lại cho bạn nhiều doanh thu nhất, hãy chú trọng đầu tư cho kênh đó và sử dụng những kênh còn lại làm kênh vệ tinh hút lưu lượng truy cập về kênh chính. Đối với Website, đây là một kênh bán hàng lâu đời và được khách hàng xem là chính thống hươn cả mặc dù website chưa hẳn là kênh bán mỹ phẩm tạo ra cho bạn nhiều lợi nhuận nhất nhưng bạn vẫn cần phải xây dựng nó lung linh và chăm sóc nó thường xuyên. 

8. Xây dựng kế hoạch tiếp thị

Kế hoạch tiếp thị, truyền thông là một phần nằm trong Chiến lược marketing. Tại sao việc xây dựng các kế hoạch tiếp thị lại quan trọng?

Kinh nghiệm khi kinh doanh mỹ phẩm của gần như tất cả mọi người đều cho rằng Marketing là hoạt động ngốn ngân sách nhất trong tất cả các các hoạt động kinh doanh của họ. Nếu bạn cứ PR rồi quảng cáo đủ trò cho sản phẩm nhưng không có một kế hoạch rõ ràng, trong đó trình bày thời điểm, phương án và các chiến thuật thực hiện thì tiền bạc của bạn cũng sẽ đổ sông đổ bể và thậm chí còn không hiệu quả một chút nào. 

Marketing là một chiến lược kinh doanh dài hạn và liên tục. Chính vì thế bạn cũng không nên nóng vội và sốt ruột khi thấy đối thủ quảng cáo rầm rộ mà mình thì vẫn chưa ai biết tới. Hãy lên một kế hoạch đầy đủ và tường tận cho việc tiếp thị thương hiệu và sản phẩm. Quan trọng nhất vẫn là đạt mục đích và đạt hiệu suất, kể cả khi mục đích của bạn đã đạt được nhưng quá tốn kém (hiệu suất thấp) thì đó vẫn là một kế hoạch tiếp thị mỹ phẩm chưa toàn dụng.

9. Tạo dựng uy tín bán hàng

Trong kinh doanh, chữ TÍN là quan trọng hàng đầu, điều đó thể hiện yếu tố NIỀM TIN quan trọng như thế nào. Để xây dựng niềm tin của khách hàng về thương hiệu và sản phẩm của bạn thì tất cả các khâu hoạt động từ truyền thông, tư vấn, bán hàng, đóng gói, thanh toán, tiếp nhận phản hồi và chính sách hậu mãi phải thực hiện một cách trơn tru và ăn khớp. Các khâu hoạt động này phải luôn được kiểm tra và giám sát để hạn chế những rủi ro bởi sự vô tính hay cố ý như giao nhầm hàng, giao thiếu hàng, không trả lời phản hồi của khách, mô tả sản phẩm không đúng,…

Kinh doanh mỹ phẩm là một lĩnh vực khá nhạy cảm vì nó có chút liên quan đến vấn đề y tế, cho nên khách mua hàng cũng rất cẩn trọng, sợ mua phải hàng fake. Vì lý do đó, việc tạo dựng uy tín kinh doanh là rất quan trọng và cũng không dễ thực hiện và ở ngoài kia, các đối thủ của bạn cũng đang hành động.

Tạo dựng uy tín trong kinh doanh mỹ phẩm chính là tạo ra những điểm chạm tích cực với vòng phản hồi liên tục để in vào trí nhớ của khách hàng những cảm xúc tốt đẹp nhất mỗi khi được gợi nhắc đến thương hiệu và sản phẩm của bạn chỉ qua những đặc trưng như màu sắc, logo, thiết kế,…

Ví dụ: Khi nhắc đến Google thì bạn thấy gì ở họ? Bạn sẽ được gợi ra những điều tích cực như đây là công cụ tìm kiếm tốt và tiện dụng nhất thế giới, luôn chú trọng vào việc tối ưu trải nghiệm người dùng, kiên quyết loại bỏ những nội dung độc hại, spam… Đó chính là uy tín to lớn của Google mà không một thương hiệu nào sánh được.

Không những việc tạo dựng và gìn giữ uy tín quan trọng đối với các nhà bán hàng mỹ phẩm chuyên nghiệp mà kể cả đối với các CTV mỹ phẩm, uy tín cũng cực kỳ quan trọng. Bạn đừng nghĩ là CTV mỹ phẩm thì chỉ cần bán hàng thôi nhé vì trong mắt khách hàng bạn là người bán nên có vấn đề gì thì họ chỉ biết bạn là kẻ gây tội. Điều đó có thể gây hại cho cơ đồ sau này của các CTV mỹ phẩm.

10. Đào tạo nhân viên chuyên nghiệp

Tùy theo quy mô kinh doanh của bạn mà công tác nhân sự của bạn cũng theo đó mà nương theo. Nếu bạn kinh doanh nhỏ thì có khi bạn không cần tuyển nhân viên, một mình bạn là đã đủ để đảm trách từ việc bán hàng, tư vấn, đóng gói và phản hồi. Khi quy mô lớn hơn chút, một mình bạn không thể ôm hết việc thì bạn sẽ tuyển vài phụ tá, những người này sẽ giúp bạn hoàn thành một số việc và một nhân viên có thể làm nhiều việc khác nhau. Khi quy mô của bạn đủ lớn để chia ra ban bệ, thì sự chuyên môn hóa trong công việc là cần tiết, lúc này một người làm một việc của mình hoặc thậm chí nhiều người làm một việc, mỗi người một khâu nếu công việc đó lớn.

Tuy nhiên, dù ở bất kỳ quy mô kinh doanh nào thì các nhân viên cũng phải thể hiện tính chuyên nghiệp của mình, nhỏ thì chuyên nghiệp kiểu nhỏ mà lớn thì chuyên nghiệp kiểu lớn. Nếu nhân viên của bạn không đủ sự chuyên nghiệp, công việc của bạn sẽ tiến triển kém vì trong ngành buôn bán mỹ phẩm, sự chuyên nghiệp rất quan trọng, bạn không chỉ bán sản phẩm mà còn bán thương hiệu và dịch vụ. Chỉ một sơ suất như nhỏ thiếu hàng gửi cho khách cũng là một biểu hiện của thiếu chuyên nghiệp.

Khi bạn tuyển dụng nhân viên, nếu họ chưa có đủ sự chuyên nghiệp cần thiết thì phải đào tạo họ trở nên chuyên nghiệp và xuất sắc hơn. Điều đó sẽ làm cho bạn có một đội ngũ nhân lực tin cậy và hiệu quả.

11. Chăm sóc khách hàng chu đáo và thường xuyên

Chăm sóc khách hàng không những chu đáo mà còn phải thường xuyên, đây là một phần trong mục đích tạo uy tín kinh doanh trong lòng khách hàng. Bạn có thể để ý rằng ngoài kia, các shop kinh doanh mỹ phẩm tri ân khách hàng của họ một cách ân cần đến mức nào. Đặc biệt, khách mua mỹ phẩm thì thường là phụ nữ, họ dễ mếch lòng và giận dỗi nếu dịch vụ và cung cách đón tiếp, tư vấn, giải quyết khiếu nại của cửa hàng bạn tồi tệ.

Dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt sẽ là một giá trị gia tăng cộng thêm vào sản phẩm, là một biểu hiện cho thấy thương hiệu của bạn danh giá đến mức nào. Đây cũng là kinh nghiệm cuối cùng mà mình chia sẻ tới các bạn trong số 11 kinh nghiệm kinh doanh mỹ phẩm được trình bày tại đây.

Tổng kết

Trong bài viết này, Skin Beau đã liệt kê ra 11 kinh nghiệm kinh doanh mỹ phẩm mà tất cả những ai muốn tham gia vào con đường khởi nghiệp kinh doanh mỹ phẩm đều phải biết và nắm được. Đây đều là những kinh nghiệm quý báu trong kinh doanh mỹ phẩm được Skin Beau tổng hợp, phân tích và đánh giá rất kỹ càng, đảm bảo đó là những bài học thực tế có giá trị muôn thuở. Những kinh nghiệm rất quan trọng, để có được tầm nhìn xa hơn và rộng hơn, bạn phải biết đứng trên vai những người khổng lồ, học tập những kinh nghiệm kinh doanh mỹ phẩm từ những người đi trước, phát huy những phương pháp thành công và hạn chế những sai lầm đã có.

Hy vọng rằng những nội dung mà chúng tôi cũng cấp sẽ hữu ích với mọi người, góp phần vào việc xây dựng và thực hiện hoài bão mà các bạn đang theo đuổi đạt được thành tựu mỹ mãn. Chúc các bạn thành công và ngày càng trưởng thành hơn!!!