Kinh nghiệm đi đền Thượng Ba Vì: Ngôi đền thờ thánh Tản Viên
Đền Thượng Ba Vì là một trong những địa điểm tâm linh không thể bỏ qua mỗi khi đến du lịch tại núi Tản Viên. Không chỉ là nơi thờ một trong tứ thánh bất tử quan trọng của văn hóa tâm linh Việt Nam xưa – Đức Thánh Tản Viên, mà còn là điểm đến được du khách yêu thích bởi khung cảnh rúi rừng xanh tươi, bình yên.
Bên cạnh những điểm đến vui chơi nổi tiếng như vườn quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh Suối Tiên, khu du lịch K9, thung lũng Bản Xôi,… thì đền Thượng Ba Vì là một trong những điểm đến tâm linh quan trọng của người dân xứ Đoài, cùng khám phá về ngôi đền linh thiêng này chi tiết ở bài viết dưới đây cùng Dulich3mien. Đồng thời, cảm nhận giá trị văn hóa dân tốc sâu sắc trong từng không gian.
Giới thiệu đền Thượng Ba Vì
Đền còn có tên gọi khác là Chính cung Thần điện, đây là di tích lịch sử mang giá trị cao về yếu tố tâm linh. Hơn nữa, hiện tại đây vẫn là kiến trúc tâm linh, sinh hoạt văn hóa giữ vai trò quan trọng với người dân Ba Vì.
Vị trí đền Thượng Ba Vì
Đền tọa lạc ở độ cao 1227m trên đỉnh núi Tản Viên, thuộc khu du lịch vườn Quốc Gia Ba Vì, Hà Nội.
Do thuộc địa phận vườn quốc gia Ba Vì nên du khách cần đi đến khu vực vườn để đến được đền, khoảng cách từ trung tâm Hà Nội đến Ba Vì khoảng 60km về phía Tây Bắc. Bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng các phương tiện như: xe máy, xe bus, taxi,…
- Nếu chọn di chuyển bằng xe máy, bạn có thể lựa chọn 2 tuyến đường để đi đến Ba Vì là đi theo đường đại lộ Thăng Long hoặc theo đường Quốc lộ 32.
- Nếu chọn di chuyển bằng xe bus, bạn có thể chọn các tuyến xe có điểm dừng tại bến xe Sơn Tây rồi từ đó bắt taxi hoặc xe ôm để đi tới vườn quốc gia Ba Vì.
Lịch sử đền Thượng Ba Vì
Theo dân gian kể lại thì đền Thượng Hà Nội đã được xây dựng đầu tiên từ thời vua An Dương Vương trên núi Tản Viên để thờ Thánh Tản. Về sau tín ngưỡng thờ vị thần quyền lực nhất trong Tứ bất tử này lan truyền rộng, vua Lý Nhân Tông đã cho mở rộng quy mô đền thờ. Tương truyền rằng để xây dựng đền, các vua đã cho huy động nguồn nhân công 2 bờ sông Đà để vận chuyển đất đá, cùng nhau góp sức xây dựng.
Không biết chỉ là chuyện kể hay do sự phá hủy của thời gian mà đền Thượng Ba Vì cổ đã không còn nữa. Năm 1993, ngôi đền được xây dựng lại trên đỉnh núi Tản với thiệt kế dựa lưng vào vách núi. Đến năm 2008, đền Thượng cùng đền Trung, Hạ được Thanh phố Hà Nội công nhận là di tích lịch sử.
den-thuong-ba-vi
Quy mô đền như ngày nay là kết quả của quá trình trùng tu đền vào năm 2010, sau lần trùng tu này kết cấu Đền đã khá hoàn chỉnh với Điện thờ, nhà sắp lễ, nhà thủ từ, am hóa vàng, nghi môn,…
Khám phá đền Thượng Ba Vì
Không chỉ là nơi ước đến chốn mong về với nhiều người dân Ba Vì mà đền Thượng còn thu hút du khách thập phương. Bởi văn hóa cúng lễ, những câu chuyện đầy màu sắc huyền bí nhưng cũng rất chân thực, mà đền Thượng núi Tản còn thu hút du khách bởi nét đẹp kiến trúc, sự hài hòa giữa không gian núi rừng và công trình nhân tạo.
Kiến trúc đền Thượng Ba Vì
Từ bãi đỗ xe cao nhất của vườn quốc gia Ba Vì chỉ có thể đi bộ để đến Đền, con đường leo núi là các bậc thang đá xuyên qua núi rừng dẫn đến cổng Đền Thượng. Từ cổng Đền, bạn còn phải leo thêm 500 bậc thang đá dốc đứng, nhỏ, hẹp nữa mới tới được cửa Đền chính ở tít trên cao.
Đường lên đền Thượng Ba Vì ( Ảnh: @_tudutudu_1)
Ngôi đền được xây theo hình chữ Nhất, lưng dựa vào vách núi với một mái ngói lộ thiên nghiêng về phía trước, mái sau thì nằm ngầm dưới lòng tảng đá. Mặc dù xây ở trên cao nhưng tựa lưng vào vách đá phía sau nên đền rất vững chãi, trang nghiêm.
Hậu cung của Đền Thượng Ba Vì là tảng đá Thắt Cổ Bồng linh thiêng đã có ở đây từ rất lâu rồi. Đền gồm 3 gian với gian chính giữa là nơi đặt tượng của Đức Thánh Tản ngự trên ngai được sơn son thếp vàng, bên tay Tả là đền thờ của Đức Thánh Trần Hưng Đạo còn bên Hữu còn lại là khu vực đền thờ của Bà Mẫu Thượng ngàn.
Xung quanh đền có những cây Bách cổ hàng trăm năm tuổi, cành lá nhuốm màu rêu phong và thời gian làm tăng thêm tính uy nghiêm và tâm linh cho khu Đền.
Ra khỏi khu đền chính sẽ có bậc thang dài khoảng 500m dẫn đến khu vực đỉnh Thượng. Trên đỉnh của khu đền là một lầu tám góc, chính giữa đặt tượng Địa mẫu với dáng vẻ dịu dàng, thùy mị. Xung quanh lầu có bệ thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên, Quỳnh Hoa và Quế Hoa công chúa,…
Đỉnh Thượng Mẫu Ba Vì ( Ảnh: @dr.true_surgeon)
Từ trên đỉnh đền Thượng du khách sẽ có góc nhìn bao quát hết cảnh núi rừng xung quanh, trong cái không khí trong lành và u tịch càng làm tăng thêm vẻ đẹp của khu đền thờ.
Đền Thượng Ba Vì thờ ai?
Đền Thượng là nơi thờ Thánh Tản Viên, Đức Thánh Trần, Tam tòa Thánh Mẫu,… đây đều là các vị thánh quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam xưa.
Là các vị Thánh nên bạn có thể chuẩn bị đồ lễ chay, lễ mặn, ngọt đều được. Bạn có thể tự chuẩn bị tại nhà hoặc mua tại cửa đền – tuy nhiên giá sẽ cao hơn với tự chuẩn bị một chút.
Đền Thượng dịp lễ hội ( Ảnh: @tt.cz94er)
Một lưu ý là để lên đến Đền bạn cần leo 500 bậc thang đá dốc, hẹp do vậy cần tối giản đồ lễ nếu mang theo, không quá nặng và cồng kềnh, sẽ gây nguy hiểm khi di chuyển. Đền Thượng là nơi cầu bình an, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu sức khỏe hạnh phúc,… Ngoài ra khu vực đền Mẫu thường là nơi các cặp đôi hiếm muộn đến cầu tự.
Để việc cầu nguyện được linh thiêng hơn, việc chuẩn bị một văn khấn đền Thượng Ba Vì cũng khá cần thiết. Văn khấn cầu nguyện mạch lạc, cầu từ trong tim, cầu cho bản thân và cho mọi người, không quá tham lam, chấp niệm,… sẽ linh thiêng và hiệu nghiệm hơn.
Điểm đến gần Đền Mẫu Thượng Thiên Ba Vì
Đền Hạ, Đền Trung
Nằm ờ khoảng cách thấp hơn đền Thượng, đền Hạ và đền Trung là các điểm đến tâm linh nơi thờ Đức Thánh Tản Viên. Tại 2 ngôi đền này còn lưu giữ lại rất nhiều truyền thuyết về đức Thánh Tản từ khi ngài còn bé, cùng với đền Thượng 2 khu đền này cũng được Thành phố Hà Nội công nhận là di tích lịch sử.
Đền thờ Bác Hồ, tháp Báo Thiên
Từ Đền Thượng Ba Vì, leo thêm khoảng 1320 bậc thang đá nữa là sẽ đến khu vực Đền thờ Bác Hồ. Nằm ở độ cao 1296 mét, trên đỉnh cao nhất của dãy núi Ba Vì, đền thờ Bác Hồ được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống với những mái đao uốn cong, dựng trên những cây cột chống. Trong đền có bệ đá đặt tượng đồng của Bác, phía trên tượng là câu nói nổi tiếng của Bác: “Không gì quý hơn Độc Lập – Tự Do” được sơn trên một bức hoành phi nằm chính giữa đền thờ. Ở vị trí này Bác sẽ luôn uy nghiêm ngắm nhìn non sông Việt Nam ngày một phát triển. Cạnh đền thờ Bác là tháp Báo Thiên 13 tầng, cao 26,9m xuyên qua đỉnh núi Ba Vì. Tháp với 88 Đức Phật đang an vị, được xây dựng dựa trên kiến trúc Bảo tháp của thời Lý
Đền Thượng Ba Vì tuy không có quá nhiều sự đặc sắc trong kiến trúc, bề dày lịch sử như các ngôi đền nổi tiếng khác tại Hà Nội như đền Quán Thánh, đền Ngọc Sơn, đền Voi Phục… Nhưng nơi đây lại sở hữu cảnh quan thiên nhiên mà không nơi đâu có được, hòa mình vào núi rừng, tầm nhìn bao quát cả một vùng núi xanh bao la, hít thở bầu không khí trong lành cho tâm thanh tịnh.
- Dulich3mien đề xuất: Chùa Khai Nguyên Sơn Tây