Kinh doanh nhà hàng có cần biết nấu ăn? | Doanh nghiệp
Tại sự kiện YBA Share – được tổ chức bởi hội doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh, ông Lý Quí Trung- chủ tập đoàn Nam An Group, chia sẻ bản thân không biết nấu phở nhưng biết quản trị người nấu phở.
Tập đoàn Nam An Group chuyên kinh doanh lĩnh vực ẩm thực, trong đó có chuỗi cửa hàng Phở 24 – một trong những thương hiệu nhượng quyền đầu tiên tại Việt Nam với hơn 70 cửa hàng trong và ngoài nước. Và ông kết luận: “Kinh doanh nhà hàng mà không biết nấu ăn càng tốt”.
Ông cho biết lý do là vì những người chủ biết nấu ăn thường cứng đầu, không muốn chiều khách, nhiều khi còn cự lại khách vì bị chê; còn những người chủ không biết nấu ăn thì biết ăn ngon và quản trị tốt luôn biết lắng nghe nhu cầu của khách, ưu tiên khách hàng là số 1.
Câu nói của ông không hề sai bởi nhiều chủ doanh nghiệp thành công nhưng không phải chuyên gia trong lĩnh vực mà họ kinh doanh. Ông chủ Howard Schultz của Starbucks là ví dụ điển hình. Thương hiệu này được sáng lập bởi người khác, cho đến năm 1982 ông đầu quân cho Starbucks với vị trí trưởng phòng marketing.
Nhờ có ông, Starbucks trở thành hãng cà phê cao cấp phổ biến nổi tiếng nhất nước Mỹ. Vào năm 1986, ông quyết định dứt áo ra đi do bất đồng quan điểm với ban quản trị của Starbucks, để rồi đến năm 1987 ông đã mua lại Starbucks từ người chủ cũ và phát triển cho đến ngày nay.
Ông đã thực hiện được tham vọng thuở ban đầu đưa Starbucks vươn ra thế giới bằng sự quan sát và tài quản trị của mình. Starbucks hiện có hơn 18.000 cửa hàng hoạt động trên hơn 60 quốc gia, vô cùng nổi tiếng với giới trẻ và tầng lớp thu nhập cao.
Tuy nhiên, ông Lý Quí Trung cũng không hoàn toàn đúng khi mà nhiều ông chủ là đầu bếp, kinh doanh nhà hàng vô cùng thành công. Một doanh nhân vô cùng nổi tiếng trong trường hợp này là ông Gordon Ramsay. Ông là vị giám khảo nổi tiếng của chương trình vua đầu bếp Mỹ có trong tay 28 nhà hàng nổi tiếng ở các nước trên thế giới như Anh, Pháp, Ý, Canada…
Nhà hàng của ông đã từng đạt 3 sao Michelin lừng danh. Michelin được biết đến là một biểu tượng để đánh giá chất lượng của một nhà hàng. Các ông chủ luôn khao khát tên nhà hàng của mình được một lần xuất hiện trong cuốn The Michelin Guide – cuốn ẩm thực hàng đầu thế giới được kiểm định bởi các chuyên gia ẩm thực.
Nhà hàng của đầu bếp Nusret Gökçe cũng trở nên nổi tiếng toàn thế giới sau khi mọi người chứng kiến tài “rắc muối” điệu nghệ của ông chủ này.
Vậy ta thấy điều gì?
Ông Trung cũng có lí của mình, khi có nhiều nhà hàng thành công mà người chủ lại không biết nấu ăn. Tuy nhiên, nếu bạn giỏi nấu ăn, mà lại muốn mở nhà hàng thì đừng ngại, bạn hãy mở đi. Trên thế giới cũng rất nhiều đầu bếp giỏi mở nhà hàng, và đạt được thành công vang dội.
Đánh giá của bạn:
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.