Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được đồng thời kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa không? Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định ra sao?


Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được đồng thời kinh doanh lữ hành nội địa mà không phải đăng ký kinh doanh lữ hành nội địa riêng phải không? Nếu đúng thì hồ sơ trình tự thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ lữ hành quốc tế như thế nào?

Kinh doanh dịch vụ lữ hành là gì? Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định ra sao?

Căn cứ vào Điều 3 Luật Du lịch 2017 có quy định như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.

9. Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch.

6. Sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành khác hoặc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh

…”

Như vậy, kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch.

Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định ra sao? (Hình từ Internet)

Thời gian để được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế là bao nhiêu lâu?

Thời gian để được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được quy định tại Điều 33 Luật Du lịch 2017 như sau:

“Điều 33. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;

b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

c) Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;

d) Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại điểm c khoản 2 Điều 31 của Luật này;

đ) Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.

2. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được quy định như sau:

a) Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế nộp 01 bộ hồ sơ đến Tổng cục Du lịch;

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Du lịch thẩm định, cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp và thông báo cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

Như vậy, sau 10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Du lịch sẽ là đơn vị thực hiện thẩm định và ra quyết định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp hoặc từ chối cấp.

Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế thì có được kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa nữa không?

Căn cứ vào phạm vi kinh doanh dịch vụ du lịch quy định tại Điều 30 Luật Du lịch 2017 quy định như sau:

“Điều 30. Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành

1. Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phục vụ khách du lịch nội địa.

2. Kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài.

3. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và dịch vụ lữ hành nội địa, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.”

Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế là doanh nghiệp Việt Nam thì sẽ đồng thời được kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.

Tuy nhiên, nếu là doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì sẽ không được đồng thời kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác).

Hồ sơ trình tự đăng ký cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế thực hiện theo quy định tại Điều 33 nêu trên.