Kinh Nghiệm Phỏng Vấn Ngân Hàng Hữu Ích Giúp Bạn Tự Tin Hơn
Bạn là sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng đam mê với ngành tài chính ngân hàng và mong muốn có một vị trí trong đây.
Bạn lo lắng và hồi hộp với những cuộc phỏng vấn sắp tới cùng đội đồng tuyển dụng. Hãy bình tĩnh và cùng chúng mình đọc bài viết để sở hữu thêm nhiều kinh nghiệm phỏng vấn ngân hàng nhé.
Trước khi phỏng vấn ngân hàng, bạn cần chuẩn bị những gì?
Tìm hiểu thông tin của ngân hàng bạn phỏng vấn
Phỏng vấn là cánh cửa đầu tiên bạn cần vượt qua nếu muốn làm việc ở bất kỳ đâu. Vòng đầu tiên luôn khó khăn và chứa đựng nhiều thử thách đến từ nhà tuyển dụng.
Việc chuẩn bị kỹ càng những kiến thức liên quan đến công việc là điều quan trọng và cần thiết, đặc biệt là những thông tin xoay quanh vị trí ứng tuyển. Nó sẽ giúp bạn có được sự bình tĩnh trước những câu hỏi khó.
Bạn nên dành một khoảng thời gian tìm hiểu qua báo đài, mạng hay từ những bậc tiền bối về thông tin liên quan đến ngân hàng như:
- Tên ngân hàng
- Logo
- Slogan
- Lịch sử
- Mục tiêu
- Phương hướng
Bởi theo kinh nghiệm phỏng vấn được truyền lại, câu hỏi thường gặp trong vòng phỏng vấn là: Tại sao em lại chọn ngân hàng của chúng tôi. Trả lời tốt và trọn vẹn, bạn sẽ chiếm được ưu thế so với những đối thủ cạnh tranh.
Các vị trí trong ngân hàng đang tuyển dụng mà bạn nhắm đến
Việc nắm rõ thông tin về vị trí ứng tuyển mà bạn nhắm đến là điều bắt buộc. Khi vào phỏng vấn chắc chắn bạn sẽ có câu hỏi: Tại sao bạn lại muốn ứng tuyển vào vị trí này…
Những kiến thức, hiểu biết được trả lời từ bạn sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá chính xác và khách quan về nhiều khía cạnh như:
- Tầm hiểu biết
- Kỹ năng tích lũy
- Tư duy sáng tạo
- Việc vận dụng những kiến thức được học khi ngồi ghế nhà trường vào thực tế
Bạn sẽ tự tin hơn nếu được trang bị đầy đủ mọi kỹ năng
Nếu có những câu trả lời xuất sắc và thỏa mãn được những yêu cầu được định sẵn, bạn sẽ trở thành ứng viên sáng giá trong mắt nhà tuyển dụng và gia tăng cơ hội làm việc với vị trí mong muốn.
Đọc thêm: Tìm hiểu vị trí Bank Teller là gì trong ngân hàng – Nếu bạn phỏng vấn vị trí Giao dịch viên, hãy tham khảo ngay Kinh nghiệm phỏng vấn Giao dịch viên ngân hàng
Kiểm tra nội dung đơn xin việc
Tâm lý lo lắng và hồi hộp là điều không tránh khỏi khi đi phỏng vấn ngân hàng bởi có nhiều nhà tuyển dụng có yêu cầu khắt khe, đưa ra những câu hỏi khó để tuyển được những ứng viên chất lượng nhất.
Giúp bản thân được thoải mái và tự tin, một nhân viên ngân hàng đã bật mí một phương pháp để giải quyết vấn đề này. Đó là kiểm tra nội dung đơn xin việc cùng bản CV.
Không suy nghĩ, không áp lực, bước chân vào gặp hội đồng tuyển nhân sự với phong thái chỉnh chủ, giao tiếp chừng mực để bộc lộ hết điểm mạnh, điểm nổi bật và hạn chế những khuyết điểm của bản thân.
Trang phục cho buổi phỏng vấn
Trang phục chỉnh chu, đầu tóc gọn gàng sẽ là những điểm cộng dành cho bạn
Kinh nghiệm phỏng vấn ngân hàng cho thấy ấn tượng ban đầu về trang phục rất quan trọng. Nhà tuyển dụng sẽ quan sát, chú ý và có những đánh giá đầu tiên dành cho những ứng viên.
Làm việc trong môi trường nghiêm túc và kỷ luật, bạn nên tránh những trang phục thoải mái, rườm rà hay xuề xòa.
Ăn mặc đơn giản, gọn gàng, thanh lịch và trang điểm nhẹ nhàng sẽ là những điểm cộng dành cho bạn. Tối kỵ sử dụng nước hoa hay những mùi gây cảm giác khó chịu cho người đối diện.
Dưới đây Glints sẽ bật mí một số mẹo kinh nghiệm về trang phục cho cả nam và nữ:
- Đối với nam giới: Mặc một bộ vest, một chiếc caravat đi kèm với một đôi giày đen. Đặc biệt, bạn nên sử dụng đồng hồ đeo tay. Nó giúp bạn kiểm soát tốt thời gian, cũng tôn lên giá trị cho bản thân.
- Đối với nữ giới: Nên mặc váy công sở cùng áo sơ mi trắng. Có thêm một chiếc túi xách theo sẽ giúp bạn thêm thanh lịch và chỉnh chu.
- Nếu bạn xin việc tại các công ty khởi nghiệp có văn hóa trẻ trung năng động, bạn có thể mặc đơn giản, năng động và gọn nhẹ nhưng vẫn lịch sự. Chẳng hạn như áo thun có cổ polo cùng với quần tây tối màu cho nam, chân váy dài hoặc quần tây ống đứng cho nữ.
Tác phong, thần thái
Kinh nghiệm, thần thái hay tác phong đều là những tiêu chí quan trọng và không thể bị thiếu sót dù rất nhỏ. Sự tư tin hay phong thái chuyên nghiệp sẽ làm bạn trở nên ấn tượng và mang về những kết quả mong muốn
Vì vậy, để có thể giao lưu với nhà tuyển dụng thật tốt, bạn nên ghi lại những kinh nghiệm sau:
- Luôn giữ phong thái đi thẳng. Khi đứng đối diện, hơi cúi chào với hội đồng tuyển dụng để tỏ sự lịch sự.
- Luôn tự tin, không nên khép nép vì dễ tạo ấn tượng xấu
- Luôn thoải mái, tỏa ra sự thân thiện dễ gần
- Trong quá trình phỏng vấn, nên chủ động giới thiệu về bản thân. Ứng viên nên tập trung vào những thông tin chính, hãy nhấn mạnh vào các kinh nghiệm và kỹ năng làm việc liên quan tới vị trí ứng tuyển.
- Trả lời câu hỏi ngắn gọn, xúc tích, tránh lan man dài dòng
- Nên gửi email cảm ơn đến nhà tuyển dụng sau khi kết thúc để cảm ơn họ vì đã dành chút thời gian cho bản thân mình. Quan trọng là bạn có thể viết thêm một vài dòng để diễn giải những thiếu sót không may xảy ra.
Đọc thêm: Thành Công Hơn Nhờ Giao Tiếp Phi Ngôn Ngữ
Chuẩn bị trước câu hỏi phỏng vấn ngân hàng và cách trả lời
Ngoài những phương diện về trang phục, tác phong hay ứng xử, bạn có cần thiết phải chuẩn bị trước các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn ngân hàng và cách trả lời tốt nhất không?
Cùng chúng mình liệt kê một số lợi ích để trả lời cho câu hỏi trên nhé.
- Những câu hỏi rất hiếm khi đổi mới, nếu bạn chuẩn bị và có những trả lời hoàn hảo sẽ tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng.
- Việc có những câu trả lời luôn là điểm cộng cho những ứng viên. Nó sẽ bộc lộ được độ nhạy bén, sự ham hiểu. Từ đó tạo lợi thế cạnh tranh với những ứng viên khác.
- Nắm chắc câu trả lời giúp bạn tự tin, ứng xử mạch lạc và rõ ràng. Tránh được trường hợp lo lắng dẫn đến ăn nói lắp bắp, ngập ngừng, tạo điểm trừ cho cuộc phỏng vấn của bạn.
- Nếu có câu hỏi ngoài tầm kiểm soát, dựa vào sự chuẩn bị trên, bạn dễ dàng liên hệ giữa các ý và có thể trả lời trọn vẹn.
Những câu hỏi phỏng vấn ngân hàng và cách trả lời siêu hay
Trình bày thông tin bạn hiểu về công việc đang ứng tuyển
Muốn trả lời tốt các câu hỏi phỏng vấn ngân hàng, bạn nên đọc kỹ phần mô tả công việc, chức năng và nhiệm vụ của vị trí bạn hướng đến.
Bạn nên hỏi trực tiếp những người trong ngành hay xin những bản mô tả nơi bạn ứng tuyển để có thêm nhiều thông tin hữu ích giúp câu trả lời thêm cuốn hút.
Thế mạnh và điểm yếu của bạn là gì?
Điểm mạnh hay điểm yếu là những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn ngân hàng. Hội đồng tuyển dụng sẽ dựa vào câu trả lời để đánh giá nhân phẩm của bạn.
Một số mẹo nhỏ giúp bạn thuận tiện hơn khi nói về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân:
- Thẳng thắn nhận điểm yếu
- Chọn lọc điểm yếu
- Luôn thể hiện tinh thần cố gắng khắc phục để hoàn thiện bản thân
- Không nên liệt kê quá nhiều điểm mạnh, chỉ nêu một vài điểm nổi bật
Bạn có mục tiêu nghề nghiệp không?
Đặt mục tiêu cụ thể giúp bạn vượt qua mọi khó khăn
Hội đồng tuyển dụng muốn lắng nghe những kế hoạch trong tương lai hay muốn đánh giá mức độ tham vọng của bạn.
Câu trả lời sẽ tìm ra và đánh giá sợi dây liên kết giữa mục tiêu nghề nghiệp của bạn và những chiến lược của ngân hàng. Từ đó đưa ra được những quyết định tuyển dụng chính xác.
Nếu gặp phải trường hợp khó xử với khách hàng, bạn giải quyết ra sao?
Ví dụ này sẽ cho hội đồng tuyển dụng nhìn nhận năng lực và kỹ năng từ bạn. Đặc biệt là kỹ năng ứng xử, đàm phán và giải quyết những phát sinh.
Nếu là người có kinh nghiệm và từng trải qua, bạn nên thuyết trình tự tin, rõ ràng và mạch lạc. Làm được điều này, bản CV của bạn sẽ nổi bật giữa hàng đống hồ sơ.
Nếu chưa từng gặp trường hợp này, bạn có thể đưa ra một vài ví dụ cùng cách giải quyết.
Khách hàng khiếu nại do lỗi của giao dịch viên nhầm lẫn nhưng bạn không biết đó là lỗi của ai. Bạn sẽ giải quyết tình huống này ra sao?
Nhà tuyển dụng sử dụng câu hỏi phỏng vấn ngân hàng này để kiểm tra trình độ chuyên môn và kỹ năng cơ bản, đặc biệt là kỹ năng ứng xử.
Dựa vào những kinh nghiệm phỏng vấn ngân hàng, bạn có thể giải quyết vấn đề theo hai bước sau:
- Trước hết, bạn cần chăm chú lắng nghe những phản hồi. Khách hàng nguôi giận, bạn nhất định phải xin lỗi và hỏi những thông tin cần thiết để xác định được nội dung nhầm lẫn.
Giải thích là công việc cần thiết nếu có vấn đề xảy ra
- Sau đó, bạn phải nhanh chóng kiểm tra thông tin từ hệ thống. Nếu khách hàng sai, bạn cần nhẹ nhàng giải thích vấn đề giúp khách hàng hiểu rõ chính sách từ ngân hàng. Còn nếu nhân viên sai, bạn nên xin lỗi và cam kết khắc phục lỗi lầm.
Đọc thêm: Top 40 Câu Hỏi Tình Huống, Hành Vi trong Phỏng Vấn phổ biến
Thế nào là quản lý rủi ro tín dụng?
Rủi ro tài chính luôn là đề tài thú vị trong mỗi cuộc phỏng vấn
Đây là câu hỏi luôn xuất hiện trong bộ các câu hỏi phỏng vấn ngân hàng tài chính và dùng để kiểm tra kiến thức chuyên môn của từng ứng viên.
Bạn nên nắm vững nghiệp vụ chuyên ngành và tìm hiểu trước mô hình tín dụng của ngân hàng nếu muốn hoàn thành tốt câu trả lời.
Phương pháp CAMEL xem xét đến những nhóm chỉ tiêu nào?
Nếu muốn hội đồng ấn tượng với độ hiểu biết, bạn cần đưa ra những thông tin chính xác và đầy đủ nhất về 6 tiêu chí của phương pháp Camel:
- Capital Adequacy – Mức độ an toàn vốn
- Asset Quality – Chất lượng tài sản
- Management – quản lý
- Earnings – lợi nhuận
- Liquidity – thanh khoản
- Sensitivity to Market Risk – mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường.
Tại sao bạn chọn làm việc tại ngân hàng chúng tôi
Tại sao muốn làm việc tại ngân hàng là câu hỏi giúp nhà tuyển dụng đáng giá được tầm hiểu biết của bạn về ngân hàng. Một số kinh nghiệm giúp bạn trả lời trọn vẹn câu hỏi này:
- Về mặt tài chính: Bạn cần xem kỹ các bản báo cáo hàng năm để có thể nhận xét được những chỉ tiêu như: ROE, ROA, tổng tài sản, tổng nợ, vốn chủ sở hữu…
- Về hoạt động xã hội: Tham khảo qua báo cáo thường niên để biết rõ những hoạt động của ngân hàng như: hoạt động từ thiện, công tác xã hội, tổ chức nhiều hoạt động cho công nhân viên.
Lý do chúng tôi nên lựa chọn bạn?
Khi gặp câu hỏi này, bạn cần trả lời thật thú vị và lôi cuốn để tạo ấn tượng với hội đồng tuyển dụng.
Bạn phải chứng minh rằng vị trí công việc này sinh ra là dành cho tôi. Phải bộc lộ được hết những kỹ năng, kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm.
Lưu ý, bạn nhất định phải trả lời thật tự tin và mạnh dạn. Không được rụt rè và ấp úng vì đó sẽ là những điểm trừ dành cho bạn.
Bạn còn câu hỏi nào cho chúng tôi không?
Đây là câu hỏi rất quan trọng, bạn nhất định phải chuẩn bị trước khi bước vào buổi phỏng vấn. Bởi những câu hỏi bạn đặt ra cho ngân hàng sẽ thể hiện độ quan tâm hay việc mong muốn tìm hiểu kỹ mọi mặt về ngân hàng.
Qua đó, khẳng định được ý chí cầu tiến và sự khát khao muốn có được vị trí này.
Kết luận:
Ngân hàng luôn nằm trong danh sách những ngành có mức thu nhập cao. Vì vậy, giới trẻ đặc biệt là các bạn sinh viên mới ra trường không ngừng trau dồi, nâng cao kiến thức và kinh nghiệm để sớm có được một vị trí trong ngành nghề này.
Hy vọng qua những chia sẻ của Glints, bạn đã đút túi cho bản thân thêm nhiều kinh nghiệm phỏng vấn ngân hàng. Chúc bạn sớm được làm việc và cống hiến cho ngân hàng nhé.
Bài viết có hữu ích đối với bạn?
Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn
Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!
Tác Giả