Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai – vhnt.org.vn
Hoạt động báo chí có ý nghĩa hết sức to lớn trong sự phát triển của đời sống xã hội. Nó là kết quả của sự phát triển đồng thời cũng là thước đo trình độ phát triển xã hội, có ảnh hưởng rất sâu rộng tới các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa. Hoạt động báo chí trong thời đại bùng nổ thông tin và truyền thông là một thách thức lớn với người làm báo, đòi hỏi mỗi nhà báo không chỉ đưa thông tin nhanh chóng kịp thời chính xác mà còn phải phù hợp với thuần phong, mỹ tục, tập quán và truyền thống văn hóa của người Việt.
Quá trình sáng tạo một tác phẩm báo chí chính là quá trình sáng tạo một sản phẩm văn hóa. Nó chứa đựng những điều kỳ diệu mà đôi khi không thể nhận thức bằng lý trí. Và điều kỳ diệu ấy làm nên sức hấp dẫn của báo chí bởi tài năng và kiến thức văn hóa của nhà báo trong quá trình sáng tạo một tác phẩm báo chí đã tạo nên tính biểu tượng và truyền cảm cho tác phẩm báo chí. Biểu tượng văn hóa đồng thời thực hiện chức năng giao tiếp nhằm giúp con người gắn kết lại với nhau, giúp con người hòa đồng với môi trường xã hội, biểu thị được những giá trị đã trở thành chuẩn mực văn hóa của cộng đồng. Cho nên việc sử dụng các hình tượng đòi hỏi nhà báo phải huy động vốn kiến thức văn hóa lịch sử, văn hóa xã hội để sáng tạo nên tác phẩm báo chí.
Các nhà báo đã dành sự quan tâm lớn tới mảng đề tài văn hóa truyền thống, tuy nhiên trong không ít trường hợp cách tiếp cận chưa thực sự khoa học và tích cực vô tình tạo ra những lỗ hổng về nhận thức, tạo dư luận xã hội chưa thực sự lành mạnh. Giao lưu văn hóa toàn cầu và nâng cao tính văn hóa của đội ngũ người làm báo để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống cũng như yêu cầu hội nhập với báo chí quốc tế là những vấn đề lớn đang đặt ra. Công chúng tiếp nhận ngày càng có yêu cầu cao hơn về chất lượng và tính chuyên nghiệp của báo chí. Sự bùng nổ thông tin đã thổi vào báo chí Việt Nam một luồng sinh khí mới, để báo chí Việt Nam không chỉ có mối quan hệ mật thiết với văn hóa Việt Nam mà còn có sự giao lưu tiếp xúc với văn hóa thế giới: “Đổi mới, tăng cường việc giới thiệu truyền bá văn hóa, văn học, nghệ thuật đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, báo chí, xuất bản…”(1).
1. Kiến thức văn hóa của nhà báo, một số lỗi thường gặp
Văn hóa trước hết là những cái nhìn thường ngày được cộng đồng quy ước hoặc ngầm quy ước, là sự hiểu sâu lịch sử văn hóa dân tộc, là vươn tới mọi góc cạnh của đời sống xã hội làm con người sống nhân văn, biết hành động, làm việc, biết nghỉ ngơi, hưởng thụ đúng đắn. Dân tộc Việt Nam có lịch sử truyền thống văn hiến lâu đời. Trải qua nhiều thế hệ kho báu văn hóa truyền thống ấy được lưu giữ và phát triển hơn. Đó là các giá trị văn hóa truyền thống như: lễ hội, tín ngưỡng, văn hóa vật chất, văn hóa ứng xử trong gia đình, dòng tộc, các mối quan hệ xã hội… “Nước ta hiện nay có khoảng 8000 lễ hội với quy mô to nhỏ khác nhau. Lễ hội là hình thái tín ngưỡng có từ thời cổ đại thể hiện sự sùng kính, ngưỡng vọng về những vị thần, vị thánh, những tài năng đã chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng giặc ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi. Lễ là niềm tin, là tín ngưỡng, hội là vui chơi, biểu diễn nghệ thuật. Lễ hội là hiện tượng tâm linh hướng tới cái cao cả”(2). Nắm được tâm lý này các nhà báo tập trung những bài viết phản ánh về các hoạt động lễ hội tín ngưỡng đặc biệt là vào dịp tết đến xuân về.
Mặc dù nhà báo là những người có trình độ học vấn, có kiến thức văn hóa lịch sử nhất định, có hiểu biết về văn hóa dân gian nhưng khi viết về đề tài này không tránh khỏi những thiếu sót. Những lỗi nhỏ như đưa thông tin về lễ hội chưa chính xác như ngày giờ, thời gian, địa điểm tổ chức lễ hội cho đến những lỗi lớn như giới thiệu chưa hoàn toàn đúng về lịch sử truyền thống, sự hình thành và phát triển của lễ hội. Thậm chí có những lễ hội chỉ thờ Thành hoàng làng nhưng khi viết bài phóng viên gắn luôn cho lễ hội tên tuổi của một vị danh tướng nào đó không phải là người được dân làng thờ phụng.
Mảng đề tài văn hóa tâm linh thường được các báo tập trung phản ánh nhất là dịp đầu năm mới. Ví dụ như các bài viết về hiện tượng xem sao đoán mệnh, tục đốt vàng mã, tục hái lộc đầu xuân, chen nhau dâng sao giải hạn, sờ vào tượng Phật ở các đình chùa. Văn hóa tâm linh là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc ta nhưng ranh giới dẫn đến mặt trái của văn hóa tâm linh là mê tín dị đoan thì lại rất gần. Mê tín là lòng tin mê muội, thái quá, cuồng si còn dị đoan là điều quái lạ, huyền hoặc do niềm tin mang lại. Nhiều người dân hiện nay vẫn tin theo các hiện tượng mê tín dị đoan đó một cách mù quáng, tự phát.
Các nhà báo mặc dù có kiến thức về văn hóa dân gian nhưng đôi khi không nhận định, đánh giá được vấn đề dẫn tới việc viết bài phản ánh, mô tả lại các hiện tượng mê tín dị đoan trên báo, vô hình chung tiếp tay cho việc tuyên truyền, phổ biến các hiện tượng này lan tràn ngày càng nhiều hơn. Trên báo Thanh Niên số 40 ra ngày 09-2-2014 có bài phản ánh về lễ cầu an tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) với cái tít rất kêu: Chùa lớn đông nghịt người giải hạn, cầu an. Mặc dù tác giả chỉ có mục đích phản ánh tình trạng người dân đi chùa xin thánh thần phù hộ cho một năm làm ăn thuận lợi, gia đình bình an, nhưng cách phản ánh của tác giả vô tình tạo nên tâm lý tác động đến công chúng là, hàng ngàn người ở Hà Nội còn phải đến chùa lớn cầu bình an, vậy tại sao những nơi khác lại không đi cầu an. Từ đây dẫn đến những hiện tượng mặt trái của văn hóa tâm linh như: nhà nhà mở lễ cầu an tại nhà, người người ra chùa đóng góp tiền, dâng vàng mã với niềm tin càng dâng cúng nhiều thì thánh thần càng phù hộ cho mình làm việc mình mong ước. Bản thân tác giả khi viết bài này cũng có nhận định rằng, đây là một hiện tượng không nên tuy nhiên cách phân tích, bình luận thiếu sắc sảo, vốn kiến thức xã hội còn hạn chế. Và một nhu cầu nữa là mặt trái của nền kinh tế thị trường khiến cho các báo rất cần những bài viết giật gân câu khách, dẫn tới việc nhà báo chỉ viết về những cái mà công chúng cần, còn ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội như thế nào thì không cần biết.
Trên một số trang báo mạng điện tử có những cái tít rất kêu như: Lời thề độc rợn người của Đàm Vĩnh Hưng, Đỗ Mạnh Cường: có clip ghi lại cảnh giải bùa ngải, Phương Thanh tố bị người khác hãm hại bằng bùa ngải. Rất bất ngờ, nhiều báo mạng lớn nhỏ thoải mái loan tin về vấn đề này và mặc nhiên xem đó là điều bình thường của cuộc sống. Họ bất chấp theo Điều 5, chương III, Nghị định của Chính phủ số 51/2002/NĐ-CP ngày 26-4-2002, quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ghi rõ những điều không được thông tin trên báo chí: “Không được đăng, phát tin, bài truyền bá hủ tục, mê tín dị đoan”. Thậm chí có bài tác giả còn miêu tả một cách chi tiết hiện tượng mê tín đó nhằm làm tăng thêm niềm tin với khán giả. Bài báo có đoạn: …”Tôi hơn ngạc nhiên khi anh khá mạnh dạn thổ lộ một điều bí mật: Anh luôn tin tưởng mình có một vong nữ theo sau. Đó có thể là một người em đã khuất của Mr Đàm và chính điều này đã ảnh hưởng ít nhiều tới tính cách của anh. Nhưng đó chưa phải là điều ghê gớm nhất, bởi phần lớn nghệ sĩ đều rất tin tưởng vào những câu chuyện tâm linh…” (Lời thề độc rợn người của Đàm Vĩnh Hưng – Vietnamnet).
Thời gian gần đây, không hiếm khi độc giả, khán giả phải xem, phải nghe những lời phát biểu gây sốc của các nhạc sĩ, ca sĩ, người mẫu. Những lời ăn, tiếng nói bạt mạng, ngông cuồng, thiếu suy nghĩ chín chắn đã nhiều lần làm cho công chúng bất bình. Nhiều người cho rằng trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía những người phát ngôn. Tuy nhiên nếu xem xét kỹ thì một phần trách nhiệm thuộc về chính những nhà báo, người phỏng vấn, viết bài. Thực tế hiện nay, để thu hút được bạn đọc, nhiều báo đã cho đăng những bài viết về những nghệ sĩ mới nổi (ca sĩ, diễn viên, người mẫu) với những phát ngôn gây sốc như: “”Không có tiền thì cạp đất ra mà ăn à?”. Có tờ báo phỏng vấn một nam ca sĩ vì sao anh ta không muốn lập gia đình, thì ca sĩ trả lời sẵn sàng cho con nếu những fan nữ có yêu cầu. Rồi việc ca sĩ Ngọc Sơn lên báo khẳng định việc mình vẫn còn trinh tiết…? Những bài báo này được thực hiện với rất nhiều câu hỏi thiếu cân nhắc, đôi khi kích thích sự cao ngạo của nhân vật. Đó là những thông tin thuộc đời tư cá nhân không nên công bố trên truyền thông. Tuy nhiên để thu hút được độc giả đồng thời thực hiện mục đích PR tên tuổi cho chính những nhân vật đó, báo chí đã vô tình tiếp tay cho họ đưa những thông tin thiếu tính thẩm mỹ, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.
Xu hướng giật gân, lá cải hóa đã khiến việc đưa tin trên báo thiếu đi tính văn hóa cần thiết vì vậy đã gây nên những ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội. Có những vụ việc thậm chí không cần làm ồn ào thì báo chí lại thổi phồng, đưa tin rầm rộ một thời gian, gây hiệu ứng sốc nhất định trong dư luận. Do kỹ năng khai thác và tổng hợp thông tin, phản biện xã hội của phóng viên, nhà báo còn hạn chế nên số bài viết đi sâu tìm hiểu thực trạng tổng quan, các nguyên nhân sâu xa, các bài phân tích tổng hợp mang tính phản biện xã hội chưa nhiều. Điều này khiến báo chí tuy đưa tin rầm rộ, thu hút sự quan tâm của dư luận nhưng lại không đưa ra được giải pháp cũng như không có tác dụng về lâu dài trong việc phòng chống các sự việc tương tự diễn ra. Hẳn chúng ta chưa quên vụ án gây chấn động dư luận năm 2011 tại tiệm vàng Ngọc Bích (Phố Sàn, Bắc Giang). Khi đưa tin về sự kiện này đa phần các báo tập trung đưa những tít giật gân, hấp dẫn, viết và miêu tả chi tiết diễn biến của vụ án, vô tình đã tạo nên những ảnh hưởng thiếu tích cực trong một bộ phận độc giả trẻ tuổi, chưa nhận thức đúng đắn về sự việc. Sau khi sự việc diễn ra, trên một số báo xuất hiện các bài viết phản ánh về hiện tượng một số thanh niên trẻ cổ súy cho hành động ác thú của Luyện (hung thủ trong vụ án), thậm chí có một tên cướp chưa đến tuổi vị thành niên ở Nghệ An còn tự nhận là em họ của Luyện. Vì vậy việc miêu tả quá chi tiết các vụ án nghiêm trọng, kẻ thủ ác lại được miêu tả giống như một người hùng chính là hành động thiếu văn hóa mà các báo đang mắc phải.
2. Nguyên nhân của những thiếu sót
Có thể nhận thấy, hàng loạt những sai phạm gần đây đã gây ra những hệ quả đáng tiếc có một phần nguyên nhân không nhỏ là do sự yếu kém về năng lực của nhà báo. Sự yếu kém ấy thể hiện trên nhiều phương diện. Đó là sự yếu kém về trình độ, kiến thức văn hóa xã hội, năng lực nghề nghiệp, khả năng phát hiện vấn đề còn hạn chế. Khi gặp một tình huống có vấn đề, dưới con mắt nghiệp vụ của người làm báo nó liền trở thành đề tài hấp dẫn. Nhà báo có thể tiếp cận khai thác, triển khai vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau. Nếu nhà báo thiếu đi sự chọn lọc khi phản ánh vấn đề, thiếu năng lực tư duy lý luận, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin thiếu khoa học… thì kết quả sẽ không thể có được những bài báo hay, được công chúng quan tâm, mà ngược lại, chỉ tạo nên sự hoang mang trong dư luận. Những bài viết Thánh vật sông Tô Lịch, Phương Thanh tố bị bùa ngải là một minh chứng điển hình. Các bài viết này với thông tin hết sức thiếu căn cứ, nặng về mặt tâm linh huyền bí đã khiến người dân hoang mang lo sợ.
Nguyên nhân thứ hai là do chính những nhà báo còn rất thiếu kiến thức văn hóa xã hội. Báo chí là một nghề đặc trưng, có nhiệm vụ cập nhật thông tin về mọi vấn đề nảy sinh trong xã hội, trên mọi lĩnh vực cuộc sống. Một nhà báo giỏi không chỉ là người giỏi về kỹ năng nghiệp vụ báo chí mà còn phải hiểu biết, có kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực mới có thể truyền tải cho công chúng của mình một cách chính xác. Vì vậy ở một mức độ nào đó, nhà báo cần phải là một chuyên gia trong lĩnh vực mình phản ánh. Tuy nhiên thực tế hiện nay có nhiều nhà báo được đào tạo bài bản ở các trường báo chí ra, kỹ năng làm báo thì rất tốt nhưng kiến thức văn hóa xã hội thì rất thiếu. Nhất là các nhà báo trẻ. Cái gì họ cũng biết, nhưng biết một cách mơ hồ, chung chung; do đó khi viết bài thường không tránh khỏi những thiếu sót. Có nhà báo theo dõi mảng giáo dục, nhưng khi viết bài phản ánh về một trường cao đẳng thì nhầm lẫn đó là nơi đào tạo những sinh viên sẽ tốt nghiệp hệ đại học.
Nguyên nhân thứ ba là khả năng phát hiện vấn đề của nhà báo còn hạn chế. Có thể do nhà báo thiếu kỹ năng nghề nghiệp, thiếu kiến thức xã hội nên không đủ để nhìn nhận, đánh giá vấn đề, dẫn đến sự kiện chỉ phản ánh được hiện tượng bên ngoài, ít thấy những bài bình luận hoặc phân tích sâu sắc. Nhiều bài viết về các tệ nạn xã hội, các phóng viên mới chỉ nêu, phân tích diễn biến và hậu quả của vụ việc mà chưa mổ xẻ ngọn ngành nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Nhiều tác giả còn kể lể đầu đuôi chi tiết khiến độc giả chỉ còn thấy mặt trái của xã hội, mất niềm tin vào cuộc sống. Nhiều phóng viên chỉ thích phanh phui, mổ xẻ, chỉ trích, lên án cái xấu, cái ác… Việc chỉ thích bêu người khác trước dư luận cũng là một hành vi thiếu văn hóa, gây phản cảm trong xã hội. Nếu các phóng viên dùng gương người tốt, việc tốt để cổ vũ cho cái tốt áp đảo, hạn chế, đẩy lùi người xấu, việc xấu cũng là một phương pháp tuyên truyền đấu tranh rất có văn hóa mà hiệu quả đạt được sẽ cao hơn.
3. Một số giải pháp nâng cao kiến thức văn hóa cho người làm báo
Để nâng cao năng lực, kiến thức văn hóa cho người làm báo thì công tác tổ chức đào tạo những nhà báo cần thực hiện một cách bài bản. Một bộ phận không nhỏ những người cầm bút hiện nay được đào tạo chính quy về nghiệp vụ báo chí nhưng lại thiếu kiến thức chuyên môn cần thiết. Nếu họ không tự học, tự nâng cao trình độ văn hóa của bản thân thì chính họ sẽ không thể trở thành những nhà báo giỏi. Thực tế cho thấy những sinh viên tốt nghiệp từ các chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn khác, có năng khiếu làm báo và được đào tạo bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ báo chí qua các khóa đào tạo ngắn hạn thì tỉ lệ thành công trong nghề báo, trở thành những nhà báo giỏi thường cao hơn. Vì vậy bên cạnh việc đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp nhà báo cũng cần được đào tạo một cách bài bản về trình độ chuyên môn. Nhà báo Hữu Thọ từng mong muốn nhà báo phải: “Không ngừng nâng cao kiến thức mọi mặt và vốn sống…; phải có trình độ khoa học, hiểu biết về kinh tế, văn hóa, ngoại ngữ; hiểu biết về thực tiễn và hoạt động xã hội”(3).
Kiến thức văn hóa cũng là một đòi hỏi thuộc về trình độ, năng lực của nhà báo. Đời sống xã hội càng phát triển, càng phong phú, đa dạng, phức tạp đòi hỏi mỗi nhà báo cần có nền tảng kiến thức vững vàng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Kiến thức chuyên sâu, phông văn hóa rộng sẽ giúp nhà báo có cái nhìn sâu sắc về từng lĩnh vực, có vốn tài liệu, tư liệu để khái quát, so sánh, đối chiếu, xây dựng nên tác phẩm của mình sâu sắc và có cá tính riêng. Hồ Chí Minh yêu cầu các nhà báo “phải nâng cao trình độ văn hóa”(4). Khái niệm văn hóa ở đây được hiểu theo hai nghĩa. Tức là nhà báo phải vừa có kiến thức chuyên sâu về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, vừa có trình độ học vấn cơ bản và chắc chắn thì mới tạo nên cái nền văn hóa chung đảm bảo sự phát triển nghề nghiệp, chuyên môn của mình.
Bên cạnh đó nhà báo cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức góp phần hoàn thiện nhân cách nhà báo, giúp nhà báo có ý thức và năng lực sống hướng thiện, sống có ích, tăng thêm tình yêu thương đối với tổ quốc, đồng bào. Cái cốt lõi của đạo đức chính là cái tâm của nhà báo. Xét một cách toàn diện, nó là sự nhìn nhận ứng xử, thái độ, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của nhà báo trong các mối quan hệ giữa nhà báo với công chúng, nhà báo với xã hội, nhà báo với nguồn tin, nhà báo với tòa soạn, với đồng nghiệp… Một sản phẩm báo chí khi được đăng tải có sức lan tỏa mạnh, tác động nhanh chóng đến dư luận và đời sống xã hội. Nếu nhà báo không có đạo đức nghề nghiệp thì những sản phẩm báo chí họ sáng tạo ra không đảm bảo tính chính xác, trung thực và từ đó sẽ gây nên những tác động vô cùng nghiêm trọng cho xã hội. Ở nước ta bên cạnh Luật Báo chí còn có Quy định về đạo đức nhà báo gồm 9 điều. Vì vậy, để các sản phẩm báo chí có chất lượng, có văn hóa đến được với độc giả thì những người cầm bút cần tuân thủ các quy định trong Luật báo chí và Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu tiếp nhận các sản phẩm báo chí càng trở nên cấp thiết. Trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia vừa là điều kiện tiên quyết, vừa là tác nhân ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động báo chí. Hồ Chí Minh từng căn dặn các nhà báo Việt Nam: “…Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa”(5). Nhiệm vụ của người làm báo vô cùng vẻ vang, và để làm tròn nhiệm vụ ấy, người làm báo phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, nâng cao kiến thức văn hóa, hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống.
_______________
1. Đảng CSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.226.
2. Hồ Sĩ Vịnh, Ngày xuân nhàn đàm về văn hóa đối nhân xử thế, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 344, tháng 2-2013.
3. Hữu Thọ, Công việc của người viết báo, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr.31.
4. Lê Quốc Lý (chủ biên), Quan điểm C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản về báo chí, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.143.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.616.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014
Tác giả : Lại Thị Hải Bình
Đánh giá post