Kiến thức tử vi
TỬ VI ĐẨU SỐ
Tử Vi hay còn gọi là Tử Vi Đẩu Số. Đây là bộ môn vừa có lịch sử lâu đời và cội nguồn văn hóa sâu xa, sở hữu một hệ thống lá số phong phú, kết hợp chặt chẽ giữa việc suy luận tính chất của các Tinh Diệu (Sao) để luận đoán Cát – Hung, Họa – Phúc, Thọ – Yểu của đời người. Điều đặc biệt, tri thức của Tử Vi Đẩu Số dựa trên cơ sở của thuyết Thiên Văn và các thuyết Âm Dương – Ngũ Hành của Kinh Dịch làm nền tảng lý luận để đưa ra những luận đoán mệnh lý thiết thực.
Tử Vi có khả năng vạch ra và dự báo những bước đường đời của con người và chỉ dẫn con người những cách xử thế tối ưu để thành đạt, hoặc ít ra cũng chủ động trước những hiểm hoạ sắp xảy ra.
GIỚI THIỆU VỀ TỬ VI ĐẨU SỐ
Tử Vi Đẩu Số là một chi phái quan trọng nhất trong Mệnh Lý học truyền thống Trung Hoa. Bộ môn này sở hữu vũ trụ quan của Đạo giáo, đồng thời cũng đặc biệt đề cao đến môi trường xã hội và quan hệ giữa con người với nhau.
Trong Ngũ Đại Thần Số thì Tử Vi Đẩu Số được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất thần số. Các sách về Tử Vi sau này cũng đều thống nhất rằng người đầu tiên tổng hợp, hệ thống lại thành môn bói này là Trần Đoàn tức Hi Di Lão Tổ, sống vào đời Bắc Tống, Trung Quốc.
Tử Vi Đẩu Số được đắc dụng vào niên hiệu Càn-đức nguyên niên, đời vua Thái-tổ nhà Tống (963), cho đến nay trên một ngàn năm chưa có sử gia nào chép về lịch sử cả. Các Tử Vi Gia thường chỉ chú ý đến việc giải đoán tử vi hơn là đi tìm hiểu lịch sử. Bởi vậy cho đến nay, lịch sử khoa này vẫn còn lờ mờ. Thậm chí có người còn lầm lẫn Tử Vi với những chuyện truyền kỳ hoang đường.
Đời Gia Tĩnh (vua Minh Thế Tông) có lưu truyền cuốn Tử vi Đẩu số Toàn thư do tiến sĩ La Hồng Tiên biên soạn. Lời tựa nói Tử Vi đẩu số toàn thư là của tác giả Hi Di Trần Đoàn.
Bài tựa viết như sau:
Thường nghe nói cái lý của số mệnh rất huyền vi ít ai biết cho tường tận để mà thuận thụ coi công danh phú quý trên đời đều có mệnh.
Tôi vì muốn biết nên đã tới tận núi Hoa Sơn chỗ ông Hi Di – Trần Đoàn đắc đạo để chiêm bái nơi thờ tự của bậc đại hiền. Lúc ra về thì thấy một vị cao niên thái độ ung dung chân thực đưa cho tôi cuốn sách mà bảo: ” Đây là Tử vi đẩu số tập của Hi Di tiên sinh.”
Tuy xuất phát từ Trung Quốc, Tử Vi không được nổi bật lắm trong các môn bói toán khác. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam, nó trở thành môn học được ưa chuộng nhất. Có rất nhiều học giả Việt nam đã cống hiến thêm cho môn nầy, trong đó có Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Quý Đôn. Dần dần, Tử Vi Việt Nam có thêm những dị biệt so với Tử Vi nguyên thủy của Trung Quốc.
Cụ Lê Quý Đôn ban đầu không tin tử vi của Trần Đoàn, sau khi đi sứ Trung Quốc, cụ được các học giả bên ấy tặng bộ sách tử vi của Trần Đoàn và khi đã trên 50 tuổi thì ông mới tập trung công sức và trí tuệ để nghiên cứu nó.
Sau đây là bài tựa cuốn “Thần Khê định số”
“Tuổi đời nay đã ngoại ngũ tuần
Mới tường số mạng chuyển vần nghiệm thay
Nhớ thuở nhỏ tài hay, học giỏi
Sách Thánh hiền theo đuổi công danh
Rừng Nho bể học ai bằng
Thông minh đáng bậc tài năng hơn đời
Nghe Khổng Tử than trời cầu thọ
Để san xong dịch số huyền vi
Ta cười “Khổng Tử ngu si”
Khôn ngoan tất thắng mà khờ thì thua
Môn tướng số là đồ mê tín
Đoán ba hoa, bàn chuyện vu vơ
Các điều di bại còn kia
Kẻ thì bỏ vợ, người thì gia vong
Nào Trần Đoàn – Tử Bình – Bát Tự
Đọc càng nhiều trí lự hoang mang
Cho nên ở thuở thiếu niên
Ta không tin tưởng ở môn học này
Giàu sang đều do tay mình tạo
Nào ai cho mà bảo tại trời
Chẳng qua mê muội đó thôi
Tài hèn, ngu muội bảo trời không cho
Học lười, dốt nên thi chẳng đậu
Buôn vụng suy, giàu có làm sao
Thế nhân tin tưởng bảo sao
Đem câu số mạng thay vào bình phong
*
Nay xét lại trong vòng quá khứ
Bạn đồng liêu kẻ dở người hay
Giàu nghèo, thọ yểu lạ thay
Khó đem hoàn cảnh giãi bày cho thông
Sức hạng võ sao không hưởng thọ
Lại sớm về, bởi gió nhập xâm
Giàu như Vương Khải – Thạch Sùng
Chỉ trong khoảnh khắc, tay không than trời
*
Vấn tấm lòng những u hoài
Bách khoa – chủ tử đương thời ai hơn
Chữ “Vô tri vấn bảng Đôn”
Nay coi lại số, tủi hờn mới vơi
Thấy xương – khúc ở nơi hảm địa
Và quan cung khôi ngộ kình – hình
Vướng câu “Lạc hảm văn tinh”
Mới tường số mạng, muôn phần đa đoan
Tuổi cao rồi liệu toan dịch số
Và đem câu “Luận cổ suy kim”
Trần Đoàn đẩu số khảo xem
Qua bao kinh nghiệm viết nên sách này.
Nội Dung Chính
Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư
THUYẾT ÂM DƯƠNG TRONG TỬ VI ĐẨU SỐ
Thuyết âm dương là cốt lõi của nền triết học cổ Đông phương. Nó là động lực của mọi hiện tượng, mọi vận động trong vũ trụ. Theo cách nói của triết học Tây phương thì thái cực chính là mâu thuẫn, nó là sự hợp nhất của hai mặt đối lập: dương và âm. Sự đấu tranh của hai mặt dương âm này làm cho vũ trụ phát triển không ngừng.
Biểu tượng Thái Cực Đồ trong thuyết Âm Dương.
I. Âm
Âm tượng trưng cho nguồn năng lượng và nguyên lý bị động trong tự nhiên, biểu thị qua bóng tối, sự lạnh giá, ẩm ướt, trên bình diện con người, âm tượng trưng cho nữ tính và sự thiếu chủ động. Âm cũng tượng trưng cho cõi chết.
Còn cái chấm tròn màu trắng tượng trưng cho tiềm năng thay đổi, không có cái gì là Âm tuyệt đối, cũng như không có cái gì là Dương tuyệt đối. Đơn cử như: Đất lạnh nên thuộc Âm nhưng càng đi sâu xuống lòng đất thì càng nóng, cái này gọi là trong Âm có Dương.
Thuyết Âm trong tử vi đẩu số
II. Dương
Dương đại diện cho nguyên lý chủ động trong tự nhiên, biểu dạng ánh sáng, cái nóng, sự khô ráo. Trên bình diện con người, dương thể hiện nam tính và mặt tích cực của cảm xúc. Dương cũng đại diện cho “cõi dương”.
Còn cái chấm tròn màu đen tượng trưng cho tiềm năng thay đổi, không có cái gì là Dương tuyệt đối, cũng như không có cái gì là Âm tuyệt đối. Đơn cử như: nắng nóng thuộc Dương, nhưng nắng nhiều sẽ có mưa làm nên mưa lạnh thuộc Âm.
Thuyết Dương trong tử vi đẩu số
THUYẾT NGŨ HÀNH TRONG TỬ VI ĐẨU SỐ
Học thuyết ngũ hành cho rằng, tất cả sự vật trên thế giới đều do sự vận động biến hóa của 5 vật chất cơ bản là:
Hoả (lửa), Thổ (Đất), Kim (Kim loại), Thuỷ (nước, chất lỏng). Mộc (cây cỏ) tạo nên, thế giới chỉ là một trạng thái vận động tương sinh và tương khắc của ngũ hành mà thôi.
Ngũ hành có quy luật sinh, khắc chế hoá lẫn nhau.
– Ngũ hành sinh:
Ngũ hành sinh thuộc lẽ thiên nhiên
Nước nuôi dưỡng cây trồng (Thuỷ sinh mộc– màu xanh)
Gỗ cháy sinh ra lửa (Mộc sinh hoả– màu đỏ)
Lửa cháy hết thành than (Hoả sinh thổ: Màu vàng)
Lòng đất tạo nên kim loại trắng ( Thổ sinh kim: màu trắng)
Kim loại nung chảy thành nước (Kim sinh thuỷ– màu đen)
– Ngũ hành khắc:
Ngũ hành tương khắc (lẽ xưa nay)
Cây phá đất mà mọc lên ( Mộc khắc thổ: Tụ thắng tán)
Đất có thể ngăn nước (Thổ khắc Thuỷ: Thực thắng hư)
Nước có thể dập lửa (Thuỷ khắc hoả: chúng thắng quả, nhiều thắng ít)
Lửa có thể đốt cháy kim loại (Hoả khắc kim: Tinh thắng kiên)
Thép cứng rèn dao chặt cỏ cây ( Kim khắc mộc: cương thắng nhu).
Biểu tượng tương sinh tương khắc trong ngũ hành