Kiến thức kế toán xây dựng cơ bản dành cho người mới – Bravo
Xây dựng là ngành nghề có tính đặc thù và phức tạp hàng đầu trong các ngành nghề kinh tế tại Việt Nam. Bởi vậy công việc kế toán xây dựng cũng có những đặc trưng riêng so với các ngành nghề khác. Dưới đây là những kiến thức về kế toán xây dựng cơ bản, thật sự hữu ích cho bạn đọc đặc biệt là những người mới vào nghề.
Nội Dung Chính
1. Kế toán xây dựng là gì? Đặc điểm cơ bản của kế toán xây dựng.
Kế toán xây dựng là công việc kế toán liên quan đến đơn vị trong lĩnh vực hoạt động sản xuất xây dựng. Kế toán xây dựng bao gồm một số đặc điểm cơ bản sau:
- Kế toán xây dựng được thực hiện dựa vào giá trị dự toán của dự án mà đơn vị dự thầu đã trúng. Các số liệu chi phí trên dự toán là cơ sở dùng để bóc tách hạch toán giúp người xem hiểu rõ về bản chất của những chi phí được kê khai.
- Kế toán xây dựng sẽ phải thực hiện tổng hợp và hạch toán hoàn thiện cho từng công trình. Đây là sự khác nhau cơ bản giữa kế toán thương mại và kế toán xây dựng.
- Kế toán xây dựng cần tổng hợp chi tiết và xem xét kỹ lưỡng tính cân đối giữa các hạng mục chi phí cấu thành nên giá thầu và số lượng hóa đơn tương ứng dùng cho việc hạch toán.
- Hạng mục giá thành trong kế toán xây dựng sẽ được cập nhật thay đổi theo từng công trình bởi nó phụ thuộc vào vị trí thi công của mỗi công trình. Mỗi tỉnh thành phố sẽ có thể thay đổi các nhà cung cấp khác nhau để thuận lợi nhất cho việc di chuyển, như vậy thì giá thành mua hàng cũng sẽ phải khác nhau.
- Mỗi công trình xây dựng có thể kéo dài trong nhiều kỳ kế toán. Bởi vậy bên cạnh các công việc kế toán định kỳ thì kế toán xây dựng còn phải theo dõi chặt chẽ phần chi phí sản xuất kinh doanh dang dở để không bỏ sót chi phí nào trong báo cáo tài chính.
2. Các công việc của kế toán xây dựng cơ bản
Dựa trên đặc thù riêng của công việc, kế toán xây dựng sẽ bao gồm các công việc chính như sau:
- Đọc và phân tích bóc tách dự toán.
Những nội dung chính kế toán xây dựng cần xác định gồm có: Tổng giá trị công trình là bao nhiêu; Thời hạn thi công; Thời hạn bảo hành; Tiến độ và Phương thức thanh toán.
Các tiêu chí để thực hiện việc bóc tách chi phí bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp; Chi phí nhân công trực tiếp; Chi phí quản lý chung.
- Hỗ trợ cung ứng nguyên vật liệu vào từng công trình:
Bám sát theo số liệu dự toán, kế toán phải kịp thời đưa nguyên vật liệu vào công trình cho khớp để đảm bảo tiến độ thi công.
- Chấm công và tổng hợp bảng lương nhân công theo từng tiến độ thi công công trình.
- Theo dõi và tổng hợp các loại chi phí chung phục vụ cho việc vận hành công trình.
- Theo dõi và tổng hợp chi phí máy móc thi công.
- Sau khi nghiệm thu thực hiện tính toán và phân bổ giá thành cho từng công trình, hạng mục công trình.
- Lập các báo cáo định kỳ theo quy định và yêu cầu từ người quản lý như: Báo cáo tình hình nguyên vật liệu; Báo cáo tài chính cuối năm;…
- Thực hiện việc sắp xếp và lưu trữ sổ sách, chứng từ để đảm bảo tính khoa học, thuận tiện và an toàn.
- Đối chiếu chứng từ và các nghiệp vụ phát sinh tương ứng. Đối chiếu giữa số liệu thực tế phát sinh và số lượng dự toán.
- Đại diện doanh nghiệp làm việc với cơ quan nhà nước khi có vấn đề cần thiết hoặc phát sinh.
>>> Có thể bạn quan tâm: Công việc của một kế toán tổng hợp
3. Chi tiết các nghiệp vụ hạch toán cơ bản của kế toán xây dựng
a. Hạch toán chi phí nguyên vật liệu
Thông qua việc bám sát vào bảng bóc tách chi phí, kế toán cần phải xác định xem chi phí nguyên vật liệu có đúng theo định mức quy định hay không để phòng tránh tình trạng gian lận trên bảng báo cáo tài chính. Các nghiệp vụ phát sinh của chi phí nguyên vật liệu đều phải có hóa đơn đi kèm tương ứng. Phải đảm bảo nguyên tắc số lượng NVL khi xuất chỉ được chênh lệch một ít so với dự toán. Nếu chênh lệch nhiều sẽ bị loại ra khỏi chi phí hợp lý để khấu trừ tính thuế.
Bút toán hạch toán thực hiện chi tiết như sau:
Phát sinh nghiệp vụ mua nguyên vật liệu, kế toán ghi sổ:
- Nợ 152 (chi tiết theo từng vật tư)
- Nợ 1331
- Có 111, 112, 331
Phát sinh nghiệp vụ xuất nguyên vật liệu thi công, kế toán ghi sổ:
- Nợ 621 – chi phí nguyên vật liệu trực tiếp
- Có 152
b. Hạch toán chi phí nhân công trực tiếp
Kế toán thực hiện chuẩn bị các hợp đồng thuê nhân công theo nội dung của các biểu mẫu đúng quy định. Các hợp đồng thường gặp gồm có: hợp đồng thời vụ, hợp đồng thuê khoán. Kế toán lập và theo dõi bảng chấm công; bảng lương nhân công theo tiến độ thi công công trình.
Thực hiện hạch toán chi phí nhân công chi tiết theo từng công trình:
Cuối tháng, tính lương phải trả công nhân, bút toán ghi sổ:
- Nợ 622 – Chi phí nhân công trực tiếp
- Có 334
Các khoản trích BHXH, BHYT, BHTN tính vào chi phí, bút toán ghi sổ:
- Nợ 622
- Có 3383, 3384, 3389
c. Chi phí quản lý chung
Chi phí quản lý chung bao gồm tất cả các khoản chi phí phục vụ cho việc quản lý và vận hành công trình như: lán trại, điện nước, lương cán bộ quản lý… và các chi phí phục vụ chung phát sinh tại công trình.
Cách hạch toán các khoản chi phí chung như sau:
– Bút toán cuối tháng, tính lương phải trả cho bộ phận quản lý công trình, kế toán ghi sổ:
- Nợ 6271 – Chi phí sản xuất chung
- Có 334
– Bút toán các khoản trích BHXH, BHYT, BHTN của bộ phận quản lý công trình, kế toán ghi sổ:
- Nợ 6271 – Chi phí sản xuất chung
- Có 3383, 3384, 3389
– Bút toán cuối tháng, trích khấu hao tài sản cố định phục vụ quản lý công trình, kế toán ghi sổ:
- Nợ 6274
- Có 214
– Các chi phí chung khác, kế toán ghi sổ
- Nợ 627
- Nợ 1331
- Có 111, 112, 331
d. Chi phí máy thi công
Kế toán xây dựng phải thực hiện theo dõi chi phí máy phân bổ và trích khấu hao theo định kỳ từng tháng.
Cách hạch toán chi phí máy thi công như sau:
– Cuối tháng, tính lương phải trả cho lái máy, kế toán ghi sổ:
- Nợ 6231 – Chi phí nhân công máy thi công
- Có 334
– Các khoản trích BHXH, BHYT, BHTN tính vào chi phí, kế toán ghi sổ:
- Nợ 627 – Chi phí sản xuất chung
- Có 3383, 3384, 3389
– Cuối tháng, trích khấu hao máy thi công, kế toán ghi sổ:
- Nợ 6234 – Chi phí khấu hao
- Có 214
– Chi phí xăng dầu cho máy hoạt động, kế toán ghi sổ:
- Nợ 6232 – Chi phí nguyên nhiên vật liệu
- Có 152
– Chi phí sửa chữa, thay thế phụ tùng, thuê máy, kế toán ghi sổ:
- Nợ 6237
- Nợ 1331
- Có 111, 112, 331
Kế toán chỉ là một mắt xích trong chuỗi vận hành và phát triển của các doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng. Bởi vậy để tối ưu một cách toàn diện về quy trình quản lý, các doanh nghiệp lớn sẽ lựa chọn phương án áp dụng hệ thống phần mềm ERP quản trị tổng thể. Hiện nay cũng có khá nhiều nhà cung cấp có năng lực và uy tín xây dựng giải pháp ERP chuyên môn hóa theo các bài toán đặc thù trong từng ngành nghề sẽ đem đến hiệu quả tối ưu và vượt trội hơn.
>>> Tham khảo nhà cung cấp Công ty cổ phần phần mềm BRAVO.