Kiến thức cơ bản về làn da

Kiến thức cơ bản về làn da

Tác giả: Fleta N. Bray, BS, Shadi Damanpour, BS, Brian J. Simmons, BS, Sahal Samarkandy, MD,  Keyvan Nouri , MD

University of Miami Miller School of Medicine, Department of Dermatology and Cutaneous Surgery, Miami, FL, US

Biên dịch: Bs. Trương Tấn Minh Vũ

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

Da gồm có ba lớp: Lớp biểu bì là một phần của da có thể nhìn thấy từ bên ngoài và chứa các tế bào da, tế bào sắc tố và tế bào miễn dịch. Lớp bì bên dưới là một lớp giống như gel có chứa collagen và elastin, là những protein giúp định hình cho da, các mạch máu cung cấp dinh dưỡng và dây thần kinh cảm giác. Lớp hạ bì là một lớp mỡ bên dưới lớp bì.

Da có nhiều chức năng: tạo thành một hàng rào bảo vệ các cơ quan bên trong cơ thể tách biệt với môi trường bên ngoài và các yếu tố lây nhiễm, giữ độ ẩm bên trong cơ thể, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và giúp tổng hợp vitamin D từ ánh sáng mặt trời.

Da tự mất dần chức năng khi chúng ta già đi. Tuy nhiên, hầu hết các tổn thương da nhìn thấy cùng với sự lão hóa xảy ra do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lâu dài, được gọi là lão hoá do ánh sáng.

Bác sĩ da liễu có nhiều phương pháp để cải thiện tác động của lão hóa, giúp bạn có được làn da đẹp, trẻ trung hơn mà bạn mong muốn.

GIỚI THIỆU

Da gồm ba lớp chính – lớp biểu bì, lớp bì và lớp hạ bì (Hình 1). 

Lớp biểu bì, lớp ngoài cùng mà chúng ta thấy, được tạo thành từ ba loại tế bào. Tế bào sừng là các tế bào da điển hình, có số lượng nhiều nhất. Tế bào sắc tố là các tế bào có số lượng nhỏ trong da và tạo ra sắc tố melanin. Melanin được vận chuyển vào các tế bào sừng lân cận và bảo vệ chúng khỏi tia UV trong ánh sáng mặt trời. Lượng melanin do tế bào sắc tố sản xuất sẽ quyết định màu da của bạn. Eumelanin tạo ra màu nâu đen, trong khi pheomelanin tạo ra màu vàng-đỏ. Loại tế bào chính thứ ba là tế bào Langerhans. Các tế bào Langerhans là một phần của hệ thống miễn dịch và bảo vệ chống lại các yếu tố truyền nhiễm. 

Lớp bì là lớp bên dưới lớp biểu bì, cung cấp cấu trúc nâng đỡ và dinh dưỡng cho lớp biểu bì. Nó là một lớp giống như gel được tạo thành bởi collagen và elastin. Các mạch máu nhỏ và dây thần kinh đi qua lớp bì để cung cấp dinh dưỡng cho da và nhận tín hiệu về cảm giác da. 

Lớp hạ bì là một lớp mỡ bao gồm chủ yếu là các tế bào mỡ. 

Chức năng chính của làn da bao gồm hình thành một hàng rào bảo vệ bên trong cơ thể khỏi môi trường và nhiễm trùng, giữ độ ẩm trong cơ thể, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và giúp tổng hợp vitamin D từ ánh sáng mặt trời [1].

 

Hình 1. Da gồm ba lớp chính – lớp biểu bì, lớp bì và lớp hạ bì.

Khi chúng ta già đi, da mất đi một số chức năng của nó một cách tự nhiên. Tuy nhiên, hầu hết những thay đổi trên da liên quan đến lão hóa thực sự là kết quả của việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kéo dài. Loại tổn thương liên quan ánh sáng mặt trời này được gọi là lão hoá do ánh sáng. Những thay đổi lớn liên quan đến tuổi tác mà chúng ta thấy bao gồm da khô và thô ráp, da nhăn nheo, lỏng lẻo hoặc chảy xệ. Theo thời gian da lão hoá mỏng hơn, ít đàn hồi và giảm collagen, phục hồi chậm hơn sau chấn thương. Ngoài những thay đổi nhìn thấy trên da, cũng có những thay đổi về lớp cơ và mỡ bên dưới. Cơ mặt tích lũy tổn thương với sự lão hóa, xuất hiện sự giảm khả năng kiểm soát hoạt động của cơ. Những thay đổi này góp phần tạo ra các nếp nhăn trên khuôn mặt. Sự phân bố mỡ ở mặt cũng thay đổi. Với sự lão hóa, mỡ bị mất dần ở vùng trán, quanh mắt và thái dương, má và quanh miệng. Đồng thời, mỡ tăng lên dưới cằm, vùng xương hàm, ở nếp gấp da giữa mũi và môi và ở má bên. Cùng với trọng lực, những thay đổi trong phân phối mỡ dẫn đến chảy xệ mặt. Thay đổi ở xương làm giảm sự phân biệt giữa vùng hàm và cổ. Thay đổi ở tóc bao gồm chuyển màu xám, xảy ra khi melanocytes bị mất, và rụng tóc xảy ra với sự thay đổi nội tiết tố [2].

Lão hoá do ánh sáng chiếm phần lớn tổn thương nhìn thấy liên quan đến lão hoá da,  ảnh hưởng nhiều nhất ở vùng mặt, cổ và bề mặt tiếp xúc với ánh nắng của cánh tay và bàn tay. Da lão hoá do ánh sáng có thể được đặc trưng bởi thoái hoá mô đàn hồi, da đổi màu vàng và xuất hiện nốt sần. Các đặc điểm khác của da lão hoá do ánh sáng bao gồm khô, thô ráp, sắc tố không đều và nếp nhăn. Mức độ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cần thiết để xuất hiện sự thay đổi tuỳ thuộc theo từng cá nhân. Tuy nhiên, một số thay đổi được thấy với tác hại của ánh nắng mặt trời có thể bị ảnh hưởng bởi tông màu da. Những người có làn da trắng sẽ bị tàn phá và ung thư da nhiều hơn, trong khi những người có làn da sẫm màu hơn sẽ bị thô, nếp nhăn và sắc tố không đều. Lão hoá do ánh sáng rõ ràng nhất ở người có làn da trắng, vì có ít melanin để bảo vệ khỏi tia UV mặt trời. Cuối cùng, một điều quan trọng cần lưu ý là hút thuốc lá làm xấu đi tình trạng lão hoá do ánh sáng, đặc biệt là ở phụ nữ. Da của người hút thuốc cũng có các sợi đàn hồi bị hư hại và độ ẩm ít hơn, chữa lành kém và có nhiều nguy cơ ung thư da [2].

Những thay đổi theo thời gian trên da nhìn thấy với sự lão hóa là không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, lão hoá do ánh sáng và tổn thương da do hút thuốc là có thể tránh được. Chống nắng đầy đủ hàng ngày là yếu tố quan trọng nhất của bất kỳ chế độ làm đẹp nào. Quy tắc này áp dụng cho mọi người ở mọi lứa tuổi, loại da hoặc giới tính và không bao giờ là quá muộn để bắt đầu hoặc cải thiện các biện pháp chống nắng. Ngoài các biện pháp ph ng ngừa, một loạt các kỹ thuật có sẵn để cải thiện bề ngoài của làn da.

Các chương còn lại của cuốn sách này sẽ hướng dẫn nhiều quy trình có sẵn có thể giúp đạt được làn da đẹp, trẻ trung hơn theo mong muốn.

QUAN ĐIỂM VỀ SẮC ĐẸP VÀ SỰ TRẺ TRUNG  

Sắc đẹp, như nhiều người đã nói, là trong mắt của kẻ si tình. Quan điểm có thể khác nhau về màu sắc, hình dạng và kích thước, nhưng dường như luôn có điểm chung, đó là sự tươi trẻ. Tìm kiếm một nét đẹp tươi trẻ là nhu cầu không giới hạn chung của xã hội, không phụ thuộc vào các nền văn hoá khác nhau.

Trong cuốn Survival of the Prettiest, Etcoff cho rằng cách chúng ta nhận thức và phản ứng với cái đẹp ăn sâu vào tiềm thức. Đẹp là biểu hiện sức khỏe và lợi thế về sinh sản [3]. Do đó, tầm quan trọng của đẹp không giới hạn không gian và thời gian; đẹp là động lực sinh học cho những đứa con ưu tú, thành công [4].

Kể từ thời Kinh Thánh, phụ nữ đã tìm cách che giấu tuổi tác và xuất hiện tươi trẻ hơn bằng cách sử dụng mỹ phẩm [5]. Trên thực tế, người Ai Cập sở hữu hầu hết các loại mỹ phẩm mà chúng ta sử dụng ngày nay và theo các công thức để ngăn ngừa các nếp nhăn và nhược điểm trên khuôn mặt [3]. Vào năm 51 trước Công nguyên, Cleopatra đã tắm trong sữa dê, hạnh nhân và mật ong để làm mềm da [4]. Tương tự như vậy, ở Hy Lạp cổ đại, đắp bánh mì và sữa được xem là một hình thức chống lão hóa điển hình. Ở Anh thế kỷ 17, nơi Nữ hoàng Elizabeth là hình mẫu người đẹp lý tưởng, các phụ nữ khác đã cố gắng để làm cho làn da của họ trắng, bao gồm cả việc tô chì trắng lên mặt [5].

Theo Aristotle, đẹp là một đề cử lớn hơn bất kỳ thư giới thiệu nào. Ngoại hình là ấn tượng đầu tiên của mọi người đối với chúng ta, và có nhiều ý nghĩa xã hội. Mọi người được khen vì xinh đẹp. Những em bé dễ thương nhận được nhiều sự quan tâm và tình cảm hơn. Người trưởng thành có bề ngoài hấp dẫn có mối quan hệ với người khác tốt hơn, được đối xử tốt hơn tại nơi làm việc và nhận được điểm cao hơn. Họ được chú ý hơn trong các trường hợp khẩn cấp [3]. Do đó, nhiều yếu tố xã hội đã ăn sâu vào cuộc tìm kiếm cái đẹp của chúng ta.

Theo Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Hoa Kỳ, hơn 15 triệu lượt điều trị thẩm mỹ đã được thực hiện trong năm 2013, tăng 164% kể từ năm 2000. Hơn 13 triệu trong số đó là các thủ thuật xâm lấn tối thiểu; phổ biến nhất là botox, lột hóa chất, vi mài da, tiêm chất làm đầy và triệt lông bằng laser. Đàn ông chiếm 9% tổng số lượt điều trị thẩm mỹ trong năm 2013, tăng 22% so với năm 2000 [6].

Công cuộc tìm kiếm cái đẹp, như lịch sử chứng minh, chắc chắn sẽ tiếp tục. Nét đẹp tươi trẻ bên ngoài ngày càng có khả năng đạt được để sánh cùng với nội lực bên trong.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Vandergriff, T. W., and P. R. Bergstresser. 2012. “Anatomy and Physiology.” In Dermatology, edited by J. L. Bolognia, J. L. Jorizzo and J. V. Schaffer. New York: Elsevier

Yaar, M. and B. A. Gilchrest. 2012. “Aging of Skin.” In Fitzpatrick’s Dermatology in General Medicine, edited by L. A. Goldsmith, S. I. Katz, B. A.

Gilchrest, A. S. Paller, D. J. Leffel and K. Wolff. US: McGraw- Hill.

Etcoff, Nancy L. 1999. Survival of the prettiest: the science of beauty. York: Doubleday.

Alam, M., and J. S. Dover. 2001. “On beauty: evolution, psychosocial considerations, and surgical enhancement.” Arch Dermatol 137 (6):795

Oumeish, O. Y. 2001. “The cultural and philosophical concepts of cosmetics in beauty and art through the medical history of mankind.” Clin Dermatol (4):375-86

2013. “Plastic Surgery Statistics Report” American Society of Plastic Surgeons