Kiến thức cơ bản « Tâm Lý Học
Các quan điểm về tâm lý học đưa ra các cách nhìn khác nhau và tập trung vào những yếu tố khác nhau. Giống như có thể sử dụng nhiều loại bản đồ để tìm đường trong một khu vực – có loại bản đồ thể hiện đường phố, cũng có bản đồ thể hiện các mốc địa hình chính – các nhà tâm lý học cũng phát triểu nhiều phương pháp tiếp cận để tìm hiểu hành vi.
Ngày nay, lĩnh vực tâm lý học gồm năm quan điểm chính. Các quan điểm này tập trung vào những khía cạnh khác nhau của hành vi và các quá trình tinh thần, và mỗi quan điểm tìm hiểu hành vi theo hướng khác nhau.
Quan điểm khoa học thần kinh: máu, mồ hôi và nỗi sợ
Xét cho cùng, con người cũng là động vật bằng xương bằng thịt. Quan điểm khoa học thần kinh xem xét con người dưới góc độ sinh vật học: các tế bào thần kinh riêng lẻ kết nối với nhau như thế nào, sự di truyền của một số tính trạng từ bố mẹ và tổ tiên ảnh hưởng đến hành vi ra sao, sự hoạt động của cơ thể ảnh hưởng đến hi vọng và nỗi sợ hãi như thế nào, những hành vi nào là bản năng… Các kiểu hành vi phức tạp hơn, như phản ứng của trẻ sơ sinh với người lạ, được các nhà tâm lý học theo quan điểm khoa học thần kinh cho là bị ảnh hưởng chủ yếu bởi các thành tố sinh học. Quan điểm này bao gồm nghiên cứu về di truyền và tiến hóa, xem xét xem di truyền có thể ảnh hưởng tới hành vi như thế nào; trong đó một ngành cụ thể là khoa học thần kinh hành vi khảo sát xem não bộ và hệ thần kinh ảnh hưởng đến hành vi ra sao.
Vì ở một vài khía cạnh, mỗi hành vi đều có thể được chia nhỏ thành các thành tố sinh học nên quan điểm khoa học thần kinh có sức hút rộng lớn. Các nhà tâm lý học theo đuổi quan điểm này đã có những đóng góp quan trọng vào sự hiểu biết và cải thiện đời sống loài người, từ việc chữa trị một số tật điếc đến điều trị cho bệnh nhân bị các rối loạn tâm thần nghiêm trọng.
Quan điểm quá trình tinh thần: tìm hiểu con người bên trong
Đối với nhiều người chưa bao giờ trải qua trường lớp về tâm lý học, tâm lý học bắt đầu và kết thúc bằng quan điểm quá trình tinh thần. Những người đề xướng quan điểm này cho rằng hành vi được thúc đẩy bởi các lực và xung đột bên trong mà chúng ta ít có khả năng nhận biết hoặc kiểm soát. Các giấc mơ hay sự lỡ lời được xem như các dấu hiệu chỉ ra điều mà một người đang thực sự cảm thấy giữa vô vàn hoạt động tâm sinh lý vô thức.
Quan điểm này bắt nguồn từ một người duy nhất: Sigmund Freud, thầy thuốc người Áo đầu những năm 1900. Ý kiến cho rằng hành vi bị thống trị bởi sự vô thức đã có một ảnh hưởng cách mạng đến nhận thức thế kỷ 19, không chỉ trong tâm lý học mà còn với các lĩnh vực liên quan. Mặc dù một vài nguyên lý ban đầu của Freud đã bị chỉ trích mạnh mẽ, quan điểm quá trình tinh thần đương thời đã cung cấp phương tiện không chỉ để hiểu và điều trị một vài dạng rối loạn tâm lý, mà còn để hiểu các hiện tượng hàng ngày như định kiến hay sự gây hấn.
Quan điểm hành vi: quan sát con người bên ngoài
Trong khi các phương pháp khoa học thần kinh và quá trình tinh thần xem xét bên trong cơ thể để xác định nguyên nhân của hành vi thì quan điểm hành vi đi theo cách khác. Quan điểm này cho rằng nên tập trung vào các hành vi có thể quan sát và đo đạc một cách khách quan.
John B. Watson là nhà tâm lý học người Mỹ quan trọng đầu tiên ủng hộ quan điểm hành vi. Làm việc trong những năm 1920, Watson là một người kiên định trong quan điểm cho rằng một người có thể thu nhận được hiểu biết đầy đủ về hành vi bằng cách nghiên cứu và thay đổi môi trường hoạt động của người đó.
Thực tế, Watson tin tưởng quá lạc quan rằng có thể thu được bất kỳ một kiểu hành vi mong muốn nào bằng cách kiểm soát môi trường sống. Triết lý của ông được thể hiện qua những lời sau: “Hãy đưa cho tôi một tá trẻ em khỏe mạnh, và một thế giới đặc biệt của riêng tôi để nuôi dạy chúng trong đó; tôi đảm bảo rằng sẽ chọn ngẫu nhiên và đào tạo chúng trở thành bất kỳ kiểu chuyên gia nào mà tôi muốn: bác sĩ, luật sư, nghệ sĩ, lái buôn, thậm chí là người ăn xin và kẻ cướp, bất kể năng khiếu, thiên hướng, khuynh hướng, khả năng, nghề nghiệp và chủng tộc của tổ tiên người đó là như thế nào.”
Như chúng ta sẽ thấy, quan điểm này có liên quan đến nhiều ngành khác của tâm lý học. Cùng với ảnh hưởng của nó trong lĩnh vực về các quá trình học tập, quan điểm này còn có những đóng góp trong nhiều lĩnh vực đa dạng như điều trị các rối loạn tinh thần, kiềm chế sự gây hấn, giải quyết các vấn đề về tình dục hoặc chấm dứt sự nghiện thuốc.
Quan điểm nhận thức: xác định nguồn gốc của sự hiểu biết
Các nỗ lực để hiểu biết hành vi dẫn nhiều nhà tâm lý học thẳng tới tinh thần. Quan điểm nhận thức tập trung vào tìm hiểu cách con người nhận thức, suy nghĩ và hiểu biết về thế giới. Trọng tâm là tìm hiểu cách con người lĩnh hội và tái hiện thế giới bên ngoài và cách suy nghĩ của chúng ta về thế giới ảnh hưởng đến hành vi như thế nào.
Nhiều nhà tâm lý học theo đuổi quan điểm này so sánh hoạt động suy nghĩ của con người với sự vận hành của máy tính, cũng có sự thu nhận, truyền tải, lưu trữ và phục hồi thông tin. Dưới quan điểm này, suy nghĩ là quá trình xử lý thông tin.
Các nhà tâm lý học dựa trên quan điểm nhận thức đặt ra các câu hỏi như con người tạo quyết định như thế nào, cho đến, liệu có thể vừa xem tivi vừa học được không. Các yếu tố chung liên kết các phương pháp tiếp cận của quan điểm này là trọng tâm trong việc nghiên cứu cách con người suy nghĩ và hiểu biết về thế giới, và mối quan tâm chung trong việc mô tả các mô hình và ngoại lệ trong hoạt động của trí não.
Quan điểm nhân văn: những phẩm chất độc nhất của loài người
Phủ nhận quan điểm rằng hành vi được quyết định chủ yếu bởi các lực sinh học được bộc lộ một cách tự động, các quá trình vô thức, hoặc môi trường, quan điểm nhân văn cho rằng tất cả các cá thể cố gắng một cách tự nhiên để sinh trưởng, phát triển và tồn tại trong sự kiểm soát của đời sống và hành vi của họ. Các nhà tâm lý học nhân văn chủ nghĩa bảo vệ quan điểm rằng mỗi người trong chúng ta có khả năng theo đuổi và đạt tới sự hoàn thiện.
Theo Card Rogers và Abraham Maslow, hai nhân vật trung tâm trong sự phát triển của quan điểm nhân văn, con người sẽ cố gắng đạt tới các tiềm năng đầy đủ nhất của bản thân nếu có cơ hội. Trọng tâm của quan điểm là ý chí tự do (free will), là khả năng một người tự do quyết định về hành vi và đời sống của người đó. Quan niệm ý chí tự do tương phản với thuyết quyết định luận, học thuyết cho rằng hành vi được quyết định bởi những thứ vượt quá khả năng của con người.
Quan điểm nhân văn cho rằng con người có khả năng tự lựa chọn hành vi của chính người đó chứ không phải là chỉ dựa trên các chuẩn mực xã hội. Hơn bất kỳ một phương pháp nào khác, quan điểm này nhấn mạnh vai trò của tâm lý học trong việc làm phong phú đời sống con người và giúp họ đạt được sự hoàn thiện bản thân. Chính vì thế, nó đã có những ảnh hưởng quan trọng đến xã hội.