Kiến thiết những chuỗi kinh tế do doanh nghiệp nội ‘cầm cái’
Theo sát những diễn biến trong nền kinh tế, nhân ngày doanh nhân Việt Nam, các chuyên gia hàng đầu trong nước đã gửi đến Thanh Niên những đề xuất thiết thực, những nhận xét xác đáng về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp cũng như kỳ vọng về sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt trong tương lai.
Nội Dung Chính
Doanh nhân Việt có độ thích ứng cao
Nếu chỉ nhận xét một câu ngắn gọn, tôi sẽ nói thế này, doanh nhân Việt có tính chịu khó, thích ứng rất cao. Khó khăn sau đại dịch vẫn chưa dứt, doanh nghiệp (DN) các ngành sản xuất xuất khẩu như dệt may, đồ gỗ… tiếp tục bị đứt gãy chuỗi giá trị, cạnh tranh dữ dội về giá cả, thị trường. Nhưng cũng có không ít DN phục hồi, cải tiến nhiều để tồn tại và tăng lợi nhuận. Số DN thành lập mới tăng là tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế.
Ngọc Thắng
Thế nên, các chính sách hỗ trợ DN và người lao động trong thời gian tới nên tăng tốc vào nhóm DN đã phục hồi, duy trì sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, bình ổn giá tốt. Chính sách hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà sau đại dịch cần nhanh chóng hoàn tất để tạo động lực cho người lao động lẫn DN. Trong thời gian tới, các hiệp hội, tổ chức cần kết nối DN lại thông qua kinh tế số để tăng tương tác, tìm kiếm bạn hàng như cách DN Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc… áp dụng rất hiệu quả. DN các nước rất nhanh nhạy trong nền kinh tế số, họ cung cấp đầy đủ thông tin, hiểu rõ sản phẩm mình mua bán, xuất xứ thế nào để cân lượng quyết định đặt hàng.
DN Việt không thiếu công cụ, cái chúng ta thiếu là tính liên kết, trao đổi. Các hộ kinh doanh gia đình có thói quen làm gia công, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch… liệu có thể nâng họ lên thành DN, hỗ trợ họ trong chuyển đổi số, đào tạo hướng dẫn tổ chức lại sản xuất, sử dụng công nghệ để xử lý dữ liệu một cách chuyên nghiệp được không? Muốn vậy phải có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tôi hy vọng việc liên kết, nâng cấp DN sẽ hiệu quả hơn.
TS Lê Đăng Doanh(nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư)
Kinh tế tư nhân vẫn là trụ đỡ
Trong giai đoạn đại dịch, tất cả nền kinh tế đều khó khăn. Tăng trưởng của các khu vực đều giảm sút mạnh nhưng kinh tế tư nhân vẫn là khu vực giữ được nhịp độ tăng trưởng cao nhất, trong tương quan chung giữa các khu vực kinh tế nhà nước hay đầu tư nước ngoài. Điều đó cho thấy sức chống chịu và sự linh hoạt của khu vực kinh tế tư nhân rất cao. Cùng với nông nghiệp, kinh tế tư nhân đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn.
Tuy vậy, cộng đồng DN tư nhân đang tiếp tục phải đối mặt giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình phát triển của VN kể từ khi đổi mới. Mặc dù đã kiểm soát được Covid-19, nhưng dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Cùng với đó, các xung đột về địa chính trị, địa kinh tế, biến đổi khí hậu, thiên tai… đang dồn dập xảy ra. Thế giới đang có nhiều bất ổn, bất định mà chúng ta không thể nào kiểm soát hay dự báo được. Vì thế, quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế để có thể trụ vững, kiểm soát được rủi ro, giữ vững đà tăng trưởng. Để nâng khả năng chống chịu, một trong những yếu tố quan trọng là sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Chúng ta kỳ vọng vào thị trường nội địa, sức mua của thị trường trong nước với những gói kích thích kinh tế nhưng các chương trình hỗ trợ phải được thực hiện khẩn trương, quyết liệt và thực chất hơn nữa. Quan trọng nhất vẫn là những cải cách thể chế, cải cách về thủ tục hành chính. Thủ tục thông thoáng, đẩy mạnh đầu tư công sẽ kích hoạt đầu tư của khu vực DN tư nhân và tạo ra tác động lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh. Giải phóng thể chế thì khối DN sẽ tự tiếp cận được các nguồn lực, khơi thông nguồn lực và tạo thêm các nguồn lực mới trên thị trường.
TS Vũ Tiến Lộc
(Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)
Phát huy vai trò của các hiệp hội
Sau đại dịch, xuất khẩu VN vẫn tăng trưởng tốt, điều này cho thấy DN Việt có khả năng chống đỡ và thích nghi hoàn cảnh rất tốt. Thế nên, tạo cơ hội hỗ trợ DN tăng khả năng thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua hướng dẫn và khuyến khích họ khai thác các ưu thế của hiệp định thương mại tự do, kêu gọi DN tham gia công nghiệp hỗ trợ là cần thiết.
Muốn vậy, cần phát huy vai trò hiệp hội để kết nối DN trong mạng lưới, thúc đẩy sáp nhập và mua lại để tạo khả năng gia tăng quy mô DN. Việc kết nối, gia tăng giao thương để cung cấp thông tin, kịp thời hỗ trợ DN tìm bạn hàng mới trong và ngoài nước trong lúc này rất quan trọng. Đây là lúc đẩy mạnh phát triển thương hiệu hàng nội để trở thành thương hiệu mạnh tiến đến có thương hiệu toàn cầu.
Chúng ta nói nhiều và cũng làm nhiều về chuyển đổi số, vậy không có lý do gì việc đầu tư đổi mới sáng tạo không giúp được ta có sản phẩm mới mang đặc thù VN được, nhất là đổi mới công nghệ theo xu hướng 4.0!
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng(Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội)
Quyết liệt thúc đẩy đầu tư công
Trong giai đoạn phục hồi, DN chính là nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, cần thiết được giải ngân thật nhanh để làm đòn bẩy thu hút các nguồn lực đầu tư khác, vực dậy thị trường. Đó là lý do vì sao kế hoạch giải ngân đầu tư công giai đoạn 2022 – 2023 lớn hơn nhiều so với những giai đoạn trước đó. Mặc dù có sự đôn đốc rất quyết liệt nhưng tiến độ giải ngân đầu tư công thời gian qua khá chậm.
Các dự án đầu tư công trước đây thường bị gắn vào vòng xoáy chậm tiến độ, thất thoát, lãng phí, đội vốn nên người có thẩm quyền “ngại” ra quyết định. Thế nhưng càng “ngại”, càng “sợ”, càng kéo dài thì khả năng đội vốn của dự án càng tăng. Đó là lý do vì sao lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương liên tục thúc rất nhiều nhưng tiến độ giải ngân đầu tư công không cải thiện được.
Chúng ta phải rút kinh nghiệm ngay từ các dự án đầu tư khu vực ngoài nhà nước. Họ cũng phải đối mặt với những khó khăn tương tự các dự án đầu tư công nhưng vẫn triển khai tốt, vượt qua nhiều rào cản một cách ngoạn mục. Trong khi các dự án từ ngân sách lại thường xuyên rơi vào tình trạng thừa vốn, đầy vốn nhưng không triển khai được.
Đã đến lúc cần nhìn thẳng vào bộ máy vận hành thực hiện các dự án, không chỉ bàn ở câu chuyện chính sách, nguyên nhân hay giải pháp. Nếu không khắc phục được tâm lý, cách nghĩ, cách làm theo kiểu né tránh đùn đẩy thì chắc chắn đầu tư công sẽ tiếp tục chỉ dừng lại ở “bàn”.
TS Vũ Đình Ánh
(nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – giá cả, Bộ Tài chính)
Cần có kịch bản phòng ngừa biến động trong năm tới
Năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới sẽ có nhiều biến động nhưng khả năng chống chịu của nền kinh tế nước ta khá tốt, nhờ vào các yếu tố:
Thứ nhất là sự ổn định chính trị xã hội. Thể chế ngày càng được hoàn thiện thích ứng hơn với kinh tế thị trường hội nhập. Các chính sách nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giảm mạnh nợ công… thời gian qua rất thành công.
Thứ hai, nền nông lâm ngư nghiệp và kinh tế nông thôn gắn kết với thị trường trong và ngoài nước sẽ tiếp tục là trụ đỡ mạnh mẽ giúp nền kinh tế vượt qua tác động bất lợi của kinh tế thế giới cũng như khu vực.
Thứ ba, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng và đô thị được nâng cấp kết nối cả nước, cùng hệ thống du lịch đa dạng, chuyển đổi số thành công bước đầu đã làm cho nền kinh tế thêm hiệu quả; Cùng với đó, nguồn lao động có tay nghề cao đã được tăng cường, nhất là lao động trong các khu công nghiệp và dự án FDI, thực hiện thành công một bước chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Động lực chính của kinh tế VN trong 2023 chính là đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng các tiền đề đã tạo ra. Dù vậy, VN cần có các kịch bản phòng ngừa. Năm 2023, tiếp tục phát huy các thành quả của thời gian qua, tôi tin kinh tế xã hội nước ta sẽ từng bước khôi phục và phát triển mạnh mẽ.
GS-TSKH Nguyễn Quang Thái(Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế VN)
Khả năng chống đỡ tuyệt vời của doanh nghiệp
Qua gian khó mới thấy khả năng chống đỡ trước cơn bão giá của DN Việt tuyệt vời. Nếu DN không phục hồi tốt, kinh tế VN khó phục hồi được như hôm nay. Thế nên, ổn định vĩ mô được cũng nhờ DN sớm phục hồi, các chính sách hỗ trợ lúc này là phải trực tiếp đến DN, không nên chọn gián tiếp nữa.
Trong thực tế, lạm phát tại VN và nhiều nước khác đều chịu tác động từ sự gia tăng mạnh của giá năng lượng, điển hình là giá xăng dầu, cũng như chi phí vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, giá lương thực, thực phẩm tại VN khá ổn định nhờ ta tự chủ được nguồn cung, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng như tại một số nước. Đó là lợi thế cho DN Việt. Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 9, trước và sau thời điểm Mỹ tăng lãi suất, lo ngại suy thoái kinh tế dấy lên trên toàn cầu, cũng ảnh hưởng đến tâm lý và niềm tin của DN.
Kinh tế VN thời gian qua cho thấy, kiểm soát lạm phát là gốc rễ của ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát thấp là tiền đề để ổn định tỷ giá. Lạm phát thấp và tỷ giá ổn định sẽ khuyến khích các dòng vốn trong và ngoài nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh để đạt tăng trưởng cao. Tuy vậy, có một điểm đáng chú ý là trong 8 tháng đầu năm nay lạm phát cơ bản đang ở mức khá cao, trung bình khoảng 0,4% một tháng, tương đương mức 4,8% một năm. Mặc dù thế, hiện tại vẫn chưa rõ lạm phát tăng do yếu tố tiền tệ hay chỉ là tăng bù cho giai đoạn lạm phát thấp khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Nếu do nền kinh tế phục hồi mạnh sau đại dịch, lạm phát cơ bản sẽ giảm tốc trong thời gian tới.
Song, nếu lạm phát vẫn giữ mức cao trong vài quý tới, nguyên nhân có thể là do tiền tệ. Thế nên, tăng lãi suất lúc này khiến DN phụ thuộc nguồn tài chính vay sẽ chật vật hơn, theo đó, quá trình phục hồi của nền kinh tế bị chậm lại.
TS Nguyễn Đức Độ (Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính – Học viện Tài chính)
Tạo môi trường để DN nội bứt phá
Trong 2 năm khó khăn vừa qua, VN vẫn giữ được mạch tăng trưởng rất tốt, ổn định. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng tạo điều kiện thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, đồng thời tạo cơ hội cho phần thị trường nội địa chớp thời cơ để trỗi dậy. Tuy nhiên, cần nhìn nhận khía cạnh cơ cấu, chất lượng của nền kinh tế được cải thiện như thế nào. Cụ thể, hiện nay cách tiếp cận về những thay đổi đẳng cấp mang tính đột phá, tạo ra bứt phá của VN, đặc biệt là đối với khu vực nội địa không rõ, không mạnh. Xu thế phụ thuộc vào phần khối ngoại của VN đang khá cao, không chỉ khiến nền kinh tế phồng to về quy mô nhưng chất lượng không tăng tương xứng mà còn làm giảm sức chống chịu trước các rủi ro từ khu vực kinh tế thế giới.
Chúng ta không kiềm chế hay phân biệt đối xử khu vực FDI, thương mại quốc tế nhưng phải tạo cơ hội cho khu vực nội địa bứt lên nhiều hơn nữa. Nếu khu vực nội địa vẫn chậm, yếu thì sẽ báo trước sự mất cân đối, rủi ro nhiều hơn thành công. Vì thế, phải giảm bớt tính đầu cơ, chuyển nguồn lực dần về lĩnh vực công nghiệp, sản xuất. Đặc biệt, bỏ bớt các trói buộc để phần nội địa có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ.
Muốn DN Việt bứt phá thì phải có động cơ khuyến khích, phải đảm bảo được môi trường cạnh tranh tự do hơn, DN tư nhân được tiếp cận thuận lợi với nhiều cơ hội hơn. Khi DN Việt lớn mạnh hơn thì khuyến khích họ tham gia nhiều vào các chuỗi sản xuất, kinh doanh từ khu vực FDI với tầm nhìn trung hạn chứ không chỉ hô hào qua những chính sách ngắn hạn. Mặt khác, phải kiến thiết những chuỗi kinh tế do các tập đoàn, DN lớn của VN “cầm cái”, như vậy mới tăng thêm cơ hội cho các DN vừa và nhỏ của VN tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
PGS-TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN)
“Xé rào” để tăng chi tiêu công
Nếu trong 2 quý đầu năm, bức tranh kinh tế thế giới có những gam màu sáng thì trong quý cuối năm nay lại đang suy thoái, Mỹ nâng lãi suất… bức tranh kinh tế VN dù đang phục hồi khá tốt cũng sẽ bị ảnh hưởng phần nào. Nhu cầu hàng hóa, mua sắm, đi du lịch toàn cầu giảm sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành xuất khẩu, dịch vụ trong nước. Bức tranh kinh tế những tháng cuối năm về các vấn đề tài khóa, dự trữ ngoại hối, cán cân thương mại, tự chủ lương thực, thực phẩm trong nước đều khá tốt.
Thế nên, các chính sách cần có lúc này là thúc đẩy chi tiêu trong nước. Dù vậy, chi tiêu cá nhân có giới hạn của nó, lĩnh vực đáng trông chờ nhất là chi tiêu đầu tư công.
Với DN, quyết sách quan trọng nhất lúc này là hỗ trợ cụ thể, trực tiếp như giảm giá xăng dầu bằng công cụ giảm thuế, phí… chứ không nên chọn giải pháp chính sách rồi xét duyệt và rơi vào bế tắc vì không giải ngân được như đã từng xảy ra. Bên cạnh đó, đầu tư công giải ngân chậm quá do vướng mắc về thủ tục; quy hoạch địa phương và quốc gia chồng chéo; đấu thầu không chốt được do đơn giá lỗi thời so với giá thị trường… Nên một dự án bị chậm, bị trì hoãn cả 5-7 năm, nhanh nhất cũng sau 2-3 năm.
Vì vậy, DN cần có chính sách đột phá, xé rào kiểu nghị quyết, đặc cách và không phụ thuộc luật. Nghĩa là theo nghị quyết để làm, chứ cứ theo tuần tự thủ tục hành chính và luật này luật nọ là thua. Nghị quyết cho phép một số dự án đầu tư công được xé rào, quyết làm luôn để tăng chi tiêu công, qua đó hỗ trợ mạnh cho thu hút đầu tư.
TS Phùng Đức Tùng
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong)