Kiểm soát phân tầng xã hội, góp phần bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa

Thứ bảy, 11 Tháng 12 2021 14:09

8188 Lượt xem

(LLCT) – Phân tầng xã hội là một hiện tượng xã hội khách quan, phổ biến, nhưng có tính lịch sử. Phân tầng xã hội được nhìn nhận ở chiều cạnh tích cực hay tiêu cực đối với sự phát triển của xã hội luôn phụ thuộc vào quan điểm và năng lực kiểm soát, quản lý và định hướng chính sách của nhà nước. Trên cơ sở kế thừa một số kết quả nghiên cứu về phân tầng xã hội được công bố ở Việt Nam trong thời gian gần đây, bài viết phân tích các chiều cạnh tác động tích cực và tiêu cực của phân tầng xã hội; đồng thời đề xuất các giải pháp kiểm soát phân tầng xã hội, góp phần bảo đảm định hướng xã hội ở Việt Nam.

Ảnh minh hoa. Nguồn: nhabe.hochiminhcity.gov.vn

Phân tầng xã hội là một hiện tượng xã hội mang tính hệ thống (cấu trúc); các cá nhân, các nhóm người được phân chia thành các tầng theo các thang bậc giá trị xã hội về kinh tế (địa vị kinh tế, sở hữu tài sản), chính trị (địa vị quyền lực), văn hóa và xã hội (uy tín xã hội) khác nhau. Trong hệ thống phân tầng, các cá nhân có khả năng di động từ nhóm xã hội này (tầng này) sang nhóm xã hội khác (tầng khác) khác bởi tính chất vận động và phát triển.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã nêu rõ những bất cập trong “giảm nghèo chưa bền vững, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu – nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, kiểm soát và xử lý các mâu thuẫn, xung đột xã hội” (1).  Do đó, để góp phần bảo đảm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ XXI theo định hướng XHCN, Đại hội đã nhấn mạnh cần “nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội (…). Trên cơ sở dự báo đúng xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội ở nước ta trong những năm tới, xây dựng các chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”(2).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ rõ: cần thích ứng với vấn đề phân tầng xã hội trong quá trình xây dựng CNXH bằng việc phải bảo đảm quyền cùng phát triển của mọi thành viên trong xã hội, cùng hướng đến sự hài lòng và tốt đẹp, không loại trừ bất cứ ai, với quan điểm: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm”(3). Quan điểm nêu trên khuyến khích người giàu phải “giàu thêm”, việc làm giàu của người này không đe dọa cơ hội phát triển của người khác. Dĩ nhiên, đó phải là làm giàu lương thiện, hợp pháp. Người nghèo cũng có quyền phát triển bằng nỗ lực phấn đấu vươn lên “đủ ăn”, rồi tiến lên “khá giàu”. Quan điểm này gợi mở nhiều điều về kiểm soát phân tầng xã hội hiện nay, nhất là khuyến khích làm giàu chính đáng, hợp pháp gắn với thúc đẩy giảm nghèo bền vững, định hình cơ cấu xã hội phát triển hài hòa(4).

1. Phân tầng xã hội và những chiều cạnh tác động đến định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Phân tầng xã hội tác động tích cực đến sự phát triển đất nước

Một là, trong khoảng 20 năm vừa qua, các nghiên cứu về phân tầng xã hội ở Việt Nam đã chỉ ra mô hình phân tầng xã hội theo xu hướng tích cực, giảm bất bình đẳng giữa các giai tầng xã hội. Nghiên cứu về phân tầng xã hội của Bùi Thế Cường và cộng sự gần đây đã chứng minh: 6 giai tầng xã hội và 3 tầng xã hội của Việt Nam giai đoạn 1998-2018 đều có tiến hóa đáng kể về hình dạng phân tầng qua ba thời điểm. Năm 1998, tỷ lệ 6 giai tầng và 3 tầng còn tạo nên dạng tháp. Năm 2008, dạng tháp đã phình ra ở đầu cũng như ở giữa và thu nhỏ ở phần đế. Đến năm 2018, tháp phân tầng chuyển hẳn sang dạng thoi, với tầng trên chiếm 10,6%, tầng giữa 65,4%, và tầng dưới 24,0%. Trong khi 20 năm trước đó, ba con số này là 1,3%, 27,2% và 71,4%; tầng trên tăng hơn tám lần, tầng giữa tăng 2,4 lần, và tầng dưới giảm ba lần. Nhìn chung, khác biệt thu nhập bình quân thành thị – nông thôn có xu hướng giảm trong giai đoạn 1998-2018(5).

Hai là, bước đầu hình thành tầng lớp trung lưu đóng vai trò là nhân tố tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Bởi cả ba giai tầng thuộc giai cấp trung lưu đều tăng rõ rệt. Sau 20 năm, tỷ lệ trung lưu trên tăng hơn 13 lần, trung lưu giữa tăng gấp rưỡi, trung lưu dưới tăng hơn năm lần. Cùng thời gian, giai tầng dưới trên giảm 1,8 lần và dưới giảm tới 6,8 lần. Qua hai thập niên, nhiều hộ gia đình đã từ tầng lớp trung lưu giữa vươn tới trung lưu trên và nhiều hộ gia đình từ giai tầng thấp vươn tới tầng lớp trung lưu dưới (6). Sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển đi lên của đất nước. Nó góp phần thiết thực vào quá trình dân chủ hóa, thực hiện mục tiêu xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng, dân chủ, văn minh(7).

Ba là, dưới tác động của kinh tế thị trường, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, tại Việt Nam đã dần hình thành tầng lớp xã hội “ưu trội”. Tầng lớp này không “nổi” lên như một lực lượng xã hội, nhóm xã hội riêng rẽ mà bao gồm những người ưu tú, tài hoa nhất vượt trội lên từ khắp các giai cấp, tầng lớp, tổ chức trong xã hội… Đó là những công nhân với nhiều sáng kiến tìm tòi, làm việc có năng suất cao; những doanh nhân sản xuất kinh doanh giỏi… Đó là những nhà quản lý giỏi, những nhà khoa học có nhiều phát minh, sáng chế, đưa ra những quy trình công nghệ mới, những cơ chế quản lý ưu việt… Đó là những nông dân làm ăn giỏi, những chủ trang trại dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo(8).

Tầng lớp doanh nhân ở nước ta hiện nay có xu hướng tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, trở thành một lực lượng xã hội to lớn, quan trọng trong công cuộc chấn hưng đất nước. Sự lớn mạnh của họ đồng hành với sự thịnh vượng, phồn vinh và phát triển bền vững của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, đồng thời góp phần tích cực vào việc hóa giải các bất bình, mâu thuẫn, xung đột, sự phân cực có phần đang gay gắt trong đời sống xã hội(9).

Trong giai cấp nông dân nước ta hiện nay, bên cạnh những người nông dân truyền thống, đã hình thành những nông dân làm dịch vụ, mở xưởng cơ khí, làm nghề phụ, buôn bán nhỏ…; có nông dân làm chủ trang trại, có nông dân làm thuê, có nông dân sống và làm việc ở nông thôn nhưng cũng đã ly nông. Đáng chú ý là không ít nông dân đã là những ông chủ trang trại, có tư liệu sản xuất lớn, góp phần kiến tạo một nhóm nông dân có vị trí kinh tế, xã hội và dễ nhận thấy vai trò của họ trong sản xuất, kinh doanh(10). 

Dưới tác động của đổi mới, nhất là CNH, HĐH đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có nhiều chuyển dịch về ngành nghề, dẫn đến sự chuyển dịch về kết cấu trong nội bộ giai cấp công nhân. Tính phức tạp trong giai cấp công nhân ngày càng tăng lên, công nhân làm thuê đan xen với công nhân có cổ phần, thậm chí là chủ xưởng. Trong giai cấp công nhân đã xuất hiện công nhân “cổ trắng” bên cạnh những công nhân “cổ xanh” truyền thống(11). Như vậy, phân tầng xã hội đã ít nhiều tác động tích cực đến sự nâng cao vai trò, vị thế của bản thân một bộ phận giai cấp công nhân Việt Nam.

Quá trình đổi mới và phát triển đất nước đã làm cho đội ngũ trí thức ngày càng đông đảo về mặt số lượng và cũng chứa đựng sự phức tạp về kết cấu và sự biến động về tính chất của đội ngũ này trong xã hội. Đội ngũ trí thức Việt Nam hội đủ các thành phần xã hội: nông dân, công nhân, tiểu thương, tiểu chủ với mọi lứa tuổi và dân tộc. Đây cũng là những người làm việc trong tất cả các ngành nghề trong xã hội, họ gia nhập “không tự giác” vào các giai cấp và tầng lớp xã hội khác. Có trí thức đã trở thành doanh nhân, những người thành đạt trong xã hội(12).

Bốn là, dưới tác động của quá trình đổi mới và phát triển đất nước, phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay chủ yếu thể hiện rõ nhất ở sự thay đổi nghề nghiệp. Đây là một tín hiệu tích cực nói lên sự tác động tích cực của phân tầng xã hội ở Việt Nam qua 35 năm đổi mới đất nước. Sự thay đổi nghề nghiệp là bộ tiêu chí tổng hợp để phân nhóm và sắp xếp thứ bậc các tầng lớp trong xã hội. Bởi vì, nghề nghiệp là điểm xuất phát hữu ích nhất để người ta có được những nguồn lợi tài chính, địa vị xã hội và có ý nghĩa lâu dài đối với thế hệ con cái. Đồng thời, nghề nghiệp là nơi “quy tụ” và “hội tụ” tương đối đầy đủ các loại nguồn lực, nguồn lợi, tài sản và vị trí xã hội của mỗi cá nhân. Các loại nguồn lực, nguồn lợi, tài sản và vị trí xã hội thường gắn liền với nhau qua nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Có thể nói rằng, ba chiều cạnh kinh điển về phân tầng xã hội (kinh tế/tài sản, chính trị/quyền lực và uy tín xã hội) đều thể hiện đồng thời cùng nhau trong nghề nghiệp(13).

Năm là, dưới tác động của kinh tế thị trường, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, phân tầng xã hội ở Việt Nam đã và đang xác định vị trí, thu hút và thúc đẩy các cá nhân không ngừng tham gia các địa vị xã hội mới tốt đẹp hơn. Với xu hướng đảm bảo cho những người ưu tú, tài năng có cơ hội tiếp cận, vươn lên nắm giữ những vị trí nghề nghiệp quan trọng và có đóng góp nhiều hơn một cách thích hợp. Phân tầng xã hội đã tạo ra động lực phấn đấu trong xã hội với xu hướng làm việc một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Những biểu hiện tiêu cực, rào cản của phân tầng xã hội đối với sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa

Một là, bức tranh tổng quan về phân tầng xã hội trong thời kỳ đổi mới cho thấy, khoảng cách giữa các nhóm hộ gia đình từ giàu đến nghèo ngày càng doãng ra; bất bình đẳng đang gia tăng. Cụ thể, qua 9 cuộc khảo sát mức sống dân cư Việt Nam. Vào các năm 2002, 2004, 2006, 2008, 2010, 2012, 2014, 2016, 2018 đã cho biết hệ số chênh lệch về thu nhập bình quân 1 người/tháng giữa nhóm hộ giàu nhất và nhóm hộ nghèo nhất lần lượt tăng lên, qua 9 lần khảo sát mức sống tương ứng như sau: 8,1 lần ’ 8,3 lần ’ 8,4 lần ’ 8,9 lần ’ 9,2 lần ’ 9,4 lần ’ 9,7 lần ’ 9,8 lần ’ 10,0 lần.

Các nghiên cứu về phân tầng xã hội đã chỉ ra rằng, thu nhập là điều kiện, là nguồn lực quan trọng để một cá nhân, hộ gia đình theo đuổi các mục tiêu xã hội của mình. Thu nhập có thể chuyển hóa thành tài sản, tạo nên vốn kinh tế và chuyển hóa thành các loại vốn khác (vốn con người, vốn xã hội, vốn văn hóa, vốn chính trị) và ngược lại. Theo nghĩa ấy, biến số thu nhập đủ khả năng, sức mạnh giải thích, để lấy làm tiêu chí phân biệt các giai tầng xã hội. Nói cách khác, thu nhập đủ khả năng tạo ra, thể hiện những khác biệt xã hội sâu sắc để có thể trở thành những giai tầng xã hội rất khác biệt với nhau và khó vượt qua, khó xóa nhòa ranh giới(14).

Hai là, phân tầng xã hội ở Việt Nam đang có xu hướng biểu hiện rõ rệt sự “khác biệt giàu nghèo”, hoặc “phân hóa giàu nghèo”, hoặc về bản chất đó là “bất bình đẳng xã hội”.

Sự phân hóa giàu nghèo diễn ra và thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống: từ mức sống kinh tế đến đời sống văn hóa tinh thần; từ cơ hội tham gia thị trường lao động, việc làm đến các tiếp cận giáo dục, y tế… Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, xu hướng chung là các nhóm giàu và khá giả thường được hưởng lợi nhiều hơn và nhanh hơn so với các nhóm nghèo và gần nghèo(15).

Như vậy, sự bất bình đẳng hiện nay ở Việt Nam có xu hướng phân hóa thành hai cực (tương phản) giàu – nghèo về mức sống (sự phân cực về mức sống). Đây là nhận định mới và tổng kết khái quát về xu hướng bất bình đẳng mức sống ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới(16).

Hệ quả của sự phân cực này đã thúc đẩy sự phân tầng xã hội ở Việt Nam diễn ra với sự phân hóa sâu sắc về các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Bên cạnh sự xuất hiện và hình thành của “tầng lớp xã hội ưu trội” thì  “tầng lớp xã hội yếu thế” và các nhóm xã hội có hành vi sai lệch xã hội, vi phạm pháp luật, tội phạm cũng có xu hướng gia tăng. Điều này để lại nhiều hệ quả tiêu cực đối với sự phát triển lành mạnh, an ninh, trật tự của xã hội.

Dấu hiệu thể hiện nổi bật sự phân tầng xã hội sâu sắc là sự phân hóa giữa các tầng lớp xã hội sở hữu tài sản chỗ ở (trị giá chỗ ở chính, kiểu loại ngôi nhà ở chính và có mảnh đất ở, hoặc nhà ở khác). Trị giá tài sản này thường “gấp nhiều lần” so với chỉ báo thu nhập (hoặc chi tiêu) trong mức sống của người dân(17). Do đó, nếu bối cảnh phát triển và chính sách của Đảng và Nhà nước về tài sản chỗ ở và đất đai không thay đổi trong thời gian tới thì mức độ và tốc độ chênh lệch giữa các giai tầng sẽ tiếp tục cao hơn.

Ba là, quá trình công nghiệp hóa, phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam đang làm cho tầng lớp trung lưu lớn dần lên, nhưng còn có khoảng cách xa so với sự kỳ vọng để vươn tới một đất nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Do đó, phải có sự nỗ lực mạnh mẽ trong việc kiểm soát phân tầng xã hội với cấu trúc xã hội mà trong đó tầng lớp trung lưu phải chiếm đa số cũng như giảm sự bất bình đẳng giữa các giai tầng xã hội.

Bốn là, phân tầng xã hội ở Việt Nam trong những năm vừa qua dưới tác động trực tiếp của kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, khoa học – công nghệ và giáo dục – đào tạo nên phân tầng theo hướng “di động mở” trở thành một dòng chủ đạo. Tuy nhiên, do thời gian chưa dài, cũng như những bất cập khách quan và chủ quan dẫn đến việc phân tầng xã hội chưa thực sự hình thành yếu tố văn hóa, uy tín và vị thế xã hội một cách tương xứng tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước; thậm chí có thể dẫn đến tình trạng lợi ích kinh tế của các chủ thể tham gia vào hệ thống kinh tế – xã hội ngày càng trở nên khác biệt và xung đột nhau, sự bất bình đẳng tăng lên và ngày càng trở nên khó đảo ngược, nếu không có những cam kết chính trị đủ mạnh(18).

Năm là, giai cấp nông dân đang ở trong trạng thái khép kín nhiều hơn, chịu nhiều thua thiệt hơn so với những giai tầng xã hội khác. Sự di động của nhóm xã hội thuần nông ra khỏi tầng lớp nông dân còn chậm chạp và quá trình rút bớt lao động nông nghiệp ở Việt Nam để chuyển sang phi nông nghiệp còn nhiều khó khăn(19). Điều kiện sống của một bộ phận nông dân lao động và nông thôn Việt Nam sẽ tiếp tục có những cải thiện nhất định, nhưng “vị thế của nông dân lao động trong cấu trúc phân tầng xã hội” sẽ ít thay đổi(20).

2. Giải pháp kiểm soát phân tầng xã hội, góp phần bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa

Một là, đẩy mạnh nghiên cứu về những diễn biến, hệ quả xã hội của phân tầng xã hội ở Việt Nam để có thể kiểm soát kịp thời, góp phần bảo đảm định hướng CNXH. Qua quá trình đổi mới và phát triển đất nước, Việt Nam đã có nhiều chuyển biến to lớn, trong đó có vấn đề phân tầng xã hội. Phân tầng xã hội nước ta hiện nay đang có sự biến động mạnh mẽ, vừa có tác động tích cực, vừa có tác động tiêu cực đến quá trình phát triển của đất nước theo định hướng XHCN. Kết cấu giai tầng xã hội ngày càng đa cơ cấu – giai tầng xã hội; trong mỗi giai cấp, tầng lớp lại có sự đan xen đa dạng… Các quá trình này cũng làm phát sinh và gia tăng không ít những vấn đề xã hội đang phải tập trung giải quyết. Việc tăng cường nghiên cứu về phân tầng xã hội sẽ giúp nhận diện rõ sự biến đổi cùng những ảnh hưởng của phân tầng xã hội đến các chiều cạnh phát triển xã hội. Đó sẽ là cơ sở thực tiễn hỗ trợ cho quá trình hoạch định và thực thi hiệu quả các chính sách giảm thiểu bất bình đẳng xã hội.

Hai là, tăng cường việc lồng ghép các mục tiêu kiểm soát phân tầng xã hội vào các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trung và dài hạn của đất nước; bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong phát huy vai trò của từng thành phần kinh tế; bảo đảm định hướng XHCN trong các chính sách xã hội. Các nghiên cứu về phân tầng xã hội đã chỉ ra tính quy luật về sự biến đổi cấu trúc kinh tế trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hội nhập kinh tế quy định sự biến đổi về hệ thống phân tầng xã hội. Khi Việt Nam trở thành một đất nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại sẽ làm giảm tỷ lệ những tầng lớp của xã hội truyền thống; gia tăng các tầng lớp đặc trưng cho xã hội công nghiệp, hiện đại. Vì vậy, để kiểm soát phân tầng xã hội, góp phần bảo đảm định hướng XHCN cần phải đặt vấn đề phân tầng xã hội trong mối quan hệ tổng thể với quá trình phát triển kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chính sách xã hội hiện tại của đất nước.

Ba là, gia tăng kiểm soát quyền lực, kiểm soát “quyền kiểm soát” tài sản công và kiểm soát tham nhũng, góp phần kiểm soát thành công phân tầng xã hội. Các nghiên cứu phân tầng xã hội ở Việt Nam và kiểm soát phân tầng xã hội đã chỉ ra một trong những yếu tố cốt lõi nhất cần quan tâm giải quyết kịp thời, hài hòa và hiệu quả; là vấn đề phân định và xử lý tốt mối quan hệ giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát tư liệu sản xuất. Trong thời kỳ đổi mới đất nước có nhiều hình thức sở hữu khác nhau ở Việt Nam, trong đó công hữu về tư liệu sản xuất giữ vai trò chủ yếu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, “quyền sở hữu” những tư liệu sản xuất thuộc Nhà nước (công hữu) có xu hướng không nổi trội bằng “quyền kiểm soát” tư liệu sản xuất thuộc Nhà nước. Trong khi đó, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “lộng quyền”, tệ nạn tham nhũng đang ngày càng gia tăng trong hệ thống công quyền. Kiểm soát tốt tình trạng này sẽ góp phần làm giảm thiểu sự bất bình đẳng trong mọi phương diện của xã hội.   

Bốn là, cần thống nhất trong nhận thức và hành động ở mọi chủ thể xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu về quản lý phát triển xã hội, phân tầng xã hội. Đảng và Nhà nước phải không ngừng nâng cao nhận thức, hoàn thiện các quan điểm để lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội, nhằm kiểm soát tốt phân tầng xã hội. Đồng thời, cần dự báo, xây dựng một cấu trúc xã hội phát triển phù hợp, trong đó cần ưu tiên xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; “Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn…  Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới… Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc(21). Cần “sớm hoạch định một chiến lược nhằm điều chỉnh mạnh mẽ kết cấu xã hội hiện nay. Muốn vậy, điều kiện trước tiên là có một cam kết chính trị thực sự ở cấp cao, kết hợp với việc triển khai một hệ thống công cụ chính sách kinh tế và chính sách xã hội đồng bộ(22).

Năm là, để trở thành một đất nước công nghiệp phát triển theo định hướng XHCN cần xây dựng mô hình phân tầng xã hội dạng “quả trám”; với cấu trúc tầng lớp trung lưu chiếm đa số trong xã hội, tức tầng lớp xã hội ở giữa (phần thân tháp – tầng lớp trung lưu) phình ra to nhất. Sự tăng lên của tầng lớp trung lưu có tác dụng góp phần làm giảm sự xung đột xã hội, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, hài hòa và bền vững của một cấu trúc xã hội hiện đại. Trong đó, cần thực hiện tốt các chính sách nhằm thu hút lực lượng nông dân đang chiếm đa số trong xã hội di chuyển lên tầng lớp trung lưu bằng vị thế nghề nghiệp, việc làm và thu nhập. Điều này đòi hỏi phải thúc đẩy có hiệu quả hơn tinh thần khởi nghiệp, phát triển mạnh mẽ có hiệu quả thành phần kinh tế tư nhân.

Sáu là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm vun đắp cho các nhóm, giai tầng xã hội về định hướng “lợi ích hài hòa, xã hội giá trị”. Đó là việc các cá nhân, nhóm, giai tầng xã hội hướng tới lợi ích hài hòa và các giá trị tiến bộ, nhân văn, vì hạnh phúc bền vững trong phát triển xã hội. Xây dựng, định hướng “lợi ích hài hòa, xã hội giá trị” là quá trình lâu dài, do đó cần có sự lãnh đạo thống nhất và liên tục của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó và trước hết là cần định hướng nhấn mạnh việc thúc đẩy địa vị xã hội đạt được và “phân tầng xã hội hợp thức” trở thành dòng chủ đạo, chiếm tuyệt đa số trong xã hội.

Bảy là, Đảng, Nhà nước đẩy mạnh chính sách thu hút, đào tạo, sử dụng, sắp xếp những lực lượng “xã hội ưu trội, ưu tú” (những trí thức, công nhân, nông dân, doanh nhân, cán bộ, công chức…) vào những vị trí thích hợp để họ có thể phát huy tốt nhất tiềm năng, trí tuệ vào tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đẩy mạnh hoạt động tôn vinh, kiến tạo môi trường tốt nhất để họ phát triển và cống hiến cho xã hội; đồng thời, cần lan tỏa các điển hình tiên tiến trong tầng lớp này tới các nhóm, giai tầng xã hội khác để họ thấu hiểu và đồng thuận với những đánh giá công bằng, đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tầng lớp “ưu trội, ưu tú”.

Tám là, thúc đẩy tiến trình công khai, minh bạch hóa các hoạt động giao dịch kinh tế, thúc đẩy kinh tế thị trường vận hành đúng quy luật. Gia tăng vai trò, tính hiệu quả của hệ thống thiết chế xã hội trong thực hiện kiểm soát các hành vi sai lệch xã hội, vi phạm pháp luật và tội phạm. Tập trung các nguồn lực phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ và thực sự xem đây là quốc sách hàng đầu cho sự vươn lên thay đổi địa vị xã hội của đất nước và các giai tầng xã hội. Thúc đẩy tinh thần chia sẻ với các nhóm xã hội yếu thế trong xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh việc giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững gắn với khuyến khích khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu chính đáng. Thực hiện chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội bao trùm, đa tầng, có hiệu quả. Đẩy mạnh việc thực hiện công bằng về cơ hội tiếp cận các nguồn lực cho phát triển đối với mọi thành phần kinh tế và giai tầng xã hội. Thực sự đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước. Đẩy mạnh việc áp dụng các phương pháp lập kế hoạch phát triển theo mô hình từ dưới lên, nhằm thực hiện có hiệu quả hơn trong giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phân tầng xã hội.

Chín là, để nhận diện và có chính sách kiểm soát phân tầng xã hội ở Việt Nam một cách kịp thời, hiệu quả rất cần xây dựng một hệ thống bộ chỉ báo khách quan, khoa học để đo lường trên tất cả các phương diện phân tầng xã hội và cần tiến hành nghiên cứu đồng bộ bộ chỉ báo này trên quy mô lớn, nhằm tạo ra sự đánh giá hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam trên cả ba mặt: địa vị kinh tế, địa vị chính trị, địa vị xã hội; cũng như làm rõ mối quan hệ, sự tương tác qua lại của 3 mặt phân tầng xã hội. Trên cơ sở đó, thấy được thực chất của phân tầng, cắt nghĩa một cách có sức thuyết phục, thấu đáo sự tác động, ảnh hưởng của từng mặt tới phân tầng xã hội và vấn đề kiểm soát phân tầng xã hội, góp phần bảo đảm định hướng XHCN ở Việt Nam.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2021

Ngày nhận bài: 8-6-2021; Ngày phản biện: 15-6-2021; Ngày duyệt đăng: 16-9-2021.

(1), (2), (21)  ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr .85, 147-148, 166-167.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.81.

(4) Đoàn Minh Huấn: “Những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về phát triển xã hội – giá trị định hướng cho nâng cao hiệu quả quản lý phát triển xã hội hiện nay”, 2021, http://www.tapchicongsan.org.vn.

(5), (6), (14) Bùi Thế Cường, Trương Sĩ Ánh: “Giai tầng xã hội dựa trên thu nhập ở Việt Nam”, Tạp chí Xã hội học, số 2-2020.

(7) Nguyễn Đình Tấn: “Kiểm soát phân tầng xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Xã hội học, số 4-2017.

(8), (10), (11), (12) Nguyễn Đình Tấn: “Sự biến đổi của cơ cấu giai – tầng xã hội và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 6-2019.

(9) Nguyễn Đình Tấn: “Văn kiện Đại hội XII và những vận dụng trong bài giảng cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 5-2017.

(13), (16), (19) Đỗ Thiên Kính: “Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2018.

(15) Lê Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Tấn, Lê Ngọc Hùng: Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội (qua khảo sát một số tỉnh, thành phố ở Việt Nam), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.

(17) Đỗ Thiên Kính: “Tình trạng phân tầng xã hội hai cực ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Xã hội học,  số 1-2018.

(18), (22) Bùi Thế Cường: Góp phần tìm hiểu biến đổi xã hội ở Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010.

(20) Bùi Thế Cường: “Nông dân trong cấu trúc phân tầng xã hội”, Tạp chí Xã hội học, số 2-2015.

PGS, TS NGUYỄN TẤT GIÁP

TS ĐỖ VĂN QUÂN

Viện Xã hội học và phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh