Khu công nghệ cao TPHCM: Chủ động thu hút dự án có giá trị gia tăng cao

Trong giai đoạn cạnh tranh hiện nay, Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã và đang chuyển đổi lấy năng suất, chất lượng làm cơ sở và chủ động thương mại hóa các sản phẩm từ nghiên cứu.

Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Trong 20 năm hình thành và phát triển, SHTP đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn đầu tư trên 12 tỷ USD; trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên 10,1 tỷ USD; trong nước trên 1,96 tỷ USD. SHTP đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, tăng trưởng theo hướng công nghiệp công nghệ cao. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu của TPHCM, dự kiến năm 2022 đạt 23 tỷ USD. 

Bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban Quản lý SHTP, cho hay, kết quả trên chứng tỏ sự đúng đắn của Chính phủ, của lãnh đạo TPHCM trong tầm nhìn phát triển khoa học – công nghệ (KH-CN) với sự có mặt của các dự án trong và ngoài nước, nhất là dự án từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới; đã góp phần cải thiện, nâng cao môi trường đầu tư của thành phố, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Nhưng đó cũng là nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn từ những ngày đầu. 

Điển hình như đầu năm 2007, khi có 30 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD đang xếp hàng đề nghị cấp phép vào SHTP nhưng do chưa có đất để bố trí cho từng dự án nên tất cả phải chờ. Để tháo gỡ khó khăn này, UBND TPHCM cùng Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng chấp nhận điều chỉnh quy hoạch tổng thể, đầu tư giai đoạn 2, tăng diện tích SHTP lên hơn 900ha và tăng thêm vốn hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, đầu tư các hạng mục khác. “Chỉ 4 năm sau khi thành lập, SHTP đã gây tiếng vang khi thu hút và cấp giấy phép đầu tư cho dự án Nhà máy IPV của Tập đoàn Intel (Hoa Kỳ) với số vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD. Năm 2010, khi SHTP khánh thành giai đoạn 1 và khởi động giai đoạn 2 cũng là lúc Nhà máy Intel tại SHTP xuất khẩu lô chipset đầu tiên. Năm 2014, SHTP lại tiếp tục tạo điểm nhấn với dự án Samsung HCMC CE Complex của Tập đoàn Samsung Electronics (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD”, bà Lê Bích Loan chia sẻ.

Tập trung cho nghiên cứu và phát triển

Những năm gần đây, doanh nghiệp tại SHTP đã tăng dần các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng chi phí đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều tập đoàn lớn đã và đang hình thành các trung tâm nghiên cứu tại SHTP với mục tiêu đầu tư phát triển hoạt động R&D của tập đoàn tại Việt Nam. Song song đó, nhiều doanh nghiệp trong nước nhận chuyển giao công nghệ cao và thành lập các dự án sản xuất công nghệ cao trong SHTP như: Nanogen, FPT, DGS, RtR (thiết bị bay không người lái – drone)…

Nói theo cách của PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP, nơi đây hình thành và phát triển một lực lượng có năng lực nội sinh về công nghệ cao, có thể đảm nhận các công việc từ chuyển giao, ứng dụng, R&D… đến sản xuất sản phẩm công nghệ cao Made in Việt Nam. “Hiện SHTP đang chuyển đổi cơ sở cạnh tranh. Các chương trình đột phá chiến lược giai đoạn 2020-2025 là nâng cấp nguồn nhân lực và tiềm lực KH-CN; phát triển công nghiệp hỗ trợ quanh các dự án FDI chiến lược. SHTP sẽ chủ động thu hút đầu tư theo hướng tập trung các ngành, lĩnh vực ưu tiên quốc gia và thế mạnh của SHTP, dự án có giá trị gia tăng cao, suất đầu tư lớn”, PGS-TS Nguyễn Anh Thi cho hay. 

Ban quản lý SHTP cũng xác định mục tiêu giai đoạn tới không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng SHTP trở thành khu công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo, là hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác phía Đông thành phố, nơi tập trung các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo… góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của TPHCM. SHTP cũng đặt mục tiêu thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 đạt 3 tỷ USD với trên 50 dự án công nghệ cao, trong đó thu hút thành công 1-2 tập đoàn công nghệ cao của thế giới…

PGS-TS Nguyễn Anh Thi cho biết: “Để thực hiện các mục tiêu trên, với những nền tảng đã có, SHTP sẽ đẩy mạnh triển khai, đưa vào hoạt động có hiệu quả các dự án đầu tư thuộc Khu Không gian khoa học (quy mô 93ha), khu trái tim của SHTP hiện hữu. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, đơn vị trong SHTP với các trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực, đặc biệt là với Đại học Quốc gia TPHCM nhằm nâng cao tiềm lực đổi mới sáng tạo, tỷ trọng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp trong nước”.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào SHTP là 10,106 tỷ USD/51 dự án (bình quân 198 triệu USD/dự án) và tổng vốn đầu tư trong nước tương đương 1,929 tỷ USD/109 dự án. Số lượng dự án FDI chưa bằng 1/2 số dự án trong nước (51 dự án/109 dự án) nhưng vốn đầu tư gấp 5 lần (10,106 tỷ USD/1,929 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 vượt mốc hơn 10 tỷ USD; năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 20,9 tỷ USD (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu của TPHCM), dự kiến năm 2022 ước đạt 23 tỷ USD.