Khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn: Phức hợp di sản giàu giá trị

Khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn: Phức hợp di sản giàu giá trị

Khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn: Phức hợp di sản giàu giá trị

Một góc danh thắng Sầm Sơn nhìn từ hòn Cổ Giải. Ảnh: Lê Dung

Sầm Sơn được thiên nhiên ưu ái tạo tác nên một vùng danh thắng tươi đẹp. Cùng với quá trình lao động sinh tồn lâu dài, con người cũng đã bồi đắp nơi đây trở thành một “vùng đất huyền thoại”. Để rồi, sự tổng hòa tuyệt vời giữa vẻ đẹp tự nhiên và các giá trị nhân văn nổi bật, đã tạo nên một Sầm Sơn vừa sống động, tràn ngập sức sống tươi mới; vừa yên bình, tĩnh tại trong những góc không gian văn hóa đậm đà sắc thái biển…

sách xưa còn ghi lại rằng, Sầm Sơn được hình thành trên nền một vùng đất cổ, vốn là thành quả từ bồi tụ của biển cả, núi đồi và rừng suốt hàng ngàn năm. Ban đầu, nơi đây vốn chỉ là những cồn cát heo hút và hoang sơ, nằm im lìm giữa những ngày hè rực nắng lẫn những ngày đông giá buốt. Chỉ có những vụng biển bốn mùa trong xanh, còn nguyên vị mặn của thời biển khơi chưa bồi lấp, vẫn luôn dào dạt sức sống. Cách đây chừng 2 – 3 ngàn năm, con người đã tìm đến đây định cư và bắt đầu quá trình chinh phục cả đồng bằng lẫn biển cả. Nhưng cái tên Sầm Sơn thì mãi đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, mới thấy xuất hiện trên các tài liệu chữ viết và trong kho từ vựng.

Cách đây hơn 1 thế kỷ, Sầm Sơn vẫn như một viên ngọc thô, ẩn mình dưới ngút ngàn phi lao. Thế nhưng, cũng chính vẻ đẹp hoang sơ và stĩnh tại ấy, đã tỏa ra thứ ánh sáng lung linh, hấp dẫn những người Pháp sành sỏi ăn chơi. Để rồi, cũng bởi vẻ đẹp khó cưỡng của vùng đất nơi đầu sóng, mà người Pháp đã biến Sầm Sơn thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng bậc nhất thời bấy giờ. Sầm Sơn đẹp hài hòa giữa một bên là biển xanh thăm thẳm, làm nổi bật sắc trắng mịn màng của những bãi cát dài thoai thoải, chạy dọc mép nước; và một bên là dãy Trường Lệ chênh chếch hướng Đông Nam, uốn lượn nhấp nhô, tầng tầng lớp lớp như những con sóng đang nô đùa dưới chân nó. Từ xa trông lại, Trường Lệ trông như dáng một người phụ nữ, với những nét cong mềm mại in lên vòm trời. Có lẽ vì cái thế, cái dáng đặc biệt ấy là người xưa đã dệt nên câu chuyện ly kỳ về sự hình thành dãy núi.

Chuyện rằng, đã từ rất xa xưa, có một người phụ nữ bụng mang dạ chửa bị trận đại hồng thủy cuốn trôi ra cửa biển. Sau khi dạt vào bờ, người phụ nữ ấy đã nằm lại mảnh đất này và nguyện làm con đê chắn sóng, để cản bớt những cơn thịnh nộ từ thiên nhiên. Cảm phục tấm lòng cao cả ấy, người dân trong vùng đã lấy đất đá đắp lên thi hài bà. Trải qua biết mấy thời gian và vô vàn những cuộc đắp đổi của tự nhiên mà hình thành dãy Trường Lệ như ngày nay. Còn trong một số tài liệu còn ghi chép lại, thì Trường Lệ là dãy núi đá hoa cương Diệp Thạch, được hình thành cách đây trên 300 triệu năm. Quá trình tạo sơn đã sinh ra nhiều đỉnh cao, ngọn thấp với “Hòn Kèo cao nhất/ hòn Ngành thứ hai/ thứ ba hòn núi Phù Thai/ thứ tư Cổ Dải, năm ngoài Đầu Voi”.

Khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn: Phức hợp di sản giàu giá trị

Hòn Trống Mái.

Trên lưng dãy Trường Lệ là một phức hợp di sản độc đáo, giàu giá trị mà tiêu biểu phải kể đến là đền Độc Cước, hòn Trống Mái, đền Tô Hiến Thành, đền Cô Tiên… Đền Độc Cước nằm trên hòn Cổ Giải, thờ Thần Độc Cước. Truyền thuyết còn lưu truyền đây là vị thần đã tự xẻ đôi thân mình, một nửa hướng về biển để dẹp loài Thủy Quái, còn một nửa ở lại đất liền để bảo vệ sự bình yên cho xóm làng. Đây cũng là nơi diễn ra lễ hội truyền thống bánh chưng – bánh dày, một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc của cư dân ngư nghiệp Sầm Sơn. Đền Cô Tiên nằm ở phía Nam dãy Trường Lệ và ở vào một thế khá đẹp, thoáng đãng. Đặc biệt hơn, ngôi đền này cũng chính là nơi Bác Hồ về thăm và dừng chân nghỉ (năm 1960). Đền Tô Hiến Thành nằm ở sườn núi phía Đông Bắc dãy Trường Lệ. Đây là nơi thờ Thái úy Tô Hiến Thành, một vị tướng giỏi và là vị quan thanh liêm, cương trực thời Lý…

Từ hòn Cổ Giải – điểm đầu của dãy Trường Lệ – đâm thẳng ra biển như mũi neo giữ lấy dải đất khỏi vô vàn sóng gió, giông bão. Cũng từ góc nhìn trên cao ấy, Sầm Sơn trông như dải lụa mềm mại, đang uốn mình theo chân sóng. Đưa mắt trải khắp 3 phía là khoảng không vô tận của nước biếc và mây trời. Đi giữa cái thênh thang của không gian, bước chân thản nhiên mặc cho cát ôm ấp, vỗ về, níu giữ để thả hồn theo gió đang thao thiết gọi sóng xô bờ và bản tình ca du dương vọng về từ thẳm sâu biển cả. Để rồi khi qua đây, có thi sĩ đã chẳng thể kìm xúc cảm mà múa bút họa tranh bằng thơ. Chỉ bằng vài nét bút phác họa giản đơn, nhưng không kém phần sống động, cũng đủ để làm bật lên một Sầm Sơn vừa tiên cảnh vừa gần gũi:“Khà khà! khéo đúc cảnh thiên nhiên/ Thú vị Sầm Sơn tựa chốn tiên/ Sóng vỗ phấp phô phun bọt nước/ Đá chồng khấp khểnh tựa tòa sen/ Sớm ra kẻ dạo, lao xao chợ/ Chiều lại người đua, thấp thoáng thuyền/ Cuộc rượu Sầm Sơn vui vẻ quá/ Khà khà! khéo đúc cảnh thiên nhiên…”.

Phức hợp di sản và danh thắng kể trên đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số 313-VH/VP ngày 28-4-1962. Và gần đây nhất, ngày 31-12-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1954/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 10) cho 7 di tích, danh lam thắng cảnh trên cả nước, trong đó có Khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn. Để có được niềm vinh dự này, Khu Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn đã đáp ứng được một trong những tiêu chí cơ bản nhất, được nêu rõ trong Luật Di sản. Đó là có “Cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng; hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt của quốc gia; hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù nổi tiếng của Việt Nam và thế giới”.

Việc trở thành di tích quốc gia đặc biệt, đã thêm một lần khẳng định những giá trị to lớn và bất biến của hệ thống di tích, danh thắng Sầm Sơn. Đồng thời, việc vinh danh này sẽ là cơ sở quan trọng để chính quyền thành phố tích cực hơn nữa trong công tác bảo tồn, tôn tạo và khai thác, phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch.

Khôi Nguyên