Không tìm được việc làm, tôi chỉ muốn tự tử
Cách đây 7 năm, ai cũng nói rằng đó là một nghề giàu có, học ngành này là nhất rồi khi tôi nói tôi học bác sĩ răng hàm mặt (RHM). Nhưng giờ đây khi đã ra trường được một năm, tôi không biết mình phải làm việc ở đâu mới có thể “giàu có” như mọi người vẫn nghĩ.
Đối với ngành RHM có 3 hướng có thể đi sau khi tốt nghiệp. Một là bác sĩ tất nhiên là phải làm ở cơ sở y tế. Hai là xin vô làm ở phòng nha tư nhân. Ba là tiếp tục học sau đại học.
Vì kinh tế gia đình có hạn nên tôi không thể học sau đại học, vì khi học đại học tôi đã vay vốn để trang trải học phí nên sau khi tốt nghiệp phải lo trả nợ ngân hàng.
Ngay khi vừa tốt nghiệp tôi đã chuẩn bị hồ sơ để xin việc làm. Tổng cộng tôi đã xin việc ở 6 nơi: bệnh viện quận X (nơi tôi đang sống), trung tâm y tế dự phòng quận X, bệnh viện huyện Y (gần nơi tôi sống), bệnh viện đa khoa huyện CT, trạm y tế phường TT, trạm y tế phường TA. Ba nơi thì nói không có nhu cầu BS RHM, những nơi còn lại thì cần phải có “lót tay” mới có thể được nhận. Tiền đi học còn phải vay thì làm gì để có mà lót tay đây?
Sau sáu tháng không nghe tin gì từ các nơi đã nộp hồ sơ tôi quyết định xin đi làm ở phòng nha tư. Lương ở phòng nha tư trên mức trung bình, đủ sống cho 1 BS mới ra trường, nếu tiết kiệm thì mỗi tháng có thể dư từ 1-1,5 triệu đồng.
Nhưng BS mới ra trường thì không được làm trên lâm sàng (tức là làm trên miệng bệnh nhân), vì chỉ có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề (được cấp sau 18 tháng công tác tại cơ sở y tế có giường bệnh) thì mới được làm trên lâm sàng. Có nghĩa là những BS RHM mới ra trường nếu làm ở phòng nha tư thì là làm chui, vi phạm quy định của nhà nước và sở y tế.
Hiện giờ tôi đang rất hoang mang vì không biết phải làm gì để trang trải cuộc sống của mình và trả số nợ đã vay ngân hàng đi học. Nếu tiếp tục làm ở phòng nha tư, mỗi tháng tiết kiệm tôi có thể trả dần số nợ đã vay, nhưng nếu sở y tế kiểm tra tôi chắc chắn sẽ bị phạt, vì rõ ràng tôi chưa có chứng chỉ hành nghề.
Còn nếu làm đúng theo quy định thì tôi phải xin vào “những cơ sở y tế có giường bệnh” như thế nào đây. Nếu mượn nợ để lót tay và vào được vào “những cơ sở y tế có giường bệnh” trên, thì lương BS là 1.150.000đ (lương cơ bản) * 2.34 (hệ số lương) = 2.691.000 đồng, với số tiền này tôi sẽ phải rất vất vả mới có thể sống được thì làm sao mà có thể trả nợ ngân hàng được.
Hôm qua ngân hàng (nơi tôi vay vốn) gửi thư mời họp về việc trả nợ. Theo ngân hàng tính toán thì mỗi tháng tôi phải trả 1 triệu đồng, sau sáu tháng đầu thì trả dứt lãi trong những năm trước đây, những tháng sau mỗi tháng 1 triệu (800 ngàn tiền gốc, 200 ngàn tiền lãi), trả đến khi dứt nợ.
Quả thật với sự việc như vậy, hiện tại tôi không biết làm sao mình mới có thể sống tiếp được nữa đây. Nếu đi làm phòng nha tư tôi sẽ có tiền để trả nợ, nhưng lại là 1 BS làm chui, vi phạm quy định nhà nước. Nếu là BS hợp pháp thì có thể tôi sẽ giựt nợ vì không có khả năng chi trả.
Cách sống thì là vậy nhưng tôi không biết nên làm sao. Còn nếu muốn chết thì lại rất dễ, với vốn kiến thức y khoa mà mình có tôi thừa sức có thể tìm đến cái chết mà không hề đau đớn.
Tôi thật sự chán nản khi cuộc sống đang là “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Tôi tự hỏi bằng tốt nghiệp đại học mà mình vừa lãnh cách đây một năm là cái loại bằng gì, chắc chỉ là một tờ giấy không hơn không kém, còn thua cả một tờ giấy ăn, một cuộn giấy ăn chỉ có giá 5.500 đồng mà lại làm rất nhiều việc: lau miệng, lau mặt, lau đĩa, lau muỗng, lau đũa, lau bàn, dùng được cả trong toilet…
12 năm đi học, 1 năm luyện thi đại học, 6 năm học đại học, tốn không biết gấp bao nhiêu lần 5.500 đồng và cả công sức nữa để rồi đánh đổi lại được cũng “một tờ giấy” nhưng chắc chả có công dụng gì ngoài việc đóng khung treo nó lên, vì nó quá cứng nên không sử dụng được trong toilet.
Tôi tự hỏi liệu nhu cầu xã hội còn cần BS RHM nữa không khi mà mỗi năm nước ta cho ra lò gần 200 BS RHM để rồi không BV nào có thể tuyển được vì chỗ đó còn chừa cho con ông Y, bà X, cháu ông T, bà con dòng họ ông A…
Bạn có lời khuyên nào dành cho bạn ykaty@…? Bạn đã bao giờ nghĩ quẩn đến mức như thế này? Hãy chia sẻ cùng TTO qua địa chỉ email [email protected] hoặc bằng phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.