Không để lạm phát ảnh hưởng tới đời sống người dân

(TBTCO) –

Nỗi lo “nhập khẩu” lạm phát hiển hiện thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo lạm phát của Việt Nam có thể vượt trần trong năm 2022. Sau đại dịch, “sức khỏe” của người dân, doanh nghiệp đã suy giảm, nếu không kiểm soát lạm phát sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân và đà phục hồi của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Áp lực ngay từ đầu năm

Lạm phát giai đoạn này ở các nước là do chi phí đẩy và phần lớn là do giá thế giới tăng chung. Trong đó, tăng khủng nhất phải kể đến giá xăng dầu. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là “máu” của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế. Xăng dầu cũng là chi phí đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất hàng hoá và dịch vụ, đặc biệt xăng dầu chiếm từ 40 – 45% trong cơ cấu giá thành vận tải.

Giá xăng dầu tăng làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo. Bình quân quý I/2022, giá xăng dầu trong nước tăng gần 49% so với cùng kỳ năm trước, đã tác động lên chỉ số CPI tăng 1,76 điểm phần trăm. Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng chi cho tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, khi giá xăng dầu tăng cũng tác động trực tiếp làm tăng lạm phát của nền kinh tế. Theo tính toán, khi xăng dầu tăng 10% làm cho lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm.

Cũng theo tính toán của các chuyên gia, nếu giá xăng dầu tăng và đứng ở mức 125 USD/ thùng trong dài hạn, khi đó chi phí sản xuất của các doanh nghiệp gia tăng cùng với giá cước vận tải tăng khoảng 6,5 – 7,5% sẽ tác động rất mạnh làm suy yếu khả năng vượt qua các khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp và làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Hồng Vân Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Hồng Vân

Điểm lại các con số để thấy, trong năm 2022, áp lực lạm phát của nền kinh tế nước ta là rất lớn đến từ việc tăng giá xăng dầu. Nếu như 6 năm qua, điều hành lạm phát khá yên ả, thì năm 2022 lại đứng trước nhiều khó khăn, trong đó có cả những thách thức đến từ khủng hoảng địa chính trị trên thế giới.

Nói như cách của các chuyên gia, thì áp lực lạm phát trong năm 2022 của nước ta vừa đến từ vấn đề kinh tế vĩ mô cũng như lạm phát chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi cung ứng trong nước. Cùng với áp lực lạm phát rất lớn của giá xăng dầu và tổng cầu tăng cao, đột biến và áp lực lạm phát chuỗi cung ứng trong nước và thế giới, việc kiểm soát lạm phát năm nay khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đã phê duyệt là không đơn giản.

Phải kiểm soát lạm phát kỳ vọng

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, dù thực hiện mục tiêu lạm phát không dễ dàng, tuy nhiên cũng không quá lo lắng bởi tỷ trọng trong rổ hàng hóa dịch vụ tính CPI của Việt Nam phần lớn là ăn uống, nhà ở, chi phí đi lại, nên việc kiểm soát lạm phát là hoàn toàn trong tầm tay. Điều cần nhất là Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước phát đi các thông điệp rõ ràng nhất quán trong việc bình ổn giá cả, kiểm soát lạm phát, bởi vì lạm phát là kỳ vọng.

Kiểm soát lạm phát kỳ vọng hết sức quan trọng, bởi nếu không đẩy mạnh công khai, minh bạch trong điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, cũng như việc đảm bảo nguồn cung, sẽ có thể dẫn đến tâm lý lo lắng mà “bệnh sinh tại tâm”. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước, đã đẩy mạnh tuyên truyền và xử lý nghiêm những trường hợp trục lợi từ nỗi lo lạm phát của người dân.

Hệ thống phân phối đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát

Áp lực lạm phát trong năm 2022 của nước ta vừa đến từ vấn đề kinh tế vĩ mô cũng như lạm phát chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi cung ứng trong nước. Cùng với áp lực lạm phát rất lớn của giá xăng dầu và tổng cầu tăng cao, đột biến, áp lực lạm phát chuỗi cung ứng trong nước và thế giới, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đã phê duyệt là không đơn giản.

Việc triển khai mạnh Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 – 2023 cũng sẽ là một tác nhân tăng cung tiền, gia tăng lạm phát 2 năm đó và có thể cả năm tiếp theo.

Trong 3 tháng qua, giá xăng dầu kéo theo nhiều mặt hàng, dịch vụ tăng giá gây sức ép tăng chỉ số CPI rất lớn. Đây là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý giá thực hiện mục tiêu kiềm chế chỉ số lạm phát dưới 4% của Quốc hội đề ra.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, áp lực lạm phát còn đến từ khả năng điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý (như giá điện, nước, y tế, giáo dục…) có thể xảy ra, tạo áp lực tăng lạm phát đáng kể đối với Việt Nam. Việc triển khai mạnh Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 – 2023 cũng sẽ là một tác nhân tăng cung tiền, gia tăng lạm phát 2 năm đó và có thể cả năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới, ảnh hưởng trực tiếp tới giá một số hàng hóa quan trọng, Cục Quản lý giá tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường.

Trong quản lý, điều hành giá năm 2022, Cục Quản lý giá tiếp tục chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Để kiểm soát giá cả thị trường, không thể thiếu công tác thanh tra, kiểm tra. Do đó, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và thẩm định giá; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác điều hành giá, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

Tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy

Theo các chuyên gia, mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm nay là 4% đòi hỏi một sự cố gắng vượt bậc bằng nhiều giải pháp và chính sách cụ thể từ tầm vĩ mô cho đến các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

Chính phủ đã, đang và sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý, nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) với vai trò là cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo điều hành giá thời gian qua đã làm tốt công tác điều hành, quản lý giá, kịp thời trình Ban Chỉ đạo điều hành giá các kịch bản giá theo từng thời điểm cụ thể. Trước diễn biến “nóng” của giá xăng dầu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo đã triệu tập cuộc họp bất thường và đề ra các giải pháp cụ thể nhằm kiểm soát lạm phát. Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ và các chính sách khác, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu.

Đối với giá xăng dầu, theo các chuyên gia kinh tế, với vai trò của mình, Bộ Công thương cần nắm bắt kịp thời giá xăng dầu thế giới, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn. Theo đó, Bộ Công thương cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý. Theo đó, đã theo sát diễn biến giá cả thị trường để có kịch bản phù hợp tùy theo mức độ ở từng thời điểm, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy.

Song hành cùng cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiến hành sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất; đối với các mặt hàng thiếu hụt dài hạn thì chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế.

Cùng vào cuộc với các bộ, ngành, các cơ quan truyền thông thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông nhằm thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, gây ra lạm phát kỳ vọng.