Không có chuyện 200 tiến sĩ cơ hữu ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng nghỉ việc

Bích Hà

  –  

Thứ ba, 09/08/2022 14:48 (GMT+7)

Lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định không có chuyện 200 giảng viên cơ hữu có học vị tiến sĩ của trường nghỉ việc. Năm nay, nhà trường cũng góp mặt trong hàng loạt bảng xếp hạng đại học uy tín. Những thành tựu đạt được đến nay là tâm huyết, sự nỗ lực của cả tập thể giảng viên, viên chức và người học qua nhiều thế hệ.

Không có chuyện 200 tiến sĩ cơ hữu ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng nghỉ việc
Hiện nay Trường Đại học Tôn Đức Thắng chỉ duy trì việc hợp tác nghiên cứu thực chất với các nhà khoa học bên ngoài có hoạt động cụ thể với trường.

Mọi hoạt động của nhà trường đang đi vào ổn định

Những ngày qua xuất hiện thông tin cho rằng 200 tiến sĩ tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng nghỉ việc, trường này cũng bị tụt hạng ở các bảng xếp hạng đại học quốc tế.

Trước thông tin này, trao đổi với Lao Động, ông Vũ Anh Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tôn Đức Thắng – khẳng định đây là những thông tin không chính xác.

Mọi hoạt động của trường hiện nay đều tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm nhà trường phát triển theo hướng bền vững hơn; hầu hết giảng viên, viên chức và người học của Trường Đại học Tôn Đức Thắng hiện nay đang rất an tâm và tin tưởng vào sự ổn định và phát triển của nhà trường.

Đại diện Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng thông tin, tại thời điểm tháng 7.2020, nhà trường có tổng số 1.395 viên chức, người lao động; trong đó có 1.067 viên chức cơ hữu, 281 nghiên cứu viên hợp đồng kiêm nhiệm và 37 hợp đồng khác.

Trong thời gian từ tháng 7.2020 đến tháng 7.2022, có 67 viên chức, người lao động xin nghỉ việc, trong đó có 21 người có trình độ tiến sĩ. Nhà trường đã tuyển mới 161 người cơ hữu (trong đó 40 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh, 43 thạc sĩ, 66 người có trình độ đại học).

Ngoài ra, trường đã rà soát không tái ký hợp đồng với 279 nghiên cứu viên kiêm nhiệm ngoài trường (thực chất là hình thức hợp đồng mua các công bố khoa học của những người ở ngoài trường). Tổng số nhân sự của trường tính đến tháng 7.2022 là 1.167 viên chức và người lao động.

Đại diện nhà trường khẳng định không có chuyện 200 giảng viên có học vị tiến sĩ của trường nghỉ việc. Thông tin này không chính xác, được đưa ra không phù hợp trong thời điểm tuyển sinh của nhà trường. Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng đã có báo cáo cụ thể về vụ việc này với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 Trường Đại học Tôn Đức Thắng luôn duy trì được vị trí xếp hạng cao trên bảng xếp hạng đại học của THE. Ảnh chụp màn hình 

Trường Đại học Tôn Đức Thắng tiếp tục được xếp hạng cao

Về thông tin cho rằng “Trường Đại học Tôn Đức Thắng bị tụt 200 hạng trong Bảng xếp hạng The Impact Rankings, rồi đặt vấn đề ai phải chịu trách nhiệm về sự sa sút này?”, cách đặt vấn đề như vậy là chưa đầy đủ, toàn diện, chưa đúng theo tính chất sự việc.

Hiện nay, có nhiều bảng xếp hạng khác nhau, với cách tiếp cận và mục tiêu, tiêu chí đánh giá riêng. Trong đó, một số bảng xếp hạng có ảnh hưởng, uy tín là bảng xếp hạng THE (Times Higher Education); QS Ranking và ARWU (bảng xếp hạng đại học thế giới của Đại học Giao thông Thượng Hải).

Với bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 2022 (các trường đại học có tầm ảnh hưởng về phát triển bền vững) do THE thực hiện, có mục tiêu hướng tới đo lường sự thành công của tổ chức giáo dục đại học trong việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đây không phải là bảng xếp hạng tổng thể mà là bảng xếp hạng đánh giá tầm ảnh hưởng và đóng góp của các cơ sở giáo dục đối với sự phát triển xã hội, phát triển con người, bảo vệ môi trường sống. Với các tiêu chí đánh giá này, Trường Đại học Tôn Đức Thắng từ vị trí 401-600 của năm ngoái xuống vị trí 601-800 trong năm nay.

Việc xếp hạng các trường đại học dựa vào quy mô, số lượng các trường tham gia đánh giá hàng năm (2019 có 462 trường tham gia; năm 2020 có 667 trường; năm 2021 có 1.154 trường và năm 2022 tăng lên 1.406 trường tham gia). Do vậy, việc dùng kết quả phản ánh của THE Impact Rankings để đánh giá xếp hạng của Trường Đại học Tôn Đức Thắng là không phản ánh đúng thông tin. Bởi năm 2022, Việt Nam có 7 trường có tên trong bảng xếp hạng này và Trường Đại học Tôn Đức Thắng cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn trong top của nhóm trường đứng đầu.

Vì có thêm gần 300 trường lớn khác trên thế giới tham gia, nên nhóm trường của Việt Nam đẩy xuống nhóm 600-800 trong số 1.406 cơ sở giáo dục tham gia. Còn xét về điểm số theo đánh giá của The Impact Rankings 2022 thì Trường Đại học Tôn Đức Thắng tăng điểm từ 57,5 lên 61,7 so với năm 2021.

Ngoài ra, trong năm 2022, ở hầu hết bảng xếp hạng quan trọng khác cũng do THE đánh giá, Trường Đại học Tôn Đức Thắng luôn duy trì ở thứ hạng cao.

Vào tháng 2.2022, Trường Đại học Tôn Đức Thắng được Tổ chức xếp hạng đại học THE World University Rankings (bảng xếp hạng các đại học tốt nhất thế giới) xếp thứ 98 trong tổng số 790 đại học được đưa vào bảng xếp hạng, trở thành Trường đại học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam vào Top 100 đại học trẻ tốt nhất thế giới;

Cũng trong năm 2022, trường cũng được THE xếp vào Top 500 trường học tốt nhất toàn cầu.

Bảng xếp hạng các đại học tốt nhất Châu Á năm 2022 của THE.Bảng xếp hạng các đại học tốt nhất Châu Á năm 2022 của THE.

Mới đây nhất, ngày 1.6.2022, Trường Đại học Tôn Đức Thắng được THE xếp vị trí thứ 73 trường Đại học tốt nhất ở Châu Á và xếp hàng đầu tại Việt Nam.

Mỗi hệ thống xếp hạng có bộ tiêu chí riêng. Với kết quả khá đồng đều trong nhiều bảng xếp hạng, có thể khẳng định vị trí của Trường Đại học Tôn Đức Thắng trên bản đồ giáo dục thế giới đã được xác lập bền vững. Mục tiêu trung hạn của nhà trường được xác định từ 2017 là trở thành một trong Top 500 đại học tốt nhất thế giới trong vòng 20 năm. Với kết quả xếp hạng năm 2022 của THE, mục tiêu này cơ bản đã đạt được.

Thay đổi chính sách, giữ vững mục tiêu chất lượng

Liên quan đến các thông tin về vấn đề Trường Đại học Tôn Đức Thắng gần đây bị giảm số lượng bài báo quốc tế. Vào tháng 5.2022, Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về hoạt động khoa học công nghệ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2019-2021. Qua kiểm tra cho thấy 70% số công trình công bố của trường là từ các thành viên hợp tác kiêm nhiệm bên ngoài trường, không làm việc cơ hữu tại trường.

Giai đoạn 2019-2021, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã chi vượt quá định mức chi cho nghiên cứu khoa học so với tổng thu của nhà trường. Hiện nay, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã từng bước điều chỉnh chính sách, không ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với các nghiên cứu viên kiêm nhiệm, không có những hoạt động nghiên cứu gắn với hoạt động của Trường; tăng cường nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu. Do đó, trong thời gian tới, số lượng bài báo công bố quốc tế của trường có thể sẽ giảm, nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học của trường sẽ thực chất và phát triển theo hướng bền vững hơn.

Từ tháng 6.2021, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã thành lập Hội đồng kiểm tra việc thực hiện quy trình thẩm định các công bố khoa học của trường.

Hội đồng đã rà soát các hợp đồng hợp tác nghiên cứu đối với nghiên cứu viên kiêm nhiệm ngoài trường mà trước đây giai đoạn 2017 – 2019 có sự ký hợp đồng hàng loạt với các thành viên bên ngoài Trường để hợp tác nghiên cứu (nghiên cứu viên kiêm nhiệm).

Việc ký hợp đồng này thực chất với mục tiêu công bố bài báo ISI/Scopus nhằm chạy theo xếp hạng đại học, tăng số lượng bài báo khoa học một cách không thực chất và bền vững.

Sau khi kiện toàn Hội đồng trường và khắc phục các tồn tại sau thanh, kiểm tra, Nhà trường đã rà soát điều chỉnh lại chính sách cho phù hợp với tình hình của trường.

Nhà trường dừng lại việc tiếp tục ký Hợp đồng hợp tác nghiên cứu (nghiên cứu viên kiêm nhiệm) với những người không có liên hệ công việc cụ thể với Trường Đại học Tôn Đức Thắng (rất nhiều người trong số này chưa từng đến Trường Đại học Tôn Đức Thắng hoặc biết về Trường Đại học Tôn Đức Thắng).

Hiện nay, Nhà trường chỉ duy trì việc hợp tác nghiên cứu thực chất với các nhà khoa học bên ngoài có hoạt động cụ thể với trường.

Vì thế, Trường Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định hoàn toàn không có chuyện nhân sự cơ hữu của trường bỏ việc hàng loạt và một lần nữa nhà trường khẳng định không có chuyện 300 nhân sự thầy, cô giáo nghỉ việc, càng không có chuyện trong đó có 200 giảng viên có học vị tiến sĩ nghỉ việc. 

Hiện nhà trường điều chỉnh một số chính sách để hướng đến mục tiêu chất lượng, hoạt động nghiên cứu khoa học của trường sẽ thực chất và phát triển theo hướng bền vững.

Mời Quý vị cùng lắng nghe chương trình Giờ thứ 9 của Báo Lao Động