Không chỉ “túng làm liều”
(HNM) – Tuần qua, phát hiện về những sai phạm nghiêm trọng trong tuyển sinh của Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị (UTM) đã khiến dư luận phải ngỡ ngàng. Sự việc này phần nào cho thấy, có trường vẫn bất chấp các quy định để tuyển sinh.
Tuy nhiên, bên cạnh sự chỉ trích hành vi “ăn xổi” của nhà trường khiến chính họ bị đào thải, nhiều ý kiến hướng tới việc cần thiết củng cố hơn nữa các cơ chế dành cho hệ trường ngoài công lập (NCL) để ít gây tổn hại cho xã hội, nhất là quyền lợi của sinh viên (SV).
Một giờ học của sinh viên Trường ĐH FPT. Ảnh: Nguyệt Ánh
Cố gắng trong “tuyệt vọng” để… trả giá
Trước đó, thanh tra tại Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị đã kiểm tra tình hình tuyển sinh và phát hiện nhiều sai phạm. Kết quả kiểm tra 254 hồ sơ tuyển sinh năm 2009 (khóa 1), năm 2010 (khóa 2) và năm 2011 (khóa 3) đã phát hiện có 5 SV đạt tổng điểm 12,5 điểm (không đủ điểm sàn), 3 SV không đúng khối xét tuyển, 5 SV không có phiếu báo điểm và 12 SV không tìm thấy thông tin theo phiếu điểm dự thi nhưng vẫn được nhập học. Có 1 SV nộp giấy báo điểm của năm 2005 (trong khi đó trường thành lập năm 2007). 145 SV trúng tuyển với giấy báo điểm giả và không khớp với trường dự thi. Trong tổng số hồ sơ kiểm tra chỉ có 83 SV là đạt yêu cầu. Như vậy, không ít SV của trường là SV “giả”, hay nói cách khác, nhà trường đã làm mọi cách để “vơ vét” SV.
Ở một góc độ nào đó, việc cố gắng một cách “tuyệt vọng” để có được sinh viên, rồi trả giá đắt bằng việc mất uy tín, tiếng tăm, thậm chí có thể sinh mệnh của ngôi trường, dường như lại là một điều đau lòng có thể giải thích được khi không ít trường đang phải đối mặt với ngõ cụt. Chính người phụ trách tuyển sinh của trường UTM đã thừa nhận phải xé rào theo chỉ đạo của Hiệu phó với lý do: 3 năm liên tục trường không tuyển sinh được thì sẽ phải đóng cửa.
Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho biết, năm 2012 trong số hơn 80 trường NCL thì rất ít trường tuyển sinh được gần đủ hoặc đủ chỉ tiêu. Các trường tuyển được 50% đã là may mắn, phần lớn chỉ tuyển được 20 – 30% chỉ tiêu. Tỷ lệ SV trường NCL liên tục giảm. Năm 2010-2011 là 15,4%, năm 2011-2012 giảm xuống còn 15%, năm 2012-2013 là 14%. Không có SV đồng nghĩa với việc mất đi nguồn tài chính.
Tình trạng ở “bước đường cùng” như của UTM không phải cá biệt. GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long cho biết, việc không có thí sinh khiến nguồn tài chính nhiều trường cạn kiệt nhanh chóng. Với 200 tỷ đồng tiền vốn khi thành lập, các trường vừa phải đền bù đất, vừa xây dựng trường và mời giảng viên… Họ hy vọng vào nguồn học phí để bù vào, nên nếu không tuyển được sinh viên, trong khi vẫn phải trả lương cho giảng viên, nguồn vốn đó sẽ hết và việc tan trường là khó tránh khỏi. GS Hoàng Xuân Sính cho rằng, để thành lập một trường ĐH hiện nay, tối thiểu cần khoảng 500 đến 1.000 tỷ đồng mới có thể trụ vững.
Tuy nhiên, sự khắc nghiệt về tài chính chỉ là lý do trước mắt khiến các trường buộc phải “túng làm liều”. Nguyên do sâu xa của tình trạng này đã được chỉ ra phần nào trong đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT mới được đưa ra, đó là do công tác quản lý GD-ĐT còn nhiều yếu kém, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập, nhiều chính sách và cơ chế tài chính lạc hậu, phân bổ tài chính mang tính bình quân, dàn trải.
Vẫn nặng trường công, nhẹ trường tư
Bên cạnh nhiều ý kiến yêu cầu Bộ GD-ĐT chấn chỉnh các trường “xé rào” trong công tác tuyển sinh, nhiều ý kiến nhấn mạnh tới sự cần thiết phải củng cố hệ thống cơ chế cho các trường NCL, chí ít để “sự đào thải tự nhiên” ít gây tổn hại nhất cho người học. Trong đó, khắc phục sự thiếu công bằng giữa trường công lập và trường tư được nhiều người cho là điểm mấu chốt. Hiện các trường công đang có mức thu học phí thấp hơn rất nhiều so với trường tư, bởi được hưởng một nguồn lực hỗ trợ rất lớn từ ngân sách. Mặc dù Nhà nước có chính sách cho vay học phí không phân biệt SV trường công lập hay NCL song theo nhiều người, chính sách này vẫn chưa đủ bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng. Các trường NCL có mức học phí cao phải rất vất vả để duy trì chất lượng và thu hút SV trong khi đất đai và cơ sở vật chất hạn hẹp, không được hưởng các nguồn kinh phí như trường công.
TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL đã cảnh báo: Nếu sự thiếu công bằng giữa trường công và trường tư cứ tiếp diễn thì việc phá sản đối với nhiều trường là điều không tránh khỏi. Chưa kể, mặc dù Luật Giáo dục ĐH đã cho các trường được tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng trên thực tế vẫn phải theo nhiều quy định và tiêu chuẩn “trên trời”, ví như tiêu chí 25m2/SV tồn tại nhiều năm mặc dù diện tích ấy ở Hà Nội và vùng sâu, vùng xa khác nhau vô cùng.
Bên cạnh đó, các trường công vẫn được mở ra với tốc độ chóng mặt. Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT phân tích: “Từ năm 1999 đến năm học 2012-2013, các trường ĐH, CĐ công lập từ 131 trường tăng lên thành 338 trường, số trường NCL tăng từ 22 lên 83 trường. Như vậy trong khoảng 14 năm qua, cứ 1 trường NCL ra đời thì cũng có thêm 3,3 trường công lập xuất hiện. Một số quan điểm nói rằng các trường NCL mọc lên như nấm thì cùng thời gian đó các trường công lập phát triển với tốc độ siêu nấm”. GS Hoàng Xuân Sính nói về tình trạng này: Việc mở nhiều trường ĐH ở mỗi tỉnh là phung phí tiền bạc của ngân sách và của nhân dân.
Hướng tới chính sách công bằng cho trường công lập và NCL, đề án Đổi mới toàn diện GD-ĐT đã nêu ra giải pháp: Trong giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH, phát triển song song loại hình trường công lập và NCL; tăng cường vai trò trường NCL, bao gồm cả các trường chất lượng cao. Còn trước mắt, nhiều ý kiến vẫn tập trung nhấn mạnh tới quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH. Suy cho cùng, nếu được tự mình tuyển sinh, theo nghĩa tự mình xây dựng tiêu chuẩn và quy trình xét tuyển, cũng như tự quyết định số lượng tuyển sinh, những sai phạm như ở Trường ĐH UTM sẽ… không có điều kiện tái diễn.
Kiến nghị dừng hoạt động đối với Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị
Theo báo cáo ngày 26-11 của Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND TP Hà Nội sau khi kiểm tra, rà soát 20 cơ sở đào tạo; liên kết đào tạo trên địa bàn Hà Nội thì Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị thành lập từ 2007 đến nay chưa có cơ sở vật chất ổn định, bộ máy quản lý chỉ có duy nhất 1 Phó Hiệu trưởng, đội ngũ giáo viên, nhân viên không tương xứng với yêu cầu. Tổng số SV đào tạo trong 6 năm chỉ có gần 700 SV, trong đó hơn 100 SV không đủ điều kiện nhập học. Đoàn kiểm tra kiến nghị Bộ GD-ĐT cho dừng hoạt động đối với Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị.
Kết quả kiểm tra cũng cho biết, còn một số đơn vị khác chưa bảo đảm một số nội dung, như: Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội báo cáo không thuê bất cứ địa điểm nào ngoài nhà trường và không có hoạt động liên kết đào tạo nhưng qua kiểm tra tại Trường Trung cấp nghề số 10 – Bộ Quốc phòng (số 101 Tô Vĩnh Diện, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có cho Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phối hợp đào tạo về cơ sở vật chất (10 phòng học). Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà được thành lập và đăng ký trụ sở chính tại tỉnh Bắc Ninh, hiện đang tuyển sinh và đào tạo tại số 54 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội nhưng chưa được sự đồng ý của UBND TP Hà Nội và Bộ GD-ĐT trong nhiều năm. Văn phòng đại diện của Trường ĐH Trưng Vương (cơ sở chính tại tỉnh Vĩnh Phúc) đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội khi chưa được sự đồng ý của UBND TP Hà Nội và Bộ GD-ĐT. Đoàn kiểm tra kiến nghị Bộ GD-ĐT cho dừng hoạt động với Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà; UBND thành phố ra văn bản chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở hoạt động sai quy định hoặc trái phép, như: ĐH Quốc tế Bắc Hà, Văn phòng đại diện ĐH Trưng Vương.
Hạnh – Quỳnh