Khơi thông nguồn lực Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp

Thực tế này đã được các chuyên gia chỉ ra, tìm giải pháp tháo gỡ, giải phóng nguồn lực này tại tọa đàm về vấn đề này diễn ra ngày 15/12/2022. Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ của doanh nghiệp được đề cập lần đầu tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sau đó là Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017. Luật Khoa học, công nghệ đã quy định cụ thể về tỷ lệ trích lập đối với 2 loại hình doanh nghiệp là doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

DOANH NGHIỆP “THIẾU TIỀN, THỪA QUỸ”

Có thẩy thấy, mục tiêu lớn nhất đặt ra với Quỹ chính là huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, nếu như 10 năm trước, nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ lên tới 80% còn xã hội chỉ chiếm 20%, thì giai đoạn hiện nay, tỷ lệ này đã chỉ còn 52% và 48%. So với những nước phát triển thì tỷ lệ vốn nhà nước chỉ chiếm khoảng trên dưới 30%.

Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ của doanh nghiệp là chủ trương quan trọng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó nâng cao sức cạnh tranh và đóng góp nhiều hơn cho phát triển đất nước.

 

Số doanh nghiệp trích Quỹ vẫn thấp, chỉ chiếm 0,02%. Số tiền trích lập Quỹ không nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu đối với doanh nghiệp nhà nước phải dành từ 3%- 10%.

Tuy nhiên, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn, thực tế cho thấy Quỹ chưa phát huy được vai trò và hiệu quả của mình, chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về nội dung chi và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội dẫn nguồn từ Tổng cục Thuế, từ 2015-2021, có gần 1.400 doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ, với số tiền trích là hơn 23,876  nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, mới chỉ có hơn 11,7 nghìn tỷ đồng đã được sử dụng.

Số liệu này cho thấy, nếu so sánh với tổng số doanh nghiệp trên cả nước năm 2020, số doanh nghiệp trích Quỹ vẫn thấp, chỉ chiếm 0,02%. Số tiền trích lập Quỹ không nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu đối với doanh nghiệp nhà nước phải dành từ 3%- 10%. Tỉ lệ trích lập Quỹ tại 8 doanh nghiệp được khảo sát cũng rất thấp, chưa đạt 10% theo quy định, mặc dù nhu cầu đầu tư cũng như chi thực tế cho hoạt động khoa học công nghệ là rất lớn.

Ngoài ra, số tiền từ Quỹ được sử dụng để chi cho hoạt động khoa học công nghệ chỉ đạt 50,9% là rất thấp so với nhu cầu, còn lại 49,1% sử dụng không hết (trung bình trong giai đoạn 2015-2021). Có nhiều doanh nghiệp không giải ngân hết, phải hoàn nhập quỹ, trong đó có doanh nghiệp phải hoàn tới 84%.

Kết quả khảo sát tại một số doanh nghiệp nhà nước có đầu tư lớn cho hoạt động khoa học công nghệ như Viettel, VNPT, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam… cho thấy việc sử dụng Quỹ còn nhiều bất cập, tình trạng “thiếu tiền, thừa quỹ” phổ biến ở các doanh nghiệp do vướng mắc của một số quy định pháp luật có liên quan.

Chia sẻ điều này, bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, qua khảo sát, chỉ có 11,3% doanh nghiệp nhà nước có nhu cầu sử dụng quỹ này. Quỹ được quản trị theo cách phối hợp giữa nguồn lực của nhà nước dành cho doanh nghiệp và nguồn lực của doanh nghiệp.

THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, GIẢI PHÓNG NGUỒN LỰC TỪ QUỸ

Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội yêu cầu: “Giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp”.

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 05 và Bộ Tài chính có Thông tư số 67 nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quy định về Quỹ, qua đó khơi thông, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Khơi thông nguồn lực Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp - Ảnh 1

Thông tư 05 bổ sung những nội dung chi mới cho doanh nghiệp. Đối với những vướng mắc về nội dung chi, thủ tục trích lập Quỹ đã được tháo gỡ một phần. Nội dung chi được mở rộng hơn, tạo cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp.

Bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, Thông tư 67 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 23/12/2022 đã tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ trích lập quỹ và sử dụng Quỹ.

Theo Thông tư 12 trước đây, Quỹ chỉ được sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Thông tư 67 đã hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp được sử dụng quỹ trong năm 2022 và 2023 để mua máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này hy vọng sẽ giảm phần nào tình trạng tồn dư Quỹ như hiện nay…

 

Mặc dù những điểm nghẽn đã được tháo gỡ bước đầu nhưng để hoàn thiện cơ chế chính sách giải phóng tối đa nguồn lực của Quỹ cần phải có sự đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật KHCN ở tầm quốc gia.

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, các nội dung sửa đổi đã phần nào khắc phục được những vướng mắc, tạo thuận lợi hơn trong việc trích lập và sử dụng Quỹ.

Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Viettel nhận xét, Thông tư 05 và 67 có thêm một điểm lợi cho những doanh nghiệp nhỏ nằm trong Tập đoàn. Doanh nghiệp sử dụng quỹ để bổ sung đầu tư cho các hệ thống dây chuyền, máy móc. Đây là mục tiêu lớn nhất để sản xuất những thiết bị đủ tiêu chuẩn, đòi hỏi về mặt chất lượng.

Tuy nhiên, theo báo cáo giám sát, một số quy định pháp luật về quản lý Quỹ còn chưa tương thích, đồng bộ; quy định hướng dẫn về Quỹ chưa được sửa đổi, ban hành đầy đủ, kịp thời. Một trong những căn cứ ban hành Thông tư 05 và Thông tư số 67 sửa đổi Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC là Nghị định 95/2014/NĐ-CP vẫn chưa được sửa đổi cho tương thích, nên chưa giải quyết triệt để những vướng mắc…

Các chuyên gia cho rằng, tiếp tục có những đánh giá sát thực hơn về phân loại các loại hình doanh nghiệp trong việc trích lập quỹ để nhìn ra được bức tranh một cách toàn diện, xác thực hơn. Đồng thời phải có thống kê, đánh giá theo các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp; phân định việc trích Quỹ theo quy mô doanh nghiệp… Trên cơ sở đó có định hướng chính sách cho phù hợp với các khu vực doanh nghiệp, các loại hình doanh nghiệp cũng như thành phần và quy mô…

Thông tư số 05 và 67 đã ra đời đã giải quyết được rất nhiều các vấn đề nhưng không phải giải quyết được hết các tồn tại. Ông Hải cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành nghiên cứu sửa Luật Khoa học và Công nghệ và đưa vào đề án sửa luật năm 2023.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá, dù những điểm nghẽn đã được tháo gỡ bước đầu nhưng để hoàn thiện cơ chế chính sách giải phóng tối đa nguồn lực của Quỹ cần phải có sự đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoa học công nghệ ở tầm quốc gia. Khi đó, chính sách phát triển khoa học công nghệ sẽ đi vào cuộc sống.