Khôi phục sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới (Kỳ 3)
Trong tháng 7, tác động của dịch Covid-19 đã làm “tê liệt” thị trường lao động nhiều tỉnh vốn luôn sôi động, thu hút nhiều nhân lực. Xác định phải sống chung lâu dài với dịch bệnh nên các địa phương đang có những bước đi thích ứng để chuẩn bị nguồn nhân lực phục hồi sản xuất.
Công nhân khỏe, năng suất lao động tăng
Từng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, hiện nay, theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, 6/6 khu công nghiệp (KCN), 30/30 cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đã hoạt động bình thường với hơn 270 nghìn lao động (LĐ). Riêng doanh nghiệp (DN) trong các KCN hoạt động với quy mô, công suất tương đương trước dịch. Điều đáng mừng là sau thời gian dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề ở Bắc Giang, công nhân (CN) nâng cao ý thức, tổ chức kỷ luật, tác phong chuyên nghiệp hơn, góp phần tăng năng suất lao động. Từ đó, giúp DN “khỏe” hơn.
Giai đoạn đầu, tỉnh Bắc Giang tập trung cao hỗ trợ DN trong các KCN, trong đó giải quyết các khó khăn, vướng mắc chính như: Hỗ trợ DN có phương án sửa chữa, lập ký túc xá tạm làm nơi ở tập trung cho CN trong khu vực sản xuất; huy động một số trường học đang trong thời gian nghỉ hè và rà soát, thẩm định, chấp thuận danh sách các cơ sở lưu trú bảo đảm điều kiện phục vụ CN. Hỗ trợ đưa đón người lao động (NLĐ) đến nơi làm việc. Tỉnh cũng thành lập bộ phận thường trực giám sát dịch trong KCN…
Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh đã linh hoạt điều chỉnh hoạt động hỗ trợ không chỉ trong KCN mà cả các CCN và ngoài khu CCN. Ông Maeng Heesoo, Giám đốc Công ty TNHH APS Vina, KCN Song Khê – Nội Hoàng chia sẻ, khi DN mới hoạt động trở lại đã được cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể. DN cải tạo nhà xưởng làm phòng ăn, nghỉ cho CN. Vì thế, DN vận hành dây chuyền sản xuất từ đầu tháng 6. Hiện nay, mỗi tháng công ty cung cấp khoảng 30 triệu sản phẩm băng dính, một trong những linh kiện cho sản phẩm của Tập đoàn Sam Sung, bảo đảm đơn hàng không đứt quãng.
Thực tế, việc khôi phục sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Giang còn gặp không ít khó khăn. DN vừa và nhỏ phục hồi chậm hơn. Việc tuyển dụng mới LĐ chưa đáp ứng đủ quy mô, công suất hoạt động. Trong khi đó, các DN quy mô lớn phục hồi sản xuất nhanh, hiện đã sử dụng LĐ ở mức cao hơn thời điểm trước, điển hình như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải gần 37.000 người; Tập đoàn Luxshare gần 34.000 người… Có thêm nhiều DN mới được chấp thuận đầu tư, đi vào hoạt động trong tháng 7, tháng 8 tại các KCN tỉnh.
Nguy cơ thiếu hụt lao động
Do ảnh hưởng nặng nề và kéo dài của hai đợt dịch Covid-19 trong bảy tháng đầu năm 2021 tới thị trường lao động phía nam, nhiều NLĐ đã rời khỏi các tỉnh, thành phố tập trung nhiều KCN như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về các tỉnh khu vực Tây Nguyên, miền trung. “Việc di chuyển LĐ là một tín hiệu cho thấy nguy cơ “thiếu hụt LĐ” với số lượng lớn trong và sau dịch, đặc biệt là sự thiếu hụt LĐ phổ thông làm việc trong các DN gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…”, đại diện Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) nhận định.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, số LĐ hiện đáp ứng được 65 – 70% nhu cầu; trong thời gian quý III, quý IV/2021 để đáp ứng nhu cầu các đơn hàng thì số lượng LĐ cần tuyển khá lớn.
Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra hai kịch bản về nhu cầu nhân lực cuối năm 2021. Theo đó, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, dự kiến nhu cầu nhân lực sáu tháng cuối năm 2021 cần khoảng 127.000 chỗ làm việc. Nếu dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực, với việc triển khai tiêm chủng vaccine nhanh và kiểm soát tốt dịch tễ, tình hình DN khởi sắc trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu dịp lễ, Tết, sẽ giúp hạn chế tình trạng LĐ ngừng việc, mất việc. Lúc này, nhu cầu nhân lực sáu tháng cuối năm 2021 cần khoảng 147.000 chỗ làm việc. Xu hướng việc làm về cuối năm 2021 tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: Kinh doanh thương mại; công nghệ thông tin – điện tử; dịch vụ cá nhân – chăm sóc sức khỏe và y tế; dệt may – da giày;…
Theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, những tháng cuối năm, nhu cầu có thể lên đến 60.000 LĐ, do phải đáp ứng các đơn hàng sản xuất phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp lễ, Tết. Thu hút nhiều nhân lực nhất vẫn là ngành chế biến – chế tạo, chủ yếu trong các lĩnh vực: thực phẩm, may mặc, da giày, điện tử…
Mở rộng cơ hội việc làm
Hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến (DVVL) được triển khai trong thời gian qua đã trở thành công cụ hữu hiệu kết nối cung – cầu lao động trong bối cảnh dịch Covid-19. Cuối tháng 7 vừa qua, 11 trung tâm DVVL của các địa phương: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang và Tuyên Quang đã phối hợp tổ chức kết nối phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Phiên giao dịch đã thu hút 95 DN với nhu cầu tuyển dụng lên đến 29.077 lao động, chủ yếu là LĐ phổ thông tập trung trong các ngành nghề: điện tử, may mặc, sản xuất nhựa… Trong phiên giao dịch việc làm lần này, Hải Dương và Thái Nguyên có nhiều LĐ tham gia phỏng vấn trực tuyến đi các tỉnh khác. Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên là các địa phương được nhiều LĐ lựa chọn phỏng vấn để đến làm việc. Kết quả đã có 91 LĐ trúng tuyển ngay trong ngày diễn ra phiên giao dịch việc làm; nhiều LĐ được hẹn phỏng vấn tại DN.
Các phiên giao dịch việc làm trực tuyến đã góp phần hỗ trợ tuyển dụng LĐ cho DN, giúp các DN duy trì, khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời, dần hình thành sự liên thông thị trường giữa các địa phương giúp NLĐ tiếp cận thông tin nhu cầu tuyển dụng rộng hơn, có nhiều cơ hội lựa chọn công việc phù hợp.
Nhiều địa phương cũng đã lên phương án sử dụng số LĐ trở về từ các tỉnh phía nam, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng tại chính địa phương. Đơn cử, tại Thanh Hóa, từ khảo sát mới đây của Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho thấy, nhu cầu tuyển dụng LĐ của DN trên địa bàn tỉnh hiện nay là gần 33.300 LĐ, chủ yếu là LĐ nữ chiếm 70%. Nhu cầu LĐ tập trung các ngành sản xuất giày da, may mặc…
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, số công dân Thanh Hóa trở về từ vùng dịch từ ngày 27/4/2021 đến nay là khoảng 166.300 người, nên khả năng giải quyết việc làm cho LĐ Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sẽ đáp ứng khoảng 90%. Tuy nhiên, số nhân lực này phần lớn LĐ tự do, không có giao kết hợp đồng lao động, không có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 65%). Có 20% trong số LĐ này thuộc nhóm tuổi từ 41 tuổi trở lên. Để hỗ trợ NLĐ trở về từ vùng dịch, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có phương án đào tạo nghề để bố trí vào làm việc tại các KCN, khu kinh tế, CCN trên địa bàn tỉnh, phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính, giúp họ sớm ổn định cuộc sống, góp phần vào sự phát triển của địa phương.
Theo phân tích của các chuyên gia, dịch Covid-19 sẽ khiến nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành nghề trong lĩnh vực CNTT, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa tăng mạnh thời gian tới. Điều này cho thấy nếu NLĐ, DN biết đổi mới, ứng dụng CNTT thì có thể dễ dàng thích ứng nhu cầu của xã hội cũng như tình hình dịch bệnh.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, phát triển công nghiệp chế biến – chế tạo là hướng đi chính thời gian tới với mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh là 15% và đạt 20% vào năm 2030. Tỉnh đang có nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc, chuẩn bị nền tảng về hạ tầng và nhân lực…; trong đó, một trong những giải pháp quan trọng nhất là đào tạo lại nguồn nhân lực. Tỉnh đang tích cực xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo dự thảo Đề án sẽ đào tạo, bồi dưỡng 5.000 LĐ ngành nông nghiệp; 10.000 LĐ ngành công nghiệp, thương mại; 5.000 LĐ ngành xây dựng… Đây sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh. Dự kiến, giai đoạn 2021 – 2025, mỗi năm tỉnh Quảng Ninh sẽ giải quyết việc làm cho 29.500 LĐ.