Khôi phục sản xuất, chăm lo đời sống, văn hóa – xã hội
Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi thị xã Vị Thanh giải phóng, các sinh hoạt kinh tế – xã hội dần trở lại bình thường.
Cầu 30-4 ngày nay, xưa có tên gọi là cầu Trịnh Hữu Nghĩa, được sửa chữa lại ngay sau giải phóng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Trước mắt, nhà máy phát điện hoạt động trở lại, cung cấp điện sinh hoạt cho dân. Các chợ, tiệm, quán vẫn nhóm họp, bày bán, cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng; không khí mua, bán luôn nhộn nhịp. Đối với ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nhiều cơ sở xay xát, lò đường, lò rèn, lò tương, hãng nước đá, các tiệm sửa chữa cơ khí,… đều hoạt động trở lại.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng các cơ sở tìm cách khắc phục, nhất là về vấn đề phụ tùng thay thế. Bước đầu cải tạo xã hội chủ nghĩa, đối với công thương nghiệp, thị xã tổ chức được một số hợp tác xã may mặc, làm nước mắm…
Về giao thông vận tải, ngay những ngày đầu giải phóng, chính quyền cách mạng đảm bảo việc lưu thông, đi lại bằng tàu, xe của bà con thị xã diễn ra bình thường. Toàn thị xã đang hoạt động: 24 xe đò, 30 xe lam, 12 xe lôi và 10 chiếc tàu đò từ Vị Thanh – Cần Thơ đi, về các vùng phụ cận hàng ngày. Tại nội ô, cầu Trịnh Hữu Nghĩa được sửa chữa, được đặt tên lại cầu 30-4, nối liền 2 bờ kinh Xà No. Do tình trạng thiếu phụ tùng thay thế, thiếu xăng dầu nên sau đó, hoạt động giao thông có phần hạn chế.
Đối với sản xuất nông nghiệp, thị xã luôn xác định là mặt trận chủ lực, nên một mặt kêu gọi số bà con tản cư ra chợ, trở về quê cũ làm ăn, chăm sóc ruộng, vườn. Đồng thời, chỉ đạo giúp đỡ, động viên Nhân dân vùng ven ngoại thành, khôi phục sản xuất lúa để có nhiều lương thực, góp phần giải quyết khó khăn chung cho cả tỉnh, cả nước.
Qua những nỗ lực trên, cùng với việc phát động mọi nhà làm tốt công tác thủy lợi, nên vụ Đông xuân 1977-1978, tăng gấp 6 lần niên vụ trước. Bình quân lương thực mỗi người 500kg. Từ chủ trương khôi phục, phát triển sản xuất, ngành nông nghiệp được hình thành đến tận phường, khóm phân phối cho nông dân hàng ngàn tấn phân hóa học, hàng trăm ngàn lít xăng, dầu theo giá quy định của Nhà nước.
Ngoài ra, để hỗ trợ nông nghiệp, ngân hàng thị xã cho Nhân dân vay hàng trăm ngàn đồng đầu tư sản xuất. Đối với các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội… những ngày đầu giải phóng còn khá nhiều bề bộn, khó khăn. Tuy vậy, Thị ủy và UBND cách mạng lâm thời thị xã đã hết sức quan tâm, tập trung nỗ lực chăm lo.
Phòng Giáo dục và Thông tin – Văn hóa đã kịp thời tổ chức huy động học sinh bước vào năm học mới 1975-1976 tại 12 trường tiểu học, 1 trường trung học công lập, 1 trường trung học bán công và 1 trường trung học tư thục. Một thời gian sau, các hình thức trường bán công, tư thục giải thể. Tất cả chỉ còn trường công, với 3 cấp học: cấp I, cấp II, cấp III trên cơ sở điều chỉnh các cấp học cũ là tiểu học, trung học đệ nhất cấp và trung học đệ nhị cấp.
Song song đó, phát động mở các lớp “bình dân học vụ” tận khóm, xóm để xóa nạn mù chữ qua chiến dịch có tên “Mùa xuân diệt dốt, lập công dâng Đảng”, với trên 1.000 người tình nguyện dạy chữ cho người mù chữ. Trên lĩnh vực y tế, thị xã tiếp quản cơ sở y tế tỉnh Chương Thiện (cũ) thành lập Bệnh viện Đa khoa Vị Thanh, tiến hành ngay công tác chăm lo sức khỏe Nhân dân, cùng tiêm phòng dịch bệnh. Dù vậy, do đội ngũ bác sĩ, y sĩ, y tá còn ít, lại thiếu thuốc, nên việc điều trị bệnh cho Nhân dân còn hạn chế.
Trong khi đó, phong trào văn nghệ cách mạng ở phường, xã, trường học, cơ quan được triển khai rầm rộ trong toàn thị xã, gắn liền với hoạt động của đoàn viên, thanh niên quét dọn đường phố, khai thông cống rãnh. Đồng thời, tuyên truyền xóa bỏ văn hóa đồi trụy, phản động. Đài truyền thanh thị xã được thành lập ngay những ngày đầu giải phóng, kế thừa cơ sở vật chất kỹ thuật chế độ cũ để lại, thường xuyên tuyên truyền chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng lúc bấy giờ.
Ngày 28-3-1976, thị xã tiến hành Đại hội thành lập Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng thị xã Vị Thanh và làm lễ ra mắt Nhân dân, có trên 4.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tham dự. Cuối năm 1977, Ban Bí thư Trung ương và Tỉnh ủy Hậu Giang chọn huyện Long Mỹ làm huyện trọng điểm chỉ đạo cải tạo xã hội chủ nghĩa, nhất là đối với nông nghiệp.
Xét thấy huyện Long Mỹ và thị xã Vị Thanh cần hợp nhất thành một huyện chung, nhằm hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, ngày 1-1-1978, Hội đồng Chính phủ quyết định hợp nhất huyện Long Mỹ và thị xã Vị Thanh thành huyện mới lấy tên huyện Long Mỹ. Như vậy, Vị Thanh không còn là đơn vị hành chính cấp thị xã nữa, mà trở thành thị trấn huyện lỵ Long Mỹ.
Tồn tại gần 3 năm sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước – Thị xã Vị Thanh đã có những đóng góp quan trọng, có ý nghĩa tích cực vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống Nhân dân, xây dựng chính quyền cách mạng tại địa bàn tỉnh lỵ Chương Thiện của chế độ cũ.
Thời gian tuy không dài nhưng thị xã đã làm tròn sứ mệnh lịch sử, nối tiếp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thị xã ủy từ trong kháng chiến, chuyển sang giai đoạn hòa bình, xây dựng một cách ổn định, với nhiều bài học thực tiễn, làm tiền đề cho những chặng đường xây dựng và phát triển quê hương Vị Thanh tiếp sau.
VỊ THANH