Khởi nghiệp xanh trên quê hương
“Chào Pỉ noọng! Lại là Hoài đây!”, câu chào thân thiện và đặc trưng mở đầu cho mọi video giới thiệu cảnh đẹp và món ngon Cao Bằng của cô gái Tày Bùi Thu Hoài, người sáng lập kênh TikTok caobangreview. Với 2,5 triệu lượt thích và hàng trăm video cập nhật liên tục, đây là kênh lớn nhất về du lịch Cao Bằng trên nền tảng mạng xã hội được giới trẻ yêu thích hàng đầu hiện nay. Trong tiếng Tày, “Pỉ noọng” có nghĩa là “anh em” hoặc “mọi người”. “Tôi muốn chào đón và gây ấn tượng với người xem theo phong cách của người Cao Bằng, đặc biệt là bà con dân tộc Tày, Nùng”, Bùi Thu Hoài nói. Ngoài TikTok, Hoài còn là admin của nhóm Ghiền Cao Bằng trên Facebook với gần 40 nghìn thành viên.
Sinh ra và lớn lên ở xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, cô gái Cao Bằng đã phấn đấu học hành và thi đỗ Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội). Tốt nghiệp rồi đi làm ở Thủ đô, song Hoài vẫn ấp ủ đam mê làm một điều gì đó liên quan đến du lịch tại quê hương mình. Năm 2019, Hoài trở về Cao Bằng, cùng hai người bạn mở một nông trại trồng hoa dưới chân thác nước tại huyện Hà Quảng, làm nông nghiệp kết hợp đón khách tham quan, chụp ảnh.
Tuy nhiên, công việc đang suôn sẻ thì dịch Covid-19 xuất hiện, trang trại buộc phải đóng cửa. Năm 2020, Hoài bắt đầu ghi hình chia sẻ thông tin, kinh nghiệm du lịch Cao Bằng và đăng tải những video đầu tiên lên TikTok, ngay lập tức, cô nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Từ đây, hướng đi mới mở ra cho cô gái trẻ. Với lợi thế thông thạo địa lý, văn hóa Cao Bằng, cộng với kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh và các mạng xã hội phổ biến, Bùi Thu Hoài mạnh dạn dành toàn thời gian để làm du lịch kiểu mới.
Hoài chia sẻ: “Tôi muốn mang đến mọi người những hình ảnh về một Cao Bằng rất khác, không chỉ là đến ngắm những nơi nổi tiếng quá quen thuộc như Pác Bó, Bản Giốc, mà còn khám phá những thắng cảnh ít người biết, thưởng thức đặc sản địa phương, tìm hiểu cuộc sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng”.
Qua các video của mình, Hoài đưa người xem đi khắp Cao Bằng cùng những trải nghiệm độc đáo, lạ lùng, như vào rừng nhặt hạt dẻ ở Chí Viễn (huyện Trùng Khánh), cắm trại qua đêm ở núi Mắt Thần (huyện Trà Lĩnh), thăm làng nghề làm hương Phia Thắp (huyện Quảng Uyên), thám hiểm hố sụt Ngũ Lão (huyện Hòa An), chinh phục đèo 15 tầng Khau Cốc Chà và chợ phiên Bảo Lạc (huyện Bảo Lạc)… Thiên nhiên, con người vùng Ðông Bắc hiện lên mộc mạc mà thi vị, đầy màu sắc qua những khung hình chân thực và giọng kể gần gũi của Hoài.
Hoài khẳng định mong muốn làm du lịch bền vững, bởi theo cô: “Du lịch bền vững là du lịch gắn liền với cộng đồng. Tôi luôn cố gắng đưa vào nội dung của mình những nét văn hóa, truyền thống, phong tục thú vị của nhiều bản làng vùng sâu vùng xa ở Cao Bằng, không chỉ cho du khách phương xa biết đến mà chính nhiều người Cao Bằng cũng còn chưa hiểu hết. Từ đó, mỗi người đều có thể là một hướng dẫn viên, một người truyền cảm hứng du lịch Cao Bằng, góp phần giúp bà con phát triển kinh tế từ du lịch”.
Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ, Hoài kể ngay về lần dẫn một nam du khách từ tận Cần Thơ, người đã đặt vé máy bay ra Hà Nội rồi lại đi xe khách lên Cao Bằng gần như ngay sau khi xem một vài video của kênh caobangreview. Suốt chuyến đi, vị khách không ngừng trầm trồ, khen ngợi vẻ đẹp Cao Bằng và bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều du khách miền nam cũng sẽ đến trải nghiệm.
Hiện tại, bên cạnh công việc sáng tạo nội dung trên TikTok, Facebook, YouTube… Bùi Thu Hoài cũng làm hướng dẫn viên và phối hợp một số công ty du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cung cấp tour thiết kế theo tiêu chí độc đáo, nhắm tới đối tượng du khách trẻ. Một số tour chỉ có thể diễn ra theo mùa, chẳng hạn như dã ngoại trong vườn dẻ cổ thụ và chế biến hạt dẻ tại chỗ, tham quan trang trại dâu tây hoặc vườn hoa cẩm tú cầu, chạm vào băng tuyết trên đỉnh núi Phia Oắc… Song đáng mừng là không chỉ có du khách ngoại tỉnh, khách quốc tế, mà ngày càng nhiều người dân Cao Bằng cũng quan tâm tìm đến, nhất là thanh niên, gia đình trẻ.
Thời gian tới, Hoài cho biết dự định tiếp tục nâng cao chất lượng các tour trải nghiệm, đồng thời phát triển nội dung về nông sản và nghề thủ công truyền thống của Cao Bằng để tìm thị trường tiêu thụ rộng hơn, như các sản phẩm cơm lam, miến dong, lạp sườn, đường phên, hay dệt thổ cẩm, làm nón và chiếu cói…
Cũng “bỏ phố về rừng” như Bùi Thu Hoài, nhưng Lý Ðạo Huy (sinh năm 1997, ở phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng) lại khởi nghiệp với một ngách khác đầy tiềm năng: cung cấp dịch vụ cắm trại và một số tour du lịch thể thao ngoài trời như chèo SUP (ván đứng), trekking cùng hướng dẫn viên bản địa. Bắt đầu từ sở thích xê dịch, trải nghiệm thiên nhiên hoang dã, từ năm 2020 Huy tập tành cho thuê đồ cắm trại tại Cao Bằng.
Ðến năm 2021, khi dịch Covid-19 “đóng băng” gần như toàn bộ ngành du lịch cả nước, thì tỉnh Cao Bằng lại là một “vùng xanh” hiếm hoi chưa có ca nhiễm. Người dân Cao Bằng dần có xu hướng du lịch tại chỗ nhiều hơn, tìm đến những địa điểm vắng vẻ, trong lành để dã ngoại, cắm trại cuối tuần. Nhận thấy cơ hội, Lý Ðạo Huy đầu tư nhiều dòng sản phẩm cắm trại cao cấp hơn và tăng cường đăng tải lên mạng xã hội những hình ảnh đẹp, thư giãn của khách cắm trại giữa núi rừng, cạnh bờ suối, hay chèo SUP trên dòng sông Quây Sơn xanh biếc…
Không chỉ quanh thành phố Cao Bằng, nhiều khu vực thuận lợi cho cắm trại khác cũng ngày càng đông du khách tìm đến, nhất là các thắng cảnh nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng như hồ Bản Viết, thác Cò Là (huyện Trùng Khánh); núi Mắt Thần, hồ Thang Hen (huyện Trà Lĩnh); đồi cỏ Vinh Quý (huyện Hạ Lang); Vườn quốc gia Phia Oắc-Phia Ðén (huyện Nguyên Bình)… Từ tháng 9/2021, Huy thành lập một công ty chuyên tour lữ hành nội địa, học và lấy chứng chỉ Hướng dẫn viên du lịch nội địa. Trải nghiệm dịch vụ cắm trại của Huy và các cộng sự, nhiều du khách hài lòng ghi nhận sự nhiệt tình, chuyên nghiệp cùng ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan.
Tại mỗi điểm tổ chức cắm trại hay chèo SUP, nhóm của Huy luôn chủ động hướng dẫn du khách các quy tắc an toàn đồng thời kêu gọi không tác động xấu đến môi trường. Sau mỗi chuyến đi, các bạn trẻ thu dọn sạch sẽ rác thải sinh hoạt và mang đến nơi xử lý đúng quy định, với tinh thần “không mang gì về ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”.
Sau khi du lịch mở cửa trở lại từ tháng 3/2022, cắm trại và các hoạt động trải nghiệm giữa thiên nhiên vẫn là hình thức phát triển mạnh. Núi Mắt Thần (còn có tên gọi là Núi Thủng) của Cao Bằng gây “sốt” trong cộng đồng du lịch nhờ sự độc đáo, hiếm có. Giữa thung lũng Nặm Trá xanh mướt, núi đồi trùng điệp, một ngọn núi khổng lồ có lỗ tròn chính giữa hình thành hoàn toàn tự nhiên do vận động địa chất đã trở thành điểm nhấn, mời gọi không chỉ du khách Việt Nam mà cả bạn bè quốc tế đến chiêm ngưỡng.
Bên cạnh các công ty lữ hành đưa khách đến thì lượng du khách cắm trại tự túc cũng khá đông, nhiều khi để lại những bãi rác lộn xộn, xấu xí. Yêu thiên nhiên và tâm huyết với hình ảnh du lịch địa phương, Lý Ðạo Huy lại vận động các hướng dẫn viên, bạn bè, cùng các thành viên nhóm “Xanh Việt Nam” nhiều lần tham gia dọn rác, trả lại sự sạch đẹp cho thắng cảnh. Chàng trai tốt nghiệp Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam (Hà Nội) còn có kế hoạch tổ chức tập huấn về sơ-cấp cứu cơ bản cho các đồng nghiệp, cũng như học thêm tiếng Anh.
Huy kể: “Lần đầu tôi đưa khách ngoại quốc đi cắm trại ở Cao Bằng là một đoàn chuyên gia Ấn Ðộ làm việc tại một tập đoàn công nghiệp lớn ở Hải Phòng. Gặp gỡ một nền văn hóa khác, tôi thấy nhiều điều thú vị, tuy nhiên bất đồng ngôn ngữ cũng gây trở ngại ít nhiều. Chuyến đó mặc dù ai nấy đều rất vui và chấm điểm cao trên mạng, tôi vẫn thấy mình và các bạn phải học tiếng Anh để đón thêm khách nước ngoài và phục vụ tốt hơn”. Còn gần đây nhất, Huy cho biết đã kết nối được với một số đơn vị lữ hành của các tỉnh bạn như Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang… để làm các tour liên kết dài ngày và nhiều trải nghiệm.
Năng động, mạnh dạn và yêu quý, trân trọng quê hương, còn nhiều thanh niên trẻ khác ở Cao Bằng cũng tạo được dấu ấn tốt khi làm du lịch như Hoài, Huy. Mặc dù mới ở giai đoạn sơ khai và còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng cách làm của họ không chỉ tạo ra thu nhập cho bản thân, mà còn góp phần thổi “làn gió mới” cho việc quảng bá du lịch địa phương, liên kết cùng cộng đồng sinh lợi, nâng cao nhận thức về du lịch bền vững.