Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo- Các khái niệm cơ bản
Trong xu thế phát triển của khoa học và công nghệ toàn cầu, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cần được ươm tạo, nuôi dưỡng và phát triển trong một hệ sinh thái thuận lợi. Vậy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là gì? Một số khái niệm cơ bản sau sẽ làm sáng tỏ điều đó.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Start-up): là quá trình khởi nghiệp dựa trên ý tưởng sáng tạo, tạo ra sản phẩm mới; hoặc sản phẩm cũ nhưng có điểm khác nổi trội, ưu việt hơn so với những sản phẩm, dịch vụ đã từng có trên thị trường và được phát triển nhanh chóng vượt bậc”. Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 thì Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Startup ecosystem): bao gồm các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và các chủ thể hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, trong đó có chính sách và luật pháp của nhà nước (về thành lập doanh nghiệp, thành lập tổ chức đầu tư mạo hiểm, thuế, cơ chế thoái vốn, v.v.); cơ sở hạ tầng dành cho khởi nghiệp (các khu không gian làm việc chung, cơ sở – vật chất phục vụ thí nghiệm, thử nghiệm để xây dựng sản phẩm mẫu, v.v.); vốn và tài chính (các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư cá nhân, các ngân hàng, tổ chức đầu tư tài chính, v.v.); văn hóa khởi nghiệp (văn hóa doanh nhân, văn hóa chấp nhận rủi ro, mạo hiểm, thất bại); các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, các huấn luyện viên khởi nghiệp và nhà tư vấn khởi nghiệp; các trường đại học; các khóa đào tạo, tập huấn cho cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp; nhà đầu tư khởi nghiệp; nhân lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp; thị trường trong nước và quốc tế.
Cố vấn dẫn dắt khởi nghiệp (Startup Coach/Mentor): Cố vấn dẫn dắt khởi nghiệp là những cá nhân/nhóm có hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Họ không trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh và điều hành của các Startup, nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, định hướng, dẫn dắt, tư vấn các Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trong công tác thành lập, phát triển và điều hành.
Giảng viên khởi nghiệp (Trainers/Educators): Cố vấn dẫn dắt khởi nghiệp là những cá nhân/nhóm có hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Họ trực tiếp làm nhiệm vụ đào tạo, hướng dẫn, cung cấp kiến thức, kĩ năng, công cụ cần thiết cho các đối tượng khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nhà đầu tư thiên thần (Angel investor): là các nhà đầu tư cá nhân cung cấp vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp dưới dạng khoản vay có thể chuyển đổi thành cổ phần (convertible debt) hoặc mua cổ phần (ownership equity) của doanh nghiệp. Các nhà đầu tư thiên thần có thể đầu tư riêng lẻ hoặc tổ chức thành các câu lạc bộ/mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần để chia sẻ thông tin và cùng góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp. Các nhà đầu tư thiên thần cũng có thể đầu tư qua mạng thông qua các quỹ đầu tư gọi vốn từ cộng đồng (equity-based crowdfunding).
Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (Business Incubator): là các tổ chức có chức năng hỗ trợ cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp để họ đi từ bước có ý tưởng ĐMST đến hoàn thiện công nghệ hoặc một mục đích nhất định của cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp đó (ví dụ, mục đích gọi vốn, đổi mới công nghệ, v.v.). Quá trình ươm tạo có thể kéo từ vài tháng đến vài năm. Thông thường, các cơ sở ươm tạo hỗ trợ dưới hình thức tư vấn, cung cấp cơ sở vật chất – kỹ thuật (ví dụ: phòng thí nghiệm, thử nghiệm, không gian làm việc). Các cơ sở ươm tạo thường thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu và sử dụng ngân sách nhà nước để hoạt động.
Tổ chức thúc đẩy kinh doanh (Business Accelerator): là tổ chức có chức năng hỗ trợ cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp để họ có thể tiếp cận được nguồn vốn đầu tư từ các quỹ ĐTMH. Một quy trình hỗ trợ khởi nghiệp của các BA thường kéo dài từ 3 đến 4 tháng. BA thường chỉ nhận hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp có công nghệ hoàn chỉnh hoặc có ý tưởng sáng tạo nhưng không mất nhiều thời gian để hoàn thiện công nghệ (ví dụ các ý tưởng về thương mại điện tử). Hoạt động của BA cũng có thể coi là hoạt động “hậu ươm tạo” (sau khi nhóm khởi nghiệp đã được hỗ trợ qua cơ sở ươm tạo). BA thường cung cấp hỗ trợ dưới dạng tư vấn, khu không gian làm việc chung và đặc biệt là cấp vốn mồi để đổi lấy một phần sở hữu của doanh nghiệp khởi nghiệp.
Quỹ ĐTMH (Venture Capital Fund – VC): là những quỹ đầu tư được ủy thác để quản lý tiền của các nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào những doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp NVV nhưng có tiềm năng phát triển nhanh. Những khoản đầu tư của các quỹ ĐTMH thường từ vài trăm ngàn đến vài triệu, chục triệu USD. Quỹ ĐTMH thường đầu tư vào giai đoạn khi doanh nghiệp khởi nghiệp đã chứng minh được nhu cầu thị trường và doanh thu bắt đầu tăng đều. Tuy nhiên, cũng có những quỹ ĐTMH đầu tư vào giai đoạn ban đầu khi doanh nghiệp khởi nghiệp đang phát triển công nghệ, bắt đầu đưa thử sản phẩm ra thị trường và có thể chưa có doanh thu. Quỹ ĐTMH kiếm được lợi nhuận khi doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và phát hành cổ phiếu lần đầu trên sàn giao dịch chứng khoán (IPO) hoặc khi doanh nghiệp khởi nghiệp trưởng thành và bán lại cho một doanh nghiệp khác với giá trị cao. Thường một chu kỳ đầu tư của quỹ ĐTMH kéo dài từ 5-7 năm.
Sàn gọi vốn cộng đồng (crowdfunding): là hình thức gọi vốn mới cho phép các nhà đầu tư thiên thần, người hảo tâm có thể đầu tư hoặc hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp thông qua các quỹ đầu tư online. Điểm thuận lợi là thông tin của một dự án khởi nghiệp sẽ được đưa đến cho rất nhiều nhà đầu tư, người hỗ trợ và ngược lại, nhà đầu tư, người hỗ trợ cũng có thể tiếp cận được rất nhiều dự án tiềm năng cùng một lúc. Hơn nữa, đầu tư qua mạng cho phép nhà đầu tư có thể đầu tư ở mọi lúc, mọi nơi. Ví dụ, một dự án khởi nghiệp của Việt Nam hoàn toàn có thể gọi được đầu tư một cách nhanh chóng từ các nhà đầu tư ở châu Âu và Hoa Kỳ. Có 03 loại hình sàn gọi vốn cộng đồng là: sàn gọi vốn vay (loan-based crowdfunding), sàn gọi vốn đầu tư (equitybased crowdfunding) và sàn gọi vốn dưới dạng phần thưởng (reward-based crowdfunding).
Khu tập trung dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là khu vực địa lý cận kề, trong đó, có các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ cho cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, bao gồm: khu làm việc chung (co-working space), các đơn vị tư vấn, hỗ trợ, ươm tạo, thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST, văn phòng đại diện các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST,…nhằm mục đích kết nối, hỗ trợ tối đa nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Trong các khu tập trung dịch vụ này, thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội thảo, tọa đàm,… để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, đồng thời, triển lãm sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST nhằm thu hút các nguồn đầu tư trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện cụ thể của các quốc gia, chính sách đặc thù dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có thể được phép thử nghiệm tại đây.
Sự kiện khởi nghiệp ĐMST có thể bao gồm các hoạt động như sau: tọa đàm, hội thảo, hội thảo khoa học về khởi nghiệp ĐMST; triển lãm, trưng bày các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; các cuộc thi ý tưởng, dự án, thi thuyết trình, gọi vốn đầu tư, thi kỹ năng đặc thù, … của cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; hoạt động kết nối đầu tư – doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; hoạt động kết nối cố vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp – doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; hoạt động kết nối nhân lực cho khởi nghiệp ĐMST và các hoạt động khác./.
Lê Anh