Khởi nghiệp – Mọi thành công, thất bại đều là một quá trình học hỏi
Nội Dung Chính
Guest speaker Jimmy Phạm – Xin đừng bao giờ nghĩ rằng bất cứ điều gì làm là thành công, là thất bại, mọi thứ đều là một quá trình học hỏi
Jimmy Pham – Người đàn ông đã xây dựng nên KOTO – Một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội đầu tiên tại Việt Nam khi mới 24 tuổi. Câu chuyện khởi nghiệp xã hội này đã được chính ông chia sẻ với sinh viên Swinburne Việt Nam trong buổi học trải nghiệm với chủ đề “Khởi nghiệp với doanh nghiệp xã hội.”
Hãy tin bạn có thể thay đổi thế giới, quan trọng bạn phải đủ điên rồ và dũng cảm
Trong suốt hơn 20 năm khởi nghiệp và điều hành DNXH KOTO, Jimmy Phạm đã giúp đỡ hàng ngàn mảnh đời khó khăn có được một tương lai tươi sáng hơn và có được một doanh nghiệp lớn mạnh.
Khi chia sẻ về bí quyết khởi nghiệp của mình, ông đã khuyên các bạn sinh viên Swinburne Việt Nam cần sáng tạo, khác biệt và là chính mình. Ông khuyên các bạn hãy tham khảo ý kiến của mọi người. Ngay cả khi 10 người nói rằng đó là một ý tưởng tồi, và chỉ một người nói đó là một ý tưởng tốt, hãy làm theo một người đó nếu bạn đủ tự tin và dũng cảm.
Ông muốn các bạn trẻ hãy trở thành kẻ điên rồ mà Steve Jobs thường nói đến trong câu nói của ông ấy, bởi vì đó là niềm tin rằng bạn có thể thay đổi thế giới và quan trọng là bạn đủ điên rồ và dũng cảm để làm theo đuổi sứ mệnh của mình.
Tham khảo thêm: Ngành Kinh doanh là gì? Xu hướng nghề nghiệp của ngành kinh doanh
Xin đừng bao giờ nghĩ rằng bất cứ điều gì là thành công, là thất bại, mọi thứ đều là một quá trình học hỏi
Trong suốt 22 năm điều hành KOTO, Jimmy Phạm đã không ít lần có những quyết định sai lầm. Nhưng đối với ông, con người không ai không mắc sai lầm, bạn có thể sử dụng sự tập trung và niềm đam mê của mình để tiếp tục hành trình hay không mới là điều quan trọng. Nếu làm được điều này, bạn sẽ đến được đích và có được những bài học cho cuộc đời mình.
Doanh nhân chia sẻ, thời gian đầu, không ai tin vào ý tưởng của ông có thể thành công. Bằng niềm tin và quyết tâm của mình, ông đã dùng những gì bản thân và gia đình có để chứng minh tiềm năng. Sau vài năm hoạt động tốt, doanh nghiệp của ông mới có thể nhận được tài trợ từ đại sứ quán và các tổ chức khác.
“Trong bất kỳ hoạt động kinh doanh bình thường nào, cho dù đó là hoạt động xã hội hay không, đều phải mất hai năm hoặc ba năm để xây dựng một doanh nghiệp. Vì vậy, bạn phải rất kiên nhẫn, và bạn phải xây dựng nó. Và đừng mong đợi bạn biết trước mọi thứ vì sẽ luôn có rủi ro liên quan. Đó là lý do tại sao bạn không được tin tưởng trong những bước đầu tiên khởi nghiệp. Xin đừng bao giờ nghĩ rằng bất cứ điều gì là thành công, là thất bại, mọi thứ đều là một quá trình học hỏi”, Jimmy Phạm chia sẻ.
Doanh nghiệp xã hội không có nghĩa là không vì lợi nhuận
“Nhiều bạn trẻ nhầm tưởng rằng doanh nghiệp xã hội là phải đưa toàn bộ doanh thu vào việc làm từ thiện. Doanh nghiệp xã hội về cơ bản là doanh nghiệp làm điều gì đó tốt cho cộng đồng, sử dụng mô hình kinh doanh để giải quyết một vấn đề nào đó của xã hội, họ có thể vì lợi nhuận, miễn là 51% mang lại lợi ích trực tiếp hay gián tiếp cho cộng đồng”. Jimmy Phạm chia sẻ.
Xem thêm: Quản trị kinh doanh tiếng Anh là gì? Tổng hợp những từ chuyên ngành của bộ môn quản trị kinh doanh
Bạn vẫn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn và có tài sản riêng của mình từ doanh nghiệp xã hội. Chủ doanh nghiệp xã hội có thể có một cuộc sống ổn định, thông qua công việc của mình và đồng thời trở thành một phần của việc giải quyết các vấn đề xã hội trong cộng đồng.
Vì vậy, bạn có thể làm điều có ích cho xã hội ngay bây giờ, không nhất thiết phải chờ tới lúc về hưu, dư giả tài chính mới làm được những điều này, miễn là bạn hiểu điều đó. Bạn có thể khiến cho cộng đồng con người tốt hơn, xã hội tốt hơn và thế giới này tốt hơn.