Khơi dậy tính sáng tạo của học sinh qua Cuộc thi Khoa học kỹ thuật – Báo Cao Bằng điện tử

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2022 – 2023 là sân chơi mang ý nghĩa lớn đối với học sinh, giúp khơi dậy tính sáng tạo về KHKT, tạo nên phong trào nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào đời sống hằng ngày.

Ban Tổ chức trao giải cho các thí sinh đạt giải.

Tham gia cuộc thi năm nay có 100 mô hình, dự án, trong đó có 46 dự án cấp THCS, 54 dự án cấp THPT. Các mô hình, dự án dự thi được tuyển chọn kỹ từ cuộc thi cấp huyện, Thành phố; các dự án tham gia hầu hết đều hướng đến sự tiện lợi, giảm sức lao động của con người trong các hoạt động hằng ngày; các dự án có tính ứng dụng vào thực tiễn đời sống rất cao, như: Dự án “Hệ thống diệt khuẩn và khử mùi ống thoát hơi hầm cầu đa năng”, “Dàn bú sữa tự động cho lợn con mới sinh”, “Hệ thống hỗ trợ giám sát từ xa và cảnh báo cháy rừng tự động”, “Thiết bị hỗ trợ phòng, chống cận thị”…

Đến với cuộc thi lần này, học sinh có dự án, mô hình tham gia đều rất háo hức, bởi đây không chỉ là dịp để các em thể hiện khả năng sáng tạo của mình mà còn được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về phương pháp nghiên cứu, cách chọn đề tài, thể hiện đề tài… Ngoài ra, sự háo hức của các em nằm ở mục tiêu sẽ được tham dự cuộc thi sáng tạo KHKT dành cho học sinh trung học cấp toàn quốc năm 2023 nếu dự án của mình nằm trong tốp đầu của cuộc thi năm nay.

Trò chuyện với nhóm tác giả Dự án “Một số giải pháp nâng cao nhận thức cho học sinh Trường THPT Nguyên Bình về việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật hát Then, đàn tính”, thí sinh Nông Việt Hoàng, đơn vị Trường THPT Nguyên Bình, trưởng nhóm dự án chia sẻ: Trong xã hội hiện đại ngày nay, thế hệ trẻ không còn yêu thích những loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật đàn tính, hát Then nói riêng. Vì vậy, nhóm em thực hiện dự án khoa học xã hội và hành vi nhằm đề xuất một số giải pháp tác động, góp phần giúp các bạn học sinh của trường chuyển biến nhận thức về trách nhiệm, vai trò của bản thân trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị đặc sắc, nét đẹp văn hóa của nghệ thuật hát Then, đàn tính để nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Then, đàn tính của dân tộc Tày, Nùng. Mong muốn sau cuộc thi, các bạn sẽ có thêm hiểu biết về nghệ thuật hát Then, đàn tính và có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này. Bản thân em cũng học hỏi được cách thuyết trình, làm việc nhóm và kinh nghệm từ các bạn cùng tham gia cuộc thi.

Nhằm định hướng cho một số bạn trẻ làm việc trong ngành du lịch tỉnh về nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch tỉnh, đồng thời có thể giải quyết được vấn đề việc làm cho người dân địa phương, nhóm học sinh Trường THPT Chuyên chọn Dự án “Hướng nghiệp về ngành du lịch cho học sinh THPT tỉnh Cao Bằng”, đây cũng là dự án đạt giải nhất tại cuộc thi.
Thí sinh Hoàng Thùy Dung, học sinh Trường THPT Chuyên, tác giả của dự án cho biết: Ngành du lịch có nhiều tiềm năng để bản thân em có thể phát triển cũng như có cơ hội tìm việc làm. Tuy nhiên về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch tại tỉnh chưa thực sự đáp ứng theo sự phát triển hiện nay. Việc lựa chọn Dự án “Hướng nghiệp về ngành du lịch cho học sinh THPT tỉnh Cao Bằng” góp 1 lời giải cho bài toán nhân lực của ngành du lịch tại tỉnh.

Khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải là dự án có tính mới, nhiều bạn học sinh chưa tiếp cận được. Về mặt chuyên môn và kinh nghiệm còn nhiều hạn chế, tuy nhiên khi thực hiện dự án, các em được các thầy, cô giáo, Ban Giám hiệu nhà trường ủng hộ, động viên. Thực hiện dự án đó góp phần thay đổi nhận thức của học sinh về ngành du lịch nói chung và ngành du lịch Cao Bằng nói riêng, các bạn có sự chủ động tìm kiếm thông tin về ngành du lịch thông qua nhiều kênh khác nhau, nhận thấy bản thân có những khả năng phù hợp với ngành du lịch. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, các thí sinh nhận được ý kiến đóng góp từ các chuyên gia làm trong lĩnh vực du lịch.

Thí sinh Nông Thị Tuyết, đơn vị Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, nhóm tác giả Dự án “Tác động của du lịch cộng đồng đến đời sống đồng bào dân tộc Lô Lô ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc” đạt giải nhất bộc bạch: Tham gia cuộc thi, bản thân em tích lũy được rất nhiều kiến thức để trả lời các câu hỏi của Ban Giám khảo một cách bình tĩnh, tự tin để đạt kết quả tốt nhất. Qua cuộc thi, em học hỏi được nhiều kinh nghiệm và kiến thức từ các mô hình của đơn vị bạn để trau dồi thêm kỹ năng, sự hiểu biết của bản thân. Dự án đã đánh giá được tác động tích cực đến đời sống kinh tế – xã hội, môi trường của đồng bào dân tộc Lô Lô. Từ đó tìm ra được giải pháp phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững.

Mỗi năm một lần, sân chơi lớn về KHKT được mở ra để tạo đà cho các khám phá, nghiên cứu khoa học của học sinh trung học. Với sân chơi thiết thực này, học sinh có thể thỏa sức tìm tòi, sáng tạo. Qua đó, ứng dụng có hiệu quả những lý thuyết được học trên ghế nhà trường vào cuộc sống, giúp ích rất nhiều cho người dân trong đời sống hằng ngày, nhất là trong lao động, sản xuất.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức cuộc thi, các dự án phong phú về thể loại với nhiều lĩnh vực khác nhau từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội. Các dự án rất đa dạng, phong phú, đa lĩnh vực gắn với nhu cầu thực tiễn cuộc sống, nhu cầu học tập của học sinh, nhất là trong xu thế hiện nay. Một số dự án có nhiều ý tưởng mới và sáng tạo, có kế hoạch nghiên cứu công phu, hợp lý, chặt chẽ, có phương pháp nghiên cứu tốt, biết cách làm tốt một báo cáo khoa học và giải quyết khá thấu đáo mục tiêu đề ra. Nhiều em rất tự tin, trình bày rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, phối hợp làm việc nhịp nhàng…