Khoáng sản là gì? các loại khoáng sản & vai trò của chúng
Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên phong phú, gồm có: nước, đất, sinh vật, rừng,… Trong đó, khoáng sản đóng vai trò cực kỳ quan trọng và có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển về kinh tế – xã hội của đất nước. Vậy khoáng sản là gì? Mời bạn đọc cùng tham khảo và tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Khoáng sản là gì?
Khoáng sản là kết quả tạo thành các khoáng vật của lớp vỏ Trái Đất. Đó là những dạng vật chất gần gũi và đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống thường ngày của con người như: than đá, dầu khí, vàng,….
Căn cứ vào Luật khoáng sản 2010, điều 2, khoản 1 quy định như sau: “Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.”
Bài viết tham khảo: SOP là gì? Tìm hiểu về quy trình thao tác chuẩn SOP
Hoạt động khoáng sản là gì?
Hoạt động khoáng sản được chia thành:
– Điều tra cơ bản địa chất khoáng sản: Là hoạt động điều tra, nghiên cứu về lịch sử hình thành, thành phần vật chất của vỏ Trái Đất cũng như các điều kiện liên quan để đánh giá tiềm năng khoáng sản. Từ đó, làm căn cứ khoa học cho hoạt động thăm dò khoáng sản.
– Thăm dò khoáng sản: Đây là hoạt động nhằm xác định số lượng, chất lượng và nhiều thông tin khác phục vụ cho hoạt động khai thác.
– Khai thác khoáng sản: Là hoạt động thu hồi khoáng sản trong tự nhiên để phục vụ cho các mục đích cụ thể của con người. Nó bảo gồm nhiều hoạt động liên quan như: xây dựng hầm mỏ, đào, phân loại,…
Các loại khoáng sản
Phân loại theo công dụng
Theo công dụng, khoáng sản được chia thành các loại sau:
– Khoáng sản năng lượng: Điển hình như khí đốt, dầu mỏ, than đá, than bùn,… được sử dụng làm nhiên liệu cho ngành công nghiệp năng lượng hoặc công nghiệp hóa chất.
– Khoáng sản kim loại: Được chia thành ba nhóm chính là:
-
Kim loại đen: Ví dụ như crom, sắt, titan,… được sử dụng trong ngành công nghiệp luyện kim đen để sản xuất, chế tạo ra thép, gang,…
-
Kim loại màu, điển hình như kẽm, đồng, chì,.. phục vụ cho ngành công nghiệp luyện kim màu để sản xuất ra đồng, kẽm chì,…
-
Kim loại quý như kim cương, vàng, các loại đá quý,… được ứng dụng làm trang sức.
– Khoáng sản phi kim loại: Điển hình như đất sét, đá vôi, cát, sỏi,…. được ứng dụng để sản xuất ra đồ gốm sứ, vật liệu xây dựng,…
– Thủy khoáng: Ví dụ như nước khoáng, nước ngọt ở dưới lòng đất,…
– Nguyên liệu khoáng – hóa: Gồm có apatit và nhiều loại muối khoáng như: barit, photphat,…
Dựa theo trạng thái vật lý
Được chia thành:
– Khoáng sản rắn: Ví dụ như các quặng kim loại,…
– Khoáng sản lỏng: nước khoáng, dầu mỏ,…
– Khoáng sản khí: điển hình như khí trơ, khí đốt,…
Vai trò của tài nguyên khoáng sản là gì?
Tuy không có vai trò quyết định trực tiếp đến sự tồn tại, phát triển của nhân loại như các tài nguyên đất, nước, không khí,… nhưng khoáng sản cũng là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển xã hội. Xét trên phương diện chủ quan, con người vẫn có thể tồn tại được mà không cần có khoáng sản. Xét trên phương diện chung, một xã hội sẽ không thể phát triển bền vững và toàn diện nếu như không có bất kỳ tài nguyên khoáng sản nào.
Tầm quan trọng của khoáng sản được thể hiện ở các khía cạnh sau:
– Với hoạt động kinh tế: Khoáng sản được xem là nguồn nguyên liệu quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp như: sắt dùng trong ngành luyện kim, đá vôi dùng để sản xuất xi măng và nhiều vật liệu xây dựng khác,… Khí gas, dầu mỏ, than,… là nguồn năng lượng thiết yếu cho nhiều ngành công nghiệp quan trọng cũng như phục vụ sinh hoạt thường ngày của con người. Bên cạnh đó, nước nóng, nước khoáng thiên nhiên là nguồn tài nguyên giúp bảo vệ sức khỏe con người.
Hơn nữa, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản còn được xem là ngành chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế của nhiều quốc gia, điển hình như: Chile (khai thác đồng), Ucraina (than đá),…
– Với hoạt động chính trị: Khoáng sản góp phần không nhỏ giúp tăng tính độc lập và tự chủ cho mỗi quốc gia. Trong nhiều trường hợp, nó còn tạo ra các ảnh hưởng lớn về mặt chính trị của quốc gia này đối với các quốc gia khác, nhất là các quốc gia không có hoặc có ít tài nguyên khoáng sản.
Các tài nguyên khoáng sản Việt Nam có trữ lượng lớn
Dầu khí
Đứng đầu trong danh sách các loại khoáng sản có trữ lượng lớn không thể bỏ qua dầu mỏ. Vùng biển nước ta có chiều dài lên đến 1 triệu km2; trong đó có đến 500.000 km2 là tiềm năng dầu khí. Theo các chuyên gia, nguồn tài nguyên này tập trung chủ yếu ở các khu vực như: biển Nam Côn Sơn, biển Trường Sa, đồng bằng sông Cửu Long,…
Theo ước tính, các nhà máy có thể khai thác khoảng 30 – 40 nghìn thùng/ ngày, tương đương với khoảng 20 triệu tấn mỗi năm.
Than đá
Việt Nam là quốc gia có trữ lượng than đá lớn. Hiện nay, các mỏ khoáng sản than thường tập trung chủ yếu tại các khu vực như: sông Đà, Thái Nguyên, Quảng Ninh,…
Apatit
Nguồn tài nguyên này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Apatit được ứng dụng phổ biến trong ngành sản xuất phân bón. Các mỏ quặng apatit Việt Nam tập trung nhiều nhất ở Lào Cai và được chia thành 4 loại khác nhau:
– Quặng loại 1: Đây là quặng đơn khoáng có hàm lượng P2O5 chiếm khoảng 28 – 40%.
– Quặng loại 2: Có hàm lượng P2O5 chiếm khoảng 18 – 25%.
– Quặng loại 3: Đây là quặng apatit thạch anh với hàm lượng P2O5 chiếm khoảng 12 – 20%.
– Quặng loại 4: Là quặng apatit thạch anh dolomit có hàm lượng P2O5 chiếm khoảng 8 – 10%.
Đất hiếm
Đây là loại khoáng sản có trữ lượng ít nhất trong lớp vỏ Trái Đất. Tại nước ta, đất hiếm tập trung chủ yếu tại khu vực Tây Bắc và vùng ven biển của các tỉnh miền Trung (dạng cát đen).
Trong sản xuất, đất hiếm là nguồn nguyên liệu quan trọng được dùng để sản xuất ra phân bón vi lượng, nam châm vĩnh cửu và đèn cathode. Tuy nhiên, loại khoáng sản này cũng chứa một số nguyên tố độc hại nên quá trình khai thác phải được thực hiện bài bản.
Đá vôi
Đây là nguyên liệu chính để sản xuất ra xi măng, phục vụ cho ngành xây dựng. Bên cạnh đó, đá vôi còn được ứng dụng trong các ngành như sản xuất thủy tinh, luyện kim, sản xuất hóa chất,…
Tại Việt Nam, đá vôi được phân bổ chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam.
Quặng Titan
Việt Nam có nguồn tài nguyên titan khá phong phú và được chia thành 2 loại chính:
-
Titan trong gốc đá phân bố chủ yếu ở Phú Lương và Thái Nguyên.
-
Titan sa khoáng tập trung nhiều ở các tỉnh ven biển từ Móng Cái đến Vũng Tàu.
Bài viết tham khảo: Bằng PhD là gì? Sự khác nhau giữa PhD Candidate & PhD Student
Trên đây là thông tin giải đáp thắc mắc khoáng sản là gì, tác dụng cũng như cách phân loại khoáng sản. Nếu bạn có góp ý thêm cho bài viết, hãy để lại bình luận vào dưới bài viết cho chúng tôi biết nhé!
5/5 – (5 bình chọn)