Khoa học về con người

Nguyễn Anh Quốc1

 

Tóm tắt: Trong lịch sử, nghiên cứu về con người là chưa thật khoa học. Việc giải thích nguồn gốc của loài người rất có ý nghĩa trong cuộc đấu tranh với những tư tưởng xa lạ con người hiện thực. Đời sống sinh động cần phải được giải quyết về mặt thực tiễn là tiền đề nghiên cứu của khoa học. Khoa học tự nhiên làm rõ những hạn chế của những lý thuyết siêu hình về con người, đồng thời đặt cơ sở, nền tảng cho khoa học xã hội và nhân văn nghiên cứu con người. Khoa học tự nhiên có nhiệm vụ cải tạo thế giới thành những sản phẩm; khoa học xã hội có chức năng biến đổi sản phẩm thành con người; khoa học nhân văn đưa con người hiện thực trở thành nhu cầu của tất cả. Khoa học về con người là khoa học chân chính.

Từ khóa: Con người, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên.

Phân loại ngành: Triết học

 

Abstract: During the course of history, research on humans has not been really scientific. The interpretation of the origin of mankind is very significant in the struggle with the ideas that are distant from humans of reality. The vivid life being addressed practically is the precondition of research  for  science.  Natural  sciences  make  clear  the  limitations  of  metaphysical  theories  on humans, while laying the foundations for social sciences and humanities to study them. The former has the task of transforming the world into products; while the latter – social sciences – has the function of transforming products into people; and the humanities make humans of reality become the needs of all. The science of humans is the true science.

Keywords: Humans, social sciences and humanities, natural sciences. 

Subject classification: Philosophy

 

1. Mở đầu

Vấn đề con người và cuộc sống con người, như  bản  chất,  vị  trí,  vai  trò,  giá  trị  con người trong thế giới; đặc biệt là vấn đề giải phóng con người; xây dựng và phát triển hoàn thiện con người, đưa con người “từ vương quốc tất yếu sang vương quốc của tự do” [1, tr.393] luôn là vấn đề được nhân loại quan tâm. Nó được nhiều ngành khoa học nghiên cứu với những tri thức phong phú đa dạng, ở những góc độ khác nhau. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc chia tách con người  thành  các  yếu  tố,  các  bộ  phận  để nghiên cứu sẽ không tránh khỏi sự phiến diện,  thiếu  triệt  để  trong  sự  nghiệp  giải phóng con người. Khác với khoa học cụ thể ấy, với tính cách là thế giới quan và phương pháp luận chung nhất, triết học nghiên cứu con người một cách khái quát, căn bản; nó cho các khoa học cụ thể có phương pháp luận trong việc nghiên cứu con người.

Trong lịch sử “con người luôn luôn tạo ra cho mình những quan niệm sai lầm về bản thân, về mình hiện nay đang là như thế hoặc sau này sẽ là như thế nào” [1, tr.24]. Con người được xây dựng theo khuôn mẫu, chuẩn mực cho trước ấy. Họ chưa thấy hoạt động thực tiễn của con người gắn liền với nhu cầu một cách toàn diện trong mối liên hệ với nhau. Nếu từ bỏ mọi nhu cầu là để không còn ham muốn nữa thì không còn ham muốn là đang thực hiện những điều không cần thiết làm. Thực hiện những điều không cần thiết làm là thừa, vì nó không mang giá trị hiện thực nào. Người ta chỉ có nhu cầu thiết thực là có nhu cầu không vô ích. Từ bỏ nhu cầu vô ích không có nghĩa là thất  bại  mà  vì  không  thèm  ăn  thua  với những  điều  vô  nghĩa.  Đạt  được  nhu  cầu không  vô  nghĩa  là  việc  làm  có  ý  nghĩa. Những điều có thể làm được nhưng lại phải dằn lại theo khuôn mẫu, chuẩn mực, điều răn, giới luật một cách khó hiểu là phi lý. Những nhu cầu hiện thực trở thành không có nhu cầu trong sự tưởng tượng của con người, biến sự tưởng tượng ấy trở thành khát vọng làm cho toàn bộ hiện thực sinh sống thành những thứ xa lạ, đối địch với con người. Cái xa lạ con người lại được xem là những thứ cao quý mà mục đích, trách nhiệm đời sống vươn tới để tôn thờ nó. Phụ thuộc vào những nhu cầu tưởng tượng đã trở thành nô lệ, làm đau khổ cho tất cả. Khi xây dựng con người căn cứ vào khuôn mẫu, chuẩn mực ấy thì con người đã trở nên khó hiểu khi làm được điều muốn nhưng không làm; điều không thích lại làm; không làm được vẫn làm; nghĩ những điều nên  nhưng  không  làm;  biết  những  điều không nên lại làm… Trong lịch sử người ta kêu  gọi  sự  tha  thứ  cho  nhau  nhưng  lại không buông tha cho tất cả chúng ta cái tên con người thánh thiện theo những khuôn mẫu, chuẩn mực một cách khó hiểu này. Có thể nói, do những chế định của lịch sử, các nhà tư tưởng trước C.Mác chưa đưa ra được những quan điểm, phương pháp luận nghiên cứu con người một cách khoa học.

2. Cở sở nghiên cứu con người

Việc nghiên cứu con người hiện thực sinh sống về mặt lý luận cũng rất cần thiết phải làm rõ nguồn gốc vì nó có ý nghĩa trong việc chống lại quan niệm sai lầm về con người.  Nguồn  gốc  con  người  hiện  thực được giải thích bằng câu hỏi “ai đẻ ra cha tôi?  ai  đẻ ra ông của cha tôi?  v.v…” [3, tr.181].  Câu  hỏi  được  đặt  ra  chỉ  diễn  ra trong tư duy, sự phiến diện trong nhận thức mà chưa xem xét từ quá trình biến đổi theo chu kỳ phủ định, trong mối liên hệ của quá trình  vận  động  tự  nhiên  của  con  người. Nhưng sự sinh sản ấy không diễn ra trong tư duy một cách tưởng tượng mà là quá trình tự nhiên của “sự vận động tuần hoàn được  đem  lại  một  cách  cảm  tính  cụ  thể trong sự tiến lên vô tận ấy, – sự vận động tuần hoàn mà vì thế con người lặp lại bản thân mình trong việc sinh con đẻ cái và do đó con người bao giờ cũng vẫn là chủ thể” [3, tr.181]. Con người xuất hiện là kết quả tự nhiên, mà ở đó vận động tự nhiên hay hoạt động xã hội thì con người vẫn là sản phẩm được sản xuất ra. Đứa trẻ bao giờ cũng được thừa hưởng vừa về mặt sinh học, di truyền nhưng nó vừa là thành quả của cha  mẹ,  nên  nó  là  sản  phẩm  được  thừa hưởng từ cha mẹ cả yếu tố tự nhiên và hoàn cảnh xã hội. Hiện tượng này là một tất yếu, không cần phải giải thích về lý do sự xuất hiện của đứa trẻ. Nếu việc xuất hiện đứa bé bằng sinh sản vô tính, rồi những thành tựu khoa học tiến bộ hơn thì ngay cả việc xuất hiện bằng những phát minh mới đi nữa thì việc xuất hiện con người cũng không thể giải thích có nguồn gốc bắt đầu từ sự tưởng tượng về bản thân nó. Con người vẫn là sản phẩm của tự nhiên và xã hội. Khoa học tự nhiên có nhiệm vụ nghiên cứu làm cho thế giới thành những sản phẩm của thời đại; khoa  học  xã  hội  có  chức  năng  làm  cho những  sản  phẩm  ấy trở  thành  con  người sinh sống hiện thực, còn khoa học nhân văn giáo  hóa  con  người  ấy  trở  thành  chính mình. Khi sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên thì con người làm nô lệ cho tất cả. Khi sản xuất ra xã hội thì thế giới tự nhiên là sản phẩm của con người, còn khi cá nhân được sáng tạo ra bởi chính bản thân mình thì con người là chủ thể chân chính của lịch sử. Tất cả quá trình sản xuất và sáng tạo này, con người không phải tùy tiện, mà dựa trên những điều kiện, tiền đề được khoa học tự nhiên làm rõ để đáp ứng các nhu cầu hiện thực của con người. Các khoa học xã hội và nhân văn theo đó mà nghiên cứu những  quy  luật  sáng  tạo,  sản  xuất  nói chung, tức nghiên cứu con người là nhu cầu của con người.

Về mặt nhận thức thì “ai đẻ ra con người đầu tiên và tự nhiên nói chung” [3, tr.181]. Do câu hỏi được xem xét ở góc độ nhận thức luận siêu hình, mà chưa xuất phát từ tính hiện thực của nó nên câu hỏi đó chỉ “là sản phẩm của sự trừu tượng”. Xuất phát từ sản phẩm tưởng tượng, cái phi hiện thực, tức cái trong tư duy thì câu hỏi ấy là không thực tế, không nghiêm túc về khoa học, nên không  cần  trả  lời,  “bởi  vì  nó  hoàn  toàn không  đúng”,  nó  không  giúp  ích  gì  cho những nhu cầu hiện thực của con người. Chẳng hạn khi giả định trái đất không tồn tại là sự tưởng tượng, phi hiện thực về trái đất. Câu hỏi có trái đất hay không trở nên thừa, mất hết ý nghĩa. Sự tồn tại của trái đất là  tiền  đề  nghiên  cứu  nó,  không  bác  bỏ được mà cũng chẳng cần chứng minh về sự tồn  tại  của  trái  đất.  Các  khoa  học  cũng không cần phải tranh luận có trái đất hay không. Nhưng sự sáng tạo của khoa học tự nhiên là ở chỗ nếu không có trái đất thì con người có thể sống được không, nếu sống được thì bằng những cái gì và những thứ đó nó thế nào, làm bằng cách nào để tạo ra chúng; còn sự sáng tạo của khoa học xã hội và nhân văn phải trên cơ sở thành tựu khoa học tự nhiên để làm rõ sống bằng cách nào, thế nào nên sống, sống ở đâu và khi nào không nên, tức làm rõ con người hiện thực cần có nhau khi nào, ở đâu, cư xử với nhau như thế nào để con người trở thành nhu cầu của tất cả đời sống.

Các khoa học tự nhiên có thể giả định trái đất không tồn tại để sáng tạo nhưng không thể giả định con người không tồn tại để sáng tạo. Nếu giả định con người không sống thì mọi sự sáng tạo của con người là không có và sự sáng tạo ấy cũng chẳng để làm gì. Khoa học chân chính cũng không giả định con người chết đi thì thế giới ấy là gì. Cái chết xét cho cùng vẫn là sản phẩm của tự nhiên, còn nếu chết là của sự sáng tạo, hoặc được sản xuất ra thì cái chết cũng sẽ là nhu cầu của con người. Nhưng con người có nhu cầu sống chứ không có nhu cầu chết. Nếu cố gắng giả định về sự sống sau khi chết để nghiên cứu con người thì chỉ có những suy nghĩ liên quan đến tôn giáo mới tưởng tượng ra được. Những suy nghĩ về sự hủy diệt sinh sống của nhân loại mới bàn về thế giới sẽ sống sau khi chết, bởi vì nó đã, đang được chuẩn bị trong suy nghĩ để thực hiện cái chết cho cả nhân loại. Nếu đằng sau cái chết là sự vĩnh cửu thì có lẽ chẳng ai muốn sống nữa. Khi đó, mọi thứ tồn tại trở nên thừa, tất cả khoa học không còn đối tượng để nghiên cứu nữa. Không có khoa học nào lại đặt câu hỏi nếu sự sống con người không tồn tại thì vũ trụ thế nào. Khoa học nói chung không đặt câu hỏi  tại  sao  con  người phải  sống mà  tập trung giải quyết đời sống là gì, làm thế nào tạo ra nó, nên sống với nó thế nào, ở đâu, khi nào là có ý nghĩa. Tuy nhiên, đến nay sự lựa chọn cách sống rất cần thiết phải đặt câu hỏi tại sao phải lựa chọn cách này mà không lựa chọn cách khác, các khoa học lý luận vẫn tiếp tục có cơ sở, đối tượng để nghiên cứu. Khoa học lý luận có vai trò là chỉ cho con người không sai đường, lạc lối trong đời sống.

Khoa học lý luận, lý thuyết, cơ bản là hệ thống những nguyên tắc chung, phổ biến trong nhận thức về các sự vật, hiện tượng. Khoa học cơ bản có lịch sử xưa nhất cho đến nay được tách ra thành khoa học độc lập là triết học và toán học; nó trở thành phương pháp  luận  cho  lý thuyết  của  các khoa học khác. Những lý thuyết của các khoa học tự nhiên mà chưa phù hợp với toán học, hoặc toán học chưa đúng với các khoa học ấy thì lý thuyết của các khoa học đó được bổ sung cho phù hợp. Toán học luôn đúng trong lý thuyết của nó, nhưng lấy đó làm cơ sở cho việc xây dựng lý thuyết của những khoa học có liên quan. Khoa học xã hội và nhân văn không hoàn toàn tách khỏi khoa học tự nhiên, nó không hoàn toàn biệt  lập  với  các  khoa  học  cơ  bản  khác. Nhưng đời sống nói chung, con người nói riêng không thể đưa toàn bộ hoạt động của nó về các phép tính giản đơn. Ngày nay, triết học không chỉ là cơ sở lý thuyết cho các khoa học khác mà nó còn gắn với đời sống sinh động phong phú; nó không chỉ giải thích sự phong phú, đa dạng của hiện thực xã hội mà còn giải quyết những mâu thuẫn đời sống của mỗi cá nhân.

Toán  học  và  triết  học được  xây dựng trên những tiền đề nhất định, tức là hệ thống lý luận được thiết lập trên cơ sở những vấn đề được thừa nhận làm nền tảng, không phải chứng  minh,  cũng  chẳng  bác  bỏ  được. Xuyên suốt lịch sử của khoa học thì toán học cho đến nay vẫn chủ yếu có một hệ thống lý thuyết nhưng các lý thuyết triết học lại rất phong phú, đa dạng. Mỗi hệ thống lý thuyết của  triết  học  được  xây  dựng  trên  những tiền đề khác nhau, đó là những khái niệm, phạm trù, phán đoán… nhưng tất cả tiền đề này là những quan niệm về thế giới, về nhân sinh và nhận thức, dĩ nhiên, những tiền đề này không hoàn toàn do tưởng tượng mà có. Xuất phát từ những tiền đề ấy thì “Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau” [2, tr.20]. Nếu xuất phát từ lý thuyết khác nhau thì phương pháp nghiên cứu khoa học khác nhau. Phong phú trong cách tiếp cận khoa học như thế nào thì xét cho cùng, nó chỉ có một mục đích chung là giải phóng con người, đó là “vấn đề là cải tạo thế giới” [1, tr.20]. Khác với các triết học trong lịch sử, triết học C. Mác không xuất phát từ những tiền đề có tính chất thuần túy lý luận mà lấy con người hiện thực làm tiền đề xuất phát trong toàn bộ hệ thống triết học của mình. Con người hiện thực trở thành tiền đề trong toàn bộ hệ thống triết học C. Mác, đó là triết học cải tạo thế giới. Hệ thống triết học C. Mác không phải là phép tính cộng các phương pháp, tạo ra những tưởng tượng trong việc tiếp cận con người, mà là đơn giản hóa các phương pháp trong nghiên cứu con người, đó là triết học con người, khoa học về con người.

Việc đặt ra vấn đề nguyên nhân đầu tiên với mục đích cuối cùng của hiện tượng tự nhiên cũng như con người không phải là nhiệm vụ của khoa học về con người; nó không phải là đối tượng hiện thực của con người, mà qua đó, đối tượng hiện thực của con người là sáng tạo ra bản thân mình và tìm ra nguyên nhân để trở về đời sống làm người. Xét ở góc độ lý tính thuần túy cũng không thể giải thích, làm rõ nguyên nhân đầu tiên và kết quả cuối cùng của sự vận động các hiện tượng tự nhiên và con người.

Còn việc “đặt vấn đề về sự sáng tạo ra tự nhiên và con người, quan đó anh trừu tượng hóa con người và tự nhiên” [3, tr.181]. Việc đi tìm hiểu sự sáng tạo ra tự nhiên và con người trong trường hợp quá trình nhận thức đã “giả định con người và tự nhiên là không tồn tại, tuy nhiên anh muốn tôi chứng minh sự tồn tại của con người và tự nhiên cho anh” [3, tr.181] là vô lý. Việc chứng minh tự nhiên và con người tồn tại là không cần thiết về khoa học bởi tự nhiên, con người hiện thực là tiền đề, đối tượng nghiên cứu. Tự nhiên và con người không còn là đối tượng được giả định về sự tồn tại nữa. Khi từ bỏ những tưởng tượng, buông bỏ cái chỉ tồn tại trong tư duy thì lúc đó tự nhiên và con người sinh động như thế nào trong quá trình ấy. Hiện thực không phải chứng minh về  nguồn  gốc  con  người  bằng  sự  tưởng tượng của các lý thuyết siêu hình.

Khi nào còn tưởng tượng trong việc giải thích nguồn gốc tự nhiên và con người thì khi đó là sự cố chấp, sự ích kỷ, bảo thủ, đó sẽ là trước sau như một trong nhận thức và như thế cũng sẽ tưởng tượng mọi thứ không tồn tại, còn chỉ có bản thân mình là tồn tại.

C. Mác viết: “khi anh quan niệm con người và tự nhiên là không tồn tại thì anh hãy quan niệm cả bản thân anh cũng không tồn tại, vì anh cũng là tự nhiên và cũng là con người” [3, tr.182]. Còn nếu cứ đặt câu hỏi tại sao tự nhiên và con người lại tồn tại thì “việc trừu tượng hóa tồn tại của tự nhiên và của con người  mất  hết  mọi  ý  nghĩa”  [3,  tr.182], nghĩa là tự nhiên, con người không tồn tại thì suy nghĩ về nó là thừa. Nếu nhận thức về nguồn gốc con người “không giả định tự nhiên là không tồn tại” thì tất nhiên là “hành vi phát sinh của tự nhiên” chỉ còn đặt ra câu hỏi con người là gì, sinh sống của nó thế nào, tức “như người ta hỏi nhà giải phẫu về sự hình thành của xương cốt ở bào thai, v.v…” [3, tr.182].

Tiền đề nghiên cứu không phải là con người  thánh  thiện  theo  khuôn  mẫu  được tưởng tượng ra  mà  là  cá  nhân  muốn  trở thành cái mà bản thân nó có. Nghiên cứu con người “xuất phát từ những tiền đề hiện thực và không phút nào xa rời những tiền đề  ấy.  Những  tiền  đề  ấy  là  những  con người, không phải những con người ở trong một tình trạng biệt lập và cố định tưởng tượng” [2, tr.48] mà là những cá nhân trong quá trình phát triển. Cơ sở của việc nghiên cứu con người “phải bắt đầu bằng việc xác định tiền đề đầu tiên của mọi sự tồn tại của con người, và do đó là tiền đề của mọi lịch sử, đó là: người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể “làm ra lịch sử” [2, tr.50]. Muốn sống thì trước hết phải có ăn, uống, nhà ở… Mọi hành vi của con người được bắt đầu ở việc sản xuất ra những tư liệu sinh sống ấy nhằm thỏa mãn những nhu cầu bảo đảm quyền sống của con người, đó là “hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất trong những tư liệu để thoả mãn những nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất” [2, tr.40]. Hành vi của mọi lịch sử mà phải thực hiện hằng ngày, hằng giờ, chỉ nhằm để duy trì đời sống con người. Hành vi thứ hai là “đưa tới những nhu cầu mới; và sự sản sinh ra những nhu cầu mới này là hành vi lịch sử đầu tiên” [2, tr.40], và thứ ba sản xuất ra người khác bằng con đường sinh đẻ và nảy sinh sự giao tiếp giữa những con người. Ba hành vi này thống nhất với nhau trong quá trình lịch sử của con người hiện thực.

Việc nghiên cứu con người, “bản thân khoa học về con người là một sản phẩm của việc con người biểu hiện bản thân mình một cách thực tiễn” [1, tr.209], điều đó nó đòi hỏi  khái  quát  toàn  bộ  lịch  sử  nhân  loại. Nhưng “Tiền đề đầu tiên của toàn bộ lịch sử nhân loại thì dĩ nhiên là sự tồn tại của những cá nhân con người sống” [2, tr.29]. Những cá nhân sống được sinh thành và phát triển từ tự nhiên. Nó mang đầy đủ đặc tính của thế giới, con người là một bộ phận của giới tự nhiên. Lịch sử loài người là lịch sử của sự thống nhất giữa nguyên nhân và mục đích. Các khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn mà xa lạ với những tiền đề này trong nghiên cứu con người thì chỉ làm cho nó trở nên khó hiểu, và như thế thì phần còn lại của khoa học chỉ là sự tưởng tượng được giải thích bằng câu chữ với ngữ nghĩa của nó mà thôi.

Nếu  không  xuất  phát  từ  điều  kiện  tự nhiên của mỗi cá nhân làm tiền đề nghiên cứu con người thì sẽ trở nên không tưởng. Những tiền đề xuất phát nghiên cứu con người một cách khoa học “không phải là những tiền đề tùy tiện, không phải là giáo điều;  đó  là  những  tiền  đề  hiện  thực  mà người ta chỉ có thể bỏ qua trong trí tưởng tượng thôi. Đó là những cá nhân hiện thực” [2, tr.28-29]. Tiền đề ấy là cơ sở cho các khoa học nghiên cứu về con người. Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn nghiên cứu sự vận động của tự nhiên, sự tha hóa của những hành vi lịch sử đầu tiên ấy, qua đó làm rõ quá trình phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, nhà nước, tôn giáo, đảng phái, nghệ thuật, pháp luật, văn hóa, truyền thống, đạo đức…

3. Quan hệ giữa khoa học tự nhiên với khoa  học  xã  hội  và  nhân  văn  trong nghiên cứu con người

Lý thuyến siêu hình về con người còn thống trị thì việc nghiên cứu tự nhiên ở con người là rất hạn hẹp, khá khiêm tốn, nếu có thì cũng chẳng qua nhân danh giá trị nhân văn để hợp lý hóa trong việc nghiên cứu ấy. Nếu không có việc lý giải về ý nghĩa của đời sống tự nhiên, ngụy biện cho sự tham sống sợ chết thì yếu tố tự nhiên ở con người bị  bỏ  qua  trong  nghiên  cứu  khoa  học. Những quan điểm đó trong lịch sử cần được xem xét lại một cách nghiêm túc, để qua đó làm rõ sự thống nhất giữa khoa học với đời sống hiện thực của con người. Khoa học nói chung phải được xuất phát từ “cơ sở của đời sống con người hiện thực, còn như lấy một cơ sở này cho đời sống và một cơ sở khác cho khoa học thì ngay từ đầu đó là một sự nói láo” [3, tr.179].

Thế giới tự nhiên là hiện tượng mang tính tất yếu, khách quan, phổ biến được các “khoa học tự nhiên đã triển khai một hoạt động to lớn và đã tích lũy những tài liệu không ngừng tăng thêm” [3, tr.178]. Bằng hoạt động thực tiễn, con người đã khám phá thế giới một cách hiện thực, làm cho thế giới bộc lộ các thuộc tính và những quy luật tự nhiên của nó. Bắt đầu từ thời phục hưng, khoa học tự nhiên có điều kiện phát triển và đặc biệt là khi “khoa học tự nhiên nhờ có công nghiệp mà càng thâm nhập một cách thực tiễn vào đời sống con người, cải tạo đời sống con người và chuẩn bị cho việc giải phóng con người, mặc dầu nó trực tiếp buộc phải hoàn tất việc phi nhân  hóa  các  quan  hệ  con  người.  Công nghiệp là quan hệ lịch sử hiện thực của tự nhiên, và do đó cả của khoa học tự nhiên với con người” [3, tr.178].

Khi khoa học về giải phẫu bắt đầu phát triển hơn thì cơ thể người được nghiên cứu một cách hệ thống. Những chức năng sinh học như đồng hóa, dị hóa, sinh sản…; “cỗ máy” sinh học đang vận động, từng bộ phận như tim, gan, phổi, thận…  để con người có thể thực hiện trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường. Hoạt động trao đổi chất như thở, uống, ăn… được nghiên cứu sâu hơn. Mặc dù, việc can thiệp một cách cơ học vào thân thể của con người cho đến nay vẫn còn ở  mức  độ  nhất  định,  do  còn  xem  việc nghiên cứu này là một việc vi phạm các giá trị nhân văn, quyền con người, nó vi phạm các giá trị truyền thống cũng như những vấn đề về đạo đức tưởng tượng. Nhưng sự phát triển của khoa học tự nhiên, kinh tế thị trường thì  sẽ phá vỡ  tất  cả những gì  có trong lý thuyết siêu hình về con người trừu tượng. Việc nghiên cứu thân thể con người là  xu  hướng của  khoa  học  tự  nhiên,  đối tượng của khoa học sẽ không còn chỉ là thế giới bên ngoài con người mà còn là thân thể con người. Chỉ khi hiểu được con người hiện  thực thì  “sự phát huy một  cách  đại chúng những lực lượng bản chất của con người thì bản chất con người của tự nhiên hoặc bản chất tự nhiên của con người cũng trở nên dễ hiểu” [3, tr.178].

Từ  xưa  cho  đến  nay,  nghiên  cứu  để cải  tạo,  chinh  phục,  khám  phá  thế  giới bên  ngoài  con  người  xét  cho  cùng là để con người được quyền sống, được vui vẻ, có cái ăn, uống, có các tư liệu sinh hoạt… trong đời sống xã hội. Bằng lao động thì con người đã làm ra nhiều của cải, tri thức không ngừng được tăng thêm, nhiều đến mức có điều kiện để chuyển hướng nghiên cứu. Đó là nghiên cứu cơ thể người, có thể chỉnh sửa, thay thế các bộ phận trong việc thực hiện chức năng trao đổi chất, làm đẹp thân thể…. Nghiên cứu này có ý nghĩa ở chỗ, trước đây sản xuất ra sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ăn, uống, tư liệu sinh hoạt thì tương lai con người là nhu cầu của tất cả; các phương tiện như nhà cửa để tránh mưa, nắng,  nhiệt  độ  để  cơ  thể  thích  nghi  mọi hoàn cảnh của thời tiết; các phương tiện di chuyển  bằng  xe,  máy  bay;  liên  lạc  bằng điện  thoại,  internet…  làm  cho  đời  sống rộng hơn về không gian, dài hơn về thời gian. Khi khoa học tự nhiên nghiên cứu, hiểu rõ về cơ thể người hiện thực sinh sống sẽ trở thành cơ sở khoa học về con người.

Nếu  nghiên  cứu  con  người  mà  không nghiên cứu thể chất, điều kiện tự nhiên như địa chất, địa lý, khí hậu… thì việc nghiên cứu ấy là chưa toàn diện. Cho nên “Mọi khoa học ghi chép lịch sử đều phải xuất phát từ những cơ sở tự nhiên ấy và những thay đổi của chúng do hoạt động của con người gây ra trong quá trình lịch sử” [2, tr.33] là cơ sở để bác bỏ quan niệm siêu hình về con người. Khoa học miêu tả sự hình thành của trái đất  “giáng cho một  đòn kịch liệt” [3, tr.181] vào quan niệm về sự sáng tạo ra trái đất, sáng tạo ra toàn bộ thế giới tự nhiên, đồng thời trực tiếp bác bỏ lý luận về sự sáng tạo ra con người. Việc trình diễn xiếc thì lạ, mới; nếu phải đi trên dây điện mới sống được thì tất cả có thể đi được… Khó, phức tạp trong tự nhiên nhưng nhờ có khoa học kỹ thuật thì con người đã làm cho trái đất được lăn trên tất  cả  những  bánh  xe,  xoay  quanh  tất  cả những  cái  quạt  điện;  ở  tại  một  thời  điểm nhưng con người đã được ở tất cả mọi nơi trên thế giới, ở một nơi nhưng đang sống cho tất cả một đời người mà không phi lý… Tất cả các mối quan hệ ấy là vì điều mới lạ, sáng tạo nhưng lại e ngại những điều mạo hiểm để được sống. Mọi sự mạo hiểm trở nên bí hiểm khi khoa học chưa nghiên cứu về con người một cách đầy đủ. Nếu con người là sản phẩm của tự nhiên bí mật như thế nào thì tự nhiên là sản phẩm của con người sẽ chẳng bí mật đến như thế. Khi đó con người không chỉ có nhu cầu mà còn là nhu cầu của tất cả.

Kết quả những khám phá, sáng tạo, phát minh trong khoa học đều xuất phát từ nhu cầu sống của con người. “Toàn bộ lịch sử là sự chuẩn bị để “con người” trở thành đối tượng của ý thức cảm tính và để nhu cầu “của con người với tư cách là con người” trở thành nhu cầu” [3, tr.179]. Khoa học tự nhiên vừa là phương tiện, vừa là nội dung của đời sống, điều đó chỉ có thể thực hiện trong trường hợp khoa học xuất phát từ tự nhiên. Khoa học tự nhiên về con người cho đến nay chủ yếu là y học, sinh học. “Bản thân lịch sử là một bộ phận hiện thực của lịch sử tự nhiên, của sự sinh thành của tự nhiên bởi con người” [3, tr.179]. Một số lĩnh vực khác thuộc khoa học tự nhiên thì vẫn  đang miệt  mài  tìm  kiếm,  khám  phá, chinh phục vũ trụ mà chưa trực tiếp gắn kết với việc nghiêu cứu cơ thể người; khoa học xã hội, nhân văn vẫn chưa thực sự nghiên cứu cá nhân một cách toàn diện, chưa xuất phát từ tiền đề tự nhiên của con người. Việc nghiên cứu ấy còn dựa trên cơ sở lý thuyết trừu tượng, siêu hình nên những tiền đề ấy mất đi nền tảng khoa học của nó. Những tiền đề trong việc nghiên cứu về con người chưa thống nhất nên kết quả nghiên cứu của các khoa học xã hội, nhân văn còn tranh luận, còn tiếp tục nghiên cứu thêm. Những tranh  luận,  những  vấn  đề  còn  tiếp  tục nghiên cứu trong khoa học xã hội và nhân văn có nguyên nhân của nó là khi nghiên cứu được bắt đầu từ những tiền đề tưởng tượng ra, tức là bắt đầu, xuất phát điểm từ những điều không có trên hiện thực, không có tiền đề trong nghiên cứu, hoặc tùy tiện, không nắm vững lý thuyết khi tiếp cận vấn đề. Lý thuyết của khoa học xã hội và nhân văn không thể xa lạ đời sống hiện thực, nếu xa lạ đời sống hiện thực của con người thì khoa học xã hội, nhân văn mất đi tính chân chính  của  nó  và  chỉ  còn  lại  những  điều nhảm nhí trong đầu của những người nhiều chữ nghĩa mà thôi. Khoa học xuất phát từ con người hiện thực và cái hiện thực của con người, đó là quan điểm rõ ràng về khoa học,  tức là “khoa học  tự nhiên  bao  hàm trong nó khoa học về con người cũng như khoa học về con người bao hàm trong nó khoa học tự nhiên: đó sẽ là một khoa học” [3, tr.179]. Quản trị thế giới một cách khoa học không phải biến con người thành điều gì ghê gớm, to tát, mạnh mẽ, vĩ đại mà làm cho bản thân mình trở thành nhu cầu của tất cả. Không có con người mọi thứ trong vũ trụ trở nên vô nghĩa, sự tồn tại của thế giới rất cần thiết có bàn tay của con người. Sự mạnh mẽ không phải ở chỗ có nhu cầu mà sức  mạnh  hiện  thực  có  được  ở  chỗ  con người trở thành nhu cầu của tất cả.

Khoa học về con người, tức khoa học xã hội, nhân văn và khoa học tự nhiên có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khoa học nào tách tự nhiên ra khỏi con người hoặc tách con người ra khỏi tự nhiên thì khoa học đó sẽ trở nên xa lạ và trở thành ngụy biện. Con người là đối tượng trực tiếp của khoa học tự nhiên, nên “tự nhiên là đối tượng trực tiếp của khoa học về con người” [3, tr.178].  Bởi  vì  chỉ  có “những lực  lượng bản chất cảm tính đặc thù của con người chỉ tìm thấy sự thực hiện có tính chất đối tượng của mình trong những đối tượng tự nhiên, thì chỉ có thể có được sự tự nhận thức của mình trong khoa học về tự nhiên nói chung” [3, tr.179]. Tất cả những cái hiện thực được sáng tạo luôn tuân thủ quy luật tự nhiên đã được con người nhận thức. “Hiện thực xã hội của tự nhiên và khoa học tự nhiên của con người, hay là khoa học tự nhiên về con người, đó là những cách diễn đạt đồng nhất” [3, tr.179-180]. Con người là sản phẩm phát triển cao nhất của tự nhiên thì mọi thông tin về tự nhiên của con người mang đầy đủ thông tin của thế giới.

Mọi vấn đề của hiện thực xã hội được nhận thức xuất  phát  từ  nhu cầu  của con người, sự phong phú của nhu cầu quy định sự phong phú về đối tượng nhận thức. Sự phong phú của khoa học do đó mà xuất hiện. Cho nên “con người phong phú và nhu cầu phong phú của con người đang sinh thành như thế nào thay cho sự phong phú kinh tế và sự nghèo nàn kinh tế” [3, tr.180]. Sự sinh động của thế giới phải là nhu cầu hiện thực của con người. Sự phong phú tự nhiên chính là sự đa dạng hiện thực của đời sống  con  người.  “Con  người  phong  phú đồng thời cũng là con người có nhu cầu về toàn bộ sự toàn vẹn của những biểu hiện sinh hoạt của con người, là con người trong đó sự thực hiện của bản thân nó biểu hiện ra là tính tất yếu bên trong, là sự thiếu thốn” [3, tr.180]. Sự tốt đẹp của xã hội không bao hàm chỉ có no đủ mà không có thiếu thốn; no đủ và thiếu thốn là những nhân tố tích cực  kích  hoạt  những  tiềm  năng  nơi  con người, “xã hội không chỉ sự phong phú của con người mà cả sự nghèo nàn của nó đều có ý nghĩa con người và do đó có ý nghĩa xã hội như nhau” [3, tr.180].

Sự thiếu thốn hay no đủ xét ở khoa học về con người chỉ có ý nghĩa trong việc tìm ra những động lực, tiềm năng để phát huy nó; phát hiện ra các rào cản để khắc phục nó; còn lo buồn hay vui vẻ là có ở nơi chính bản thân con người. Lo buồn và vui vẻ là như nhau nhưng khác là tùy thuộc vào đối tượng đáp ứng. Sự phong phú, đa dạng của nhu cầu là sự phong phú, đa dạng đối tượng nhận thức. Nhưng mọi sự đa dạng của thế giới không có nghĩa tất  cả trở  thành đối tượng mà chỉ có sự sáng tạo làm cho nhu cầu có tính người. Trong thế giới có nhiều âm thanh khác nhau, nhưng âm thanh có tính người đến nay được biểu hiện qua bảy nốt nhạc. Nhận thức và hoạt động sinh sống khoa học không làm cho đời sống trở nên phức tạp mà đưa mọi sự phức tạp trở thành giản đơn nhất của đời sống có thể. Không có hạnh phúc nào mà không được bắt đầu từ sự phức tạp nhưng không có bất hạnh nào được kết thúc bằng việc đơn giản hóa đời sống. Con người trong quan hệ phức tạp được trở về dạng giản đơn trong sự phong phú, đa đạng của thế giới nếu xuất phát từ những tiền đề của con người hiện thực. Nếu không xuất  phát  từ những tiền đề ấy thì không hiểu được đời sống hạnh phúc có được khi con người trở nên mộc mạc, đơn sơ thế nào; không hiểu được hạnh phúc có được trong sự đơn sơ, mộc mạc ấy là gì thì như thế việc giáo dục, xây dựng con người trở nên thừa. Việc chăm lo cho hạnh phúc của con người sẽ còn xa lắm, mãi vẫn chưa có những ngày tháng được sống trong sự vui vẻ. Khoa học là tự nhiên về con người. Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn nếu xa lạ con người hiện thực sẽ trở nên siêu hình và sống trong sự tưởng tượng.

4. Kết luận

Khi xem xét con người hiện thực là chủ thể có nhu cầu và khả năng thực hiện nó, nhưng sẽ là khó hiểu nếu không thấy con người hiện thực còn là nhu cầu của tất cả. Con người có nhu cầu đến đâu thì thế giới đối tượng mạnh mẽ như vậy và con người trở thành nhu cầu đến đâu thì bản thân nó mạnh mẽ đến đó. Sức mạnh của con người là nhu cầu đối với con người. Con người không chỉ có nhu cầu mà còn sáng tạo ra các nhu cầu nhưng đến nay con người vẫn còn nhu cầu có tính bản năng mà chưa làm cho bản thân mình trở thành nhu cầu của nhau một cách đầy đủ. Khoa học tự nhiên có nhiệm vụ tạo ra sản phẩm; khoa học xã hội làm cho những sản phẩm ấy trở thành con người hiện thực sinh sống, khoa học nhân văn làm cho những con người hiện thực ấy trở thành nhu  cầu  của đời  sống.  Con  người  là đối tượng của khoa  học. Tất  cả khoa học là khoa học về con người, khoa học tự nhiên về con người. Khoa học về con người là chân chính nhất.

 

____________________ 

Ghi chú

1 Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh.

 

Tài liệu tham khảo

[1] C. Mác và Ph. Ăngghen (1994), Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2] C. Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] C. Mác và Ph. Ăngghen (2000), Toàn tập, t.42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 2 – 2020