Khoa học và Công nghệ Y khoa: Xu hướng tất yếu của y học hiện đại

Chiến binh thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch bệnh 

Trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19, bên cạnh sự hy sinh thầm lặng và cống hiến tận tâm của các y tá, bác sĩ…, phải nhắc đến sự đóng góp to lớn của các nhà khoa học và chuyên gia ngành Khoa học và Công nghệ Y khoa. 

Trong những năm qua Y học đã có những bước phát triển nhanh, vượt bậc, đó là nhờ có vai trò không nhỏ của việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào y tế dự phòng, khám chữa bệnh, sản xuất thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế… Với sự trợ giúp của các trang thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại, nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng vào công tác khám chữa bệnh, công tác y tế dự phòng, sản xuất dược phẩm – vật tư y tế.

Cụ thể, với lĩnh vực Khoa học Y

sinh, các nhà khoa học đã thành công trong việc phân lập và nuôi cấy chủng virus corona mới, tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển huyết thanh học, đưa ra  phác đồ phác đồ điều trị phù hợp và tìm ra vắc xin phòng ngừa.

Bên cạnh đó, việc phát triển thành công các bộ xét nghiệm nhanh với thời lượng ngày càng ngắn giúp phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, từ đó ngăn chặn dịch bệnh bùng phát hiệu quả. 

Tại các bệnh viện, trung tâm y tế là cánh tay phải đắc lực hỗ trợ các y, bác sĩ trong công tác chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh. 

Trong y học hiện đại, các loại máy móc thiết bị xét nghiệm đều được tự động hóa hoàn toàn, giúp nâng cao độ chính xác và giảm bớt thao tác khi làm xét nghiệm.

Song song với đó, các máy móc chẩn đoán hình ảnh cũng được trang bị ứng dụng kỹ thuật dựng hình nhằm thể hiện hình ảnh bệnh lý 3 chiều, phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị ngoại khoa. Kỹ thuật nội soi cũng là một bước tiến quan trọng giúp can thiệp điều trị bệnh hiệu quả, đồng thời tiết giảm chi phí…

Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế xã hội, các bệnh viện tại Việt Nam cũng đã và đang không ngừng trang bị thêm nhiều thiết bị y tế hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh như: Máy xét nghiệm tự động, X quang kỹ thuật số, máy siêu âm 3D, 4D, PET-CT, máy chụp cắt lớp, cộng hưởng từ,… Những thiết bị y tế này đã giúp hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh tăng lên đáng kể, đồng thời góp phần đưa nền y tế Việt Nam đi lên, bắt kịp sự tiến bộ của nền y tế khu vực.

Công nghệ thông tin là yếu tố mang lại rất nhiều lợi ích trong thực hành y khoa, điều này đã được thực tế chứng minh. Trong đó, lợi ích nổi bật nhất là giúp lưu trữ và phân tích số liệu cho nghiên cứu khoa học; hỗ trợ y tế từ xa (telemedicine); giúp bác sĩ quyết định lâm sàng nhanh chóng và chính xác; giảm thiểu tử vong do sai lầm y khoa…

Góp phần ngăn chặn đại dịch COVID-19

Ngày 07/02/2020, sự kiện nuôi cấy và phân lập thành công chủng vi-rút SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới phân lập thành công vi-rút này. Thành công này tạo điều kiện cho việc xét nghiệm các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV, từ đó tiếp tục nghiên cứu phát triển các sinh phẩm xét nghiệm, nghiên cứu độc lực vi-rút và điều chế vắc-xin dự phòng. Việc phân lập thành công chủng vi-rút SARS-CoV-2 được dựa trên hệ thống sẵn có và kinh nghiệm của các nhà khoa học của Việt Nam từ các vụ dịch lớn trước đó như SARS, cúm A/H1N1, H5N1… Việt Nam có đủ mẫu chuẩn để đảm bảo mỗi ngày có thể xét nghiệm tới hàng ngàn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết.

 Nghiên cứu chế tạo thành công bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 (Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á), nghiên cứu sản xuất thành công KIT chẩn đoán vi-rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-LAMP mang tên RT-LAMP COVID-19 KIT Thái Dương. Sản phẩm RT-LAMP COVID-19 KIT Thái Dương giúp phát hiện chính xác nhiễm SARS-CoV-2 từ các trường hợp nhiễm/nghi nhiễm; bộ sinh phẩm đạt trình độ cao về sinh học phân tử, có khả năng phát hiện sớm và đáp ứng nhanh trong trường hợp khi có dịch xảy ra và đạt đỉnh dịch trên phạm vi cả nước. Trước khi có sản phẩm này, số test sinh phẩm phát hiện chủng SARS-CoV-2 của chúng ta còn rất khiêm tốn, hầu hết được hỗ trợ từ nước ngoài, một số bộ test chẩn đoán bị lỗi, cần nhiều thao tác nên có khả năng sai sót. Do đó, số ca bệnh nghi ngờ được thực hiện xét nghiệm khẳng định còn khá hạn chế. Còn bộ sinh phẩm real-time RT-PCR có những ưu điểm vượt trội như: cho phép rút ngắn thời gian xét nghiệm (2-3 giờ) với độ nhạy cao hơn, giá thành thấp hơn, có thể ứng phó với tình huống cấp thiết khi dịch SARS-CoV-2 bùng phát đến đỉnh dịch ở Việt Nam.

Ngày 17/12/2020 đã trở thành thời khắc lịch sử của ngành y tế Việt Nam khi liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, điều chế được tiêm cho người tình nguyện (vắc xin Nanocovax của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen) tại Học viện Quân y. Đến nay, sức khỏe của tất cả các tình nguyện viên sau khi tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 đều rất tốt.

Có thể nhận thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong y học đang đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của con người. 

Đây là chìa khóa trong việc tìm ra nguyên nhân và phương pháp chẩn đoán, phát hiện và điều trị bệnh.

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sẽ giúp Y học có nhiều đột phá mới trong chẩn đoán và điều trị góp phần giữ gìn và nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống cho con người.
Nguồn: Tổng hợp