Khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp

Khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp

Hôm nay (28/11), tại Hà Nội, diễn ra diễn đàn “Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)”.

Sự kiện do Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổ chức Cố vấn Quốc tế về Nghiên cứu Nông nghiệp (CGIAR) tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Diễn đàn nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin về các nghiên cứu và đổi mới của CGIAR về phát triển nông nghiệp bền vững, giảm phát thải, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu có thể được áp dụng và nhân rộng ở Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, mặc dù tăng trưởng, bứt phá nhanh nhưng nền nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như hạn hán, xâm nhập mặn, nhiều biến đổi bất thường. Để biến thách thức thành cơ hội, ngành nông nghiệp đã đưa ra nhiều định hướng, chiến lược, chính sách và giải pháp để nông nghiệp duy trì là trụ đỡ của nền kinh tế, trong đó phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo luôn được coi là mũi nhọn, chìa khóa thành công cho nền tảng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại và nông nghiệp thông minh.

Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Diễn đàn

Với ưu thế về nông nghiệp, thời gian qua, Việt Nam đã đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng KHCN vào nhiều mô hình như sản xuất giống, nuôi trồng một số sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, sản phẩm hữu cơ… đem lại hiệu quả rõ rệt.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhận định, nông nghiệp Việt Nam đang chuyển từ “nâu” sang “xanh” rất tích cực, trong đó, phân bón hữu cơ giảm tới mức tới 3 triệu tấn, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đạt xấp xỉ 15%, vùng nguyên liệu đã xây dựng được những mô hình nguyên liệu với những thông tin công khai, minh bạch để thấy rõ về những chỉ tiêu về an toàn thực phẩm (ATTP) trong tất cả các khâu giống, canh tác, nuôi trồng, thu hoạch, sơ chế, chế biến. Nông sản xuất khẩu không chỉ tăng cả về giá trị và uy tín.

KHCN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp và 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. KHCN đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới về các ngành như hồ tiêu, cao su, điều…

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh việc sử dụng KHCN và đổi mới sáng tạo như một chiếc chìa khóa giúp nền nông nghiệp, phát triển nông thôn Việt Nam đạt được các mục tiêu để ra như phát triển nông nghiệp bền vững, thông minh, ứng phó BĐKH; chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững; phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong tốp 15 nước phát triển nhất thế giới…

Đánh giá về vấn đề này, ông Michael Akester, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, tổ chức WorldFish cho biết các sự kiện địa chính trị đã đặt ra những thách thức lớn trong việc đổi mới và ứng dụng KHCN trong ngành nông nghiệp.

Khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp và 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thành tựu nổi bật trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp như áp dụng các loại thuốc trừ sâu và phân bón sinh học, hữu cơ giúp tăng cường mức độ an toàn sinh học cũng như chất lượng cho sản phẩm nông sản. Để đảm bảo an ninh lượng thực, giảm phát thải khí nhà kính, chúng tôi cũng đề cập dến việc sử dụng những nguồn năng lượng sạch, xanh và bền vững hơn, cũng như thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Đại diện Viện IPSARD dẫn nghiên cứu của FAO về đánh giá đóng góp của khoa học công nghệ trong tăng trưởng nông nghiệp thông qua tỷ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cho thấy dù mức độ đóng góp của khoa học công nghệ cho tăng trưởng nông nghiệp so với các nước trong khu vực chỉ ở mức trung bình và tiềm năng ứng dụng KHCN trong nông nghiệp là rất lớn.

Đặc biệt, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ ra một số mặt hạn chế của ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp. Ông cho biết, khi nhìn vào thực tế, ngành nông nghiệp phải thừa nhận rằng quy mô ứng dụng khoa học công nghệ còn nhỏ lẻ; sản phẩm, sản lượng khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp còn khiêm tốn, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển nông nghiệp ở nước ta. Trình độ khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp còn thấp, quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao và thiếu tính bền vững.

 

Thanh Xuân