Khoa học có chứng minh được Kinh-thánh sai không? — THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN Tháp Canh
Chương 8
Khoa học có chứng minh được Kinh-thánh sai không?
Vào năm 1613, khoa học gia người Ý là Galileo đã cho phổ biến một tài liệu gọi là “Letters on Sunspots”. Trong đó, ông trình bày bằng chứng là trái đất quay quanh mặt trời, chứ không phải mặt trời quay quanh trái đất. Vì làm thế, ông đã tạo ra một loạt biến cố mà cuối cùng đã đưa ông ra trước Pháp Đình Công Giáo vì bị tình nghi về tội “kịch liệt chống báng giáo hội”. Rốt cuộc ông bị buộc phải “công khai rút lại ý kiến”. Tại sao ý tưởng trái đất quay quanh mặt trời bị coi là chống báng? Bởi vì những người kết tội Galileo cho rằng đó là trái ngược với những gì Kinh-thánh nói.
1. (Kể cả phần nhập đề). a) Điều gì xảy ra khi ông Galileo cho rằng trái đất quay quanh mặt trời? b) Mặc dù Kinh-thánh không phải là sách giáo khoa về khoa học, chúng ta tìm thấy gì khi so sánh Kinh-thánh với khoa học hiện đại?
NGÀY NAY nhiều người cho rằng Kinh-thánh trái ngược với khoa học, và một số người chứng minh điều đó bằng cách viện dẫn kinh nghiệm của ông Galileo. Nhưng điều này có đúng không? Khi trả lời câu hỏi này, chúng ta phải nhớ rằng Kinh-thánh là một quyển sách gồm có lời tiên tri, lịch sử, sự cầu nguyện, luật pháp, lời khuyên bảo và sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Tuy vậy, khi Kinh-thánh nói về vấn đề khoa học thì những gì Kinh-thánh nói hoàn toàn là đúng.
Hành tinh trái đất của chúng ta
2. Kinh-thánh miêu tả vị trí trái đất trong không gian như thế nào?
2 Thí dụ, hãy xem xét những gì Kinh-thánh nói về hành tinh của chúng ta là trái đất. Trong sách Gióp, chúng ta đọc: “Chúa trải bắc cực ra trên vùng trống. Treo trái đất trong khoảng không-không” (Gióp 26:7). So sánh những lời này với lời của Ê-sai nói rằng: “Ấy là Đấng ngự trên vòng trái đất nầy” (Ê-sai 40:22). Hình ảnh một trái đất tròn ‘treo trong khoảng không’ trên “vùng trống” nhắc chúng ta nhớ đến những hình ảnh mà các phi hành gia đã chụp trái đất lơ lửng trong không gian.
3, 4. Chu trình của nước trên đất ra sao và Kinh-thánh nói gì về chu trình này?
3 Cũng hãy xem xét chu trình lạ lùng của nước trên trái đất. Đây là lời cuốn Compton’s Encyclopedia (Bách khoa Tự điển Compton) miêu tả về những gì xảy ra: “Nước… từ mặt biển bốc hơi lên bầu khí quyển… Trong bầu khí quyển có những luồng không khí cứ di chuyển không ngừng, đem theo khí ẩm vào nội địa. Khi không khí nguội đi, hơi nước tụ lại thành những giọt nước nhỏ. Chúng ta thường thấy các giọt nước này dưới dạng mây. Thường thì các giọt nước này kết tụ lại thành mưa. Nếu bầu khí quyển đủ lạnh thì các giọt nước biến thành tuyết thay vì mưa. Trong trường hợp nào đi nữa, nước cũng đã đi qua một cuộc hành trình hàng trăm hay hàng ngàn dặm từ biển cả để rồi rơi trở xuống mặt đất. Sau khi rơi xuống đất, nước lại đổ vào rạch hay thấm vào lòng đất và lại bắt đầu cuộc hành trình trở về biển”.1
4 Tiến trình đáng chú ý này, làm cho sinh vật có thể sống được trên đất khô, đã được miêu tả rõ ràng cách đây 3.000 năm qua lời giản dị thẳng thắn của Kinh-thánh: “Mọi sông đều đổ vào biển, song không hề làm đầy biển; nơi mà sông thường chảy vào, nó lại chảy về đó nữa” (Truyền đạo 1:7).
5. Lời của người viết Thi-thiên nói về lịch sử núi non của trái đất phù hợp lạ lùng với sự hiểu biết ngày nay như thế nào?
5 Có lẽ điều đáng chú ý hơn nữa là Kinh-thánh có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử của núi non. Một sách giáo khoa địa lý nói như sau: “Từ trước thời Cambrian cho đến hiện tại, tiến trình xây dựng và hủy phá núi non vẫn còn tiếp tục không hề dứt… Không những núi non xuất phát từ nơi mà ngày xưa là đáy biển, mà chúng còn thường bị chìm trong nước rất lâu sau khi được tạo thành, và rồi lại được nhô lên khỏi nước”.2 Hãy so sánh điều này với lời thơ của người viết Thi-thiên: “Chúa lấy vực sâu bao-phủ đất như bằng cái áo. Nước thì cao hơn các núi. Núi lố lên, trũng sụp sâu xuống chốn mà Chúa đã định cho nó” (Thi-thiên 104:6, 8).
“Ban đầu”
6. Lời nào của Kinh-thánh hòa hợp với lý thuyết hiện đại của khoa học về nguồn gốc vũ trụ?
6 Câu đầu tiên của Kinh-thánh nói: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng-thế Ký 1:1). Khi các nhà khoa học quan sát về vũ trụ vật chất, họ đã đi đến lý thuyết là vũ trụ quả thật đã có một sự bắt đầu. Vũ trụ này không phải lúc nào cũng hiện hữu. Nhà thiên văn Robert Jastrow là người nghi ngờ về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời trong vấn đề tôn giáo đã viết: “Sự tường thuật của thiên văn học và sách Sáng-thế Ký của Kinh-thánh có những yếu tố căn bản giống nhau dù chi tiết khác nhau. Cả hai giống ở điểm: chuỗi biến cố đưa đến việc loài người xuất hiện một cách đột ngột và đúng ngay tại một thời điểm nhất định, trong một chớp nhoáng của ánh sáng và năng lượng”.3
7, 8. Mặc dù không chấp nhận vai trò của Đức Chúa Trời trong việc sáng tạo, nhiều khoa học gia buộc lòng phải thú nhận điều gì về nguồn gốc của vũ trụ?
7 Thật vậy, nhiều khoa học gia dù tin rằng vũ trụ có sự khởi đầu, nhưng không chịu chấp nhận câu “Đức Chúa Trời dựng nên”. Tuy nhiên, một số người đó giờ đây thú nhận rằng khó mà bỏ qua bằng chứng là có một nguồn thông sáng nào đó ở đằng sau mọi vật. Giáo sư vật lý Freeman Dyson bình luận: “Càng xem xét vũ trụ và càng nghiên cứu những chi tiết kiến trúc của vũ trụ, tôi càng thấy rõ bằng chứng là vũ trụ này dường như biết trước rằng chúng ta sắp đến”.
8 Ông Dyson tiếp tục thú nhận: “Là một khoa học gia được đào luyện trong tư tưởng và ngôn ngữ của thế kỷ hai mươi thay vì của thế kỷ mười tám, tôi không cho là lối kiến trúc của vũ trụ chứng tỏ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Tôi chỉ cho là lối kiến trúc của vũ trụ hòa hợp với giả thuyết là trí óc có một vai trò chủ yếu trong sự hoạt động của vũ trụ”.4 Lời bình luận của ông Dyson chắc chắn để lộ thái độ ngờ vực của nhiều người trong thời đại này. Nhưng nếu dẹp bỏ sự ngờ vực đó, người ta sẽ thấy có một sự hòa hợp phi thường giữa khoa học hiện đại và lời này của Kinh-thánh “ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng-thế Ký 1:1).
Sức khỏe và vệ sinh
9. Luật Kinh-thánh về bệnh dễ lây ở ngoài da phản ảnh sự khôn ngoan thực tiễn nào? (Gióp 12:9, 16a).
9 Hãy xem xét một khía cạnh khác mà Kinh-thánh nói tới: sức khỏe và vệ sinh. Nếu một người Y-sơ-ra-ên có vết sẹo trên da mà bị nghi là bệnh phong cùi, người đó phải ở riêng ra. “Trọn lúc nào người có vít, thì sẽ bị ô-uế, phải ở một mình ngoài trại-quân” (Lê-vi Ký 13:46). Ngay cả đến quần áo của người bệnh cũng phải đốt luôn (Lê-vi Ký 13:52). Thời đó, đây là cách hữu hiệu nhất để ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm.
10. Ở vài nước, nhiều người có thể được lợi ích nào khi làm theo lời khuyên của Kinh-thánh về vấn đề vệ sinh?
10 Một luật quan trọng khác là về việc loại bỏ phân người và chôn ở ngoài trại quân (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:12, 13). Chắc chắn luật này đã cứu người Y-sơ-ra-ên khỏi nhiều chứng bệnh. Ngay thời nay, sự thải uế không đúng cách tại nhiều nơi đã gây ra vấn đề trầm trọng cho sức khỏe. Nếu dân chúng tại những nơi đó làm theo luật pháp được viết hàng ngàn năm trước trong Kinh-thánh, họ sẽ được khỏe mạnh hơn nhiều.
11. Lời khuyên nào của Kinh-thánh về sức khỏe tâm thần đã cho thấy là thực tiễn?
11 Tiêu chuẩn cao của Kinh-thánh về vấn đề vệ sinh cũng bao hàm sức khỏe tâm thần. Một lời Châm-ngôn trong Kinh-thánh nói: “Lòng bình-tịnh là sự sống của thân-thể; còn sự ghen-ghét là đồ mục của xương-cốt” (Châm-ngôn 14:30). Trong những năm gần đây, sự nghiên cứu y tế đã cho thấy thái độ tinh thần của chúng ta có ảnh hưởng đến sức khỏe thể xác. Thí dụ, Bác Sĩ C. B. Thomas, thuộc trường đại học John Hopkins, nghiên cứu hơn một ngàn sinh viên tốt nghiệp trong một thời gian dài 16 năm, bà so sánh đặc tính tâm lý với tính chất dễ nhiễm bệnh của họ. Bà chú ý một điều: Các sinh viên dễ nhiễm bịnh là những người hay nóng giận và lo âu nhiều khi tâm trạng bị căng thẳng.5
Kinh-thánh nói gì?
12 Tại sao Giáo Hội Công Giáo nhất quyết cho rằng giả thuyết của ông Galileo về trái đất là tà thuyết?
12 Nếu Kinh-thánh rất chính xác về phương diện khoa học, tại sao Giáo Hội Công Giáo lại cho rằng ông Galileo nói trái đất quay quanh mặt trời là không đúng với Kinh-thánh? Bởi vì đó là cách mà giới thẩm quyền của giáo hội suy diễn một số câu trong Kinh-thánh.6 Họ có đúng không? Chúng ta hãy đọc hai câu Kinh-thánh mà họ trích dẫn để xem.
13, 14. Giáo Hội Công Giáo đã áp dụng sai những câu Kinh-thánh nào? Hãy giải thích.
13 Một câu nói: “Mặt trời mọc, mặt trời lặn, nó lật-đật trở về nơi nó mọc” (Truyền-đạo 1:5). Theo sự tranh luận của Giáo Hội, các nhóm từ “mặt trời mọc” và “mặt trời lặn” có nghĩa là mặt trời, chứ không phải trái đất đang quay. Nhưng cho đến ngày nay, chúng ta vẫn nói mặt trời mọc và lặn, dù cho đa số chúng ta biết rằng trái đất quay chứ không phải mặt trời. Khi dùng những từ như thế, chúng ta chỉ muốn miêu tả dường như là mặt trời di chuyển, theo mắt loài người quan sát từ trái đất. Các người viết Kinh-thánh cũng đã cảm thấy giống y như vậy.
14 Một câu khác nói: “Ngài sáng-lập đất trên các nền nó; đất sẽ không bị rúng-động đến đời đời” (Thi-thiên 104:5). Giáo Hội cho rằng câu này có nghĩa là, sau khi được sáng tạo, trái đất không bao giờ có thể di chuyển. Tuy nhiên, câu này thực ra nhấn mạnh đến sự vững bền của trái đất, chứ không phải sự bất di bất dịch của nó. Trái đất sẽ không bao giờ bị ‘rúng động’ đến độ biến mất, hay là bị tiêu diệt, như các câu Kinh-thánh khác xác nhận (Thi-thiên 37:29; Truyền-đạo 1:4). Câu Kinh-thánh này cũng không liên hệ gì đến sự di chuyển của trái đất và mặt trời. Vào thời ông Galileo, chính Giáo Hội chứ không phải Kinh-thánh, đã ngăn cản sự bàn luận tự do của khoa học.
Sự tiến hóa và sáng tạo
15. Thuyết tiến hóa là gì và thuyết này trái ngược với Kinh-thánh ra sao?
15 Tuy nhiên, có một khía cạnh mà nhiều người nói rằng khoa học hiện đại không bao giờ đồng ý với Kinh-thánh. Nhiều khoa học gia tin vào thuyết tiến hóa. Thuyết này dạy rằng mọi sinh vật tiến hóa từ một sinh thể đơn giản đã có từ hàng triệu năm về trước. Ngược lại, Kinh-thánh dạy rằng mỗi một nhóm sinh vật chính đã được tạo ra một cách đặc biệt và chỉ sinh sản “tùy theo loại” mà thôi. Kinh-thánh nói loài người được tạo ra từ “bụi đất” (Sáng-thế Ký 1:21; 2:7). Đây có phải là lỗi lầm rõ ràng của Kinh-thánh về phương diện khoa học không? Trước khi trả lời, chúng ta hãy xem kỹ hơn về những gì khoa học biết để phủ nhận những gì khoa học đặt giả thuyết.
16-18. a) Ông Charles Darwin đã quan sát điều gì khiến ông tin vào sự tiến hóa? b) Chúng ta có thể giải thích thế nào về những gì Darwin đã quan sát trên quần đảo Galápagos không trái ngược với những gì Kinh-thánh nói?
16 Thuyết tiến hóa của ông Charles Darwin đã được nhiều người biết đến trong thế kỷ vừa qua. Khi ông đang ở trên quần đảo Galápagos thuộc Thái Bình Dương, các giống chim sẻ khác nhau trên đảo đã gây ấn tượng mạnh trong đầu ông, vì thế ông đã suy luận tất cả phải có cùng một thủy tổ. Một phần vì nhận xét này mà ông đã chủ trương giả thuyết là mọi sinh vật đến từ một hình thể đơn giản lúc đầu. Ông quyết đoán rằng nguồn lực khiến các sinh vật thấp tiến hóa thành sinh vật cao hơn là do sự đào thải tự nhiên, sự tranh đua dành sự sống. Ông cho rằng nhờ sự tiến hóa, các động vật thuộc đất liền đã phát triển từ cá, chim phát triển từ loại bò sát, v.v…
17 Thật ra, những gì ông Darwin quan sát trên những đảo xa xôi đó không phải là trái ngược với Kinh-thánh, vì Kinh-thánh cho phép sự biến dạng trong nhóm sinh vật chính cùng loại. Thí dụ, mọi chủng tộc loài người bắt nguồn từ một cặp vợ chồng đầu tiên (Sáng-thế Ký 2:7, 22-24). Vì thế không có gì lạ khi những giống chim sẻ khác nhau đó có cùng một thủy tổ. Nhưng chúng vẫn là chim sẻ. Chúng không tiến hóa thành diều hâu hay là đại bàng.
18 Không phải những loại chim sẻ khác nhau hay giống vật nào mà ông Darwin thấy, chứng tỏ được rằng mọi sinh vật, dù là cá mập hay là chim biển, voi hay giun đất, có chung một thủy tổ. Tuy nhiên, nhiều khoa học gia quả quyết rằng sự tiến hóa không còn là một giả thuyết nữa nhưng là sự thật hiển nhiên. Những người khác dù nhận thấy vấn đề của giả thuyết này nhưng vẫn nói rằng họ tin. Đó là điều hợp với quảng đại quần chúng. Tuy nhiên, chúng ta cần biết thuyết tiến hóa có được chứng minh đến độ làm cho Kinh-thánh phải bị sai không.
Có được chứng minh không?
19. Di tích vật hóa thạch củng cố cho sự tiến hóa hay sự sáng tạo?
19 Làm sao có thể thử nghiệm được thuyết tiến hóa? Một cách rõ ràng nhất là xem xét di tích vật hóa thạch để xem có sự biến đổi dần dần từ loại này sang loại khác hay không. Kết quả là gì? Không có biến đổi, một số khoa học gia đã thành thật nhìn nhận như thế. Một người là Francis Hitching viết: “Khi bạn tìm các mối liên hệ giữa các nhóm động vật chính thì bạn sẽ không thấy gì cả”.7 Rõ ràng là không đủ bằng chứng trong di tích vật hóa thạch, vì thế các người theo thuyết tiến hóa đã tìm cách khác ngoài thuyết biến đổi dần dần của ông Darwin. Tuy nhiên, sự thật là việc xuất hiện bất ngờ của các loài động vật trong di tích vật hóa thạch củng cố cho sự sáng tạo nhiều hơn là sự tiến hóa.
20. Tại sao cách mà các tế bào sống tự sinh sản đã ngăn cản sự tiến hóa xảy ra?
20 Hơn nữa, ông Hitching cho thấy rằng các sinh vật đã được ban cho khả năng sinh sản tùy theo loại của chúng, thay vì tiến hóa thành một loại khác. Ông nói: “Các tế bào sống tự động phân đôi thành tế bào khác gần giống hệt tế bào trước. Mức độ sai lệch rất là nhỏ đến độ không một máy móc nhân tạo nào có thể bắt chước được. Sự gia tăng cũng có hạn. Cây cối tăng trưởng đến cỡ nào đó rồi thôi, không thể lớn hơn nữa. Con ruồi giấm không chịu biến thành con nào khác dù bị đặt ở trong bất cứ môi trường nào”.8 Các khoa học gia đã cố làm cho ruồi giấm biến dạng trong nhiều thập niên đã thất bại trong việc buộc chúng tiến hóa thành con khác.
Nguồn gốc sự sống
21. Ông Louis Pasteur đã chứng tỏ điều gì mà đã đưa ra vấn đề nghiêm trọng cho các người tin thuyết tiến hóa?
21 Một câu hỏi hóc búa khác mà các người tin thuyết tiến hóa không trả lời được là: Sự sống bắt nguồn từ đâu? Làm sao hình thể sống đơn giản lúc ban đầu được hiện hữu, nếu cho rằng tất cả chúng ta đã phát sinh từ đó? Nhiều thế kỷ trước, điều này dường như không thành vấn đề. Lúc ấy, nhiều người nghĩ rằng ruồi đến từ thịt hư và một đống giẻ rách cũ có thể tự sinh ra chuột. Nhưng, hơn 100 năm về trước, một nhà hóa học người Pháp là Louis Pasteur đã chứng minh sự sống chỉ có thể có được nhờ đến từ sự sống khác đã có trước đó.
22, 23. Theo các người chủ trương thuyết tiến hóa, sự sống bắt nguồn từ đâu, nhưng sự thật cho thấy gì?
22 Vậy các người theo thuyết tiến hóa giải thích thế nào về nguồn gốc của sự sống? Theo giả thuyết được ưa chuộng nhất, thì hỗn hợp bất ngờ giữa hóa chất và năng lượng tự động phát sinh ra sự sống hàng triệu năm về trước. Còn nguyên tắc mà ông Pasteur chứng minh thì thế nào? Cuốn The World Book Encyclopedia (Bách khoa Tự điển Thế giới) giải thích: “Ông Pasteur cho thấy sự sống không thể tự phát sinh dưới điều kiện hóa học và vật lý hiện có trên đất ngày nay. Tuy nhiên, hàng tỉ năm về trước, điều kiện hóa học và vật lý trên đất rất là khác biệt!”9
23 Tuy nhiên, dù dưới điều kiện khác biệt đó, cũng vẫn có một khoảng cách to lớn giữa các vô sinh vật và sinh vật đơn giản nhất. Trong sách Evolution: A Theory in Crisis (Sự tiến hóa: Một lý thuyết bị khủng hoảng), ông Michael Denton nói: “Giữa một tế bào sống và hệ thống vô sinh phức tạp nhất, chẳng hạn như pha lê hay một bông tuyết, có một hố vừa rộng, vừa sâu mà ta có thể tưởng tượng được”.10 Ý tưởng cho là các vật vô sinh có thể có sự sống do cơ hội ngẫu nhiên thật là xa vời, hầu như không thể có được. Kinh-thánh giải thích rằng ‘sự sống đến từ sự sống’ và Đức Chúa Trời đã tạo ra sự sống, như thế là hòa hợp với sự thật một cách đáng tin.
Tại sao không chấp nhận sự sáng tạo
24. Bất chấp những vấn đề của thuyết tiến hóa, tại sao đa số các khoa học gia vẫn bám lấy giả thuyết này?
24 Bất chấp nhiều vấn đề cố hữu của thuyết tiến hóa, ngày nay việc tin theo sự sáng tạo bị xem là phản khoa học, cả đến lập dị nữa. Tại sao vậy? Tại sao ngay cả người có thẩm quyền như Francis Hitching, người thành thật nêu lên những nhược điểm của sự tiến hóa, cũng bác bỏ ý tưởng về sự sáng tạo?11 Ông Michael Denton giải thích rằng thuyết tiến hóa, với mọi lầm lẩn của nó, sẽ tiếp tục được dạy dỗ vì những thuyết có liên hệ đến sự sáng tạo là “rõ ràng kêu cầu đến những nguồn lực siêu nhiên”.12 Nói cách khác, vì sự sáng tạo có liên hệ đến Đấng Tạo Hóa, nên không thể chấp nhận được. Chắc chắn đây là loại lý luận lòng vòng mà chúng ta gặp phải trong trường hợp nói về phép lạ: Phép lạ không thể có được vì thần diệu quá!
25. Theo khoa học, thuyết tiến hóa có khuyết điểm nào cho thấy nó không thể thay thế sự sáng tạo trong việc giải thích nguồn gốc của sự sống?
25 Ngoài ra, theo quan điểm khoa học, thuyết tiến hóa rất là khả nghi. Ông Michael Denton nói tiếp: “[Thuyết tiến hóa của Darwin] thật ra chỉ là một giả thuyết đúc kết lại lịch sử, không thế nào được kiểm nghiệm hay là quan sát tận mắt như trường hợp bình thường trong khoa học… Hơn nữa, thuyết tiến hóa đề cập đến những chuỗi biến cố đặc biệt như nguồn gốc sự sống, nguồn gốc sự thông minh, v.v… Những biến cố đặc biệt này không lặp lại được, và cũng không thể dùng bất cứ thí nghiệm nào để nghiên cứu được”.13 Sự thật là thuyết tiến hóa, dù được nhiều người tin, vẫn có nhiều thiếu sót và gây nhiều vấn đề. Thuyết này không viện lý do chính đáng nào để loại bỏ sự tường thuật của Kinh-thánh về nguồn gốc sự sống. Chương đầu của sách Sáng-thế Ký cho ta sự tường thuật đầy đủ, hợp lý về những biến cố “đặc biệt”, “không thể lặp lại”, đã xảy ra như thế nào trong những ‘ngày’ sáng tạo kéo dài nhiều ngàn năm.
Về Nước Lụt thì sao?
26, 27. a) Kinh-thánh nói gì về trận Nước Lụt? b) Một phần nước làm ngập lụt phải đến từ đâu?
26 Nhiều người nêu lên một vấn đề khác có vẻ như có sự mâu thuẫn giữa Kinh-thánh và khoa học hiện đại. Trong sách Sáng-thế Ký, chúng ta đọc là nhiều ngàn năm trước, loài người quá ác đến nỗi Đức Chúa Trời quyết định tiêu diệt họ. Tuy nhiên, Ngài bảo người công bình Nô-ê, đóng một chiếc tàu lớn bằng gỗ. Rồi Đức Chúa Trời giáng nước lụt trên cả loài người. Chỉ có Nô-ê và gia đình ông sống sót, cùng với một số thú vật đại diện cho mọi loài. Trận Nước Lụt lớn đến độ “hết thảy những ngọn núi cao ở dưới trời đều bị ngập” (Sáng-thế Ký 7:19).
27 Nước từ đâu đến mà đủ để làm ngập cả đất? Chính Kinh-thánh trả lời câu hỏi này. Trong thời đầu của diễn tiến sáng tạo, khi bầu khí quyển bắt đầu thành hình, thì có “nước ở dưới khoảng-không” và “nước ở trên khoảng-không” (Sáng-thế Ký 1:7; II Phi-e-rơ 3:5). Khi Nước Lụt đến, Kinh-thánh nói: “Các đập trên trời mở xuống” (Sáng-thế Ký 7:11). Hiển nhiên, “nước ở trên khoảng-không” đổ xuống và cung cấp nước làm cho ngập lụt.
28. Các tôi tớ thời xưa của Đức Chúa Trời, gồm cả Chúa Giê-su, có quan điểm gì về trận Nước Lụt?
28 Các sách giáo khoa ngày nay có khuynh hướng xem nhẹ trận nước lụt toàn cầu. Cho nên chúng ta phải tự hỏi: Nước Lụt chỉ là huyền thoại, hay là đã thật sự xảy ra? Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta nên chú ý là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va sau thời đó đã chấp nhận trận Nước Lụt là lịch sử có thật; họ không xem đó là huyền thoại. Ê-sai, Chúa Giê-su, Phao-lô và Phi-e-rơ ở trong số những người xem trận Nước Lụt thật sự xảy ra (Ê-sai 54:9; Ma-thi-ơ 24:37-39; Hê-bơ-rơ 11:7; I Phi-e-rơ 3:20, 21; II Phi-e-rơ 2:5; 3:5-7). Nhưng có những câu hỏi cần phải được trả lời về trận Đại Hồng Thủy này.
Các đập trên trời
29, 30. Sự kiện nào về nước ở trên đất cho thấy rằng trận Nước Lụt có thể xảy ra?
29 Trước tiên, có phải ý tưởng cả đất bị ngập lụt là không thực tế chăng? Không hẳn thế. Thật ra, ngày nay trái đất vẫn còn bị lụt trong mức độ nào đó. Bảy mươi phần trăm đất bị nước bao phủ và chỉ 30 phần trăm là đất khô. Hơn nữa, 75 phần trăm nước ngọt trên đất bị đông đá trong các tảng băng và các chỏm băng tuyết vùng địa cực. Nếu tất cả nước đông đá này tan chảy ra, mực nước biển sẽ dâng cao hơn nhiều. Các thành phố như New York và Tokyo sẽ biến mất.
30 Hơn nữa, cuốn The New Encyclopædia Britannica (Tân Bách khoa Tự điển Anh quốc) nói: “Người ta ước lượng chiều sâu trung bình của các biển là khoảng 3.790 mét (12.430 feet), con số này lớn hơn nhiều so với con số 840 mét (2.760 feet) là chiều cao trung bình của đất ở trên mặt biển. Nếu lấy chiều sâu trung bình nhân cho diện tích của biển, thì thể tích của biển trên thế giới gấp 11 lần thể tích của đất ở trên mặt biển”.14 Vậy, nếu san bằng tất cả—lấy núi lấp biển—thì đất sẽ ở dưới mặt biển đến hàng ngàn thước.
31. a) Để Nước Lụt xảy ra, tình trạng trái đất trước thời Nước Lụt phải như thế nào? b) Điều gì cho thấy các núi có thể thấp hơn và đáy biển cạn hơn vào trước thời Nước Lụt?
31 Để Nước Lụt xảy ra, nước ở dưới biển trước thời Nước Lụt phải cạn hơn và núi phải thấp hơn là núi ngày nay. Có thể như thế được không? Một sách giáo khoa nói: “Ngày nay những nơi trên thế giới có núi cao chót vót, cách đây nhiều triệu năm từng là biển và đồng bằng bao la… Sự di chuyển của phiến đá lục địa, một mặt khiến cho đất nhô cao lên mà chỉ có các động vật và thực vật dai sức nhất mới sống sót được, mặt khác lại khiến đất sụp sâu xuống dưới mặt biển”.15 Vì núi và đáy biển trồi lên sụp xuống, điều đó cho thấy rằng đã có một thời kỳ núi không cao, biển không sâu như là ngày nay vậy.
32. Điều gì có lẽ đã xảy ra cho nước của trận Nước Lụt? Hãy giải thích.
32 Điều gì xảy ra cho nước lũ sau trận Nước Lụt? Nước đó chảy vào lòng biển. Như thế nào? Các khoa học gia tin rằng các lục địa nằm trên những phiến đá to lớn. Sự di chuyển của những phiến đá này có thể thay đổi độ cao thấp của mặt đất. Tại vài chỗ ngày nay, ngay ranh giới các phiến đá, có các vực vĩ đại ở dưới nước sâu hơn sáu dặm.16 Rất có thể là chính trận Nước Lụt đã làm cho các phiến đá di chuyển, đáy biển chìm sâu xuống và hố to mở ra, cho nước rút khỏi mặt đất.
Vết tích của trận Nước Lụt?
33, 34. a) Các khoa học gia đã có được bằng chứng nào chứng tỏ là có trận Nước Lụt? b) Nói rằng các khoa học gia có thể đã xem nhầm bằng chứng có hợp lý không?
33 Nếu chúng ta giả sử trận lụt lớn đã xảy ra, tại sao các khoa học gia không thấy vết tích gì của trận lụt ấy? Có lẽ họ đã thấy, nhưng họ giải thích chứng cớ đó một cách khác. Thí dụ, khoa học chính thống dạy rằng mặt đất đã bị các tảng băng thật mạnh thay đổi hình dạng tại nhiều chỗ, trong những giai đoạn của thời đại băng hà. Nhưng chứng cớ của sự xói mòn, dường như gây ra bởi hoạt động của băng, đôi khi có thể là do nước gây ra. Vậy thì, rất có thể là chứng cớ của trận Nước Lụt lại bị xem nhầm là chứng cớ của thời đại băng hà.
34 Cũng đã có những sự lầm lẫn khác giống như vậy. Nói về lúc mà các khoa học gia tung ra giả thuyết về thời đại băng hà, chúng ta đọc: “Họ tìm thấy thời đại băng hà trong mỗi giai đoạn của lịch sử địa chất, hòa hợp với triết lý về sự đồng nhất. Tuy nhiên, việc khảo sát kỹ lại chứng cớ này, trong những năm gần đây, đã phủ nhận phần lớn những thời đại băng hà này. Những lớp cấu tạo mà trước kia được xem là băng tích, giờ đây được diễn dịch lại rằng đó là những lớp được tạo thành bởi bùn, đất lở dưới biển và dòng nước đục: nước đục cuốn theo phù sa, cát, sạn xuống dưới đáy biển sâu”.18
35, 36. Bằng chứng nào trong di tích vật hóa thạch và trong địa lý học có thể có liên hệ đến trận Nước Lụt? Hãy giải thích.
35 Một bằng chứng khác cho thấy có trận Nước Lụt là do di tích vật hóa thạch. Theo di tích này, có một thời những con hổ có nanh vuốt bén đã lùng mồi ở Âu Châu, những con ngựa, lớn hơn bất cứ ngựa nào thời nay, đã lang thang ở Bắc Mỹ, và các loại voi to lớn ăn cỏ ở Siberia. Nhưng rồi trên khắp thế giới, những loài động vật có vú này bị tuyệt chủng. Đồng thời, có sự thay đổi khí hậu một cách đột ngột. Hàng chục ngàn con voi bị giết và bị đông đá bất ngờ ở Siberia. Ông Alfred Wallace, người nổi tiếng đương thời với Charles Darwin, đã cho rằng sự hủy diệt rộng lớn này chắc hẳn là do một biến cố khác thường nào đó gây ra trên khắp đất.19 Nhiều người cho rằng biến cố này là trận Nước Lụt.
36 Mục xã luận của tạp chí Biblical Archaeologist (Nhà khảo cổ Kinh-thánh) đã nhận xét: “Điều quan trọng để nhớ là câu chuyện về nước lụt là một trong những truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi nhất trong nhân gian… Tuy nhiên, bên trong những truyền thuyết xa xưa nhất tìm thấy từ những nguồn ở vùng Cận Đông, rất có thể đã thật sự có một trận nước lụt to lớn xảy ra vào thời kỳ mưa như thác cách đây… nhiều ngàn năm”.20 Thời kỳ này là thời mà mặt đất ướt nhiều hơn là bây giờ. Các hồ nước ngọt trên khắp thế giới lúc ấy cũng rộng lớn hơn. Thuyết này cho rằng các trận mưa lớn đổ xuống vào cuối thời đại băng hà đã gây nên sự ướt đẫm đó. Nhưng một số người cho rằng có một lần mặt đất ướt đẫm cực độ là vì hậu quả của trận Nước Lụt.
Nhân loại đã không quên
37, 38. Theo bằng chứng có được, một khoa học gia chứng tỏ thế nào trận Nước Lụt có thể xảy ra và làm sao chúng ta biết được nó đã xảy ra?
37 Giáo sư địa lý John McCampbell có lần đã viết: “Sự khác biệt chính yếu giữa thuyết tin vào [trận Nước Lụt] của Kinh-thánh và thuyết tiến triển đồng nhất về địa chất không phải ở dữ kiện thật sự của địa chất nhưng ở sự diễn giải những dữ kiện đó. Sự diễn giải nào được ưa thích là tùy thuộc nơi kiến thức và sự giả định của riêng mỗi sinh viên”.21
38 Sự kiện nhân loại không bao giờ quên trận Nước Lụt cho thấy rằng Nước Lụt đã xảy ra. Trên khắp thế giới, ở những nơi cách xa nhau như Alaska và các đảo vùng Nam Thái Bình Dương cũng có những câu chuyện cổ tích về Nước Lụt. Những thổ dân ở Châu Mỹ trước thời ông Columbus, cũng như thổ dân ở Úc, đều có các câu chuyện về trận Nước Lụt. Dù cho một số các câu chuyện này có khác nhau vài chi tiết đi nữa, sự thật căn bản của hầu hết các câu chuyện này vẫn là trái đất đã bị ngập lụt và chỉ ít người được cứu sống trong một chiếc tàu do người ta đóng. Chỉ có một cách giải thích tại sao câu chuyện này được lưu truyền rộng rãi: bởi vì trận Nước Lụt là một biến cố có thật trong lịch sử.
39. Chúng ta có thêm bằng chứng nào về sự thật Kinh-thánh là lời của Đức Chúa Trời chứ không phải của loài người?
39 Vậy thì trong những khía cạnh chủ yếu, Kinh-thánh hòa hợp với khoa học hiện đại. Khi nào có sự mâu thuẫn giữa hai bên, thì bằng chứng của các khoa học gia mới là đáng nghi ngờ. Khi có sự hòa hợp, Kinh-thánh thường chính xác, khiến chúng ta phải tin rằng những điều chứa đựng trong Kinh-thánh đến từ một nguồn thông sáng siêu phàm. Thật vậy, việc Kinh-thánh hòa hợp với khoa học cung cấp thêm bằng chứng sách này là lời của Đức Chúa Trời chứ không phải lời của loài người.
[Chú thích]
[Khung nơi trang 105]
“Bụi đất”
Cuốn “The World Book Encyclopedia” (Bách khoa Tự điển Thế giới) ghi nhận: “Tất cả các nguyên tố hóa học cấu tạo nên những sinh vật cũng hiện diện trong các vô sinh vật”. Nói một cách khác, các hóa chất căn bản ở trong các sinh vật, gồm cả con người, cũng được tìm thấy trong trái đất. Điều này hòa hợp với lời của Kinh-thánh: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người” (Sáng-thế Ký 2:7).
[Khung nơi trang 107]
‘Như hình Đức Chúa Trời’
Một số người đưa ra những điểm giống nhau về thể chất của loài người và một số động vật để chứng tỏ hai loài có quan hệ với nhau. Tuy nhiên họ phải đồng ý là khả năng trí tuệ của loài người cao hơn thú vật rất nhiều. Tại sao loài người có khả năng hoạch định, tổ chức thế giới xung quanh họ, có khả năng yêu thương, có trí tuệ thông minh, lương tâm và có khái niệm về quá khứ, hiện tại và tương lai? Thuyết tiến hóa không thể trả lời được điều này. Nhưng Kinh-thánh trả lời được, khi nói rằng: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời” (Sáng-thế Ký 1:27). Nói về khả năng tinh thần, đạo đức và tiềm năng của con người, họ thực sự phản ảnh Cha trên trời của họ.
[Hình nơi trang 99]
Kinh-thánh miêu tả trái đất lơ lửng trong không gian thật phù hợp với lời các phi hành gia tường thuật lại
[Hình nơi trang 102]
Kinh-thánh không nói trái đất quay quanh mặt trời hay mặt trời quay quanh trái đất
[Hình nơi trang 112, 113]
Nếu trái đất bằng phẳng, không có núi và vực sâu, nó sẽ hoàn toàn bị chìm sâu dưới nước
[Hình nơi trang 114]
Người ta tìm thấy các con voi to lớn đã bị đông đá ngay sau khi chết
[Hình nơi trang 115]
Ông Louis Pasteur chứng tỏ rằng sự sống chỉ có thể đến từ sự sống đã có trước
[Hình/Biểu đồ nơi trang 109]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Kinh-thánh miêu tả một cách chính xác về chu trình của nước trên đất