Khoa học chứng minh ‘ngủ càng nhiều càng dễ chết sớm’: sao lạ vậy?

Nhiều người than vãn rằng cả cuộc đời này có lẽ việc ăn và làm việc nhà là điều tốn thời gian nhất. Nhưng không phải vậy!

Theo các nhà khoa học Đức, trung bình một người trong chúng ta chỉ dành khoảng 4 năm cuộc đời để làm việc nhà. Trong khi đó, chúng ta dành tới 24 năm 4 tháng để ngủ.

Càng lớn, chúng ta càng nhận ra rằng việc ngủ trước 10h tối là điều vô cùng xa xỉ. Nhưng từ hôm nay, bạn có thể sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn khi biết rằng việc đi ngủ sớm hay ngủ quá nhiều cũng không tốt như bạn tưởng. 

1. “Đi ngủ quá sớm” không tốt cho sức khỏe và tăng nguy cơ mắc bệnh

Nghiên cứu này được công bố trên tờ “Sleep Medicine”. Thực hiện trên 112.198 tình nguyện viên ở 21 quốc gia, kéo dài suốt 9,2 năm.

Sau khi gửi cho số tình nguyện viên này bảng câu hỏi về thời gian bắt đầu ngủ, thời lượng và cách ngủ. Các nhà nghiên cứu đã chia những người tham gia thành ba nhóm: nhóm ngủ sớm trước 22 giờ, nhóm ngủ bình thường từ 22 giờ đến 24 giờ và nhóm ngủ muộn sau 24 giờ.

Sau khi phân tích dữ liệu thu thập được trong 9 năm, các nhà nghiên cứu kết luận rằng đi ngủ muộn chắc chắn không tốt cho sức khỏe tim mạch, nhưng đáng ngạc nhiên là đi ngủ sớm cũng có hại cho sức khỏe tim mạch như vậy.

Kết quả cho thấy: Nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng 29% ở nhóm đi ngủ sớm, trong khi đó nguy cơ của nhóm đi ngủ muộn chỉ là 11%. 

Các nhà nghiên cứu cho rằng nhóm đi ngủ sớm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao, một phần do nhóm người này thuộc hội người cao tuổi, kém minh mẫn, thể trạng không tốt. Hiện mối quan hệ giữa việc đi ngủ sớm và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vẫn cần được nghiên cứu thêm.

2. “Ngủ quá nhiều” tăng nguy cơ tử vong sớm

Một nghiên cứu của Đại học Keele (Anh), được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng cho thấy, nếu bạn ngủ nhiều hơn 7 hoặc 8 tiếng mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chưa kể càng ngủ nhiều bạn càng gặp nguy hiểm. 

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện phân tích thời lượng và chất lượng giấc ngủ của tổng số 3,34 triệu người tham gia từ năm 1970 đến năm 2017, tập trung vào mối liên quan với tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân, bao gồm bệnh tim mạch vành, đột quỵ và mạch máu não.

Cuối cùng các chuyên gia nhận thấy, nếu chúng ta ngủ hơn 8 giờ một ngày, nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân sẽ tăng lên. Cụ thể, ngủ 9 tiếng tăng 14%, 10 tiếng tăng 30%, hơn 11 tiếng tăng 47%.

Ngoài ra, những người ngủ trên 10 tiếng/ngày có nguy cơ đột quỵ và tim mạch tăng hơn 50%.

Lý do được lý giải rằng, khi thời gian ngủ quá nhiều sẽ làm giảm thời gian hoạt động thể chất tương ứng, từ đó làm tăng khả năng béo phì, nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hơn nữa, việc ngủ quá nhiều trong thời gian dài sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến xương, cơ và thần kinh não bộ, khi những yếu tố tiêu cực này chồng chất và tích tụ thì nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng cao.

Vậy đi ngủ thế nào là tốt nhất?

Ngủ quá nhiều hay quá ít đều không tốt cho cơ thể. Thời gian ngủ được Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ khuyến nghị là:

– Người già trên 65 tuổi, ngủ từ 7-8 giờ/ngày.

– Duy trì ngủ trong 7-9 giờ/ngày đối với người trưởng thành.

– Thanh thiếu niên nên ngủ trong 8-10 giờ/ngày.

– 9-11 giờ/ngày cho trẻ em trong độ tuổi đi học.

– 10-13 giờ/ngày cho trẻ em mẫu giáo.

– Trẻ sơ sinh nên ngủ 11-14 giờ/ngày.