Khó xin việc sau khi dừng làm Freelancer

LƯƠNG HẠNH

  –  

Thứ tư, 15/03/2023 11:10 (GMT+7)

Khi Freelance – công việc tự do không như trong tưởng tượng, nhiều Freelancer – người làm việc tự do lại quay trở về với công việc văn phòng. Tuy nhiên, họ gặp nhiều trở ngại trong khi tìm kiếm việc làm.

Lý do “không phù hợp”

Phạm Văn Tuân  (24 tuổi) không muốn gắn bó với những quy tắc gò bó tại công ty nên đã làm công việc tự do gần 2 năm. Công việc của anh Toàn là Graphic Designer (nhân viên thiết kế đồ họa).

Sau một thời gian làm việc, anh ngậm ngùi nhận ra mối quan hệ giữa mình và khách hàng cũng khổ sở không kém những người đi làm công ty. 

“Chín người mười ý, nếu may mắn gặp khách hàng dễ tính thì mọi chuyện dễ dàng, dự án cũng hoàn thành đúng tiến độ. Còn nếu gặp khách hàng nhiêu khê thì phải điều chỉnh, thuyết phục họ, vừa tốn thời gian vừa vô cùng mệt mỏi” – anh Tuân cho hay.

  Anh Tuân chật vật vì xin việc sau khi dừng làm Freelancer trong thời gian đầu năm 2023. Ảnh: Lương Hạnh

Nam Freelancer nhớ lại, có lần anh nhận thiết kế bao bì sản phẩm phải làm lại 3 lần và quỵt mất tiền công.

Không chỉ vậy, anh còn phải thức cả đêm để hoàn thành cho kịp tiến độ dự án, thời gian bận bù đầu khiến anh gần như kiệt sức.

Một khía cạnh khiến anh nghĩ nhiều trong thời gian gần đây đó là công việc tự do đem lại cho anh thu nhập ở mức khá. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc anh không có bất kỳ một loại bảo hiểm nào, không có các khoản thưởng ngoài thu nhập chính. 

“Những người không biết lại nghĩ công việc này đem lại thu nhập cao, thời gian không gò bó nên rảnh rỗi. Nhiều khi tôi phải lo làm cho xong dự án nên không dự đám cưới bạn hoặc không đi họp lớp được, bị trách nhiều lắm. Bạn gái nhiều lúc không hiểu cho” – anh Tuân ngậm ngùi.

Sau khi phải đối mặt với nhiều áp lực, anh Tuân đã làm lại hồ sơ xin việc để quay trở lại với công việc văn phòng. Điều đáng buồn là ngay cả khi đã từng tham gia nhiều dự án, anh lại bị từ chối với lý do “không phù hợp”. 

“Công ty đó cho rằng công việc tự do không khiến tôi phát triển kỹ năng nào. Dù tôi đã gửi họ tất cả những dự án tôi từng tham gia, thậm chí tôi cũng gọi điện cho khách hàng từng làm việc với mình để tham chiếu nhưng các công ty tôi nộp hồ sơ xin việc đều nói tôi không phù hợp với tiêu chí công việc họ đang tuyển dụng” – anh Tuân cho hay. 

Kỹ năng mềm bị… thui chột

Tháng 6.2021, vì vướng bận công việc gia đình, chị Lê Thị Hoài (26 tuổi, Thái Nguyên) đã nghỉ việc ở công ty và chuyển hướng sang làm Freelancer.

Sau hơn 1 năm gắn bó với công việc này, vì nguồn thu nhập thấp và không ổn định, chị Hoài quyết định quay trở lại môi trường công sở.

Tuy nhiên do thời gian dài không tiếp xúc, tìm hiểu về thị trường lao động, nữ nhân viên chật vật trong việc tìm kiếm một công việc mới.

Trở thành một Freelancer giúp chị Hoài được trải nghiệm qua nhiều vị trí, công việc khác nhau. Tuy nhiên, đây cũng là một hạn chế khi CV – hồ sơ xin việc của nữ nhân viên khá “nát”. 

Chị Hoài cảm thấy khó khăn khi chuyển từ Freelance sang một công việc ở văn phòng. Ảnh: Lê Hoài.Chị Hoài cảm thấy khó khăn khi chuyển từ Freelance sang công việc văn phòng. Ảnh: Lê Hoài

“Đa phần các doanh nghiệp đều tìm kiếm những người có kinh nghiệm lâu năm ở một lĩnh vực nào đó. Họ không cần một ứng viên biết nhiều thứ nhưng lại không chuyên một mảng nào” – chị Hoài nói.

Sau thời gian dài làm việc tự do và ít tiếp xúc với các mối quan hệ mới, chị Hoài cho rằng bản thân đã bị thui chột rất nhiều kỹ năng mềm như: Giao tiếp, thuyết trình hay làm việc nhóm,… Điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc đánh giá của các nhà tuyển dụng trong quá trình phỏng vấn.

“Trong khi bạn bè đồng trang lứa đã xác định được công việc phù hợp và có một khoảng thời gian gắn bó đủ dài để bắt đầu bước vào lộ trình thăng tiến thì tôi phải quay trở lại từ con số không” – nữ nhân viên tâm sự.