Khó tìm việc lương cao, người trẻ Trung Quốc đến châu Phi làm việc

Sinh viên mới tốt nghiệp tại Trung Quốc đang đối mặt với sự khủng hoảng khi tìm kiếm việc làm ở quê nhà, họ chọn đến châu Phi vì có nhiều cơ hội hơn.

Nhiều người trẻ Trung Quốc đến châu Phi làm việc vì lương cao hơn, chi phí sinh hoạt lại rẻ. Ảnh: Sixth Tone.

Khi Zhu Yuying (24 tuổi, sinh viên ngành Tài chính) bắt đầu tìm việc sau khi tốt nghiệp vào mùa thu năm 2022, anh nhanh chóng nhận ra quá trình này sẽ rất khó khăn.

Zhu đã gửi khoảng 70 đơn xin việc, tham dự nhiều vòng phỏng vấn, nhưng anh chỉ nhận được những lời mời làm việc ở những vị trí có mức lương khởi điểm khá thấp so với mặt bằng chung, gần 13.000 USD/năm.

Một ngày nọ, video của một vlogger đã thu hút sự chú ý của Zhu. Người này đã đề xuất chuyển đến châu Phi để tìm một công việc lương cao.

Bị hấp dẫn, Zhu làm theo lời khuyên của vlogger. Anh gửi hồ sơ cho một doanh nghiệp Trung Quốc. Sau vài ngày, anh được thuê làm trợ lý tài chính cho một tập đoàn xây dựng hoạt động tại châu Phi.

Công ty không cho Zhu biết anh sẽ được cử đến quốc gia nào ở châu Phi, nhưng mức lương hàng năm đủ để thuyết phục anh nhận việc. Mức lương khởi điểm cho vị trí này là khoảng 35.300 USD, sau đó sẽ tăng dần theo từng năm.

“Tôi dự định làm việc ở châu Phi trong vài năm, sau đó sẽ về Trung Quốc khi nền kinh tế ổn định hơn”, Zhu nói với Sixth Tone.

Xu hướng đến châu Phi làm việc

Sixth Tone chưa thể thống kê chính xác có bao nhiêu sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc đang chuyển đến châu Phi làm việc, nhưng chủ đề này đang gia tăng đáng kể trên các trang mạng xã hội.

Li Yao, 26 tuổi, làm việc cho một công ty Trung Quốc ở Guinea, là người tận mắt chứng kiến sự thay đổi này. Li cho biết kể từ khi làm vlog về cuộc sống của mình ở Guinea vào năm 2020, cô nhận thấy nhiều người ở Trung Quốc cũng bắt đầu làm nội dung tương tự.

gen Z tim viec anh 1

Li Yao làm vlog về cuộc sống ở châu Phi. Ảnh: Sixth Tone.

Theo Li, những bài đăng có lời khuyên về việc chuyển đến châu Phi có vẻ thu hút hơn những bài viết khác. Trong vlog, Li thường chia sẻ cách tìm việc làm, những hành lý cần mang theo, những điều nên làm và không nên làm khi sống ở các nước châu Phi. Dù không đăng những bài viết liên quan cuộc sống ở châu Phi, Li vẫn nhận được hàng loạt câu hỏi liên quan từ các bạn trẻ tại Trung Quốc.

Đối với những người trẻ ở Trung Quốc, chuyển đến châu Phi làm việc đang trở thành một xu hướng trong năm 2022. Điều này xảy ra do tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục, hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp phải vật lộn để tìm được việc làm tử tế ở quê nhà.

Những người trẻ đang cân nhắc chuyển đến châu Phi có một điểm chung là họ tốt nghiệp từ các trường đại học nằm ngoài dự án 211 và dự án 895 – nhóm các trường đại học top đầu tại Trung Quốc. Những sinh viên tốt nghiệp đại học hạng trung thường bị chế nhạo là sinh viên “shuangfei” hay còn gọi là sinh viên “hai không” (nghĩa là không 211 và không 895).

Sinh viên “shuangfei” đang chật vật tìm việc vì bằng cấp khó gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Mùa hè năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước này đã tăng gần 20%. Đến mùa thu 2022, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vì nhiều nhà tuyển dụng công bố kế hoạch cắt giảm tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp vì nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, châu Phi trở thành điểm đến lý tưởng vì các công ty Trung Quốc ở châu Phi cần nhân lực.

Làm việc cho một công ty Trung Quốc hoạt động ở châu Phi có những bất lợi, nhất là vấn đề an ninh. Nhưng làm việc ở châu lục này có một lợi thế rõ ràng là lương cao, kỳ nghỉ dài ngày và tốc độ làm việc không căng thẳng như tại Trung Quốc.

Đối với thế hệ trưởng thành trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn do đại dịch, những đãi ngộ làm việc ở châu Phi hấp dẫn hơn nhiều.

Một số sinh viên mới tốt nghiệp cũng đánh giá cao cơ hội khám phá thế giới, phát triển kỹ năng ngoại ngữ và trải nghiệm các nền văn hóa mới khi làm việc tại châu Phi.

Làm việc ở châu Phi không phải toàn màu hồng

Khi được hỏi về lợi thế khi sống ở châu Phi, hầu hết người trẻ Trung Quốc đều nói rằng tài chính là lợi thế hàng đầu. Họ được trả lương cao, có chỗ ở miễn phí và chi phí sinh hoạt thấp.

Một số khác lại nói về những kỳ nghỉ dài khi làm việc ở châu Phi. Nhiều công ty Trung Quốc cho nhân viên nghỉ phép có lương một tháng sau khoảng 3-5 tháng hoàn thành công việc. Tốc độ làm việc ở châu Phi cũng ít căng thẳng hơn so với môi trường làm việc tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, sống và làm việc ở châu Phi cũng khiến nhiều người lo ngại về vấn đề an ninh. Sống ở châu Phi 2 năm, Li Yao thường xuyên theo dõi điều kiện an ninh tại các nước và nhận thấy các nước miền Bắc nhìn chung an toàn hơn các nước miền Nam và miền Đông châu Phi.

Li khuyên người lao động nên tránh những nơi đông người, phương tiện công cộng và hạn chế ra ngoài vào ban đêm.

Chăm sóc sức khỏe cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Nhiều người Trung Quốc chuyển đến châu Phi dễ mắc bệnh sốt rét. Những dịch vụ chăm sóc sức khỏe như răng – hàm – mặt ở châu Phi cũng hạn chế vì không có bác sĩ. Nhiều người Trung Quốc phải đi mất 2 giờ để tìm đến một bệnh viện của bác sĩ nước ngoài, nhưng chi phí không hề rẻ.

Một hạn chế khác khi làm việc ở châu Phi là không được tự do đi lại. Các công ty Trung Quốc ở châu Phi thường thắt chặt an ninh và chỉ cho nhân viên rời khỏi khuôn viên khi có sự chấp thuận của quản lý.

Nhiều người bị mắc kẹt trong các khu nhà, không có phương tiện giải trí. Điều đó khiến họ bị cô lập về mặt thể chất và xã hội.

Li Yao trở thành vlogger cũng vì cô cảm thấy buồn chán và muốn làm gì đó để lấp đầy thời gian rảnh. Li cho biết hầu như tháng nào cô cũng khóc vì thỉnh thoảng bị suy sụp tinh thần. Cô nghĩ nhiều người Trung Quốc khác ở châu Phi cũng làm vlog vì cảm thấy chán giống cô.

“Tôi xa gia đình và xa cuộc sống thú vị ở Trung Quốc. Đôi khi tôi còn tự hỏi vì sao mình lại dành cả tuổi thanh xuân ở châu Phi”, Li tâm sự.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight – 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo”, cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.