Khi thảm họa điện ảnh là ‘Kiều’

Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2021, khán giả đã được chứng kiến hai bộ phim điện ảnh thảm họa cùng mang mác “Kiều”.

review Kieu anh 1

Hồi cuối tháng 2, bộ phim Kiều @ của đạo diễn Đỗ Thành An chính thức ra rạp. Đầu tháng 4, Kiều của Mai Thu Huyền cũng khởi chiếu sau thời gian trì hoãn do dịch bệnh.

Điểm chung của hai tác phẩm không chỉ nằm ở cái tên gợi nhắc danh tác của đại thi hào Nguyễn Du, mà còn là chất lượng nghệ thuật dưới mức trung bình.

Những bản phim gây thất vọng

Kiều @ của đạo diễn Đỗ Thành An được chuyển thể từ vở cải lương Nửa đời hương phấn của hai soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng. Phim xoay quanh số phận trái ngược của hai chị em Hương – Phấn.

Dòng đời xô đẩy khiến Hương, cô gái xa quê lên thành phố bị lừa vào con đường buôn phấn bán hương. Sau bao thăng trầm cuộc đời, Hương quyết định quy y cửa Phật. Phấn – em gái Hương – cũng lên thành phố làm việc, rồi cưới một người đàn ông mà không hay biết đó là tình xưa của chị gái.

review Kieu anh 2

Kiều @ là thảm họa điện ảnh đầu năm 2021. Ảnh: Lotte.

Ngược lại, ngay từ mở đầu, Kiều của Mai Thu Huyền đã thông báo bộ phim chỉ lấy cảm hứng từ nguyên tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Phim là lát cắt cuộc đời Kiều từ thời điểm bán mình chuộc cha cho tới lúc từ giã Thúc Sinh. Trên phim, khán giả dễ dàng tách bạch những chi tiết quen thuộc phục dựng từ trang thơ Nguyễn Du với những sáng tạo mới của đạo diễn và biên kịch.

Dù xây dựng dựa trên những nguyên tác được khán giả đón nhận nồng nhiệt, cả Kiều @ và Kiều, nói một cách ví von, đều giống như các hậu bối làm mất mặt tổ tiên.

Kiều @ bị nhận xét bằng những tính từ “phản cảm”, “thảm họa”, “thất bại”. Đạo diễn Đỗ Thành An sau đó phải lên tiếng giải thích. Trả lời Zing, ông cho biết: “Tôi không phản đối ý kiến của khán giả. Thảm họa hay không thì người xem tự nhận xét. Tôi tôn trọng khán giả”.

Với Kiều của Mai Thu Huyền, những phản hồi đầu tiên về bộ phim cũng không mấy khả quan. Người nhẹ nhàng trách nhà làm phim chưa đủ tầm, kẻ mạnh miệng khẳng định tác phẩm dở tệ, thảm họa.

Kiều là bộ phim đầu tay của Mai Thu Huyền trong vai trò đạo diễn. Trước đây, chị có nhiều năm lăn lộn với điện ảnh và truyền hình trong các vai trò diễn viên, nhà sản xuất. Nhưng chừng đó kinh nghiệm có lẽ vẫn chưa đủ để nhà làm phim giàu tham vọng gặt hái thành công.

Rất lâu trước Kiều @ hay Kiều, năm 2007, đạo diễn Việt kiều Othello Khánh đã ra mắt bộ phim Sài Gòn nhật thực lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Trong phim, Kiều (Trương Ngọc Ánh) vì muốn cứu mẹ và cha dượng đã đồng ý bán mình cho một kẻ buôn người và trở thành cỗ máy kiếm tiền cho y.

Dù quy tụ dàn diễn viên gồm nhiều gương mặt có quen có lạ, lại khai thác tích xưa truyện cũ dưới góc nhìn hiện đại, Sài Gòn nhật thực không thoát khỏi số phận một bộ phim thảm họa.

Lựa chọn vấn nạn buôn người làm chủ đề chính, Sài Gòn nhật thực gây phản cảm vì xây dựng hình ảnh phụ nữ Việt Nam dưới góc nhìn chủ quan, một chiều: vọng ngoại, vì bạc tiền mà mẹ bán con, bà bán cháu… Mang danh lấy cảm hứng từ danh tác của Nguyễn Du, nhưng phim đi ngược những giá trị nhân văn mà Truyện Kiều truyền tải. Từ thất bại liên tiếp của Sài Gòn nhật thực, Kiều @ và Kiều, có thể thấy Truyện Kiều chưa bao giờ là một tác phẩm dễ dàng đưa lên màn ảnh.

Sức nặng của Kiều

Nhắc đến Kiều, người Việt lập tức nhớ tới người con gái mang vẻ đẹp “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” bán mình chuộc cha trong danh tác của Nguyễn Du. Qua bao biến thiên, Thúy Kiều không chỉ là một nhân vật trên trang sách. Nàng đã trở thành biểu tượng thuộc về hiểu biết chung với nhiều người.

Trong hoàn cảnh tầm phủ sóng quyết định không nhỏ thành công của một tác phẩm, Kiều là một danh từ đầy sức mạnh. Không cần mất công giải thích, khán giả luôn biết câu chuyện đi cùng cái tên ấy.

review Kieu anh 3

Kiều (2021) trở thành câu chuyện tranh giành tình yêu nhạt nhẽo trên màn ảnh. Ảnh: Tincom Media.

Bộ phim của đạo diễn Đỗ Thành An, dù xây dựng từ một nguyên tác hoàn toàn khác, vẫn lấy danh Kiều. Để khán giả biết bộ phim của mình diễn ra ở thời hiện đại, nhà làm phim thêm vào ký tự @.

Trên màn ảnh rộng, trong 10 năm trở lại đây, thể loại cổ trang ít được nhà làm phim thương mại lựa chọn. Do đó, việc Mai Thu Huyền lựa chọn hướng đi này sẽ tránh cho chị cuộc cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn.

Nhưng cũng giống như nội dung Quỳnh hoa nhất dạ sắp ra mắt bám vào nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga để phát triển, bộ phim của Mai Thu Huyền dùng Kiều làm chất liệu sáng tạo.

Bởi, như đã nói bên trên, khán giả sẽ luôn tò mò với một bộ phim về Kiều. Họ muốn biết gương mặt nào sẽ thủ vai những nhân vật mình đã quen tên, rõ tính.

Bên cạnh đó, công chúng cũng muốn thưởng thức câu chuyện quen thuộc dưới một lớp vỏ vật chất khác và đánh giá phần sáng tạo mới lạ. Nói cách khác, một bộ phim về Kiều sẽ luôn thu hút sự tò mò của khán giả, bất chấp phản ứng tiếp theo mang tính tích cực hay tiêu cực.

Khi hình tượng Kiều bị phá

Sáng tạo lớn nhất của Kiều chính là gia tăng vai trò của Đạm Tiên – người con gái nằm dưới nấm mồ vô danh mà Kiều từng xót thương trong lễ tảo mộ mùa xuân năm nào. Đạm Tiên (Mai Thu Huyền) xuất hiện trong phim thoắt ẩn thoắt hiện, ngăn cản những gã đàn ông xấu làm hại đời Kiều.

Công bằng mà nói, sự sáng tạo là điều đáng ghi nhận. Nhưng việc thêm thắt các giá trị mới chỉ nên được hoan nghênh khi nhà làm phim đã xây dựng xong xuôi nền móng vững chắc cho tác phẩm, trong trường hợp này là Kiều (Trình Mỹ Duyên), Thúc Sinh (Lê Anh Huy) và Hoạn Thư (Cao Thái Hà). Bộ ba nhân vật chính được xây dựng một chiều, thiếu đi sự đấu tranh và nghèo nàn trong phát triển tâm lý.

review Kieu anh 4

Sáng tạo của Mai Thu Huyền nhanh chóng trở thành sự bôi vẽ thừa thãi. Ảnh: Tincom Media.

Cuộc đời Kiều giữa chốn lầu xanh dập dìu hoa bướm vẫn êm đềm trướng rủ màn che, bởi cô đã có Đạm Tiên giúp mình giải quyết những khách làng chơi sỗ sàng. Từ đầu tới cuối phim, nàng chỉ nghệt mặt nhìn mọi thứ trôi qua hoặc than khóc như thể đang chờ Bụt xuất hiện.

Tình huống tương tự xảy đến với Thúc Sinh. Hạn chế về diễn xuất khiến Mỹ Duyên và Anh Huy không thể bộc lộ được màu sắc của nhân vật.

Nhân vật Hoạn Thư, được kỳ vọng sẽ khiến khán giả căm ghét vì thói ghen tuông ích kỷ, rốt cuộc trở thành người phụ nữ phát điên vì tình. Nàng bày ra trăm phương nghìn kế để giữ chồng, rồi cuối cùng chấp nhận buông bỏ trong tư thế ngẩng cao đầu…

Không chỉ có dàn nhân vật thiếu sức hút, cách dẫn chuyện, chuyển cảnh của Kiều cũng để lộ sự non tay của đạo diễn. Nếu không có các đại cảnh cầu kỳ, bộ phim dễ khiến khán giả hiểu lầm họ đang xem một tiểu phẩm, hoặc phim truyền hình.

Về mặt hình ảnh, Kiều gây phản cảm vì các cảnh thân mật được dàn dựng thô vụng, sống sượng. Tiếp đến, phần kỹ xảo vụng về, lộ ra chủ yếu trong cảnh Đạm Tiên chạm mặt Thúc Sinh bên bến nước, càng góp phần khiến chất lượng bộ phim sụt giảm.

Lật ngược vấn đề, thiếu sót trong kỹ thuật làm phim của Kiều là khó chối cãi, nhưng câu chuyện liệu có hấp dẫn hơn không nếu tác phẩm không gắn liền với nguyên tác Truyện Kiều?

Khi ấy, biên kịch sẽ có không gian sáng tạo rộng hơn cái khung nhân vật và cốt truyện đã có sẵn. Họ sẽ không phải gò ép Thúc Sinh vào tình thế bên vợ, bên người tình, hay trao cho Hoạn Thư nhiều lựa chọn trong đời hơn màn đánh ghen nửa vời trên màn ảnh. Nói cách khác, họ sẽ có cơ hội khiến mọi thứ diễn ra thuyết phục hơn.

Trên hết, nếu Kiều trong phim của Mai Thu Huyền là một cô gái tài sắc nhưng chịu số phận long đong khác, thay vì nữ chính của Nguyễn Du, khán giả có thể sẽ nhìn nhận cô, và những nhân vật khác, bằng ánh mắt rộng lượng hơn thay vì sự so sánh.