Khi sinh viên dựng kịch cho sinh viên
Không là kịch của diễn viên chuyên nghiệp, nhưng 5 vở được trao giải ở cuộc thi kịch nói cấp toàn thành chủ đề “Sinh viên 24/7” (nhãn hàng Lipton – Unilever tài trợ), diễn ra tối 6/5 tại Nhà hát Bến Thành, để lại nhiều ấn tượng đẹp. Cuộc thi này là sân chơi mới dành cho sinh viên TP HCM.
Một góc đời sống sinh viên trong “Phòng trọ 3 người”.
Một chàng bộ đội đang ốm, thèm rỏ dãi bát cháo gà vì đời lính quanh năm chỉ có cháo “chay”. Một anh bộ đội khác thương bạn, bày kế với cô y tá quân khu bắt gà của thủ trưởng nấu cho bạn ăn. Từ đấy nảy sinh những câu chuyện cảm động, hài hước về tình yêu, tình đồng đội. Vở kịch Nồi cháo gà của soạn giả nổi tiếng Ngô Y Linh vốn được dựng nhiều lần nhưng dường như dễ thương, đáng yêu hơn qua cách thể hiện của các diễn viên – sinh viên trường Ngoại ngữ – Tin học. Nồi cháo gà xứng đáng giành giải nhì của cuộc thi.
Một vở kịch khác gây ấn tượng chỉ với diễn viên duy nhất. Độc diễn, nhưng Đêm Giáng sinh của sinh viên Dương Kim Ngân, trường Huflit, dẫn khán giả miên man theo dòng suy nghĩ của cô gái trẻ bỏ quê hương đi tìm thiên đường ở trời Tây. Rồi khi cô đơn trong một đêm Giáng sinh tuyết trắng lạnh lẽo, cô chợt nhận ra, vùng đất hứa chính là quê hương mình. Giọt nước mắt thật sự của nữ diễn viên nghiệp dư cùng những lời độc thoại đầy ý nghĩa: “Có hai ngày trong cuộc đời chúng ta không nên hối tiếc: Ngày hôm qua và ngày mai…” đã chinh phục khán giả và ban giám khảo gồm những nghệ sĩ, đạo diễn nổi tiếng như: Đức Thịnh, NSƯT Kim Xuân, nghệ sĩ Hà Văn Thành… Vở kịch này cùng lúc đoạt giải cao nhất cuộc thi và giải dành cho diễn viên nữ xuất sắc.
Vở độc diễn “Đêm giáng sinh” thể hiện một cách nhìn trước lối sống thực dụng của giới trẻ.
Được cánh sinh viên cổ vũ nồng nhiệt nhất chính là vở Phòng trọ 3 người do nhóm bạn ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thể hiện. Vở kịch được các bạn chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Vở diễn có kịch bản thông minh, cách diễn đậm chất sinh viên với nhiều nét hài duyên, ý nghĩa nói về khoảnh khắc vui, buồn của thời cắp sách đến giảng đường đã đoạt giải ba, cùng giải kịch bản xuất sắc.
Bạn Thanh Duy, sinh viên ĐH KHXH&NV, nhận xét: “Cuộc thi kịch nói lần đầu tiên này hay, nhưng xem xong vẫn chưa thấy “sướng” vì đề tài thật sự bám sát đời sống sinh viên hiện nay chưa nhiều. Hy vọng những lần thi sau chúng tôi sẽ được xem những vở kịch mới, độc đáo hơn do chính sinh viên sáng tạo”.
Anh Giang Ngọc Phương – Phó chủ tịch Hội sinh viên thành phố – cho rằng: “Cuộc thi này không chỉ tạo sân chơi mới cho sinh viên mà còn gắn kết sinh viên các trường với nhau, tạo cơ hội phát hiện, bồi dưỡng tài năng kịch nói”.
Bài, ảnh: Anh Vân