‘Khi nhìn bệnh nhân hồi phục, tôi đã thôi băn khoăn về hạnh phúc của mình’ – Báo Đồng Nai điện tử
.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Vĩnh. Ảnh: K.Ngân
Cách đây gần 5 năm, bác sĩ Nguyễn Hồng Vĩnh cùng người đồng sáng lập Thiền Tâm – ông Lâm Văn Trung về Đồng Nai để tìm nơi phát triển một trung tâm chuyên phục hồi chức năng cho bệnh nhân cơ xương khớp, thoái hóa, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm, thần kinh tọa, tai biến mạch máu não, rối loạn tiền đình… Chỉ trong vòng nửa tiếng, khu đất rộng 4 hécta hoang sơ nằm trên trục đường Võ Nguyên Giáp đã được chọn để phát triển Thiền Tâm.
Bác sĩ Vĩnh vốn là bác sĩ chuyên ngành Vật lý trị liệu – phục hồi chức năng, từng công tác tại Bệnh viện đại học y dược TP.Hồ Chí Minh, trong khi ông Lâm Văn Trung có kinh nghiệm trong các chuyên ngành điện tử viễn thông, công nghệ thông tin và mỹ thuật – ngành nội thất, từng làm việc tại nhiều công ty từ thiết kế đồ họa cho đến kỹ thuật.
Với những người sáng lập, Thiền Tâm không hẳn là một bệnh viện, cũng không phải là một dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Qua thời gian, Thiền Tâm là “đứa con tinh thần” mà bác sĩ Nguyễn Hồng Vĩnh cho là nơi “chữa lành”, không chỉ về những nỗi đau thể xác mà cả tinh thần cho người bệnh.
* “Con người doanh nhân” trong tôi? Có, nhưng không nhiều lắm”
* Từng là bác sĩ công tác tại Bệnh viện đại học y dược TP.Hồ Chí Minh, từng mở cả một bệnh viện chuyên phục hồi chức năng tại TP.Hồ Chí Minh, vì sao ông chọn về Đồng Nai để gầy dựng Thiền Tâm?
“Mỗi ngày làm việc tại Thiền Tâm, với cuộc sống bao quanh là nước, cây cối, hoa, rau trong vườn, cá dưới ao cùng với thiền định, đọc sách, lao động… và hỗ trợ những bệnh nhân vượt qua nỗi đau thể xác, tinh thần để tìm lại niềm vui sống mỗi ngày, tôi đã thôi không còn băn khoăn về ý nghĩa cuộc đời hay niềm hạnh phúc cá nhân nữa. Từ lâu, tôi cũng thôi không còn nghĩ ngợi về tiền hay vật chất”.
– Đó là một cái duyên. Không ai nghĩ chúng tôi xem đất và quyết định chọn địa điểm hiện tại để xây dựng Thiền Tâm chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ. Cách đây 5 năm, khu vực này chỉ là một vùng đất thấp, lầy lội, hoang sơ vì cách xa các khu dân cư hiện hữu. Chúng tôi chọn đặt Thiền Tâm ở đây vì mấy lý do: phù hợp với khả năng tài chính, tương lai đây sẽ là khu vực có vị trí tốt về kết nối giao thông và đặc biệt là môi trường xung quanh vẫn còn rất trong lành với nguồn nước dồi dào, cây cối xanh tươi.
TP.Hồ Chí Minh quá ngột ngạt và có lẽ đó là lý do chính khiến chúng tôi muốn mở Thiền Tâm ở một nơi không quá xô bồ. Tôi quan niệm, chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ bệnh nhân hồi phục một cách bền vững khi bản thân họ có một môi trường trong lành, thuận lợi, thư giãn để lấy lại cân bằng, điều đó khó có được nếu chúng tôi đặt Thiền Tâm ở một nơi đông đúc, ồn ào dù nó có thể giải quyết bài toán lợi nhuận trước mắt.
* Thiền Tâm đã chữa trị được cho bao nhiêu bệnh nhân?
– Chúng tôi vui vì sau mấy năm hoạt động, bệnh nhân từ mọi miền đất nước đã tìm đến Thiền Tâm, cả những bệnh nhân người nước ngoài cũng đến ở lại điều trị. Mỗi tháng, chúng tôi điều trị cho hàng ngàn lượt bệnh nhân và quan điểm của tôi là tránh hết mức khả năng bệnh nhân phải đi phẫu thuật. Thiền Tâm sử dụng các loại máy móc trị liệu phục hồi chức năng, kết hợp với điều trị thuốc, các bài vật lý trị liệu… Tóm lại cần sử dụng nhiều phương pháp trị liệu y khoa hiện đại. Một điều quan trọng nhất là chúng tôi hướng dẫn rất kỹ sau điều trị để bệnh nhân thay đổi lối sống, tránh tái phát bệnh.
* Có nhiều người cho rằng đây là một trung tâm thiên về thiền hoặc tôn giáo?
– Hoàn toàn không phải. Tôi là người được đào tạo bài bản về ngành y và Thiền Tâm trị liệu cho bệnh nhân bằng kiến thức, máy móc, thuốc… của y khoa hiện đại. Các bài tập vật lý trị liệu cũng dựa trên chuyên ngành mà tôi được đào tạo, hoàn toàn không “dính dáng” gì đến tôn giáo hay các hoạt động tâm linh.
Tạo ra một môi trường như hiện nay là vì tôi muốn cung cấp một giải pháp tổng thể cho bệnh nhân. Thời còn làm bác sĩ ở TP.Hồ Chí Minh, tôi quan sát và rút ra rằng đời sống tinh thần thoải mái, cân bằng chiếm đến 40% sự hồi phục của bệnh nhân bên cạnh máy móc, thuốc và những sự hỗ trợ từ bác sĩ.
Vậy nên khi Thiền Tâm ra đời, ngoài việc sử dụng những loại máy móc tối tân, hiện đại để điều trị, chúng tôi đặc biệt chú ý đến môi trường sống trong lành, thức ăn sạch, nghỉ dưỡng thư giãn cho bệnh nhân. Chẳng hạn, bếp ăn Thiền Tâm không dùng bột nêm, bột ngọt, chỉ dùng nước khoáng tự nhiên, rau sạch, thịt cá sạch…cùng các dịch vụ hỗ trợ khác như: hồ tắm nước khoáng, tắm bùn khoáng, ngâm thảo dược, massage trị liệu.
Khu nghỉ dưỡng điều trị phục hồi chức năng Thiền Tâm. Ảnh: K.Ngân
* Bao nhiêu phần trăm con người ông là doanh nhân, và bao nhiêu phần trăm là “con người bác sĩ”?
– Con người doanh nhân trong tôi có, nhưng rất ít. Nếu xem xét Thiền Tâm dưới góc độ kinh doanh thì còn rất lâu mới… lấy lại vốn vì chúng tôi đã đầu tư khá lớn vào đây. Nhưng thực sự, chưa ai nghĩ nhiều về điều đó. Điều đầu tiên chúng tôi mong mỏi là tạo được một môi trường điều trị và nghỉ dưỡng tốt, theo phương pháp bảo tồn không phẫu thuật. Thời điểm này, chúng tôi chỉ mong muốn đủ trả tiền lương cho nhân viên.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn, mạnh về tài chính đã từng đến Thiền Tâm và đặt vấn đề hợp tác. Có thể thấy ngay lợi nhuận nếu chúng tôi chịu bắt tay hợp tác. Tuy nhiên, họ hướng về kinh doanh khá nhiều, trong khi lý tưởng của những người sáng lập Thiền Tâm lại không nghiêng về lợi nhuận.
* “Hạnh phúc với tôi khá đơn giản”
* Là một bác sĩ, ông có nhận thấy con người ngày nay gặp quá nhiều vấn đề về thể chất, tinh thần do áp lực từ cuộc sống hiện đại?
Bác sĩ Nguyễn Hồng Vĩnh cùng cộng sự hiện đang phát triển dự án Khu Thiền Tâm 2, rộng 70 hécta, thuộc KP.Tân Lập, phường Phước Tân, TP.Biên Hòa. Dự án bao gồm: khu trị liệu, trường thiền, công viên cảnh quan, dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực sạch, hồ tắm nước khoáng, hồ tắm bùn…
– Tôi cho rằng tất cả nằm ở lối sống của mỗi người. Yếu tố “giữ cân bằng” là quan trọng nhất trong cuộc sống. Nghe thì đơn giản, nhưng rất khó thực hiện tốt bởi nó đòi hỏi sự tổng hòa của nhiều yếu tố: ăn đúng, ngủ đúng, suy nghĩ đúng… trong khi cuộc sống bộn bề luôn dễ làm người ta đi sai lối. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất của tôi chỉ mới 8 tuổi, thế mà đã chịu đựng các bệnh lý về cột sống do các tư thế sinh hoạt sai trong cả một thời gian dài.
Khi ốm đau về thể chất do lối sống và sinh hoạt sai, rất nhiều bệnh nhân cũng bị trầm cảm và mất phương hướng sống. Do đó, tôi phát triển Thiền Tâm theo hướng vừa chữa trị thể chất bằng các phương pháp y khoa hiện đại, vừa hỗ trợ bệnh nhân thoát khỏi những suy nghĩ và lối sống tiêu cực để tìm lại sự cân bằng cả về tinh thần lẫn thể chất.
* Điều gì làm ông hạnh phúc?
– Cá nhân tôi có đời sống và nhu cầu sống đơn giản, ăn uống đơn giản, không mê danh lợi… nên thú thực, tôi không mê kiếm tiền lắm. Nói thật, chúng tôi kiếm tiền không khó, nhưng những gì làm cho tôi hạnh phúc lại không liên quan đến việc phải có thật nhiều tiền, mà liên quan đến việc tôi có giúp gì được cho những người tin tưởng tìm đến với tôi không. Chỉ cần nhìn họ bình phục và lấy lại được niềm vui sống, thì tôi đã thấy vô cùng vui sướng và thấy đời mình có ý nghĩa. Nên thực ra, không phải chỉ tôi giúp bệnh nhân, mà chính sự hồi phục của họ cũng giúp tôi tự chữa lành, tự giải tỏa những vấn đề của bản thân tôi.
* Và tinh thần này lan tỏa đến tất cả nhân viên của Thiền Tâm?
Bệnh nhân đến điều trị tại Thiền Tâm được hưởng các chế độ, chính sách miễn – giảm theo quy định dành cho tu sĩ, người địa phương, người có hoàn cảnh khó khăn, người có hoàn cảnh đặc biệt… Bệnh nhân không được cho tiền hay bất kỳ tặng phẩm nào cho nhân viên và ngược lại, nhân viên không được nhận bất cứ những gì từ bệnh nhân như: tiền, quà tặng…
– Một ngày làm việc của tôi và các nhân viên Thiền Tâm khá giản dị. Chúng tôi dậy sớm, ăn uống đơn giản từ các bếp ăn sạch trong khu rồi bắt tay vào làm việc.
Khi công việc chưa quá nhiều, mỗi ngày tôi và tất cả nhân viên Thiền Tâm sẽ hành thiền hoặc nghe đọc sách, chia sẻ tinh thần Phật giáo trong vòng 1 giờ, và anh em vẫn được trả lương bình thường, khi công việc nhiều quá thì thỉnh thoảng tôi cũng cố gắng sắp xếp thời gian hành thiền thưa hơn, nhưng luôn nhắc nhở mọi người sống giản đơn, làm điều thiện, không bia rượu, không nói dối…
* Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)