Khi nghệ sĩ ‘lột xác’
TP – Năm 2022, phim truyền hình Việt đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trong đó, góp công không nhỏ chính là sự làm mới, “lột xác” ấn tượng của dàn diễn viên, đạo diễn tài năng.
Cắt tóc, cạo đầu, tập nháy mắt… để nhập vai
Quỳnh Kool là diễn viên trẻ quen mặt với khán giả yêu phim truyền hình từ các bộ phim: “Quỳnh búp bê”, “Đừng bắt em phải quên”, “Hãy nói lời yêu”, “Hướng dương ngược nắng”… Ở đó, cô đều vào vai tiểu thư đỏng đảnh, khó chiều, xuất thân trong những gia đình giàu có và quyền thế. Chính vì vậy, nữ diễn viên đã khiến khán giả vô cùng bất ngờ với vai Sơn Ca trong “Gara hạnh phúc”.
“Từ vẻ ngoài, tính cách cho đến hoàn cảnh sống của Sơn Ca đều không có giao điểm nào với mình cả”, Quỳnh Kool chia sẻ. Cô thú nhận từng bị loại ngay vòng đầu thử vai vì “hình ảnh chưa phù hợp với nhân vật”. Quyết tâm giành vai, cô thuyết phục đạo diễn rằng mình có thể hóa thân thành nàng Sơn Ca bụi bặm. Đến gần ngày khai máy, nữ diễn viên được gọi đến thử vai lần 2 và lần này, cô nhận được cái gật đầu của đạo diễn.
Quỳnh kể, cô phải thay đổi rất nhiều, từ phong cách ăn mặc, ngoại hình, cách đi đứng, ăn nói, tính tình… thậm chí phải tự làm xấu mình đi như phơi cho da đen hơn, ăn uống để mập hơn, cắt đi mái tóc dài bao năm gắn bó… Cô cũng dành nhiều thời gian ở gara ô tô để thực hành sửa xe và đi học võ để thể hiện sự gan góc của mình qua những màn đánh đấm.
Trong “Gara hạnh phúc”, khán giả còn “ngã ngửa” với màn “lột xác” vô cùng thú vị của nam diễn viên Duy Hưng. Khác với những nhân vật giang hồ, lạnh lùng, ít nói, có phần hung dữ trước đây như Hoàng “mặt sắt” trong “Người phán xử”, Đạo “đá” trong “Hồ sơ cá sấu” hay Việt “sói” trong “Mê cung”…, vai Trung trong “Gara hạnh phúc” lại có tính cách lầy lội, hài hước. Duy Hưng đươc khen ngợi “diễn như không diễn”, khiến mỗi phân cảnh của nhân vật này đều giúp khán giả bật cười sảng khoái. “Trong quá trình làm phim, tôi và đạo diễn Vũ Quốc Việt đã bàn bạc để thêm thắt làm sao cho câu thoại hay hơn va có cá tính riêng của mình hơn”, Duy Hưng chia sẻ.
Đặc biệt, Duy Hưng không sợ gà nhưng nhân vật của anh lại rất sợ gà, chỉ nhìn thấy lông gà cũng sợ. Để nhập vai những phân cảnh này thật ngọt mà không bị “giả trân”, nam diễn viên đã phải tìm hiểu, tiếp xúc, quan sát những người mắc chứng sợ gà, sợ côn trùng để bắt chước. Nhiều khán giả còn cho rằng nếu thiếu đi những phân cảnh “tấu hài” của nam diễn viên sinh năm 1989, sức hút của “Gara hạnh phúc” sẽ giảm đi rất nhiều.
Doãn Quốc Đam cũng là gương mặt được mệnh danh “tắc kè hoa” của màn ảnh nhỏ. Anh đóng từ tuyến nhân vật lành có, dữ có, bảnh bao có, gai góc có. Thậm chí, song song hai phim là một anh Mến trọc đầu, say rượu, đánh vợ trong “Phố trong làng” và một nhà văn Phong lãng tử, soái ca trong “Thương ngày nắng về”. Sau đó, anh tiếp tục với hai kiểu nhân vật khác hẳn nhau, là Tuấn “nháy” trong “Đấu trí”và gã trai ăn chơi, đánh phụ nữ Hoàng Minh Cường trong “Hành trình công lý”.
Nếu như ở “Phố trong làng”, Doãn Quốc Đam không ngại ngần cạo trọc đầu để nhập vai thì khi vào vai doanh nhân mưu mô, nham hiểm trong “Đấu trí”, anh chàng lại khiến vai diễn của mình có điểm nhấn hơn với tật nháy mắt liên hồi, nhất là mỗi khi có tình huống nghiêm trọng, cần sự tập trung. Nhiều khán giả còn đùa rằng: không chừng đóng xong phim này, mắt của Doãn Quốc Đam lại thành tật cũng nên.
“Khi nhận vai, tôi sẽ ngẫm hình tượng nhân vật là gì, mình sẽ hóa thân vào nhân vật như thế nào. Trong mỗi vai diễn, điều mà tôi luôn quan tâm đầu tiên chính là sự rung động với nhân vật của mình”, nam diễn viên bộc bạch.
Khi đạo diễn cũng nỗ lực “đổi món”
Các đạo diễn cũng nỗ lực “đổi món” cho khán giả bằng cách “làm khó” mình với những thử thách mới.
Đạo diễn Bùi Tiến Huy – người đã có khá nhiều giải thưởng từ dòng phim sở trường tuổi trẻ, tình yêu nên khi nhận dự án phim đề tài gia đình “Thương ngày nắng về” cũng có những áp lực nhất định. Nhất là kịch bản phim không đi vào những tình tiết giật gân, lắt léo nên để thu hút khán giả không phải là điều đơn giản, nhất là đề tài gia đình lại khá phổ biến. Nhưng nhờ nỗ lực của đạo diễn và ekip làm phim đã mang giải thưởng “Phim truyền hình xuất sắc nhất” cho “Thương ngày nắng về”, bản thân Bùi Tiến Huy cũng nhận giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại giải Cánh diều Vàng.
“Kịch bản phim thu hút tôi chính ở sự dung dị, tình cảm nhẹ nhàng nhưng sâu lắng và đầy ý nghĩa. Đây còn là bộ phim dài hơi với những tuyến nhân vật trải dài, để giữ được sự hấp dẫn từ đầu đến cuối phim sẽ là một thách thức không hề nhỏ. Và tôi thích sự thách thức đó”, nam đạo diễn chia sẻ.
Dòng phim chính luận “đụng” và “chạm” vào nhiều vấn đề nóng trong xã hội luôn là thách thức với những nhà làm phim. Vốn thế mạnh ở dòng phim tâm lý, gia đình qua nhiều tác phẩm thành công vang dội như “Về nhà đi con”, “Hương vị tình thân”, đạo diễn NSƯT Nguyễn Danh Dũng chia sẻ, ông vừa vui vừa áp lực khi nhận dự án phim chính luận “Đấu trí” trong năm 2022.
“Đấu trí” có kết cấu kịch bản gồm nhiều vụ án đơn lẻ được liên kết với nhau tạo nên sự hấp dẫn, kịch tính cho khán giả. Bối cảnh phim được trải dài ở nhiều vùng địa phương, từ miền núi, biên giới cho đến vùng biển… Những đại cảnh đuổi bắt, truy quét tội phạm buôn lậu huy động tới hàng trăm chiến sỹ, trang thiết bị chuyên dụng… Phim cũng được đạo diễn “chọn mặt gửi vàng” với số lượng diễn viên khổng lồ, mà theo như NSƯT Danh Dũng thì ông rất tự hào về lựa chọn này, kể cả những vai nhỏ nhất.
Tên tuổi của đạo diễn Bùi Quốc Việt vốn gắn bó với dòng phim hình sự, trinh thám nhưng anh cũng vừa có cú “lột xác” thành công với bộ phim tâm lí nhẹ nhàng, hài hước “Gara hạnh phúc”. Một đạo diễn có nhiều tác phẩm thành công ở dòng phim chính luận, hình sự như Nguyễn Mai Hiền cũng đã “rẽ ngang” bằng một tác phẩm có đề tài về tâm lí, gia đình như “Hành trình công lý” vừa lên sóng cuối năm 2022.
Sức sống riêng của một bộ phim không chỉ khác nhau ở khung giờ phát sóng, thời lượng phim, thể loại phim, nội dung hay đề tài mà còn ở sự nỗ lực “đổi vị” của các đạo diễn, biên kịch, diễn viên… Đây cũng là cơ hội để họ khám phá khả năng sáng tạo nghệ thuật vô tận của chính mình.