Khi nào cần khám bác sĩ tai mũi họng?

KHI NÀO CẦN KHÁM BÁC SĨ TAI MŨI HỌNG

1. Bệnh lý về tai mũi họng thường gặp?

Các bệnh lý viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amidan, viêm họng là những bệnh lý Tai mũi họng rất phổ biến ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, các yếu tố thời tiết, không khí ô nhiễm và sinh hoạt kém lành mạnh càng tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh tai mũi họng phát triển. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào xảy ra ở tai, mũi, họng, bạn nên đi khám chuyên khoa tai mũi họng để điều trị sớm, tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm.

 
Kiểm tra họng tại khoa tai mũi họng

2. Bác sĩ tai mũi họng chẩn đoán và điều trị gì?

Khoa tai mũi họng (Ear, nose and throat) chuyên khám và điều trị các tình trạng cấp tính, mạn tính hoặc cần phẫu thuật liên quan đến tai, mũi, họng và vùng liên quan.

a. Bệnh về tai

– Bệnh tai ngoài: viêm tai ngoài, apxe tai ngoài, viêm màng bao sụn, nút ráy tai, hẹp ống tai ngoài…; 

– Bệnh tai giữa và xương chũm: viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa mạn, bệnh vòi Eustache, viêm xương chũm cấp, viêm xương chũm mạn, thủng màng nhĩ, viêm màng nhĩ cấp, viêm màng nhĩ mạn, xơ nhĩ, polyp tai giữa…;

– Bệnh tai trong: xốp xơ tai, xốp xơ ốc tai, rối loạn chức năng tiền đình, bệnh Meniere, viêm mê nhĩ, ảnh hưởng tiếng ồn lên tai trong…; 

– Bệnh khác của tai: nghe kém, điếc, điếc đột ngột, điếc tuổi già, lão thính, đau tai, chảy dịch tai, chảy máu tai, ù tai, thính giác bất thường.

b. Bệnh mũi xoang

– Viêm mũi vận mạch, viêm mũi dị ứng, viêm mũi dị ứng theo mùa, viêm mũi dị ứng phấn hoa, viêm mũi mạn tính, nghẹt tắc mũi mạn tính…;

– Viêm xoang mạn tính, viêm xoang hàm mạn tính, viêm xoang trán mạn tính, viêm xoang sàng mạn tính, viêm xoang bướm mạn tính, viêm đa xoang lâu ngày khó khỏi, đau đầu mạn tính do mũi xoang…;

– Polyp mũi xoang, nấm mũi xoang, apxe mũi, nhọt và nhọt tiền đình mũi…

c. Bệnh họng thanh quản

– Viêm amidan cấp, viêm amidan mạn, amidan quá phát, phì đại amidan, apxe quanh amidan, viêm VA, phì đại VA, các biến chứng của viêm VA…;

– Viêm thanh quản mạn tính, bệnh lý của dây thanh âm và thanh quản, polyp, phù thanh quản…;

– Viêm mũi họng, viêm họng mạn tính, apxe họng…

3. Khi nào cần đi khám bác sĩ tai mũi họng

Tai mũi họng có cấu trúc thông với nhau, do đó khi một cơ quan bị viêm nhiễm rất dễ dẫn đến viêm nhiễm ở vị trí khác. Hơn nữa, bệnh lý tai mũi họng nếu không được điều trị có thể gây ảnh hưởng đến não, màng não, các dây thần kinh và mạch máu. Việc khám tai mũi họng rất quan trọng để chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh lý tai mũi họng thông thường. Bên cạnh đó, giúp tầm soát và phát hiện sớm ung thư vòm họng, ung thư lưỡi…

Bạn nên đi khám tai mũi họng nếu có một trong những triệu chứng dưới đây:

– Thường xuyên hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi hoặc đau nhức vùng quanh mũi

– Ngứa, đau tai, mũi hoặc cổ họng

– Nhiễm trùng tái phát (vd: nhiễm trùng xoang, nhiễm trùng tai, viêm họng)

– Sốt cao kèm theo đau rát họng 

– Thường bị chóng mặt 

– Ù tai 

– Nghe kém

– Mất thính giác

– Chảy mủ tai

– Chảy máu mũi

– Khàn giọng hoặc thở khò khè

– Nuốt vuống

– Vấn đề về ngửi mùi, giảm ngửi

– Các tình trạng ảnh hưởng đến giấc ngủ, ví dụ ngáy và ngưng thở khi ngủ

– Xuất hiện cục u ở bên mặt hoặc cổ

4.Các xét nghiệm khi khám tai mũi họng

 
Nội soi tai mũi họng

Sau khi hỏi thăm triệu chứng cơ năng, kiểm tra mặt, tai, mũi, họng và cổ, tùy vào tình trạng của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như:

– Xét nghiệm máu

– Phết dịch mũi, họng

– Nội soi tai, mũi, họng

– Kiểm tra thính lực: đo thính lực đơn âm, đo nhĩ lượng, đo phản xạ cơ bàn đạp…

– X-quang

– Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)

– Chụp cộng hưởng từ (MRI)…

Tại Việt Nam, bệnh lý tai mũi họng rất phổ biến. Trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh tai mũi họng, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa. Để tránh bệnh lý tai mũi họng ở cả người lớn và trẻ em, cần uống nhiều nước, vệ sinh đúng cách, giữ ấm tai, cổ và đầu, đặc biệt là mùa lạnh. Bên cạnh đó, khi có triệu chứng của bệnh tai mũi họng không nên chủ quan, mà hãy đi khám sớm để được điều trị và chẩn đoán kịp thời.